Giai đoạn mua sắm mùa lễ hội được xem là khoảng thời gian cao điểm nhất trong năm, khi các nhãn hàng liên tục ra mắt các sự kiện, chương trình bắt đầu từ tháng 10 đến Tết dương lịch, Tết nguyên đán và Valentine (2025).


Theo dự báo của EMARKETER, tổng chi tiêu cho mùa lễ hội tại Mỹ năm nay sẽ đạt mức ấn tượng với 1,353 tỷ USD. NRF cũng cho thấy doanh số bán hàng trong mùa lễ liên tục tăng trưởng ấn tượng kể từ đại dịch, từ 782 tỷ USD vào năm 2020 lên 957 tỷ USD vào năm 2023, cho thấy sức mua mạnh mẽ của người tiêu dùng.


Nhằm góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm khách hàng, ROKT - một công ty toàn cầu về các giải pháp phần mềm và công nghệ thương mại điện tử đã thực hiện báo cáo “The Hottest Holiday Season Ever”, mang đến cái nhìn sâu sắc về 5 xu hướng tiêu dùng nổi bật nhất trong mùa lễ hội 2024, dựa trên những thay đổi quan trọng của thị trường. Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!


1. Hình thức “Mua trước - Trả sau” và thanh toán trực tuyến ngày càng được ưu tiên


Song song với sự phát triển của thương mại điện tử, các phương thức thanh toán cũng không ngừng đổi mới. Trong mùa lễ hội năm nay, sự phổ biến của các dịch vụ “Mua trước - Trả sau” (BNPL) và các loại tiền tệ thay thế đã tạo nên một làn sóng mới, đáp ứng nhu cầu mua sắm linh hoạt và tiện lợi của người tiêu dùng hiện đại.


Theo báo cáo của Research and Markets, tổng thanh toán BNPL dự kiến đạt 1.123 triệu USD vào cuối năm 2022 và có tốc độ tăng 126,4% hằng năm. Hiện nay, 4/5 người tiêu dùng ở Mỹ sử dụng hình thức BNPL để mua sắm tất cả mặt hàng, từ quần áo đến đồ gia dụng. Cũng theo báo cáo này, xu hướng “Mua trước - Trả sau” tại Việt Nam cũng đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ, với dự kiến tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 45,2% trong giai đoạn 2022-2028. Ngoài ra, tổng giá trị hàng hóa BNPL trong nước sẽ tăng từ 496,4 triệu USD vào năm 2021 lên mức ấn tượng 10,528 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 45,2% trong giai đoạn 2022-2028.


Người dùng có thể vay đến 10 triệu đồng để mua hàng trên ứng dụng Shopee với hình thức SPayLater "Mua trước - Trả sau" 


Mặt khác, các phương thức thanh toán thay thế như ví kỹ thuật số như Apple Pay, các hệ thống thanh toán trực tuyến như PayPal, đến các tùy chọn mua ngay trả sau như Klarna, AfterPay,.. cũng góp phần giúp quá trình thanh toán của người tiêu dùng diễn ra liền mạch. 


Ngày nay, trải nghiệm mua sắm của khách hàng đóng vai trò quyết định đến thành công của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Việc cung cấp đa dạng các phương thức thanh toán không chỉ giúp khách hàng thuận tiện hơn mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp và hiện đại của doanh nghiệp. Đặc biệt trong mùa lễ, khi nhu cầu mua sắm tăng cao, việc tối ưu hóa trang thanh toán sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân khách hàng hiệu quả.


Chỉ cần một chạm, người dùng có thể sử dụng Apple Pay để thực hiện thanh toán với việc xác thực qua Face ID, Touch ID (vân tay) hoặc mã PIN một cách dễ dàng


2. Tận dụng AI “lắng nghe” nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng


Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi của thương mại điện tử. Nhờ các công nghệ như học máy và phân tích dữ liệu, AI đã giúp doanh nghiệp hiểu sâu hơn về hành vi của khách hàng và cung cấp những trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa cao. Hệ thống đề xuất sản phẩm thông minh, được hỗ trợ bởi AI, là một ví dụ điển hình cho thấy sức mạnh của công nghệ này trong việc định hình hành vi tiêu dùng.


Bằng cách phân tích sâu sắc các tập dữ liệu khổng lồ về sở thích, lịch sử duyệt web và hành vi mua sắm của người dùng, các thuật toán nâng cao đã tạo ra những trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa cao. Điều này không chỉ giúp tăng khả năng chuyển đổi đơn hàng mà còn tạo ra sự hài lòng lớn hơn cho khách hàng, khi họ nhận được những gợi ý sản phẩm phù hợp và hấp dẫn. 


Ngoài ra, chatbots và trợ lý ảo, được hỗ trợ bởi AI, ngày càng được tích hợp vào các nền tảng thương mại điện tử để cung cấp hỗ trợ khách hàng theo thời gian thực, trả lời các câu hỏi và hướng dẫn người dùng trong quy trình mua hàng. 


Để nâng cao trải nghiệm người dùng, Knorr đã phát triển một trợ lý ảo thông minh, sẵn sàng hỗ trợ người dùng trong việc tìm kiếm công thức nấu ăn, tư vấn dinh dưỡng,...


Trước đây, các công cụ tự động hóa chủ yếu tập trung vào việc tối ưu hóa việc phân phối quảng cáo. Tuy nhiên, việc phân khúc khách hàng vẫn còn nhiều hạn chế. Với sự ra đời của AI, các nhà tiếp thị có thể tự động hóa toàn bộ quy trình, từ việc phân tích dữ liệu khách hàng để tạo ra các phân khúc chi tiết, cho đến việc cá nhân hóa nội dung quảng cáo một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này giúp các nhà tiếp thị có thể tiếp cận khách hàng một cách chính xác hơn ở mọi giai đoạn trong hành trình mua hàng, đặc biệt là trong mùa lễ hội sắp tới. 


3. Sự xuất hiện của “Black Fall”: Xu hướng kéo dài mùa giảm giá Black Friday


Để cạnh tranh và thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ ngày càng có xu hướng kéo dài thời gian khuyến mãi Black Friday. Thay vì chỉ giới hạn trong một ngày duy nhất, các chương trình giảm giá giờ đây thường được kéo dài trong nhiều tuần. Năm ngoái, mặc dù Black Friday diễn ra vào ngày 24/11, Amazon Best Buy đã bắt đầu đợt giảm giá Black Friday sớm cả tuần vào ngày 17/11. Target cũng bắt đầu đưa ra các chương trình giảm giá theo mùa vào ngày 19/11. Lowe's bắt đầu đợt giảm giá vào dịp lễ vào ngày 26/10. 


Thay vì tập trung vào ngày Black Friday, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu các chương trình khuyến mãi sớm hơn, thậm chí kéo dài trong vài tháng. Điều này cho phép họ thu hút khách hàng sớm hơn, tăng cơ hội bán hàng và tối đa hóa lợi nhuận trong mùa mua sắm cuối năm. Song song đó, nhiều người tiêu dùng chủ động lên kế hoạch mua sắm sớm để tận hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn. 


Năm ngoái, mặc dù ngày Black Friday chính thức là 24/11, không khí mua sắm đã được khởi động từ ngày 17/11 khi nhiều cửa hàng bắt đầu chương trình giảm giá sớm


Trong những năm gần đây, Black Friday đã trở thành một hiện tượng mua sắm quen thuộc tại Việt Nam. Tuy nhiên, khác với truyền thống ở Mỹ, ngày hội giảm giá này không cố định vào cuối tháng 11 mà thường kéo dài từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, thậm chí có thể diễn ra sớm hơn tùy theo chiến lược của từng nhà bán lẻ. Sự linh hoạt này giúp người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để săn tìm những ưu đãi hấp dẫn.


4. Tái cân bằng giữa mua sắm trực tuyến và cửa hàng truyền thống


Khác với trước đây, khi khách hàng chủ yếu mua sắm tại các cửa hàng truyền thống, ngày nay, hành vi mua sắm của họ đã trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Từ TikTok, mạng xã hội đến các cửa hàng tạm thời, khách hàng có thể mua sắm ở bất cứ đâu. Điều này tạo ra một môi trường thương mại phân tán, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng. Bằng cách hợp nhất tất cả các tương tác của khách hàng, dữ liệu này giúp các doanh nghiệp tạo ra những trải nghiệm liền mạch và cá nhân hóa, từ đó tăng cường sự gắn kết với khách hàng và đạt được lợi thế cạnh tranh.


Hơn hết, nhờ dữ liệu giao dịch, các doanh nghiệp thương mại điện tử có thể xây dựng một bức tranh chi tiết về hành vi mua sắm của khách hàng, từ đó phát hiện ra những mối quan hệ phức tạp giữa các sản phẩm và sở thích cá nhân. Điều này giúp các doanh nghiệp không chỉ giới hạn việc đề xuất các sản phẩm tương tự mà còn có thể đưa ra những gợi ý bất ngờ, phù hợp với sở thích độc đáo của từng khách hàng. 


Từ việc chỉ tập trung vào các cửa hàng truyền thống, hành vi mua sắm của người tiêu dùng hiện đại đã mở rộng ra nhiều kênh khác, đặc biệt là mua sắm trực tuyến


Trong những thời điểm quyết định mua hàng, đặc biệt là trong mùa lễ hội, mức độ liên quan của quảng cáo đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nhờ công nghệ kết nối dữ liệu mua hàng theo thời gian thực, các quảng cáo không chỉ hiển thị đúng sản phẩm mà còn đi kèm với những ưu đãi hấp dẫn, cá nhân hóa cho từng khách hàng. Với tỷ lệ tương tác lên đến 5-7%, điều này có thể mang đến những trải nghiệm mua sắm trực tuyến ấn tượng và hiệu quả hơn trong năm nay.


5. Gia tăng trải nghiệm mua sắm ý nghĩa từ các hoạt động xã hội


Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các vấn đề xã hội và mong muốn các thương hiệu họ ủng hộ cũng chia sẻ những giá trị đó. Hình thức “cho đi” này không chỉ là một cách để thể hiện sự trân trọng với khách hàng mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội này để xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực bằng cách hợp tác với các tổ chức từ thiện, quyên góp hoặc tài trợ cho các dự án cộng đồng.


Không chỉ giới hạn trong các kênh quảng cáo truyền thống, các tổ chức từ thiện và tổ chức xã hội đang tìm kiếm những cách thức mới để tiếp cận cộng đồng. Hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt trong những thời điểm cao điểm như mùa lễ hội, là một chiến lược thông minh. Bằng cách kết nối với những khách hàng đang có tâm lý hào phóng và sẵn sàng chia sẻ, các tổ chức này có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng và huy động được nhiều nguồn lực hơn.


Từ năm 2021 đến nay, Pepsi, Bamboo Airways và Trung ương Đoàn đã thực hiện dự án "Mang Tết về nhà", nhằm hỗ trợ vé máy bay và vé ô-tô khứ hồi sẽ dành tặng cho các sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết


Việc kết hợp các hoạt động từ thiện vào trải nghiệm mua sắm trực tuyến đã tạo ra một hình thức tiêu dùng mới, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, vừa mang lại ý nghĩa xã hội. Khách hàng có thể vừa mua sắm những món quà ý nghĩa cho người thân, vừa đóng góp cho những mục đích cao cả. Điều này không chỉ giúp khách hàng cảm thấy hài lòng mà còn tạo nên một cộng đồng những người tiêu dùng có trách nhiệm.


Như Quỳnh


Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.