Cùng với CV, Content Portfolio (hồ sơ năng lực) chính là chìa khoá để các Copywriter, Content Writer,… chinh phục nhà tuyển dụng ở vòng đầu tiên. Tuy nhiên, đừng biến portfolio trở thành một đám mây lưu trữ tất cả những gì bản thân đã viết. Thay vào đó, hãy xây dựng nó một cách có chiến lược và hiệu quả.


Các nhà tuyển dụng tìm kiếm gì khi nhìn vào một Content Portfolio?


Ở mỗi đợt tuyển dụng, các HR có thể nhận hàng chục đến hàng trăm lượt ứng tuyển. Để sàng lọc số lượng lớn như vậy, họ không có nhiều thời gian cho mỗi hồ sơ. Vậy, họ tìm kiếm điều gì trong ít phút ngắn ngủi đó? Câu trả lời là họ muốn xem liệu ứng viên có phù hợp với công việc hay không.


Content Portfolio đóng vai trò quyết định đối với vòng ứng tuyển đầu tiên của một người làm nội dung (Ảnh: Canva)


Vì vậy, thay vì nhấn mạnh vào các chi tiết như màu sắc thiết kế, hãy tối ưu hóa Portfolio để trả lời nhà tuyển dụng các câu hỏi sau:


  • Ứng viên có kiến thức chuyên môn phù hợp với vị trí tuyển dụng không?
  • Ứng viên có kỹ năng viết mà công ty đang tìm kiếm không?
  • Trước đây, ứng viên này đã từng làm những công việc tương tự chưa?
  • Liệu ứng viên này có đáng tin cậy không (ví dụ thông qua thư giới thiệu hoặc lời nhận xét của tổ chức/cá nhân, ứng viên được đánh giá là người tuân thủ thời hạn, luôn mang lại kết quả tốt trong công việc,...)


Các ứng viên hãy đảm bảo nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi này thông qua việc sắp xếp, phân chia các thông tin hợp lý.


Chiến thuật khi xây dựng Content Portfolio


1. Xây dựng portfolio trên nền tảng dễ sử dụng


Đối với Content Portfolio, trang web là lựa chọn thích hợp để phân chia các danh mục và trình bày dự án từng thực hiện với dung lượng và định dạng khác nhau mà không bị giới hạn về mặt không gian. Nhân sự có thể sử dụng các nền tảng như Squarespace hoặc Wix vì cả hai đều cung cấp trình chỉnh sửa trực quan, đơn giản và các mẫu trang web được tạo sẵn. WordPress cũng là một lựa chọn tuyệt vời cung cấp nhiều tính năng nổi bật.


Wix.com được nhiều cá nhân yêu thích sử dụng khi giúp xây dựng trang web một cách dễ dàng


Ngoài ra, ứng viên có thể sử dụng trình tạo portfolio của Canva để trình bày thông tin dưới dạng các slide. Trang web này cung cấp nhiều mẫu thiết kế đẹp và ấn tượng kèm theo các gợi ý cụ thể về cách chia danh mục, cũng như nội dung cần có cho mỗi phần. Ngoài ra, người dùng cũng có thể dùng nhiều nền tảng khác để xây dựng bộ hồ sơ năng lực của mình. Điều quan trọng nhất là việc thực hiện mọi thao tác cần đủ đơn giản để các ứng viên có thể dễ dàng điều chỉnh, cập nhật portfolio của mình trong quá trình làm việc.


Canva cung cấp nhiều template với đa dạng phong cách giúp người dùng dễ dàng xây dựng portfolio ấn tượng


2. Xác định đối tượng mục tiêu và định vị phân khúc thị trường


Trước khi thêm bất kỳ nội dung nào vào hồ sơ năng lực, ứng viên hãy trả lời hai câu hỏi Who? - khách hàng của mình là ai và Where? - phân khúc thị trường của mình nằm ở đâu. 


Một sai lầm phổ biến mà nhiều ứng viên mắc phải là cố gắng nhắm tới quá nhiều đối tượng mục tiêu và mong muốn trở thành một nhân viên “đa-zi-năng” có thể “múa bút” ở bất cứ ngành hàng nào. Tuy nhiên, điều này không giúp hồ sơ của họ trở nên tiềm năng hơn.


Các nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm người có kỹ năng chuyên môn sâu cho ngành và vị trí công việc của họ. Việc ứng viên thể hiện rằng mình có khả năng phục vụ quá nhiều ngách có thể vô tình làm giảm mức độ tin tưởng của nhà tuyển dụng vào năng lực chuyên môn của họ. 


Ở bước này, ứng viên hãy xác định rõ ràng:

  • Loại bài viết có thể cung cấp (viết blog, viết bán hàng, viết trên mạng xã hội, v.v.)
  • Ngành hàng mục tiêu (thương mại điện tử, B2B, doanh nghiệp địa phương, người viết blog, v.v.)
  • Quy mô công ty dự định làm việc (các công ty khởi nghiệp, tập đoàn doanh nghiệp, v.v.)


3. Lựa chọn các bài viết thể hiện tốt nhất năng lực của bản thân


Một sai lầm mà nhiều Copywriter, Content Writer mắc phải là đưa tất cả sản phẩm bản thân đã thực hiện trong thời gian làm nghề vào portfolio. Thế nhưng đây không phải là một lựa chọn đúng đắn bởi vì:


  • Các bài viết hay nhất có thể bị bỏ lỡ: Như đã đề cập từ ban đầu, các nhà tuyển dụng có rất ít thời gian để đọc portfolio. Vì thế, họ hoàn toàn có thể bỏ qua những bài viết thể hiện được năng lực của ứng viên một cách tốt nhất.
  • Giảm mức độ thuyết phục về kiến ​​thức chuyên môn khi có quá nhiều ngành được đưa vào: Khi tìm kiếm người phù hợp cho vị trí tuyển dụng, các doanh nghiệp muốn thấy ứng viên có chuyên môn sâu sắc trong lĩnh vực của họ, vì vậy ứng viên hãy chỉ đưa vào các bài viết thuộc lĩnh vực của doanh nghiệp.


Nhìn chung, ứng viên chỉ nên chọn các sản phẩm tốt nhất mà bản thân thực hiện để đưa vào portfolio nhằm gia tăng mức độ uy tín, đồng thời chứng minh được năng lực của mình. 


4. Tăng mức độ tin cậy bằng cách lồng ghép kết quả công việc cụ thể


Những con số luôn là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy hiệu quả mà nội dung mang lại. Do đó, ứng viên hãy thêm vào những số liệu chứng minh kết quả đạt được để củng cố mức độ uy tín và gia tăng sức thuyết phục cho năng lực làm việc của bản thân.


Elise Dopson, một freelance writer, đã đính kèm hình ảnh cho thấy nội dung của cô đã giúp cho nhãn hàng tăng lưu lượng truy cập cũng như thứ hạng từ khoá


Kết quả không chỉ nằm ở những con số mà còn nằm ở những đánh giá, nhận xét của các khách hàng, đồng nghiệp trong quá trình làm việc chung. Việc thêm lời chứng thực của đồng nghiệp vào portfolio có thể giúp ứng viên tăng độ tin cậy cho hồ sơ. Tuy nhiên, hãy lấy lời chứng thực từ những thương hiệu/cá nhân có uy tín trong ngành. 


5. Hệ thống lại các nội dung trong portfolio và tạo trang chủ ấn tượng


Khi đã tổng hợp các bài viết phù hợp cũng như các thông tin cần thiết, điều tiếp theo các ứng viên cần làm là hệ thống lại các danh mục một cách rõ ràng, dễ hiểu. Dưới đây là một gợi ý cho ứng viên cách sắp xếp các nội dung trong portfolio của mình:


  • Bìa/Trang chủ: Bao gồm tên, vị trí chuyên môn, hình ảnh ứng viên
  • Giới thiệu bản thân: Bao gồm học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng nổi bật, tóm tắt định hướng phát triển
  • Sản phẩm, dự án đã thực hiện: Phân chia thành các mục nhỏ dựa theo kỹ năng viết, dạng bài hoặc theo lĩnh vực
  • Lời chứng thực: Các nhận xét, đánh giá đến từ khách hàng/đồng nghiệp đã từng làm việc chung
  • Cách thức liên hệ: Bao gồm mail, số điện thoại và đường dẫn đến các trang mạng xã hội ứng viên sử dụng cho công việc


Trang chủ/bìa portfolio sẽ là điểm tiếp xúc đầu tiên giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. “Xin chào, tôi là A. Tôi đang làm việc ở vị trí Copywriter” sẽ không phải là lựa chọn duy nhất để các ứng viên có thể thực hiện. Một dòng tiêu đề hấp dẫn nêu rõ giá trị ứng viên cung cấp và cách đạt được giá trị đó sẽ là lời chào ấn tượng nhất.


Thông điệp ngắn gọn và đi thẳng vào trọng tâm ở trang chủ giúp các nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá mức độ phù hợp với ứng viên


Chưa có nhiều kinh nghiệm, newbie nên đưa những thông tin nào vào portfolio?


Tìm kiếm “văn mẫu”


Tham khảo portfolio của các “tiền bối” đi trước là một cách để các newbie xây dựng Content Portfolio. Hiện tại, có rất nhiều Copywriter, Content Writer công khai portfolio của họ trên mạng xã hội. Newbie có thể dễ dàng tìm kiếm, truy cập để phân tích cách thức họ trình bày các sản phẩm của mình: 


  • Hồ sơ của họ bao gồm những danh mục nào? 
  • Họ phân chia các sản phẩm đã thực hiện như thế nào? 
  • Điều gì giúp hồ sơ của họ trở nên ấn tượng?


Portfolio của những người có kinh nghiệm trong ngành là nguồn tài liệu tham khảo tuyệt vời cho các newbie


Sử dụng sản phẩm trong thời gian đi học


Việc sử dụng các bài làm đã thực hiện trên trường học là lựa chọn hoàn hảo cho các newbie với kinh nghiệm còn ít ỏi. Dù chỉ nằm trong khuôn khổ môn học nhưng cũng có không ít bài tập đòi hỏi tính “thực chiến” cao và giúp ứng viên thể hiện được kỹ năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, hãy chắt lọc những sản phẩm có liên quan đến vị trí ứng tuyển hoặc thể hiện được các kỹ năng mà ứng viên muốn cho nhà tuyển dụng thấy. Lựa chọn này còn có thêm một điểm cộng lớn đó là nó đi kèm với nhận xét của thầy cô giáo - những lời chứng thực vô cùng uy tín!


Ngoài ra, các ứng viên cũng có thể đưa vào các chương trình, hoạt động khi tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm hoặc các dự án cá nhân như blog cá nhân, các kênh mạng xã hội,... với các nội dung nổi bật. 


Tạo “mockup”


Đừng nghĩ chỉ những người học thiết kế và sản xuất mới có thể tạo các “mockup” để người xem tham khảo. Content Portfolio là nơi để nhà tuyển dụng nhìn nhận được khả năng viết lách của ứng viên, một nội dung mẫu từ những tình huống giả định, những đề tài tự đặt ra hoàn toàn có thể thể hiện được điều đó. 


Ví dụ, chúng ta có thể tìm bài viết PR của một nhãn hàng và chắt lọc các thông tin họ muốn truyền tải. Sau đó, hãy viết lại bài theo một cách tiếp cận mới. Đó vừa là một cách để luyện tập khả năng viết, giúp ứng viên cập nhật thông tin về ngành hàng mục tiêu, đồng thời lại là bằng chứng cho nhà tuyển dụng thấy năng lực phát triển nội dung của ứng viên trong lĩnh vực liên quan.


Theo Copyblogger