“Chọn người phù hợp chứ không chọn người tốt nhất” là “kim chỉ nam” của nhiều thương hiệu khi lựa chọn Influencer hợp tác trong chiến dịch Marketing. Nhưng, tiêu chí nào để thương hiệu “chọn mặt gửi vàng” khi ngày càng có nhiều Influencer sáng giá xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội? Từ bài viết của Later - nền tảng visual marketing hiện đang có hơn 7 triệu người dùng trên toàn cầu và là đối tác của Instagram, TikTok, Pinterest, hãy cùng khám phá ngay 6 điều mà thương hiệu cần nắm rõ để làm việc với Influencer hiệu quả. 


Influencer góp phần tạo nên thành công của một chiến dịch Marketing


Influencer Marketing vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ khi số lượng người dùng các trang mạng xã hội ngày một tăng. Tuy nhiên, các thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn khi sử dụng chiến lược này. Kết quả các cuộc khảo sát được tiến hành vào năm 2021 và 2023 của Linqia đã chỉ rõ ra rằng: Khi triển khai các hoạt động Influencer Marketing, thách thức hàng đầu của các thương hiệu là “xác định ROI” (viết tắt của Return on Investment – chỉ số dùng để đo lường tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư ban đầu) theo sau là “lựa chọn gương mặt Influencer phù hợp”.


Theo báo cáo của Cube Asia vào tháng 9/2023, Influencer Marketing là động lực bán hàng quan trọng của các nền tảng Thương mại Điện tử ở Đông Nam Á. Nếu Thương mại Điện tử có tổng doanh thu là 122 tỷ USD, trong đó có đến 19 - 24 tỷ USD đến từ chiến lược hợp tác với Influencer để ảnh hưởng và thôi thúc người dùng đưa ra quyết định mua hàng. Đặc biệt, hình thức Affiliate Marketing có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng và đóng góp khoảng 11 tỷ USD cho Net Merchandise Value (Tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công) vào năm 2023. 


Theo khảo sát người tiêu dùng tại Đông Nam Á, xấp xỉ 1/3 lượt xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội đến từ tài khoản của Influencer và Celebrity 


Trước câu hỏi “Trên các nền tảng mạng xã hội yêu thích, nguồn nội dung mà người dùng tiêu thụ đến từ đâu?”, câu trả lời từ 2300 đáp viên đến từ nhiều quốc gia đã cho thấy vị trí quan trọng của Influencer và người nổi tiếng. Nội dung được tạo ra từ Influencer và Celebrity được tiêu thụ nhiều nhất ở các nền tảng TikTok, YouTube và X (Twitter) với kết quả lần lượt là 31%, 39% và 35%. Trên Instagram và đặc biệt là Facebook, những người được khảo sát cho biết họ ưu tiên những nội dung từ phía gia đình và bạn bè hơn. Tuy vậy, Influencer và người nổi tiếng cũng có ảnh hưởng nhất định với chỉ số lần lượt là 29% và 20%. Theo đó, ⅓ tổng số lượt duyệt trên các trang mạng xã hội đều đến từ các tài khoản Influencer và Celebrity. 


Tiếp cận nội dung từ Influencer và người nổi tiếng với tần suất thường xuyên khiến người dùng có niềm tin mạnh mẽ vào gợi ý mua sắm của những người ảnh hưởng yêu thích. Hơn 90% người mua hàng trực tuyến ở Đông Nam Á đều có theo dõi những Influencer yêu thích và có tới hơn 80% đã từng mua sản phẩm được Influencer giới thiệu. Tính chân thực và uy tín của Influencer được xem là yếu tố quan trọng tác động đến quyết định mua hàng cuối cùng của người dùng. 


Tính chân thực và uy tín của Influencer được xem là yếu tố quan trọng tác động đến quyết định mua hàng cuối cùng của người dùng


Influencer Marketing Hub - một nền tảng chuyên cung cấp báo cáo chất lượng cho các thương hiệu qua khảo sát 3500 đáp viên là chủ doanh nghiệp, marketers đến từ nhiều ngành nghề khác nhau đã chỉ ra trong bài viết mới nhất vào ngày 30/10: 83% số người tham gia khảo sát tin rằng Influencer Marketing là một hình thức tiếp thị hiệu quả và có tới 82% số người được hỏi cho biết sẽ dành ngân sách cho hoạt động Influencer Marketing vào năm 2023. Ngày càng nhiều thương hiệu tận dụng tối đa tiềm năng của xu hướng này với 97% thừa nhận đang sử dụng hình ảnh của Influencer để tối ưu hiệu quả chiến dịch Marketing. 


Có thể thấy, Influencer Marketing không chỉ là một hoạt động quảng cáo đơn lẻ mà đã trở thành yếu tố quyết định thành công của IMC Plan, thậm chí có khả năng ảnh hưởng dài hạn đến một thương hiệu. Bởi đóng góp lớn và mức độ quan trọng cao của Influencer Marketing, các thương hiệu cũng không ngần ngại tăng ngân sách cho hoạt động này. Tuy nhiên, khi “chi” nhiều hơn thương hiệu cũng đòi hỏi “thu” về được nhiều hơn, áp lực đo lường hiệu suất cũng sẽ nặng nề hơn trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Vì thế, việc đánh giá và lựa chọn Influencer phù hợp để hợp tác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vậy đâu là những nội dung mà thương hiệu cần cân nhắc kỹ càng khi quyết định hợp tác với Influencer? 


6 điều quan trọng thương hiệu cần cân nhắc khi lựa chọn hợp tác với Influencer


1. Tệp followers của Influencer đó là ai?


So với việc chọn Influencer có lượng follower cao, thương hiệu cần chú trọng đến đặc điểm của tệp follower đó nhiều hơn. Cụ thể, thương hiệu cần xem xét những đặc điểm chính về nhân khẩu học, hành vi mua sắm của tệp người theo dõi và đặt câu hỏi rằng: 

  • Khả năng họ tương tác và đóng góp cho sự phát triển của thương hiệu như thế nào? 
  • Influencer có thể biến những người theo dõi của mình thành khách hàng của thương hiệu không? 


Nếu các follower của Influencer không phải tệp khách hàng mục tiêu thương hiệu đang muốn chinh phục, mọi nỗ lực marketing sẽ trở nên vô nghĩa. 


Thương hiệu tã Molfix lựa chọn nghệ sĩ Hồ Ngọc Hà - bà mẹ có kinh nghiệm nuôi dạy cặp song sinh làm Đại sứ Thương hiệu


2. Brand và Influencers có mối liên hệ như thế nào?


Một số yếu tố giúp các thương hiệu đánh giá mức độ phù hợp với Influencer có thể kể đến như:


  • Personal image – Hình ảnh cá nhân: Đó là quan điểm sống, phát ngôn, phong cách,… 
  • Demographic – Thông tin về nhân khẩu học: Đơn cử như giới tính, tuổi tác, tình trạng hôn nhân, lĩnh vực hoạt động,…
  • Type of post/topic – Nội dung bài viết trên trang cá nhân: Influencer có văn phong như thế nào, vui vẻ, hài hước, chuyên môn cao, độc đáo hay mang tính đại chúng,...
  • Fans/followers – Đối tượng theo dõi Influencer: Họ là ai, các thông tin về nhân khẩu học (tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp…) và mối quan tâm, hành vi mua sắm của họ là gì? 


Với thông điệp “GenZ máu lửa ngại gì máu me”, Kotex lựa chọn tlinh - cô nàng rapper năng động, phá cách làm gương mặt đại diện


3. Quy trình làm việc của Influencer 


Mỗi Influencer sẽ có cách làm việc khác nhau và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đầu ra. Nhiều Influencer thích tham gia vào việc lên ý tưởng cho chiến dịch, trong khi những người khác lại muốn sáng tạo độc lập và làm theo phong cách của riêng mình. Vì vậy, thương hiệu cần tìm hiểu kỹ để lựa chọn được Influencer phù hợp từ hình ảnh đến quy trình làm việc. Điều này sẽ là căn cứ để thương hiệu biết chiến dịch sẽ diễn ra như thế nào, timeline (thời gian thực hiện) có cần phải kéo dài hay không và cách làm việc được thống nhất ra sao. 


4. Engagement Rate của Influencer được đo lường thế nào?


Các chỉ số tương tác (Engagement Rate) sẽ được tính toán khác nhau tùy thuộc vào mỗi nền tảng. Nhìn chung, tỷ lệ tương tác được tính bằng số like, comment, share. Có rất nhiều cách khác nhau để thương hiệu đo lường chính xác hiệu quả trong việc hợp tác với Influencer. Vì thế, thương hiệu cần xác định thật rõ mục tiêu trong chiến dịch Marketing sắp tới để lựa chọn Influencer phù hợp và có phương thức đúng để đánh giá hiệu suất công việc. 


Nếu chiến dịch tập trung hơn vào mục tiêu tăng mức độ nhận diện thương hiệu, thương hiệu có thể cân nhắc hợp tác với những Influencer phủ sóng rộng, nhiều người theo dõi và tỷ lệ tương tác cao. Tuy nhiên, nếu muốn tăng số lượt nhấp chuột hoặc cuộc trò chuyện với khách hàng, thương hiệu có thể cân nhắc hợp tác với Nano hoặc Micro Influencer bởi họ sẽ có tỷ lệ tương tác cao hơn.


 Để quảng bá cho sản phẩm kem chống nắng, Anessa đã sử dụng Influencer nổi tiếng trong mảng làm đẹp, mỹ phẩm Lê Hà Trúc


5. Influencers đó đang phát triển trên nền tảng nào?


Một Influencer có lượng người theo dõi đông đảo trên nhiều nền tảng mạng xã hội có thể giúp thương hiệu gia tăng mức độ hiệu quả của chiến dịch. Tuy vậy, mỗi Influencer sẽ hoạt động mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng chỉ trên 1-2 nền tảng. Trong đó, đông đảo Influencer có sức ảnh hưởng lớn nhất ở các nền tảng YouTube, X (Twitter) và TikTok (theo báo cáo của Cube Asia). 


Vì vậy, thương hiệu cần xác định về nền tảng muốn phủ sóng, dạng nội dung muốn tập trung là bài viết, tranh ảnh hay video…để chọn được gương mặt Influencer phù hợp. 


Trong chiến dịch “Safety4All”, Lifebuoy khai thác nội dung dạng tranh vẽ để thể hiện câu chuyện cảm động và nhắn gửi thông điệp ý nghĩa


6. Influencer có đáp ứng được yêu cầu về thời gian của Brand không?


Mỗi loại content sẽ có đặc điểm khác nhau, đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức để tạo ra thành phẩm của Influencer cũng sẽ khác biệt. Vì thế, trước khi đưa ra quyết định hợp tác, thương hiệu cần có mục tiêu rõ ràng về thời gian hoàn thiện sản phẩm cũng như thời gian của cả chiến dịch. Sau đó, thương hiệu cũng phải nắm rõ khoảng thời gian trung bình mà Influencer cần để tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu. Đây sẽ là căn cứ quan trọng cho thương hiệu để lên kế hoạch cụ thể, đảm bảo tiến độ cho chiến dịch Marketing.


Minh Anh


Tìm hiểu các thông tin mới nhất về ngành qua Newsletter!