Theo luật Sở hữu Trí tuệ Hoa Kỳ, bản quyền đối với một tác phẩm nghệ thuật sẽ hết hiệu lực sau 95 đến 120 năm kể từ ngày tác phẩm được công bố. Thế là gần một thế kỷ sau khi ra mắt màn ảnh rộng vào năm 1928, phiên bản Steamboat Willie của Chuột Mickey đã chính thức trở thành tài sản công cộng từ ngày 01/01/2024. 


Với quy định bản quyền mới, ai cũng có thể sử dụng hình ảnh này của Chuột Mickey cho bất kỳ mục đích gì, bao gồm cả thương mại. Điều này có thể dẫn đến sự ra đời của loạt sản phẩm bao gồm quần áo, đồ chơi, phim ảnh,... phái sinh. Những diễn biến không thể lường trước sắp diễn ra đã khiến công chúng và những người trong ngành bàn luận về việc làm thế nào Disney có thể bảo vệ bản quyền của các phiên bản Chuột Mickey hiện đại.


Các phiên bản Chuột Mickey (Nguồn: @getFANDOM)


Gần đây, công ty truyền thông CARMA ghi nhận hơn 6 nghìn lượt đề cập liên quan đến việc phiên bản năm 1928 của Mickey Mouse trở thành tài sản công. Trong đó, khoảng 33% thể hiện tình cảm tích cực và 7,3% tiêu cực. Những cảm xúc tích cực chủ yếu xuất phát từ việc cư dân mạng vui mừng khi thấy Chuột Mickey cuối cùng cũng được công chúng tiếp cận gần gũi hơn. Ông Charles Cheung - Tổng Giám đốc CARMA HK cho biết, đây là lần đầu tiên hình ảnh chú Chuột Mickey thực sự thuộc về người dùng.


“Tuy nhiên, ý kiến tiêu cực nổi lên khi cư dân mạng thảo luận về việc Chuột Mickey xuất hiện trong những bối cảnh ‘kỳ lạ’, đơn cử như bộ phim sát nhân ‘Mickey's Mouse Trap’ và trò chơi kinh dị ‘Infestation 88’”, ông Charles cho biết thêm. Một số người cho rằng đây là một cách thức khai thác các nhân vật đầy mới mẻ nhằm mang đến trải nghiệm thú vị cho người xem. Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng đây là một cách làm thiếu tôn trọng các nhân vật vốn là ký ức tuổi thơ của họ. 


Phiên bản chú Chuột Mickey trên phim kinh dị


Disney đã mất quyền kiểm soát nhân vật Mickey Mouse?


Theo Copyright Alliance trích dẫn, tất cả tác phẩm được tạo vào hoặc sau ngày 01/01/1978 sẽ được bảo vệ trong 70 năm sau khi tác giả qua đời. Đối với tác phẩm do nhiều tác giả cùng tạo ra, thời hạn bảo hộ là 70 năm kể từ khi người đóng góp cuối cùng qua đời. Quyền này được cấp tự động theo Đạo luật Bản Quyền năm 1976.  


Như vậy, phiên bản Steamboat Willie ra mắt vào năm 1928 lẽ ra đã hết hạn bản quyền vào năm 1984. Tuy nhiên, Disney đã dành ra nhiều năm vận động hành lang và thảo luận để gia hạn bản quyền. Theo luật của Hoa Kỳ, nếu tác phẩm là thành quả sáng tạo của một tập thể hoặc công ty, bản quyền của tác phẩm sẽ có hiệu lực 95 năm kể từ ngày xuất bản hoặc 120 năm kể từ ngày được tạo ra. Cuối cùng, phiên bản chú chuột Mickey trắng đen năm 1928 trong bộ phim hoạt hình Steamboat Willie đã được gia hạn bản quyền lên 95 năm (năm 2023). Và đến ngày 01/01/2024 vừa qua, bản quyền tác phẩm đã chính thức hết hạn.


Phiên bản Mickey Steamboat Willie đã chính thức hết hạn vào năm 2023


Thế nhưng trong suốt hơn 90 năm qua, Chuột Mickey đã trải qua nhiều sự thay đổi về ngoại hình, tính cách, và các chi tiết khác. Dù phiên bản 1928 đã hết hạn bản quyền, thế nhưng đến nay Disney vẫn đang sở hữu khoảng 120 phiên bản chuột Mickey khác nhau. Mỗi phiên bản đều mang một nét đặc trưng riêng, phù hợp với bối cảnh và thời đại mà nhân vật được ra mắt. Các phiên bản sau này của Mickey, giống như phiên bản trong bộ phim Fantasia năm 1940, vẫn thuộc sở hữu của Disney và không thể sao chép nếu như chưa có sự đồng ý từ phía công ty. 


Mở rộng bản quyền đối với các tác phẩm phái sinh


Trong trường hợp của chuột Mickey, Disney đã tạo ra nhiều tác phẩm phái sinh dựa trên tác phẩm gốc, bao gồm phiên bản 3D, 4D, truyện tranh, merchandise,... Đây là những tác phẩm nguyên bản lấy từ nhân vật chuột Mickey có bản quyền, do đó ông Joshua Chu - Giám đốc Rủi ro tại nền tảng giao dịch IP Marvion cho biết chúng phải được bảo vệ bản quyền riêng.



Vì vậy, có thể nói rằng việc phiên bản chuột Mickey năm 1928 hết hạn bản quyền không đồng nghĩa với việc Disney mất quyền kiểm soát hoàn toàn đối với nhân vật này. Disney vẫn có thể tiếp tục sử dụng và bảo vệ các phiên bản chuột Mickey từ năm 1931 trở về sau.


Tuy nhiên, trong bối cảnh phiên bản Chuột Mickey năm 1928 đã trở thành tài sản công cộng, các bộ phim và trò chơi kinh dị lấy hình ảnh chú chuột này cũng sắp được ra mắt, một câu hỏi được đặt ra là: làm cách nào Disney có thể tránh được sự nhầm lẫn của người tiêu dùng về hình ảnh các nhân vật?


Theo ông Joshua Chu, Disney có thể thực hiện các chiến lược bảo vệ nhãn hiệu, kiểm soát cấp phép,... để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Ông nói thêm: “Việc đánh giá và hiểu biết cẩn thận về tất cả các yếu tố này là điều cần thiết để bảo vệ hình ảnh các nhân vật khỏi sự nhầm lẫn của người tiêu dùng và quyền sở hữu trí tuệ của Disney.”


Kim Ngọc


Cập nhật các thông tin mới nhất về ngành qua Newsletter của Advertising Vietnam