Kể từ ngày 2/5, khoảng 11.500 nhà biên kịch Hollywood đã tiến hành đình công và biểu tình để yêu cầu mức lương tương xứng hơn với doanh thu được tạo ra trong kỷ nguyên phát trực tuyến. Được biết, đây là cuộc đình công đầu tiên nhắm vào Hollywood sau 15 năm, do mức lương trung bình của các biên kịch và nhà sản xuất đã giảm 23% trong thập kỷ qua. Các chuyên gia lo ngại rằng, cuộc đình công kéo dài sẽ gây ra thiệt hại tài chính nặng nề cho ngành quảng cáo truyền hình.


Loạt dự án phim đình đám bị tạm dừng vì cuộc đình công của giới biên kịch


Hàng trăm thành viên của Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA) đã biểu tình liên tiếp trong hai tuần qua nhằm phản đối những vấn đề “nhức nhối” trong cộng đồng người lao động như mức lương sàn thấp, việc làm bị đe dọa bởi các công cụ trí tuệ nhân tạo… Họ đang tìm kiếm mức thù lao cao hơn, việc làm ổn định, cũng như sự đền bù trong suốt quá trình tiền kỳ, sản xuất và hậu kỳ. Hiện tại, các biên kịch thường được yêu cầu sửa đổi kịch bản hoặc làm thêm phiên bản mới mà không được trả tiền. 


Những biên kịch Mỹ đình công, biểu tình nhằm phản đối việc trí tuệ nhân tạo đã cướp mất công việc của họ, mức lương sàn thấp...


Sự việc này ngay lập tức đã gây thiệt hại đối với Hollywood, khi nhiều hãng phim và nhà đài không thể tiếp tục sản xuất do thiếu kịch bản đầu vào. Một số bộ phim và chương trình nổi tiếng bị tạm ngưng hoặc buộc phải đẩy nhanh việc kết thúc sản xuất vì tình trạng bất ổn lao động. Chẳng hạn như mùa 5 và mùa cuối cùng của series nổi tiếng từ Netflix - “Stranger Things”, loạt phim truyền hình “Severance” của AppleTV+, bộ phim kinh dị về ma cà rồng “Blade” của Marvel, “Evil” của Paramount…


Bên cạnh đó, chương trình phát trực tuyến “Hacks” của Warner Bros hay hàng loạt TV Show chuyện đêm muộn của Mỹ như “Jimmy Kimmel Live!” trên ABC hay các chương trình “Tonight Show Starring Jimmy Fallon”“Late Night With Seth Meyers” trên NBC… cũng chịu ảnh hưởng tương tự.


Đây không phải lần đầu giới biên kịch tiến hành đình công, biểu tình để đòi quyền lợi. Vào năm 1988, các thành viên của Hiệp hội Biên kịch Mỹ đã đình công trong 153 ngày do không đồng ý với Liên minh Nhà làm phim và Truyền hình (AMPTP) về việc thanh toán tiền dư, quyền sáng tạo và cắt giảm chi phí sản xuất. Gần đây nhất, từ năm 2007 - 2008, một cuộc đình công tương tự cũng đã diễn ra trong 100 ngày, gây thiệt hại ước tính 2 tỷ USD (khoảng 2,8 tỷ USD hiện nay) cho toàn ngành. Trong thời gian này, nhiều nhà đài đã tập trung sản xuất các chương trình thực tế không kịch bản để thu hút ngân sách quảng cáo và giữ mức độ quan tâm của khán giả.


Các chuyên gia nói gì về tác động của cuộc đình công đến ngành quảng cáo?


Ngoài việc quá trình sản xuất bị tạm dừng, dẫn tới khả năng trì hoãn phát hành nhiều bộ phim và chương trình ăn khách, cuộc đình công còn tác động tiêu cực lên thị trường quảng cáo hàng năm của của ngành công nghiệp truyền hình.


Trước đó, quảng cáo trên các mạng truyền hình truyền thống đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi nguồn ngân sách tiếp thị dần được chuyển sang những dịch vụ phát sóng trực tuyến và nền tảng kỹ thuật số khác như YouTube, Roku hay Amazon. Dưới tác động của cuộc đình công, các nhà đài sẽ không thể phát sóng nội dung mới, khiến sự suy thoái của quảng cáo truyền hình càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các nhà quảng cáo có thể sẽ chấm dứt hợp tác với họ và chuyển ngân sách tiếp thị sang nơi khác.


Cuộc đình công của giới biên kịch khiến loạt dự án phim bị tạm dừng, gây tác động đến doanh thu quảng cáo của nhiều nền tảng phát sóng


Theo Vincent Letang, Phó Chủ tịch Điều hành Thông tin thị trường toàn cầu của Magna, tổng chi tiêu quảng cáo trên các mạng truyền hình quốc gia đã giảm 4,8% xuống còn 38,4 tỷ USD trong năm ngoái và dự kiến sẽ giảm thêm 6,7% trong năm nay.


Ông Matt Sweeney, Giám đốc Đầu tư của Mỹ tại GroupM dự đoán rằng cuộc đình công sẽ làm gia tăng việc chuyển nguồn ngân sách quảng cáo từ truyền hình sang các dịch vụ phát sóng trực tuyến như Netflix, Amazon và các nền tảng phát sóng trực thuộc các nhà mạng như Paramount Global's Paramount+ và NBCUniversal's Peacock. Ông cho rằng YouTube và Roku cũng sẽ được hưởng lợi từ cuộc đình công. Sự chuyển dịch này là bởi các dịch vụ phát sóng trực tuyến sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ việc thiếu chương trình mới, bởi họ có nhiều nội dung trên nền tảng của mình để khán giả lựa chọn.


Carrie Drinkwater, Giám đốc Đầu tư của công ty MediaHub cho biết, nguồn ngân sách quảng cáo trên truyền hình cũng có thể được chuyển sang các nền tảng mạng xã hội khác như TikTok, Snapchat và Instagram. Điều này sẽ mang đến cho các nhà tiếp thị cơ hội để tìm hiểu xem, liệu quảng cáo trên mạng xã hội có thể hoạt động tương tự và hiệu quả như truyền hình thông thường hay không. 


Thách thức lớn đối với thị trường quảng cáo trên các nền tảng streaming


Được biết, đây là cuộc đình công đầu tiên của giới biên kịch trong kỷ nguyên phát trực tuyến. Hiện nay, doanh thu của nhiều dịch vụ streaming chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo. Do đó, nếu không có nội dung mới để phát sóng, lợi nhuận của họ có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Một số nền tảng phát sóng trực tuyến có lượng nội dung dự trữ nhất định để ứng phó với tình hình hiện nay, tuy nhiên tài nguyên ấy sẽ không đủ để duy trì nếu cuộc đình công kéo dài, dẫn đến sự sụt giảm đột ngột về số lượng người đăng ký.


Tuy sở hữu kho nội dung lớn, các nền tảng phát trực tuyến vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nếu cuộc đình công tiếp tục kéo dài


Trước đó, tình hình kinh tế vốn đã là một thách thức lớn đối với thị trường quảng cáo trên các nền tảng streaming. Vào cuối năm ngoái, Disney+ và Netflix đều giới thiệu các gói quảng cáo có giá thấp hơn, và xu hướng này dường như sẽ tiếp tục. Với tác động từ cuộc đình công của giới biên kịch, các dịch vụ phát sóng trực tuyến sẽ gặp phải nhiều thách thức hơn nữa, khi hiện nay đã có nhiều hình thức truyền thông mới xuất hiện và được áp dụng rộng rãi. Quảng cáo trên mạng xã hội, podcast và Influencer Marketing đã trở thành những lựa chọn phổ biến khác dành cho các nhà tiếp thị nếu cuộc đình công hiện tại kéo dài. Và với sự cạnh tranh của các ứng dụng như TikTok và YouTube, khán giả cũng sẽ có nhiều nền tảng khác để giải trí trong thời gian các bộ phim và chương trình nổi tiếng bị trì hoãn phát sóng.


Phương Anh