Trong những năm gần đây, Social Commerce (Thương mại Xã hội) đã trở thành một xu hướng mua sắm phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. Theo báo cáo của We Are Social ra mắt vào tháng 10/2023, 56,5% người dùng đã chi tiền mua sắm sản phẩm/dịch vụ trên các nền tảng online.


Thế nhưng với tâm lý “tiết kiệm” của người dùng hiện tại, việc đưa ra các quyết định tiêu dùng không đơn giản như trước. Họ thường dành thời gian so sánh, đánh giá tỉ mỉ giữa giá trị và giá cả, đồng thời tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, nhiều người dùng lựa chọn tìm hiểu thông tin, đọc review,... về sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội của thương hiệu. 


Vậy thương hiệu cần làm gì để có thể thúc đẩy khả năng ra quyết định mua sắm của khách hàng trên các kênh này? Hãy điểm lại các ý chính được Meta chia sẻ qua chương trình MessageMeta vừa qua!


1. Chủ động tiếp cận người dùng


Để trở nên nổi bật giữa thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay, thương hiệu cần chủ động tạo ấn tượng tích cực và mạnh mẽ với người dùng. Lúc này, việc kết nối với người tiêu dùng trên mạng xã hội trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Với 70% khách hàng cảm thấy gần gũi hơn đối với những thương hiệu mà họ có thể nhắn tin, phương thức này có thể trở thành cầu nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng.


70% khách hàng cảm thấy gần gũi hơn đối với những thương hiệu mà họ có thể nhắn tin


Theo nghiên cứu của Meta, trung bình các chiến dịch quảng cáo tối ưu theo đơn hàng qua tin nhắn đạt tăng trưởng số lượng đơn lên 11% so với phương pháp tối ưu theo tin nhắn thông thường. Các nhà quảng cáo có thể gửi các tín hiệu thông qua tin nhắn về Meta qua 3 cách: tích hợp qua đối tác của nền tảng như Pancake, Haravan; thủ công hoặc tích hợp trực tiếp. Tuỳ thuộc vào trường hợp và nguồn lực, Meta sẽ chọn phương pháp phù hợp nhất với thương hiệu. Thương hiệu mỹ phẩm độc lập Lê Vân Anh đã thử nghiệm phương pháp tối ưu mua hàng qua tin nhắn và ghi nhận tỷ lệ chuyển đổi cao gấp 3,6 lần so với thông thường. 


Ngoài ra, một thương hiệu khác là Manulife Vietnam cũng đã thử nghiệm giải pháp tin nhắn, từ đó ghi nhận tỷ lệ chuyển đổi tăng 97% so với việc chạy lead thông thường, đồng thời tiết kiệm 71% chi phí. Đại diện Manulife Vietnam chia sẻ: “Messenger là một nền tảng tuyệt vời để thương hiệu tương tác với mọi người và khách hàng tiềm năng. Không chỉ giúp chúng tôi đơn giản hóa quy trình tìm kiếm khách hàng tiềm năng, nền tảng này còn mang lại cho Manulife Việt Nam khả năng thay đổi một hành trình phức tạp, chẳng hạn như quy trình tham gia bảo hiểm nhân thọ, thành trải nghiệm kỹ thuật số thú vị chỉ trong vài giây.”



Thương hiệu cũng có thể chủ động gửi tin nhắn cho khách hàng qua “tin nhắn tiếp thị“. Tính năng này sẽ giúp thương hiệu dễ dàng truyền tải thông tin về các chương trình khuyến mại cá nhân hoá đến khách hàng, đơn cử như voucher ngày sinh nhật. 


2. Tư vấn thông tin sản phẩm cho khách hàng thông qua quảng cáo tin nhắn 


Khi kinh doanh nhiều sản phẩm khác nhau, thương hiệu có thể sử dụng danh mục sản phẩm có sẵn và chạy quảng cáo động click đến Messenger trong chiến dịch của mình. Dựa trên hành vi của người dùng, các quảng cáo động sẽ hiển thị sản phẩm phù hợp. 


Vào dịp mua sắm Black Friday, thương hiệu MIA.vn đã chạy quảng cáo để tự động hiển thị sản phẩm phù hợp từ danh mục với những người có nhiều khả năng quan tâm đến việc mua hàng nhất. Khi nhấp vào quảng cáo, mọi người sẽ được kết nối với một người đại diện phục vụ khách hàng của MIA.vn qua Messenger. Nhờ đó, thương hiệu có thể dễ dàng cung cấp thêm thông tin, giải đáp thắc mắc về sản phẩm mà mọi người quan tâm và đưa ra lời khuyên hiệu quả hơn để bán hàng.


MIA.vn chạy quảng cáo để tự động hiển thị sản phẩm đến những người có nhiều khả năng quan tâm đến việc mua hàng nhất


Dù chỉ được triển khai trong vòng 10 ngày, chiến dịch vẫn thu về những kết quả ấn tượng như:

  • Lượt xem trang web tăng 6,9 lần
  • Lợi nhuận trên chi tiêu quảng cáo tăng 13,4 lần (cho cả bán hàng online và offline)
  • Chi phí trên mỗi chuyển đổi thấp hơn 81% (so với chi phí trên mỗi chuyển đổi trung bình của tất cả các chiến dịch doanh số theo danh mục)


Qua đó có thể thấy, Kinh doanh Hội thoại (Business Messaging) sẽ là một trong những công cụ quảng cáo giúp doanh nghiệp kết nối, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng khi mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội. 


3. Biến hình thức điền form khô khan thành trải nghiệm kỹ thuật số thú vị hơn


Bên cạnh các phương pháp truyền thống như email và website, giờ đây thương hiệu có thể thu thập thông tin khách hàng tiềm năng qua tin nhắn thoại. Với hình thức này, nếu khách hàng không hoàn thành các bước đã định sẵn, hệ thống sẽ gửi một tin nhắn nhắc nhở khách hàng hoàn thành sau 24 giờ. Vì thế, phương pháp này có tỷ lệ hoàn thành cao hơn so với các phương pháp điền form thông thường. 


Chiến lược này cũng sẽ tạo điều kiện tiếp cận đối tượng khách hàng mới, từ đó giúp thương hiệu giảm chi phí trên mỗi khách hàng tiềm năng. Theo nghiên cứu mới nhất từ các nhà quảng cáo tại APAC của Meta, nếu doanh nghiệp chạy thêm chiến dịch thu hút khách hàng tiềm năng qua tin nhắn bên cạnh các giải pháp Instant Forms của Meta, thương hiệu có thể giảm 15% chi phí cho một khách hàng tiềm năng và tăng số lượng tiếp cận thêm 180%. 



4. Cải thiện hiệu suất quảng cáo tin nhắn nhờ công nghệ A.I


Có thể nói, công nghệ trí tuệ nhân tạo đã góp phần thay đổi cách người dùng tiếp nhận thông tin. Trong bối cảnh này, các thương hiệu cần liên tục cập nhật và ứng dụng những công nghệ mới nhằm mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho người dùng.


Là một trong những "gã khổng lồ" dẫn đầu xu hướng công nghệ, Meta đã có những cập nhật mới về công nghệ này tại sự kiện Connect diễn ra ngày 27/09. Meta đã giới thiệu trợ lý cá nhân Meta AI có khả năng đưa ra lời khuyên, cung cấp thông tin theo thời gian thực,... cho người dùng. Phiên bản beta của trợ lý ảo này hiện có trên WhatsApp, Messenger và Instagram, đồng thời sắp có mặt trên kính thông minh Ray-Ban Meta và Quest 3. Nền tảng cũng ra mắt thêm 28 nhân vật A.I có cá tính, quan điểm và sở thích độc đáo hơn để trò chuyện cùng người dùng. Đặc biệt, hơn một nửa nhân vật ảo này do các gương mặt nổi tiếng đóng vai, bao gồm Snoop Dogg, Paris Hilton, Kendall Jenner, Naomi Osaka,... 


Các trợ lý A.I của Meta có cá tính, quan điểm và sở thích độc đáo 


Nhằm hỗ trợ các thương hiệu tối đa hoá hiệu suất chiến dịch quảng cáo, Meta cũng ra mắt bộ công cụ tự động hóa Meta Advantage+. Công nghệ này sẽ giúp thương hiệu tìm kiếm, chuyển đổi và giữ chân khách hàng thông qua nhiều mục tiêu kinh doanh khác nhau ở nhiều định dạng quảng cáo linh hoạt. Đơn cử như để giảm chi phí cho mỗi tin nhắn quảng cáo, thương hiệu có thể tận dụng tính năng Advantage+ Creative để cải thiện video, chuyển đổi hình ảnh và video thành phiên bản phù hợp với đối tượng nhất,... 


Tính năng Advantage+ Creative giúp giá trị mua hàng trên 1 đồng quảng cáo của thương hiệu tăng lên 14%


Có thể thấy, xu hướng mua sắm thông qua mạng xã hội đang thay đổi hoạt động kinh doanh của các thương hiệu. Nắm bắt hướng phát triển đó, Meta đã và đang không ngừng cung cấp đa dạng hình thức chạy quảng cáo để thuận lợi cho việc mua bán trực tuyến, giúp thương hiệu dễ dàng tiếp cận người dùng, từ đó đi đến mục tiêu cuối cùng là đột phá doanh thu.