"Các cuộc thi Marketing là nơi để nhân sự va chạm, cọ xát chứ không phải phán xét năng lực lẫn nhau"

Cuộc thi Vietnam Young Lions 2023 vừa kết thúc với những màn thuyết trình và bảo vệ ý tưởng nhiệt huyết của những nhân sự trong ngành Quảng cáo - Truyền thông. Không chỉ có Vietnam Young Lions mà hiện nay, còn rất nhiều cuộc thi liên quan đến ngành, tạo điều kiện cho các marketer có cơ hội cọ xát, đối mặt với những bài toán khó từ ban giám khảo, tự tin thử sức mình và gặt hái được nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức thực tiễn 


Là những cá nhân từng có kinh nghiệm “lăn xả” trong các cuộc thi, các nhân sự đã có những trải nghiệm thực tế nào? Việc “chinh chiến” qua những cuộc thi lớn đã mang đến những cơ hội nào cho sự phát triển của nhân sự? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua những chia sẻ từ các nhân sự đã và đang làm việc tại MSL Group, Bates CHI & Partners Vietnam, Dentsu Redder T&A Ogilvy!



Các cuộc thi marketing là bệ phóng cho nhân sự thoát khỏi vùng an toàn


Những sinh viên hoặc nhân sự Junior đang học tập và làm việc trong ngành Truyền thông - Quảng cáo chắc hẳn không còn xa lạ với những cuộc thi Marketing. Trong đó, nhiều cuộc thi được các trường Đại học tổ chức thường thu hút sự chú ý lớn của các sinh viên ngành, có thể kể đến như Bản Lĩnh Marketer (CLB Marketing Đại học Ngoại thương tổ chức), Marketing On Air (CLB Marketing MGC trường Đại học Kinh tế Quốc dân),... Ngoài ra, một số chương trình khác do các thương hiệu, tập đoàn tổ chức như Unilever Future Leader’s League, L'Oréal Brandstorm, Vietnam Young Lions (do AIM Academy thực hiện),... cũng góp phần mang đến nhiều cơ hội cho các nhân sự được phát triển cả về năng lực chuyên môn lẫn kỹ năng và kinh nghiệm làm việc.


Với những sinh viên chưa có kinh nghiệm làm việc trong môi trường ngành Quảng cáo - Truyền thông, việc tham gia các cuộc thi Marketing sẽ mang đến những trải nghiệm thực tế và hữu ích trên chặng đường sự nghiệp sau này. Bên cạnh việc tiếp xúc với những “đề bài” có tính chất gần giống với công việc thực tế của một người làm marketing, các sinh viên còn được tạo điều kiện để cọ xát với những hạng mục lớn và cạnh tranh trực tiếp với những nhân sự có kinh nghiệm làm việc trong ngành. Từng tham gia nhiều chương trình khác nhau như Bản Lĩnh Marketer, Marketing On Air,..., anh Cao Trí - Former Account Coordinator tại T&A Ogilvy kể về trải nghiệm của bản thân: “Tại Vietnam Young Lions 2023 vừa rồi, mình và đồng đội tốt nghiệp trước hôm diễn ra Finale một vài ngày. Do quy định của cuộc thi, team phải chuyển từ bảng Sinh viên sang bảng Chuyên nghiệp. Tham gia cuộc thi đã là một thử thách rất lớn đối với nhóm rồi. Vậy mà nhóm mình còn phải thi chung bảng với những anh chị kỳ cựu. Có thể nói, ngay từ đầu mình đã thấy kết quả khá ‘vô vọng’. Thế nhưng không ngờ rằng điều này đã vô tình tạo ra cho team một độ rướn nhất định về những gì đã được học. Sau đó, kết quả là team đã vinh hạnh được lọt vào Finalist. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ giúp mình nhận ra rằng các nhân sự có thể có sự phát triển về mặt năng lực sau các cuộc thi.” 



Còn đối với những nhân sự đã và đang tiếp xúc với môi trường làm việc ngành Marketing, đây chính là nơi rèn giũa, bổ trợ kiến thức và kỹ năng cần thiết qua sự hướng dẫn, đào tạo của các chuyên gia cấp cao trong ngành, từ đó bỏ túi được nhiều bài học quý giá làm hành trang cho con đường phát triển sự nghiệp. Là một người đang làm việc trong ngành Quảng cáo - Truyền thông và từng có kinh nghiệm tham gia Young Marketers, Bản Lĩnh Marketer và gần đây nhất là đạt giải Bronze tại Vietnam Young Lions, anh Tuyền Nguyễn - Creative Planner tại Dentsu Redder nói rằng các cuộc thi đã mô phỏng phần nào công việc thực tế của ngành. Tham gia cuộc thi đồng nghĩa với việc các thí sinh đang có những bước chuẩn bị và chạy đà cho công việc tương lai. “Khi tham gia cuộc thi, bất kể đó là hình thức thi theo nhóm hay thi cá nhân, bản thân mình đã học được cách teamwork và làm việc độc lập một cách hiệu quả. Thời gian đi thi cũng giúp mình có nhiều kinh nghiệm trong việc thuyết trình, phản biện và pitching. Mình đã có cơ hội thực hành, được ban giám khảo lắng nghe và feedback, từ đó rút được nhiều bài học trước khi đi làm”, anh nói.



Tính chất đề bài trong các cuộc thi đòi hỏi nhân sự phải biết cách phân tích, sắp xếp cấu trúc thông tin, liên kết dữ liệu,... Nhờ đó, một số nhân sự đã hình thành được khả năng vẽ mind map (sơ đồ tư duy) để brainstorm ý tưởng. Khi nhân sự trình bày các ý tưởng ra một sơ đồ cụ thể, họ có thể sử dụng các từ khoá và hình ảnh để tăng sự liên kết và sáng tạo, tập trung vào những yếu tố quan trọng, giảm thiểu sự rối loạn trong suy nghĩ. Việc sắp xếp thông tin theo dạng cây giúp tái tổ chức và liên kết các ý tưởng lại với nhau, từ đó ghi nhớ thông tin tốt hơn. Ngoài ra, trong hầu hết các cuộc thi, phần chia sẻ của các cựu thí sinh, những anh chị trong ngành là điều không thể thiếu. Vì thế, các thí sinh có thể học hỏi được thêm nhiều điều về góc nhìn, kinh nghiệm của người đi trước. Việc gặp gỡ thêm nhiều đồng nghiệp và chuyên gia trong ngành tại các cuộc thi cũng giúp nhân sự có thêm nhiều mối quan hệ giá trị. 


Bên cạnh những lợi ích, mỗi một cuộc thi với các quy mô lớn nhỏ khác nhau đều có sự cạnh tranh nhất định, đặc biệt với tính chất ngành Quảng cáo - Truyền thông nơi mà các nhân sự phải liên tục và cập nhật thông tin, kỹ năng để đáp ứng sự phát triển không ngừng từ thị trường. Điều này khiến nhiều thí sinh cảm thấy lo ngại, tự ti rằng bản thân chưa đủ giỏi để tham gia “chinh chiến”. Hơn nữa, nếu chẳng may vấp phải thất bại, các bạn có thể có thêm hoài nghi về năng lực của chính mình, mắc kẹt trong suy nghĩ về việc bản thân chưa đủ giỏi, kiến thức chưa đủ sâu rộng để có thể dấn thân vào các cuộc thi. 


Anh Tuyền Nguyễn bày tỏ, nhân sự không cần đủ giỏi thì mới đi thi. “Mình nghĩ mục đích mà Ban Tổ chức thực hiện cuộc thi, cũng như mong muốn của các bạn khi đi thi chính là để trở nên tiến bộ, có cơ hội được học hỏi nhiều hơn. Chỉ cần mình có sự chuẩn bị đủ tốt và tâm lý thoải mái để đi thi thì chắc chắn sẽ nhận lại nhiều giá trị như bài học, phần thưởng, networking,... Khi đi thi, mình biết mục tiêu lớn nhất của mình không phải là thắng giải. Có một trải nghiệm đáng giá mang về đối với mình đã là một sự thành công. Nhân sự cần duy trì một tâm lý thoải mái và sẵn sàng đón nhận mọi thứ. Như thế, quá trình tham gia cuộc thi của nhân sự sẽ nhẹ nhàng và cởi mở với những kiến thức, cơ hội”, anh nói.


Từng “thừa nhận” mình là một người chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành nhưng vẫn quyết định tham gia một cuộc thi marketing có quy mô lớn như Vietnam Young Lions, chị Thục Tuệ - Junior Designer tại MSL Group bày tỏ: “Trên thực tế, mình nghĩ mình sẽ không bao giờ được gọi là ‘giỏi' cả nên mình không gặp nhiều áp lực về chuyện này. Mỗi cuộc thi là một cơ hội để mình tiếp xúc và cọ xát với những đề tài mới, mang về những trải nghiệm mới cho mình chứ không phải là một bài kiểm tra, đánh giá năng lực.”



Vốn dĩ việc tham gia một cuộc thi sẽ khiến nhân sự phải đối mặt với nhiều mối bận tâm như mình đã đủ kiến thức chưa, cần chuẩn bị những gì,... Song, đấy là trạng thái tâm lý bình thường của một cá nhân chuẩn bị bước khỏi vùng an toàn của chính mình. Do đó, nhân sự nên có một tâm lý thoải mái rằng đây là cơ hội để thử sức mình, tích luỹ và trau dồi kinh nghiệm, rèn luyện những lý thuyết đã học được từ ghế nhà trường, từ đó khai phá khả năng của bản thân. 


“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”


Giữa vô vàn các cuộc thi được tổ chức hàng năm trong ngành, làm thế nào để nhân sự chọn được chương trình nâng cao khả năng của chính mình? Đối với một sinh viên như anh Cao Trí, việc lựa chọn một cuộc thi phù hợp với năng lực là một bài toán khó: “Thông thường, mình sẽ dành thời gian để phân tích hai việc. Một là đánh giá năng lực của bản thân hiện tại, sau đó tìm hiểu mức độ cạnh tranh cũng như yêu cầu khác nhau của các cuộc thi. Từ những thông tin đó, mình sẽ lựa chọn cuộc thi tương xứng với năng lực.”


Trong khi đó, với góc nhìn của một nhân sự marketing đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành, anh Tuyền Nguyễn cho biết bản thân sẽ quan tâm nhiều đến giá trị và ý nghĩa của mỗi cuộc thi trước khi quyết định tham gia. “Phía sau mỗi cuộc thi là một đội ngũ tổ chức mong muốn mang đến một giá trị nào đó cho cộng đồng, do đó không phải cuộc thi nào cũng giống nhau”, anh bày tỏ. Đơn cử như cuộc thi L'Oréal Brainstorm hướng đến việc tạo ra giá trị tích cực cho doanh nghiệp với các chủ đề khác nhau tùy thuộc vào xu hướng mỗi năm hay Marketing On Air không chỉ yêu cầu giải bài toán truyền thông cho thương hiệu mà còn nhấn mạnh vào khía cạnh phát triển sản phẩm (Product Development). Trong khi đó, Young Marketer mở rộng hình thức tham gia cho cá nhân lẫn đội nhóm. Ngoài ra, nhân sự cũng có thể quyết định tham gia dựa trên timeline và tính chất của “brief”. Cá nhân chị Thục Tuệ sẽ xem xét bản thân có hứng thú với đề tài của cuộc thi hay không.



Thông thường, các cuộc thi sẽ có hình thức thi theo cặp hoặc đội nhóm. Có thể nói, hầu như bất kỳ thí sinh nào cũng mong muốn có được một “Dream team” - từ được dùng để chỉ những cá nhân tập hợp lại thành một đội ăn ý, hay còn gọi là “đội hình trong mơ”. Đối với việc tham gia những cuộc thi, tìm được một teammate phối hợp ăn ý là yếu tố hết sức quan trọng giúp các thành viên trong đội có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, tìm kiếm những ý tưởng đột phá hơn và mang lại thành quả cho các đội.


Anh Minh Quang - Former Copywriter tại Bates CHI & Partners Vietnam chia sẻ rằng anh và teammate của mình chưa bao giờ gặp mặt nhau ở ngoài đời. Thế nhưng cả hai đã theo dõi nhau trên mạng xã hội và nhìn thấy hành trình phát triển của nhau. Từ đó, anh và đồng đội cảm thấy cả hai tương đồng về mặt năng lực. “Lúc ấy, bạn mình ngỏ ý cùng nhau tham gia cuộc thi. Dù mình chưa chắc rằng chemistry (sự phối hợp) của cả hai sẽ như thế nào nhưng mình chỉ nghĩ là cho nhau một cơ hội. Chỉ cần chấp nhận khuyết điểm của nhau và cùng nỗ lực phát triển đã là một sự dũng cảm rất lớn rồi”, anh nói.


Với câu chuyện tìm kiếm đồng đội của anh Tuyền Nguyễn, anh nghĩ cái duyên là điều quan trọng nhất: “Trước đây, mình xuất phát từ Học viện Ngoại giao. Trường không chuyên sâu vào ngành Quảng cáo nhưng rất may là mình đã tiếp xúc được với những bạn cùng chung chí hướng, mục tiêu. Còn lần gần đây nhất thì mình tham gia thi Young Lions cùng với một đồng nghiệp rất thân ở công ty. Nhìn chung, chỉ cần cả hai có thời gian tìm hiểu và tương tác với nhau thì quá trình phối hợp sẽ hoà hợp và ăn ý. Với những trường hợp tìm kiếm ngẫu nhiên một đồng đội để tham gia thì ban đầu có thể vẫn ổn nhưng dần dà, quá trình làm việc chưa chắc đã diễn ra trôi chảy và thuận lợi.”


Phối hợp làm việc nhóm vốn không phải là một quá trình dễ dàng, đặc biệt là ở những cuộc thi có nhiều áp lực cả về mặt thời gian lẫn kết quả. Anh Cao Trí cho biết, để có thể teamwork hiệu quả, điều đầu tiên là nhân sự phải hiểu rõ bản thân, xác định những gì mình có thể đóng góp cho nhóm. Như vậy thì nhân sự phải có thể tìm kiếm được một mảnh ghép phù hợp để bù trừ cho nhau, tìm kiếm những cá nhân có kỹ năng nổi trội để lấp đầy các vị trí và cùng nhau hoàn thành bài thi một cách tốt nhất. Đơn cử như với đội 3 người, nhân sự cần xác định vai trò cần có như một người lên chiến lược, người sáng tạo, người còn lại sẽ đảm nhận việc thiết kế. “Điều quan trọng nhất chính là tập luyện. Sau những lần thất bại ở các cuộc thi, mình nhận ra là cần phải có teammate trước, cùng nhau làm việc để hiểu rõ nhau, thống nhất quan điểm để tránh xảy ra các sự việc ngoài ý muốn như mích lòng, không chủ động trong công việc,...”, anh nhận định.



Những điều đúc kết từ những cơ hội va chạm trong các cuộc thi chuyên ngành


Sau khi đã xác định bản thân cùng đồng đội tham gia, các nhân sự cần tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo để có cho mình một tâm lý ổn định và sẵn sàng chinh chiến trong các cuộc thi. Anh Tuyền Nguyễn cho biết, anh có thói quen tìm hiểu rất kỹ về những cuộc thi mình sẽ tham gia. Theo đó, anh nói rằng một số cuộc thi sẽ livestream hoặc đăng công khai đề thi trên mạng, vì thế anh có thể xem xét đề bài những năm trước. Ngoài ra, anh cũng tìm hiểu giám khảo cuộc thi sẽ là ai, chuyên môn của họ là gì,... để có thể đoán được “gu” chấm điểm của họ như thế nào. Anh ví dụ rằng một giám khảo xuất thân từ agency thì có thể họ sẽ muốn một ý tưởng bay bổng. Với giám khảo từ brand, họ sẽ muốn những gì thực tế và sát với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hơn. 


Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Minh Quang bày tỏ: “Thú thật là những gì mình trình bày trong cuộc thi đều là những gì mình đã quan sát và học hỏi được từ kiến thức trên trường. Do đó, việc học tốt trên trường rất quan trọng, giúp nhân sự có thể áp dụng kiến thức đã học vào khả năng suy luận của bản thân. Ngoài ra, mình cũng có tham khảo những chiến dịch ở nước ngoài, đơn cử như những campaign đạt giải ở Cannes Lions, D&AD, Clio Awards,... Đó là những nguồn tham khảo tốt để mình tìm hiểu một ý tưởng sẽ được phát triển thành một campaign như thế nào: brief là gì, đề bài ra sao, họ giải quyết những gì cho thương hiệu,... Đây là một thói quen đã được hình thành từ lâu giúp mình hiểu hơn về cách một chiến dịch đã được thực hiện.”



Sau quá trình chuẩn bị chính là giai đoạn nhận được đề bài từ ban tổ chức. Quá trình triển khai ý tưởng của mỗi nhóm đều sẽ khác nhau dựa vào năng lực, khả năng teamwork, cũng như phương pháp làm việc. Với anh Tuyền Nguyễn, cuộc thi Young Lions chỉ cho thí sinh 24 giờ để làm bài. Quỹ thời gian hạn hẹp nên anh và đồng đội quyết định mang hết tất cả ý tưởng, suy nghĩ về chủ đề để cùng nhau thảo luận. Sau đó, team anh sẽ đi vào chi tiết và chắt lọc cẩn thận để tìm được phương án cả hai thấy hài lòng và khả thi nhất. “Trên thực tế, mỗi người làm Marketing đều sẽ có những phán đoán và cảm quan nhất định. Ngay từ khoảnh khắc đọc đề bài thì họ đã mường tượng được một vài idea trong đầu rồi. Thế nhưng chưa chắc những idea đầu tiên đã tốt và hiệu quả. Chính vì thế mà bọn mình mới cần giai đoạn chắt lọc. Còn với những cuộc thi khác, thí sinh sẽ có khoảng thời gian dư dả hơn, giúp họ truy cập được nhiều nguồn tài liệu khác nhau để nghiên cứu và tìm hiểu”, anh nhận định.


Trong khi đó, anh Minh Quang lại có một cách làm khác là sau khi nghe brief, anh và đồng đội sẽ cho nhau khoảng một tiếng để tự brainstorm ý tưởng và insight liên quan đến đề bài. Tiếp đó, các anh sẽ tìm những điểm trùng lặp trong suy nghĩ của nhau và phát triển nó chi tiết hơn.      



Có thể thấy, để có đủ sự tự tin và khả năng tham gia các cuộc thi Marketing, các nhân sự phải dành nhiều thời gian và tâm huyết để lựa chọn đồng đội, cuộc thi phù hợp, cũng như trải qua nhiều khó khăn trong quá trình giải đề bài. Dù có đạt được giải thưởng hay không, các nhân sự cũng đã bỏ túi được nhiều trải nghiệm quý giá, gặt hái được những bài học và kinh nghiệm hữu ích cho công việc tương lai. 


Tìm đọc thêm các bài viết thuộc chuyên mục Real Agency Life tại đây

"Các cuộc thi Marketing là nơi để nhân sự va chạm, cọ xát chứ không phải phán xét năng lực lẫn nhau"

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

11 Thg 05 2023

Lưu

Cùng chuyên mục