Mỗi dịp Tết đến, màn ảnh rộng Việt Nam lại chào đón những bộ phim mới đến từ những cái tên quen thuộc với đại đa số khán giả. Từ Trà, Sáng Đèn, Mai đến Gặp lại chị bầu, tất cả đều hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem một mùa Tết Giáp Thìn 2024 thú vị, cũng như tạo cơ hội cho mọi người xả “stress” sau một năm học tập và làm việc không ngừng nghỉ.


Vậy làm sao đội ngũ truyền thông có thể đưa những bộ phim mới đến đại chúng một cách rộng rãi? Làm sao để cho đứa con tinh thần của mình có chỗ đứng trong làng phim nhộn nhịp như hiện nay? Cùng điểm qua những chiến thuật truyền thông của 4 phim đến thời điểm hiện tại.


Từ câu chuyện đằng sau hậu trường


Ở bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, khán giả luôn có niềm hứng thú với những câu chuyện hậu trường, về quá trình làm phim hay chuyện riêng của những người nghệ sĩ. Kể chuyện bên lề trước khi phim ra mắt trở thành một cách truyền thông hiệu quả, tạo sự tò mò, hứng thú cho người xem.


Sáng đèn của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường được đánh giá là “không thể cạnh tranh dịp Tết” bởi chủ đề có phần không dễ tiếp cận với đại chúng. Cũng vì thế mà các hình thức quảng bá cũng có phần hạn chế, tập trung đẩy mạnh những câu chuyện xoay quanh dàn diễn viên trong quá trình thực hiện.



"Sáng đèn" của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường xoáy vào đề tài "ngách", gây chú ý nhờ sự góp mặt của dàn diễn viên gạo cội.


Trong showcase ra mắt Sáng đèn vào 23/1 tại TP. Hồ Chí Minh, khán giả được nghe chia sẻ những câu chuyện đời có thật, đầy bồi hồi trong cuộc đời làm nghệ thuật nói chung và nghề cải lương nói riêng của những người nghệ sĩ gạo cội tham gia vào phim như NSƯT Hữu Châu, Kim Tử Long, Chí Tâm. Những chuyện đời đầy xúc động này giúp cải lương đến gần hơn với công chúng và khiến khán giả mua vé xem phim tìm hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật này. 


Trong khi đó, Mai của Trấn Thành, vốn có nhiều ưu thế bởi chủ đề lẫn độ nhận diện của dàn diễn viên, chọn kể những câu chuyện tạo cho khán giả độ tin cậy vào chất lượng của tác phẩm điện ảnh.


"Mai" là dự án được đạo diễn Trấn Thành ấp ủ từ trước khi anh ra mắt "Nhà bà Nữ".


Tiêu biểu trong đó là câu chuyện ekip đã cất công phục dựng bối cảnh chung cư với tỉ lệ 1:1 dựa trên nguyên mẫu chung cư An Bình ở quận 5 (TP. HCM) vì những bất tiện trong việc sử dụng bối cảnh ngoài đời, đồng thời chủ ý tạo nên hình ảnh một chiếc giếng trời trong khu chung cư nhằm “tái hiện cảm giác về một ngôi nhà Việt Nam” (theo Trấn Thành).


Câu chuyện này đã cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu của Trấn Thành và đội ngũ cũng như phần nào bảo đảm về chất lượng phim.


Đến việc dựa vào danh tiếng có sẵn


Việc quảng bá trong đường đua màn ảnh rộng Tết Nguyên đán 2024 có phần “dễ thở” khi cả bốn bộ phim đều quy tụ dàn sao đình đám cùng với đội ngũ sản xuất danh tiếng. Nhờ vào lợi thế đó, ekip đã đẩy mạnh độ lan tỏa của phim đến với đại chúng, cho khán giả nhiều lựa chọn khi đến rạp. 


Như Gặp lại chị bầu dễ dàng gợi nhắc người xem đến Cua lại vợ bầu, bộ phim đạt doanh thu 191,8 tỷ đồng của cùng đạo diễn Nhất Trung. Ngay từ tựa đề đã khiến khán giả tò mò và tự hỏi liệu hai phim có liên quan đến nhau hay không dù nội dung hai tác phẩm hầu như độc lập.


Poster phim "Gặp lại chị bầu".


Đồng thời, sự tham gia của dàn diễn viên trẻ có tiếng hiện nay như Anh Tú, Diệu Nhi, Ngọc Phước hay sự trở lại của Lê Giang, một “ngôi sao phòng vé Việt”, cũng góp phần đảm bảo cho doanh thu phòng vé dù nội dung phim được dự đoán là không quá mới mẻ.


Đặc biệt, đây cũng là lần đánh dấu sự hợp tác đầu tiên của đôi vợ chồng Diệu Nhi - Anh Tú. Bởi “độ hot” của cả hai trong lần hoạt động cùng nhau này, ekip đã dựng standee cặp đôi ở các rạp chiếu phim như CGV để khán giả có thể đến chụp hình check-in, khiến Gặp lại chị bầu phủ sóng khắp các nền tảng. 




Truyền thông phim đẩy mạnh hình ảnh couple của Anh Tú - Diệu Nhi.


Thậm chí là cả những tranh cãi, lùm xùm!


Không thể không kể đến cả những ồn ào xoay quanh mùa phim Tết và đôi khi, vô tình hay hữu ý, lại trở thành một “chiến lược truyền thông” cho những tác phẩm điện ảnh.


Có thể thấy tính đến thời điểm hiện tại, Mai của Trấn Thành có phần chiếm ưu thế khi đẩy mạnh quảng bá ngoài trời bằng cách dán kín hình ảnh quảng bá trên xe khách đường phố TP. HCM, nhưng hình thức này lại đang vướng phải lùm xùm vì luật không cho phép hình ảnh quảng cáo vượt quá 50% mỗi mặt được phép quảng cáo trên phương tiện giao thông.



Đồng thời, poster phim cũng là một đề tài được bàn tán xôn xao vì có nhiều điểm tương đồng với bìa sách Hẹn nhau ở một cuộc đời khác được xuất bản năm 2021 của tác giả Gari. Thông tin này vẫn chưa được xác minh rõ ràng, song đủ tạo nên sự tò mò trong dân chúng về phim mới của Trấn Thành.


Và, cũng với mục tiêu kích thích sự tò mò đó, Trà của Lê Hoàng đã đưa cảnh nóng trong phim trở thành một đề tài gây tranh cãi. Đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ rằng phim Tết của ông “từng bị từ chối phát hành vì cảnh nóng quá sốc”, tiết lộ phim phải cắt sửa nhiều sau 3 lần kiểm duyệt.


Tuy những phân cảnh táo bạo trong điện ảnh đã phần nào trở nên quen thuộc và dễ chấp nhận hơn ở bối cảnh hiện giờ, việc báo chí liên tục nhấn mạnh vào cảnh nóng trong Trà, đánh mạnh vào một chủ đề quen nhưng chưa hết hot đã giúp thu hút khán giả, khiến họ phải ra rạp xem để biết những gì diễn ra trong phim mà cứ bàn ra tán vào như thế.



"Trà" đang là phim ít truyền thông, quảng bá nhất. Lối truyền thông thuộc kiểu cũ, khi tập trung gây tò mò bằng drama, chủ đề ngoại tình.


Như vậy, mỗi đội ngũ truyền thông sẽ có những chiến lược khác nhau để thu hút khán giả đến xem bộ phim của mình. Hiệu quả của những chiến lược đó có cùng dấu với chất lượng phim hay không, tất cả tùy thuộc vào sự đánh giá của khán giả.