Giữa những kỳ vọng và thực tế trong những lần “nhảy việc” tìm kiếm cơ hội mới, nhiều nhân sự ngành quảng cáo không ít lần cảm thấy tiếc nuối, muốn quay trở lại làm việc ở công ty cũ.


“Đi một vòng rồi bỗng muốn quay trở lại công ty cũ”


So với những nhân sự ngành khác, nhân sự ngành quảng cáo thường “nhảy việc” dễ dàng hơn. Việc thay đổi môi trường làm việc giúp nhân sự có thêm nhiều góc nhìn, sự đánh giá và những trải nghiệm mới. Cũng vì vậy, nhân sự ngành quảng cáo thường mang tâm lý so sánh những điều mới với những điều đã trải qua và sẽ có xu hướng cảm thấy tiếc nuối và muốn quay trở lại công ty cũ, sau khi đã có một hành trình dài. Anh Quang Vinh - Senior Project Planner chia sẻ: “Công việc ở công ty mới tương tự như vị trí mình đã từng làm trước đây nhưng môi trường làm việc lại có quá nhiều áp lực khiến mình cảm thấy bị bào mòn về tinh thần lẫn thể lực. Cùng một vị trí Senior Project Planner nhưng ở công ty mới mình phải xử lý tất cả các đầu việc phát sinh, trong khi ở công ty cũ mình luôn có một team support. Cảm giác tiếc nuối về công ty cũ của mình cũng từ đó mà ra. Mình bắt đầu so sánh và nhận ra công ty mới không đáp ứng được kỳ vọng của mình về công việc như đã trao đổi với mình trước đó.” 


Nếu phân tích nguyên nhân khiến nhiều nhân sự cảm thấy “nhớ nhung” công ty cũ thì có rất nhiều, nhưng chung quy thường đến từ quyết định nghỉ việc vội vã. Trải nghiệm từ chị Tố Như - Senior Account khi nhất quyết nghỉ việc cũng không mấy dễ chịu. Chị kể lại: “Công ty mà mình cảm thấy tiếc nhất là công ty mà mình xin nghỉ việc vì không chịu nổi sự toxic của đồng nghiệp. Lúc đó mình chỉ nghĩ đơn giản là mình không làm Account ở công ty này thì mình sẽ làm ở công ty khác. Nhưng trải qua vài công ty mình mới thấy công ty cũ là công ty có đãi ngộ tốt nhất. Tới giờ mình vẫn còn day dứt nhiều vì lúc đó mình lại để cho người khác ảnh hưởng đến công việc của mình”.


Quyết định nghỉ việc vội vã mà không cân nhắc kỹ lưỡng dễ khiến nhiều nhân sự mang trong lòng cảm giác hối tiếc mỗi khi nhìn lại.


Việc "deal” với áp lực công việc là cần thiết. Điều này giống như một thử thách cần vượt qua, một mục tiêu cá nhân trong công việc cần được xác định rõ. Sau khi trải qua áp lực rồi mới quyết định xin nghỉ giúp nhân sự tự tin hơn. Nhưng dù vậy, vẫn có nhiều nhân sự không khỏi cảm thấy tiếc nuối và muốn “yêu lại từ đầu” khi nghĩ về công ty cũ. Chia sẻ về lý do này, chị Thúy Hằng - PR Executive cho biết: “Mình làm ở công ty mới rất ổn, nhưng khi thấy những người làm chung công ty cũ bắt đầu được promote lên vị trí cao hơn thì mình lại có suy nghĩ muốn quay về công ty cũ. Vì hồi xưa những đồng nghiệp đó thật sự không giỏi bằng mình và việc mà các bạn thực hiện đều phải qua mình kiểm duyệt ở khâu cuối cùng trước khi đi present với khách hàng. Nếu mình trở về, với năng lực và kinh nghiệm hiện tại, mình tin rằng mình sẽ được đề bạt ở vị trí cao hơn nữa.”


Trong câu chuyện đang làm việc “êm ấm” nhưng vẫn muốn quay về công ty cũ, anh Quốc Hoàng - Copywriter cho rằng cảm xúc này đôi khi đến từ việc thay đổi suy nghĩ của bản thân. “Trước đây mình rất quan trọng nhưng công ty có môi trường làm việc tốt, cơ hội thăng tiến cao, sếp giỏi. Nhưng sau này mình nhận ra, đồng nghiệp thân thiện hòa đồng mới là điều cần cân nhắc. Mình làm ở công ty mới từ dự án, danh tiếng đều có, nhưng đồng nghiệp cạnh tranh làm mình cảm thấy ngột ngạt. Trong khi ở công ty cũ, đồng nghiệp làm việc cùng nhau rất hiệu quả.”


Nhiều nhân sự nảy sinh cảm giác tiếc nuối khi nhận ra môi trường mới không đáp ứng những kỳ vọng của bản thân.


"Suy" công ty cũ thế thôi, nhưng không phải ai cũng trở thành “boomerang employee”


Cảm giác tiếc nuối về công ty cũ là có thật, nhưng không phải nhân sự nào cũng đi đến quyết định sẽ quay trở lại làm việc ở công ty cũ. Có rất nhiều lý do cản trở ý định “comeback” khi nhân sự nhớ về công ty cũ, cho dù đó là người giữ được sự hòa hợp với quản lý, đồng nghiệp sau khi nghỉ việc. Bởi khi nhân sự đó rời đi với những "lý do" hoà bình thì khi quyết định trở lại, họ sẽ cân nhắc nhiều vào đãi ngộ theo năng lực. Chia sẻ về trải nghiệm này, anh Vĩnh Khang - Designer cho biết: “Dù mình đã sang công ty mới được gần 2 năm nhưng mình vẫn còn giữ liên lạc và thường xuyên gặp gỡ các đồng nghiệp cũ. Thỉnh thoảng những lúc công việc khó khăn thì mình lại có suy nghĩ hay là quay trở về công ty cũ làm cho khỏe, nhưng nghiêm túc đánh giá về cơ hội phát triển cũng như là môi trường làm việc thì mình vẫn chọn đồng hành cùng công ty hiện tại.”


Không giống với trường hợp của anh Vĩnh Khang, chị Ngọc Hân - Content Creator cho rằng lý do lớn nhất khiến chị không thể quay về công ty cũ đến từ nỗi sợ “thầm kín” của bản thân: sợ quê với bạn bè đồng nghiệp. Chị tâm sự: “Nhiều thấy công ty cũ đăng tuyển vị trí mình đã từng làm trước đó, mình rất muốn ứng tuyển nhưng bản thân lại không thể vượt qua được cảm giác sợ bị mọi người bàn tán là mình không còn chỗ nào để đi nên mới quay về công ty”.


Bên cạnh đó, rào cản lớn nhất để nhân sự dù “thương nhớ” công ty cũ nhưng vẫn không quay trở lại đến từ lý do họ rời đi. Anh Hiếu Trần - Senior Editor chia sẻ: “Mình từng có suy nghĩ sẽ quay về công ty cũ khi một đồng nghiệp cũ kể với mình rằng leader từng chèn ép mình đã bị cho nghỉ và leader mới đánh giá năng lực mình rất tốt, với định hướng hấp dẫn. Tuy nhiên, mình thấy những vấn đề buộc mình chọn nghỉ việc vẫn chưa được xử lý triệt để và vẫn còn vướng nhiều khúc mắc. Nên dù cảm thấy hứng thú với lời đề nghị của công ty cũ, mình vẫn chọn không quay trở lại”.


Dù "suy" công ty cũ nhưng quyết định quay trở lại luôn được nhân sự cân nhắc kỹ lưỡng


Thay vì tiếc nuối những chuyện đã qua, hãy mạnh dạn quyết định dứt khoát hơn. Nếu thật sự cảm thấy muốn quay trở về công ty cũ sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố phù hợp với định hướng phát triển ở thời điểm hiện tại, hãy tự tin gửi CV đến bộ phận tuyển dụng của công ty cũ. Ngược lại, nếu đó chỉ là cảm xúc thoáng qua, hãy dành thời gian để hoàn thiện và nâng cấp bản thân vì công ty mới vẫn luôn cần nhân sự phát triển từng ngày. 


Đoan Thục.


Cùng cập nhật các bài viết mới nhất của Advertising Vientam qua Newsletter!