Mascot (hay còn được gọi là linh vật) là một biểu tượng đại diện cho thương hiệu. Bắt đầu từ thế kỷ 19, các thương hiệu đã phát hiện ra rằng việc sử dụng hình ảnh linh vật đã cải thiện khả năng nhận diện và để lại ấn tượng lâu dài cho người tiêu dùng. Mascot ra đời như một cách thương hiệu kết nối gần gũi hơn với khán giả của mình với khách hàng. Hiện nay, các nhân vật đại diện cho các hãng không những góp mặt trong các bài đăng trên mạng xã hội mà còn tiếp xúc với khách hàng ở đa điểm chạm như trên ứng dụng, tại cửa hàng,... 


Các thương hiệu đã sử dụng mascot của mình để “chạm” đến khán giả như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau! 


Tạo điểm chạm gần gũi với người dùng qua Character Marketing


Bên cạnh các hình thức quảng bá như thực hiện các chiến dịch quảng cáo, sử dụng Influencer Marketing,... năm 2023, Character Marketing dần trở thành một trong những cách để thương hiệu “chạm” đến khách hàng thông qua một nhân vật trung gian. 


Theo đó, Character Marketing là quá trình các thương hiệu nghiên cứu thị trường, đối tượng khách hàng để tạo ra một nhân vật được gọi là Mascot (linh vật). Linh vật sẽ ứng với những gì mà thương hiệu, doanh nghiệp muốn truyền tải đến người dùng. 


M&M's đưa sản phẩm thành mascot chính thức của thương hiệu


Để dần trở nên quen thuộc với khách hàng, các mascot thường sẽ xuất hiện ở các hoạt động online như mạng xã hội, nội dung số (digital production), character branding,... và cả các sự kiện offline. Ngoài ra, trong quá trình phát triển linh vật, các thương hiệu thường sẽ xây dựng các câu chuyện xung quanh nhân vật đó, có sự biến đổi trong tạo hình nhằm tránh bị nhàm chán và thu hút sự chú ý của người dùng. 


1. Duolingo 


Được “ví von” là nỗi ám ảnh của nhiều người học ngôn ngữ, chú cú màu xanh lá cây của Duolingo dường như đã trở thành một biểu tượng “meme sống”. Nói về lý do sử dụng hình ảnh loài cú làm mascot, ông Gregory Hartman - Nhà thiết kế của Duolingo cho biết: “Cú là một loài vật vô cùng thông minh. Dịch vụ của chúng tôi hướng đến giáo dục nên sự lựa chọn này là vô cùng phù hợp”. Ngoài ra, màu sắc của chú mascot này xuất phát từ “trò đùa” của Luis von Ahn - nhà đồng sáng lập Duolingo. Được biết, ông Severin Hacker - cũng là “cha đẻ” Duolingo - vốn không thích màu xanh lá cây nên ông Luis đã quyết định chọn màu này để chọc tức vị đồng nghiệp của mình. 



Duolingo đã “biến hoá” mascot của mình “muôn hình vạn trạng” để phù hợp với nhiều sự kiện, hoàn cảnh khác nhau nhằm thu hút khách hàng. Tháng 7/2023, khi nhóm nhạc thần tượng Kpop nổi tiếng Blackpink đến tổ chức concert tại Hà Nội, chú cú Duolingo cũng lập tức “góp mặt” trong đêm ca nhạc này. Tuy nhiên, thay vì “diện” trang phục màu xanh lá cây tẻ nhạt thường thấy, Duolingo đã quyết định “lên đồ” đen - hồng để phù hợp với sự kiện ngày hôm đó. Không kém cạnh gì Blackpink, Duolingo cũng có cho mình một phiên bản thẻ bo góc giới hạn. Đặc biệt, khi người dùng hoàn thành bài học ngôn ngữ (trong ngày hôm đó), họ sẽ nhận được “photocard đặc biệt trong buổi fan meeting” của Duolingo. 


Duolingo “tự” tổ chức họp mặt người hâm mộ của mình với cái tên “Born Duo” (phỏng theo tên concert Born Pink của Blackpink) 


Duolingo cũng có cho mình thẻ bo góc phiên bản giới hạn


Chưa dừng lại ở đó, với nhiệm vụ “nhắc nhở người dùng học ngôn ngữ mỗi ngày”, Duolingo còn “xâm chiếm” cả fanpage của Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hoa Lo Prison Relic), một trong những di tích lịch sử tại thủ đô Hà Nội. Mở đầu màn “xâm chiếm” này, Duolingo thông báo: “‘Tôi yêu Hỏa Lò’ tiếng Pháp là gì ấy nhỉ?” - như một cách mà ứng dụng thường nhắc nhở người dùng của mình học tập. Điều thú vị là Duolingo chỉ chấp nhận “trao trả” lại fanpage cho chính chủ khi admin hoàn thành bài học ngôn ngữ ngày hôm đó. 


Kết hợp với Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Duolingo trang trí mascot chú chim cú của mình vận một chiếc áo “cờ đỏ sao vàng” và đội nón lá - một trong những đặc trưng văn hoá tại Việt Nam. Điều này càng khiến cho người dùng thêm thích thú vì độ “chịu chơi” và đầu tư của ứng dụng. 


Tin nhắn “nhắc nhở” học bài của Duolingo đến Nhà tù Hoả Lò 


Tạo hình mascot mặc áo “cờ đỏ sao vàng” và đội nón lá chứng minh sự tỉ mỉ, đầu tư của Duolingo trong các chiến dịch truyền thông 


Việc mascot chú cú màu xanh lá cây này xuất hiện tại các sự kiện, nội dung trên trang mạng xã hội nhằm nhắc nhở người dùng học ngôn ngữ mỗi ngày dường như trở nên quen thuộc với khách hàng. Từ đó, linh vật này đã tạo nên sự “ám ảnh” cho người dùng, bởi họ phải nhanh chóng học tập để thoát khỏi sự “đeo bám” của Duolingo. 


2. Mì Thanh Long - CatyFood 


Trước đây, CatyFood dường như là một cái tên xa lạ trong thị trường mì ăn liền tại Việt Nam. Tuy nhiên, giai điệu bài hát “Lần đầu tiên, trái thanh long có trong mì tôm” liên tục văng vẳng bên tai người dùng, khiến họ ngay lập tức nghĩ đến hình ảnh các chú “chú rồng thanh long” xuất hiện trong TVC của thương hiệu. Với giai điệu “lạ tai” và có phần hơi… lỗi thời, mì Thanh Long của CatyFood bất ngờ “viral” trên các trang mạng xã hội. 



Cái tên nói lên tất cả. CatyFood lựa chọn nguyên liệu chính xuất hiện trong sản phẩm của mình là thanh long, vì thế mascot trong các video quảng cáo của thương hiệu đã xuất hiện trong trang phục mô phỏng loại trái cây này. Lấy cảm hứng từ chữ “long” trong thanh long, nhãn hàng lựa chọn nhân vật chú rồng làm mascot. Được đánh giá là có hình tượng khá… “kỳ lạ”, chú rồng thanh long trở thành hiện tượng trên mạng xã hội cùng với giai điệu bài hát “ám ảnh”. Hiện tại, mascot của thương hiệu có hai phiên bản rồng thanh long “bụng trắng” (tương ứng với thanh long ruột trắng) và rồng thanh long “bụng đỏ” (tương ứng với thanh long ruột đỏ). 


“Chú rồng thanh long” xuất hiện trên các sản phẩm bao bì của Catyfood 


“Chú rồng thanh long” góp mặt trong TVC của Caty


3. 7UP 


Nhằm giới thiệu rộng rãi sản phẩm 7Up Lemon Soda mới đến công chúng, 7Up đã triển khai chiến dịch quảng bá rầm rộ với tông màu vàng chủ đạo. Xuất hiện trong các video quảng cáo và trên các nền tảng mạng xã hội của 7UP, “mascot” soda chanh ngày càng trở nên thân quen hơn với khách hàng. 




Đặc biệt, trong video mới nhất kết hợp cùng với agency quảng cáo Dentsu Redder, nhân vật soda chanh xuất hiện ở các địa điểm như nhà hàng, quán pizza,... và niềm nở giới thiệu sản phẩm. Khách hàng sau khi uống thử một ngụm của “7UP Soda Chanh” đều cảm thấy mát lạnh, sảng khoái đúng như slogan của hãng “Có Soda Chanh - Ăn món nào cũng cuốn”



4. MoMo 


Nếu là một người dùng trung thành với ví điện tử MoMo, ắt hẳn người dùng phải biết đến nhân vật quen thuộc luôn xuất hiện thì khách hàng truy cập vào app: chú robot đến từ tương lai. Với màu sắc đặc trưng hồng - trắng và logo MoMo nổi bật ở chính giữa bụng, mascot này đã xuất hiện trong nhiều sản phẩm từ video quảng cáo cho đến sự kiện ngoài đời của thương hiệu. 




Linh vật của MoMo được thiết kế bởi Planion Animation, có vẻ ngoài trẻ trung, năng động. Chú robot này được khắc hoạ có đôi mắt to tròn với tông màu chủ đạo là trắng - hồng. Đặc biệt, chú còn được thiết kế thêm hai chiếc ăng ten trên đầu - tượng trưng cho sự tiện ích mà công nghệ mang lại. 


Linh vật xuất hiện tại các sự kiện của MoMo 


Thậm chí, linh vật của MoMo còn xuất hiện ở các địa điểm vui chơi, mua sắm mà người dùng thường lui tới


5. Disney


Chú chuột Mickey và hãng phim Disney từ lâu đã là hai cái tên đi liền với nhau. Khi nhắc đến Disney thì người ta nghĩ ngay đến Mickey và ngược lại. Từ khi “chào sân” với các khán giả trên toàn thế giới, Mickey dường như đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các sản phẩm của hãng. Từ chiếc logo tai chuột Mickey huyền thoại luôn xuất hiện ở góc bên phải màn hình TV cho đến các món đồ lưu niệm, tất cả đều mang dáng dấp của chú chuột huyền thoại này. 


Phiên bản chú chuột Mickey đầu tiên của Disney 


Với đôi tai to tròn, bộ quần màu đỏ và đôi giày màu vàng quen thuộc, chú chuột Mickey “du hành” nhiều năm trong tâm trí của nhiều khán giả, đặc biệt là trẻ em. Xuyên suốt 100 năm hoạt động, Mickey Mouse vẫn là một trong những nhân vật được ưa thích nhất - đặc biệt là tại các khu vực Disneyland và Disney World. 


Nhân vật Mickey Mouse ngoài đời thực 


Logo cũ của Disney lấy cảm hứng từ nhân vật Mickey Mouse 


Mickey Mouse cũng là một trong những nhân vật được lấy cảm hứng để sản xuất quà lưu niệm


Tú Như