Không ít nhân sự tại các agency hiện nay thường xuyên chán nản với công việc, không muốn “đụng tay” dù deadline chồng chất và gấp rút. Thậm chí, trạng thái trì hoãn này có thể kéo dài, khiến công việc ngày một dồn ứ, áp lực tăng cao.


Buông xuôi khi công việc “chất đống”


Với số lượng công việc dày đặc, áp lực cao trong môi trường agency, nhiều nhân sự thường dễ cảm thấy chán nản, đuối sức, thậm chí là “burn out”, khiến họ mất dần động lực làm việc và sinh ra tâm lý trì hoãn. Chị Hương Phan - Senior Account Executive tại Dinosaur Vietnam chia sẻ: “Trước đây, mình từng phải chạy một dự án full scope vô cùng gấp rút, gần như ngày nào cũng là deadline, kể cả vào cuối tuần. Mình gần như không có thời gian nào được nghỉ ngơi. Bỗng đến một ngày, mình cảm thấy vô cùng mệt mỏi, không muốn mở máy lên để làm việc tiếp. Mình vẫn nhớ tối hôm đó, mình đã ngồi hai tiếng mà không làm gì cả, cũng chẳng quan tâm deadline gấp như thế nào.”


Chị Hương Phan chia sẻ, những dự án với deadline dày đặc khiến chị không có thời gian dành cho bản thân


Anh Đăng Khoa - Account/Marketing Executive tại Umedia Agency cho biết, công việc luôn “chất thành núi” khiến bản thân thường xuyên rơi vào tình trạng không muốn đụng tay. “Hiện tại, mình đang có một đống công việc gần đến deadline nhưng bản thân lại muốn trì hoãn, tới khi sếp hỏi và ‘dí’ thì mới luống cuống đi hoàn thành nốt. Kết quả đương nhiên là bị sếp mắng cho ‘té tát’. Nếu đầu ra công việc vẫn ổn thì không sao, nhưng nếu chất lượng sản phẩm tệ thì không chỉ bị khiển trách, mình còn có thể bị các team khác mắng vì đã hối thúc quá nhiều”.


Chính vì tính trì hoãn và tâm trạng thất thường khi bị “dồn việc” mà anh Quốc Hưng - Video Editor tại Celeb Network đôi khi làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc của cả team nói riêng và công ty nói chung. “Có hôm, mình làm đến 3-4 dự án cùng một lúc, phải tăng ca đến đêm muộn để hoàn thành nốt phần việc. Áp lực cao khiến mình mất tâm trạng làm việc, dẫn đến chậm tiến độ của dự án. Điều đó khiến bản thân mình ‘mất điểm’ trước đồng nghiệp, đồng thời cũng là một điểm trừ vô cùng lớn trong mắt sếp.”


Áp lực cao khi công việc chồng chất khiến anh Quốc Hưng mất dần tâm trạng làm việc


Càng nhiều việc, càng muốn trì hoãn


Đối với tính chất công việc sáng tạo, tâm trạng luôn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả công việc của nhân sự. Anh Quốc Hưng cho biết: “Khi bản thân không có tâm trạng làm việc, mình thường sẽ mất rất nhiều thời gian để làm ra sản phẩm, thậm chí nếu có hoàn thành kịp deadline cũng không thể đảm bảo về chất lượng đầu ra. Đó chính là lý do khiến công việc ngày một chồng chất, còn bản thân mình lại không có được tâm trạng tốt nhất để hoàn thành.”


Không chỉ gây ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý trong công việc, anh Đăng Khoa cho biết, deadline “chất đống” còn là nguyên nhân khiến các nhân sự gặp khó khăn trong việc tìm cách giải quyết tối ưu, ổn thỏa. “Khi có quá nhiều task, mình không thể dàn trải công việc để xử lý một cách logic. Điều này càng trở nên khó khăn hơn deadline cận kề. Mỗi lần gặp trình trạng như vậy, mình đều dành một buổi để không ‘đụng tay’ vào những công việc ấy, cho đến khi bình tĩnh trở lại rồi mới bắt đầu giải quyết.”


Deadline dồn dập khiến các nhân sự gặp khó khăn trong việc tìm cách giải quyết tối ưu và hiệu quả


Bên cạnh đó, “burn out” khi chịu áp lực cao từ công việc cũng góp phần làm nhân sự rơi vào trạng thái “buông xuôi”. Chị Hương Phan chia sẻ: Khi phải làm việc overtime trong một thời gian dài, nhân sự sẽ không còn ngày nghỉ để chăm sóc cho cuộc sống cá nhân nữa. Nếu như ngày nào cũng là deadline, ngày nào cũng phải xử lý công việc, mình sẽ thấy nản dần và có xu hướng nghĩ rằng, đằng nào cũng nhiều việc, tại sao hôm nay mình không nghỉ ngơi đi.


Càng về sau, tâm lý trì hoãn sẽ khiến mình không ưu tiên những deadline công việc nữa. Mà lúc bấy giờ, mình sẽ tự hỏi well-being của bản thân có ổn không, và liệu công việc ấy có cần gấp đến như vậy không.”


Bên cạnh đó, tâm lý “chán làm khi nhiều việc” còn là do nhân sự trước đó đã chủ quan và trì hoãn quá nhiều, dẫn đến tình trạng deadline chồng chất. “Mình đã quá đề cao bản thân, tự tin có thể giải quyết những công việc đó một cách dễ dàng và nhanh nhất. Nhưng khi phải xử lý một lúc quá nhiều việc, tinh thần và thể xác của mình sẽ bị ‘tê liệt’ tạm thời,” anh Quốc Hưng cho biết.


Tạo khoảng nghỉ để tìm lại cảm hứng làm việc


Sự trì hoãn có thể dẫn đến một “vòng lặp vô tận”. Bởi lẽ, những chần chừ chỉ khiến công việc càng thêm chồng chất, deadline ngày một gấp rút và dẫn đến áp lực tăng cao. Để tránh rơi vào trạng thái này, nhiều nhân sự thường chọn cách tạo nên những khoảng nghỉ hợp lý để tìm lại cảm hứng cho công việc. Chị Hương Phan chia sẻ: “Một người anh cùng ngành đã từng dạy mình rằng, khi bắt đầu bị ‘ngợp’ bởi công việc, khiến bản thân có xu hướng chán nản và trì hoãn, thì tốt nhất là mình nên để đầu óc nghỉ ngơi. Chẳng hạn như nếu ngày nào cũng có deadline gấp thì mình nên dành ra khoảng 2-3 tiếng để vừa chăm sóc bản thân, vừa ‘xả hơi’ cho đầu óc thư giãn. Sau 2-3 tiếng nghỉ ngơi đó, mình sẽ cảm thấy là mình đã được hồi phục đủ, ‘F5’ cả về tinh thần lẫn thể chất để sẵn sàng tiếp tục ‘chinh chiến’ với công việc. Cứ áp dụng cách này thì tâm lý trì hoãn cũng sẽ không còn nữa.”


Những khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp nhân sự tìm lại cảm hứng trong công việc


Còn theo anh Quốc Hưng, mấu chốt để khắc phục tâm trạng “chán việc” chính là thay đổi tư duy, không để bản thân bị dồn nhiều deadline quá mức. “Mình cần từ bỏ thói quen đề cao rằng bản thân có thể xử lý nhiều việc cùng lúc, hay suy nghĩ rằng ‘để mọi thứ đến cùng lúc rồi làm cho tiện’. Bên cạnh đó, mình học cách suy nghĩ sâu xa hơn về vấn đề và hậu quả của nó, luôn phải có những phương án đề phòng. Chỉ có thay đổi tư duy của bản thân thì mình mới kiểm soát được tâm lý trì hoãn này.” 


Để có thể giúp bản thân “dễ thở” hơn trong giai đoạn “nước rút” của các dự án, tránh sinh ra tâm lý trì hoãn gây ảnh hưởng đến hiệu suất và chất lượng công việc, anh Đăng Khoa cho biết, nhân sự nên phân chia task ngay lập tức sau khi được giao một dự án nào đó, quản lý timeline một cách chặt chẽ ngay từ những giai đoạn đầu tiên. Có như vậy, nhân sự mới không gặp phải trạng thái áp lực cao, chán nản và đuối sức khi dự án dần đến hồi kết.


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai