Super Bowl không còn là một Siêu cúp bóng bầu dục của nước Mỹ, mà đã trở thành một sự kiện văn hóa có sức ảnh hưởng khổng lồ. Với hơn 123 triệu người theo dõi vào năm 2024 – con số chỉ xếp sau sự kiện đổ bộ Mặt Trăng của Apollo – Super Bowl đã trở thành một hiện tượng hiếm hoi thu hút sự chú ý của công chúng toàn cầu. Dự kiến, Super Bowl 2025 sẽ tiếp tục lập kỷ lục tương tự.
Chính vì thế, các thương hiệu từ lâu đã coi Super Bowl là một chiến trường tiếp thị lý tưởng, nơi các thương hiệu không chỉ chạy đua để giành lấy từng giây quảng cáo đắt giá trên sóng truyền hình, mà còn dốc toàn lực khai thác sức ảnh hưởng của sự kiện nhằm kết nối với khán giả và nâng tầm thương hiệu của mình.
Tầm ảnh hưởng văn hóa khổng lồ của Super Bowl: Cơ hội vàng để các thương hiệu tiếp cận hàng trăm triệu khán giả
Trong nhiều thập kỷ qua, Super Bowl luôn là sân khấu lý tưởng cho các thương hiệu triển khai quảng cáo tác động mạnh mẽ.
Theo dữ liệu từ Nielsen Fast National và Adobe Analytics, Super Bowl 2024 đã lập kỷ lục về lượng người xem, với trung bình 123,4 triệu người xem trên tất cả các nền tảng, tăng 7% so với kỷ lục trước đó của Super Bowl năm ngoái (115,1 triệu người). Tổng cộng, hơn 200 triệu người (202,4 triệu) đã theo dõi toàn bộ hoặc một phần của trận đấu, đánh dấu mức khán giả không trùng lặp cao nhất trong lịch sử Super Bowl và tăng 10% so với mùa giải trước (183,6 triệu người).
Ngoài ra, Super Bowl cũng tạo ra một trong những sự kiện tiêu dùng lớn nhất tại Mỹ. Theo báo cáo của Liên đoàn Bán lẻ Hoa Kỳ, người Mỹ đã chi tới 17,3 tỷ USD vào năm 2024 cho các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sự kiện Super Bowl. Dự báo, con số này sẽ vượt qua 18 tỷ USD vào năm 2025.
Với giá quảng cáo lên đến 8 triệu USD cho mỗi 30 giây, các thương hiệu sẵn sàng chi một khoản tiền khổng lồ để được xuất hiện trong Super Bowl. Đối với các quảng cáo dài hơn 60 hoặc 90 giây, mức giá có thể lên đến từ 16 triệu đến 24 triệu USD.
Chính vì thế, Super Bowl 2025 là cơ hội hiếm có để các thương hiệu tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng trong một khoảnh khắc duy nhất, biến sự kiện này thành nền tảng tối ưu cho việc kể chuyện sáng tạo và truyền tải thông điệp thương hiệu. Các quảng cáo mang tính biểu tượng và những màn trình diễn giữa hiệp nổi bật đã giúp Super Bowl trở thành động lực quan trọng, duy trì sự liên quan văn hóa đối với các nhà quảng cáo.
Hình: Adweek
Thêm vào đó, các công ty đang đẩy mạnh việc tối ưu hóa quảng cáo để đảm bảo hiệu quả tối đa từ khoản chi lên tới 8 triệu USD cho mỗi vị trí quảng cáo. Năm nay, dự kiến sẽ có sự gia tăng các quảng cáo tích hợp các yếu tố tương tác, như mã QR, giúp các công ty theo dõi và đo lường mức độ tương tác với thương hiệu của họ trong thời gian thực.
2. Hiệu ứng của Taylor Swift
Một trong những câu chuyện nổi bật nhất của mùa giải NFL 2024-2025 chính là sự kết nối giữa Taylor Swift và giải đấu này. Sự hiện diện của cô tại các trận đấu và mối quan hệ với Travis Kelce của Kansas City Chiefs đã tạo ra một giá trị truyền thông ước tính lên đến 9,6 triệu USD cho NFL. Với việc Kansas City Chiefs có mặt tại chung kết Super Bowl năm nay, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cách mà ảnh hưởng này sẽ tiếp tục định hình lượng người xem, sự tương tác và các chiến lược tài trợ thương hiệu.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa Taylor Swift và Travis Kelce đã thu hút lượng khán giả nữ lớn hơn đến với NFL, mở ra cơ hội tiếp thị tiềm năng cho các công ty. Việc Swift thu hút sự chú ý của các fan nữ trẻ là một yếu tố quan trọng mà các thương hiệu không thể bỏ qua.
Ảnh hưởng của Taylor Swift không chỉ giới hạn trong giới thể thao mà còn lan tỏa rộng rãi trong các lĩnh vực khác. Cộng đồng fan hâm mộ trung thành của cô, được gọi là Swifties, đã chứng minh sức mạnh của fandom trong việc tạo dựng câu chuyện truyền thông và thúc đẩy hành vi tiêu dùng. Các thương hiệu biết tận dụng sự trung thành này có thể xây dựng được các kết nối lâu dài và củng cố tầm quan trọng của sự gắn kết cảm xúc trong tiếp tị.
Đặc biệt, các công ty trong ngành chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp đã nhanh chóng tận dụng sự xuất hiện của Taylor Swift tại các trận đấu của Kansas City để tiếp cận nhóm phụ nữ trẻ – đối tượng đang gia tăng mạnh mẽ trong việc theo dõi các trận bóng bầu dục mùa giải này. NYX Makeup, công ty con của L'Oreal, đã ra mắt chiến dịch "The Big Fat Kiss" (Nụ Hôn Lớn), lấy cảm hứng từ khoảnh khắc nổi tiếng của Taylor Swift và cầu thủ NFL Travis Kelce sau chiến thắng của Kansas City Chiefs tại Super Bowl năm ngoái. Đây là chiến dịch xã hội đầu tiên của NYX, tập trung vào những khoảnh khắc ăn mừng sau các chiến thắng thể thao lớn.
Cùng lúc đó, Dove cũng quay lại sân chơi Super Bowl sau 18 năm gián đoạn. Đây là lần thứ hai Dove quảng cáo tại sự kiện này, với chiến dịch "Giữ cô ấy tự tin" nhằm quảng bá nền tảng "Body Confident Sport" của mình. Nền tảng này cung cấp các khóa học và công cụ giúp huấn luyện viên và vận động viên nâng cao hình ảnh bản thân cho các bé gái, khuyến khích các em duy trì sự tự tin và năng động trong thể thao, đặc biệt ở cấp trung học cơ sở.
3. Chương trình biểu diễn giữa giờ Super Bowl 2025 của Kendrick Lamar
Kendrick Lamar đã tạo nên dấu ấn lịch sử khi trở thành nghệ sĩ hip-hop solo đầu tiên biểu diễn trong chương trình giữa giờ của Super Bowl 2025. Với một loạt các bản hit đình đám như "Humble," "DNA," "Squabble Up," và "Not Like Us," Lamar đã mang đến một màn trình diễn đầy ấn tượng cùng những khách mời đặc biệt như Samuel L. Jackson, SZA, nhà sản xuất Grammy Mustard và Serena Williams.
Trong suốt buổi biểu diễn, một số thương hiệu lớn như Nike, Converse, Heinz đã được xuất hiện cùng Kendrick Lamar, mang lại cơ hội tiếp thị lớn cho những nhãn hiệu này.
Trong buổi biểu diễn, các vũ công nền của Kendrick Lamar đã diện giày Converse và Nike Shox cổ điển, những đôi giày nổi bật mà Lamar đã hợp tác với các thương hiệu này trong suốt sự nghiệp của mình. Việc giày Converse Chuck 70, giày Nike Cortez và Nike Air DT Max '96 xuất hiện trên sân khấu Super Bowl không chỉ củng cố mối quan hệ của Lamar với những thương hiệu này mà còn mang lại giá trị lớn về mặt marketing, thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu thích thời trang và giày thể thao. Những đôi giày này, đặc biệt là Air DT Max '96, cũng được coi là một món quà tri ân đối với cựu cầu thủ NFL và nhà vô địch Super Bowl, Deion Sanders.
Mặc dù Heinz không phát sóng quảng cáo riêng biệt trong Super Bowl, sự xuất hiện của họ thông qua nhà sản xuất Mustard trong buổi biểu diễn của Kendrick Lamar là một động thái tiếp thị tinh tế. Heinz đã tận dụng cơ hội này để giới thiệu sản phẩm gia vị phiên bản giới hạn thông qua một quảng cáo teaser "Mustard x Mustard" được phát trong lễ trao giải Grammy, tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa thương hiệu và khán giả. Bằng cách tận dụng sự nổi bật của Kendrick Lamar và màn biểu diễn sôi động, Heinz đã làm dậy sóng mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Sự xuất hiện của các thương hiệu trong chương trình biểu diễn giữa giờ Super Bowl không chỉ mang lại sự chú ý lớn từ khán giả mà còn tạo cơ hội để họ kết nối cảm xúc với cộng đồng người hâm mộ của Kendrick Lamar và cộng đồng hip-hop. Mỗi thương hiệu, đã tận dụng thành công màn trình diễn của Lamar để không chỉ củng cố vị thế trong ngành của mình mà còn gia tăng sự hiện diện trong các cuộc trò chuyện văn hóa và hành vi tiêu dùng.
Kết luận
Các thương hiệu tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong Super Bowl là những thương hiệu biết đầu tư vào khả năng hiển thị lâu dài và kết nối cảm xúc với khán giả. Dù thông qua sự ảnh hưởng của người nổi tiếng, quảng cáo sáng tạo, hay những khoảnh khắc văn hóa gây tiếng vang, Super Bowl tiếp tục là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược marketing của các doanh nghiệp.
Diệu Anh
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.