Chương trình "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" đang gây sốt trên mạng xã hội với những màn trình diễn đầy mãn nhãn và sáng tạo dù chương trình sắp sửa đi đến hồi kết. Không chỉ đơn thuần là một chương trình giải trí, "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" còn khéo léo lồng ghép các yếu tố văn hóa truyền thống, tạo nên dấu ấn độc đáo và riêng biệt, khiến khán giả không ngừng bàn tán.



Khi dần đi đến chung kết, chương trình đã và đang khẳng định giá trị văn hóa Việt qua từng tiết mục, góp phần tôn vinh bản sắc dân tộc, đồng thời khơi dậy niềm tự hào trong lòng khán giả Việt Nam. Không những thế, chiến lược lồng ghép văn hoá dân tộc còn là một trong những chiến lược thông minh, giúp chương trình thu hút được nhiều khán giả ở mọi lứa tuổi. 


Ekip 100% là người Việt Nam góp phần thổi hồn văn hoá dân tộc một cách sâu sắc


Chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai được mua bản quyền từ chương trình ‘Call Me By Fire' từ đài truyền hình Mango, Trung Quốc - vốn đã gây sốt trên thị trường Châu Á với những thành tích về rating nổi bật. 



Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam, chương trình không chỉ đơn thuần là sự sao chép hay chuyển ngữ, mà còn được biến tấu, điều chỉnh để phù hợp hơn với thị hiếu và giá trị văn hoá địa phương. Với mong muốn mang đến những sắc thái và hơi thở Việt Nam rõ nét trong từng khung hình cho đến âm thanh, đội ngũ sản xuất chương trình từ đạo diễn sân khấu Đinh Hà Uyên Thư, giám đốc âm nhạc SlimV cho đến ekip, đều là những người Việt 100%. Chương trình đã tận dụng sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, thói quen giải trí của khán giả Việt để tái hiện chương trình theo một cách gần gũi nhưng không kém phần hiện đại và hấp dẫn.


Đạo diễn Sân khấu Đinh Hà Uyên Thư và Giám đốc Âm nhạc SlimV


Một yếu tố then chốt góp phần vào thành công của chương trình là sự kết hợp giữa các nghệ sĩ đến từ nhiều thế hệ và lĩnh vực khác nhau trong làng giải trí. Thay vì chỉ dựa vào những tên tuổi nổi tiếng từ một thế hệ hoặc một ngành nghệ thuật duy nhất, chương trình đã sáng tạo bằng cách kết nối những ngôi sao trẻ đầy năng lượng với các nghệ sĩ gạo cội có kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng sâu rộng. Nổi bật là võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất, nghệ sĩ trẻ Soobin Hoàng Sơn, đạo diễn Neko Lê hay NSND Tự Long, sự pha trộn này không chỉ tạo ra sức hút đặc biệt mà còn mang lại sự phong phú về nội dung, tạo nên một bức tranh đa dạng về cả âm nhạc, diễn xuất lẫn tính cách nghệ sĩ.


Chất liệu truyền thống Việt Nam là yếu tố tiên quyết giữ chân khán giả ở nhiều thế hệ


Những yếu tố truyền thống, được các ‘anh tài’ khéo léo cài cắm vào từng màn trình diễn góp phần thu hút được đa dạng người xem ở nhiều lứa tuổi. Đặc biệt, xu hướng ‘nostalgia’ - hoài niệm về những yếu tố xưa cũ là một trong những chiến lược marketing hiệu quả đối với người tiêu dùng. Chính vì thế, việc lồng ghép văn hoá Việt vào mỗi sân khấu càng khiến cho chương trình đạt được độ hiệu quả về mặt truyền thông lẫn việc giáo dục thế hệ trẻ. 


Nhà Sao Sáng với Soobin Hoàng Sơn, Tự Long và Cường Seven


Nổi bật là ca khúc 'Trống Cơm' do Nhà Sao Sáng bao gồm Nghệ sĩ Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven trình diễn tại Công diễn 1. Ca khúc có sự kết hợp hoàn hảo giữa giai điệu dân gian truyền thống và yếu tố hiện đại. Khi Trống Cơm được phát sóng, lập tức ca khúc đã trở thành chủ đề bàn tán trên các trang mạng xã hội như Facebook, Threads, TikTok…. Những bài phân tích về những chất liệu mà các anh tài thổi hồn vào Trống Cơm đều đạt được lượng tương tác cao.  


Đặc biệt, trong livechat Tập 4 của chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, tiết mục Mashup "Áo Mùa Đông - Trở Về" đã tạo nên một làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ từ khán giả. Hàng loạt biểu tượng lá cờ Việt Nam được thả trên màn hình, không chỉ thể hiện niềm tự hào dân tộc mà còn là cách khán giả bày tỏ sự kết nối cảm xúc với chương trình. Nhiều bình luận xúc động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, qua đó càng khẳng định giá trị nhân văn mà tiết mục mang lại. Những màn trình diễn của các Anh Tài trong Công diễn 1 không chỉ mở màn thành công cho chương trình mà còn đặt nền móng cho những tiết mục tiếp theo, đậm chất truyền thống và ý nghĩa, hứa hẹn sẽ tiếp tục khơi gợi lòng tự hào dân tộc và sự yêu mến từ công chúng.


Live chat tập 4 khi phát sóng đến ca khúc Mashup Áo Mùa Đông, Trở Về


Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy việc tận dụng văn hóa truyền thống không chỉ giúp chương trình thu hút được khán giả mà còn giúp tăng cường hiệu quả truyền thông, mở rộng tầm ảnh hưởng. 


Cho đến tập Công diễn 4 vừa được phát sóng vào ngày 7/9 vừa qua càng làm cho khán giả mãn nhãn bởi bốn bài hát trình diễn nhóm đều là những bài hát mang đậm văn hoá dân tộc các miền. Như bài hát Mưa Trên Phố Huế của Nhà Chín Muồi kết hợp với các nghệ sĩ của bộ môn truyền thống như múa chén, Nhã nhạc Cung đình Huế,... và Nhà Trẻ với bài hát Đào Liễu có sự kết hợp với nghệ thuật hát Chèo. Những tiết mục này đã mang đến cho khán giả không chỉ những phút giây giải trí mà còn là những bài học về lịch sử và nghệ thuật truyền thống của các vùng miền. Đây là cách tiếp cận thông minh để bảo tồn và truyền bá giá trị văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ, giúp họ cảm nhận và hiểu sâu hơn về bản sắc dân tộc. 


Các bài hát diễn nhóm ở Công diễn 4 đều lồng ghép các yếu tố văn hoá dân tộc


Ngoài việc sử dụng chất liệu truyền thống, chương trình còn khéo léo lồng ghép những ca khúc "hit" gắn liền với tuổi thơ và thanh xuân của thế hệ 8x, 9x. Những bài hát đã từng làm mưa làm gió trên thị trường như "Dẫu Có Lỗi Lầm", "Đường Xa Ướt Mưa" hay "Cao Gót" không chỉ gợi nhớ cho khán giả về một thời kỳ vàng son của âm nhạc Việt Nam mà còn tạo nên cầu nối giữa các thế hệ, từ đó thu hút được nhiều tầng lớp khán giả hơn. Việc kết hợp giữa âm nhạc hoài niệm và hiện đại đã chứng minh hiệu quả, khiến chương trình trở nên đa chiều và gần gũi với cả những khán giả trẻ lẫn những người đã trưởng thành.


Chiến lược truyền thông khai thác tất cả các yếu tố của những ‘Anh tài' 


Các video Behind the Scenes hoặc các video khoảnh khắc nổi bật của mỗi tập phát sóng đều là những yếu tố cần phải có trong các chương trình, đặc biệt là các chương trình truyền hình thực tế. Đội ngũ sản xuất đã tận dụng tối đa danh tiếng, tài năng và câu chuyện cá nhân của mỗi nghệ sĩ để tạo nên những nội dung đa dạng, độc đáo, mang lại sức hút lớn cho chương trình. Điều này không chỉ tạo ra một chương trình giải trí đơn thuần, mà còn biến nó thành một nền tảng tương tác liên tục với khán giả, từ những tập phát sóng chính thức đến các nội dung hậu trường và tương tác trên mạng xã hội. 


Những nội dung sáng tạo của chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai tại kênh YouTube của YeaH1 Show


Đối với Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, nhà sản xuất YeaH1 đã không chỉ dừng lại ở các video BTS thông thường mà còn phát triển thêm nhiều nội dung sáng tạo khác nhằm khơi dậy sự tò mò và hứng thú của người xem. Ví dụ như các tập ‘House Tour Anh Tài’, nơi khán giả có thể khám phá không gian sống của các nghệ sĩ, hay những video phỏng vấn thân mật trong ‘Hậu Phương Anh Tài’, mang đến cái nhìn sâu sắc về hậu trường và những người thân, gia đình hỗ trợ phía sau. 


Những nội dung sáng tạo khai thác tối đa các khía cạnh của các Anh Tài


Không chỉ dừng lại ở việc đăng tải nội dung từ nhà đài, cộng đồng người hâm mộ của các ‘Anh tài’ cũng đóng góp không nhỏ vào việc tạo nên sự phổ biến cho chương trình. Các fan thường xuyên sáng tạo nội dung liên quan như video phân tích, phản ứng, hoặc tạo ra các video hài hước, làm cho chương trình trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa mạng xã hội. Mỗi khoảnh khắc đáng nhớ từ các tập phát sóng hoặc hậu trường đều trở thành nguồn cảm hứng để cộng đồng người hâm mộ lan truyền thông tin và nội dung chương trình rộng rãi.  


Nhiều kênh TikTok sáng tạo nôi dung với chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai


Điển hình như sau khi mỗi tập phát sóng, các video clip cắt từ những phân cảnh nổi bật của các ‘Anh tài’ ngay lập tức xuất hiện trên các nền tảng như TikTok, Facebook, và YouTube. Điều này tạo ra một chuỗi nội dung liên hoàn, giúp khán giả không chỉ nhớ đến chương trình qua các tập phát sóng chính mà còn liên tục theo dõi các nội dung phụ trên mạng xã hội. Khả năng tạo dựng một không gian cộng đồng mạnh mẽ như vậy là yếu tố quan trọng để chương trình duy trì sức nóng và thu hút người xem qua từng tập.


Trong thời gian gần đây, truyền hình thực tế tại Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh mẽ khi cộng đồng người hâm mộ không chỉ đóng vai trò là người xem mà còn là nhà sáng tạo nội dung. Với các chương trình như Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, chiến lược truyền thông không chỉ phụ thuộc vào nhà sản xuất mà còn dựa vào sự tham gia của khán giả để xây dựng nên một hệ sinh thái nội dung phong phú. Đây là xu hướng mới trong ngành công nghiệp giải trí, nơi mà sự tương tác và phản hồi từ người hâm mộ ngày càng quan trọng và trở thành một phần không thể thiếu trong việc quảng bá chương trình. 


Khán giả tại trường quay đều cổ vũ nhiệt tình cho các tiết mục 


Với sự đầu tư nghiêm túc về mặt sản xuất và nội dung, "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" đã đạt được một sự kết hợp hoàn hảo giữa tư duy toàn cầu và hành động địa phương, không chỉ giữ nguyên tinh thần của chương trình gốc mà còn mang đến những sáng tạo riêng biệt, mang đậm dấu ấn Việt Nam. Sự thành công này không chỉ minh chứng cho năng lực sáng tạo và tổ chức của đội ngũ sản xuất Việt, mà còn mở ra những cơ hội mới cho việc tiếp nhận và phát triển các format chương trình quốc tế tại thị trường Việt Nam.


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!