Vừa qua, tựa game nhập vai Black Myth: Wukong đã chính thức ra mắt, đây là trò chơi cấp độ AAA - chi phí phát triển cao, chu kỳ sản xuất dài và đầu tư đáng kể - đầu tiên của Trung Quốc. Theo nhiều nhà phân tích, Black Myth: Wukong đại diện cho một bước đột phá lớn của ngành công nghiệp trò chơi Trung Quốc. 



Black Myth: Wukong là trò chơi nhập vai hành động được lấy cảm hứng từ câu chuyện thần thoại Trung Quốc - Tây Du Ký, phát hành bởi Game Science. Kể từ khi ra mắt, tựa game đã thu hút được nhiều sự chú ý từ cộng đồng người chơi, đặc biệt là hashtag “Black Myth: Wukong” (#黑神话悟空#) đạt vị trí thứ 27 trên danh sách Tìm kiếm phổ biến với 1,06 tỷ lượt xem trên Weibo. Đáng chú ý, trò chơi Black Myth: Wukong đến hiện tại đã bán được hơn 10 triệu bản trên các nền tảng Game như Steam, Epic, We Game, PS. 


Theo trang Campaign Asia, chỉ sau một ngày ra mắt, trò chơi đã ghi nhận hơn 2,2 triệu người chơi đồng thời trên Steam, vượt qua nhiều tựa game nổi tiếng khác. Điều này không chỉ minh chứng cho sức hút của Black Myth: Wukong mà còn cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp trò chơi tại Trung Quốc, đặc biệt là trong việc cạnh tranh với các tựa game AAA từ các nước phương Tây. 


Nội dung cốt truyện và chất lượng hình ảnh, âm thanh là yếu tố cốt lõi giúp Black Myth: Wukong trở thành trò chơi được săn đón


Một trong những yếu tố quan trọng giúp Black Myth: Wukong trở thành hiện tượng chính là cốt truyện và hình ảnh trong game. Tây Du Ký là một trong những tiểu thuyết kinh điển của văn học Trung Quốc, với những nhân vật và tình tiết đã trở thành biểu tượng văn hóa không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Game Science đã thành công trong việc chuyển thể câu chuyện này thành một tựa game nhập vai hành động, giữ lại những yếu tố thần thoại quen thuộc nhưng cũng tạo ra những nét mới lạ và độc đáo.


Jolin Guan - Chuyên gia tư vấn thương hiệu đã chia sẻ với trang Campaign Asia, có lẽ nhóm thiết kế của trò chơi đã đọc Tây Du Ký hơn một trăm lần bởi thế giới ‘Linh Sơn’ trong truyện có nhiều nét tương đồng với văn hoá Trung Quốc và bám sát vào tiểu thuyết gốc. 



Bà cho biết: “Đội ngũ thiết kế đã kiểm tra nguồn gốc và thiết kế của tất cả các yêu quái và các vị thần trong tiểu thuyết, đã đến thăm hàng trăm ngọn núi, dòng sông, đền thờ, miếu thờ và bia mộ, và lật lại hàng ngàn văn bản văn hóa về các triều đại nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống và nhà Minh, cũng như vẽ bản thảo của các bức tranh gốc quá nhiều không thể đếm xuể”. 


Không chỉ thuyết phục người chơi về mặt nội dung, Black Myth: Wukong còn chiếm được cảm tình của khán giả bởi sự tâm huyết của nhà phát hành Game Science. Bà Jolin Guan chia sẻ thêm với trang Campaign Asia: “Nhà phát hành đã nói rằng có hơn 1,2 tỷ mô hình chỉ dành cho áo giáp của Đại Thánh, hay còn gọi là Tôn Ngộ Không. Nhóm nhà phát hành game cũng đã bỏ việc, bán tài sản của họ để đầu tư vào trò chơi và tiếp tục mà không có bất kỳ nguồn thu nhập mới nào trong bốn đến năm năm”. 



Với sự đầu tư của Game Science, Black Myth: Wukong đã trở thành chủ đề tìm kiếm hàng đầu trên Taobao, với lượng tìm kiếm từ khóa tăng 1.380% vào ngày ra mắt so với thứ Ba trước đó, theo dữ liệu từ Alibaba Group. 


Sự thành công của Black Myth: Wukong còn thúc đẩy tăng trưởng của một số ngành hàng 


Không chỉ được cộng đồng game thủ săn đón, trò chơi Black Myth: Wukong còn thúc đẩy doanh số bán hàng trên nhiều thương hiệu và nền tảng khác nhau, từ PlayStation và các sản phẩm hợp tác với các thương hiệu khác cho đến các điểm đến du lịch.


Theo Campaign Asia, doanh số bán máy chơi game PS5 tại cửa hàng flagship chính thức Tmall của Sony PlayStation đã tăng vọt hơn 100% so với cùng kỳ năm trước trong tuần trước khi trò chơi ra mắt. Nhìn chung, doanh thu máy chơi game kỹ thuật số 3C tại Tmall đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 8, máy chơi game PS5 là thiết bị chơi game bán chạy nhất trong bốn ngày liên tiếp. Ngoài ra, lượt tìm kiếm PS5 trên nền tảng đồ cũ Xianyu của Taobao đã tăng vọt hơn 300% kể từ tháng 8.



Ngoài ra, Black Myth: Wukong còn có tác động tích cực đối với ngành du lịch, đặc biệt là tại tỉnh Sơn Tây, nơi có nhiều địa điểm du lịch được giới thiệu trong trò chơi. Trong số 36 địa điểm du lịch xuất hiện trong game, 27 địa điểm nằm ở tỉnh Sơn Tây. Doanh số bán vé tại các địa điểm này đã tăng đột biến, đặc biệt là tại ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng Tiểu Tây Thiên, với doanh số bán vé tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.


Một cảnh trong tựa game được lấy cảm hứng từ vách núi Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc


Không những thế, theo cổng thông tin du lịch Tuniu, lượng tìm kiếm về Sơn Tây đã tăng 20% ​​vào ngày 20/8, ngay sau khi trò chơi được phát hành. Trong tháng này, số lượt đặt chỗ du lịch đến Sơn Tây tăng 120%. Điều này cho thấy rằng sự thành công của trò chơi không chỉ giới hạn trong lĩnh vực giải trí mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. 


Những địa danh nổi tiếng của Trung Quốc truyền cảm hứng cho những phân cảnh trong game Black Myth: Wukong 


Các thương hiệu trong và ngoài nước nhanh chóng ‘bắt sóng’ với nhiều chiến lược truyền thông độc đáo


Trước khi ra mắt, Black Myth: Wukong cũng đã hợp tác với nhiều thương hiệu nhằm tăng độ phủ của trò chơi. Nổi bật là thương hiệu Luckin Coffee đến từ Trung Quốc đã có màn collab với tựa game này. Cụ thể, thương hiệu đã cho ra mắt phiên bản bao bì mới có in hình ảnh của Wukong và triển khai các chương trình khuyến mãi đặc biệt. Được biết, các sản phẩm hợp tác của cả hai đã ‘cháy hàng' sau vài giây mở bán dẫn đến việc Luckin Coffee phải nhanh chóng bổ sung hàng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. 


Bộ sản phẩm đặc biệt hợp tác giữa Luckin Coffee và Black Myth: Wukong


Sau đợt ra mắt thành công của Black Myth: Wukong, thương hiệu Lenovo và Didi Bike cũng đã nhanh chóng triển khai chiến dịch quảng cáo tận dụng cơn sốt này. Cụ thể, Lenovo ra mắt phiên bản máy tính để bàn và máy tính xách tay đặc biệt với thiết kế dựa trên trò chơi để trùng với thời điểm phát hành game. Thương hiệu xe đạp Didi Bike cũng không bỏ lỡ cơ hội này khi hợp tác với Game Science để sản xuất một loạt xe đạp đặc biệt với các yếu tố từ Black Myth.


Phiên bản máy tính Black Myth: Wukong của Lenovo


Những chiến dịch này không chỉ là cách để các thương hiệu tận dụng sự thành công của trò chơi mà còn là một minh chứng cho việc các thương hiệu có thể kết hợp với nhau để tạo ra các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn người tiêu dùng.


Không chỉ các thương hiệu tại thị trường Trung Quốc ra mắt các chiến dịch kết hợp với yếu tố Black Myth: Wukong mà các thương hiệu tại Việt Nam cũng đã ‘bắt nhịp’ để thực hiện các chiến dịch truyền thông. Đáng chú ý, sau khi trò chơi Black Myth: Wukong ra mắt, Mì Thanh Long VinaCaty đã nhanh chóng ‘bắt trend’ tạo hẳn một trò chơi có tên ‘Black Seed Thanh Long: Tây Dư Ký’. Bài post của thương hiệu đã thu hút được nhiều người quan tâm với lượng tương tác cao trên fanpage chính thức. 


Bài đăng của Mì Thanh Long VinaCaty thu hút nhiều lượt tương tác từ cộng đồng mạng


Dựa trên những thành công của tựa game Black Myth: Wukong, thị trường game toàn cầu dự kiến ​​sẽ tạo ra 187,7 tỷ USD vào năm 2024, phản ánh mức tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng game thủ trên toàn thế giới dự kiến ​​sẽ đạt 3,42 tỷ vào năm 2024, tăng 4,5% so với năm trước. Doanh thu game PC dự kiến ​​sẽ tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua cả game di động và game console, theo báo cáo thị trường game toàn cầu mới nhất của NewZoo. 


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!