26 năm trước, Starbucks ra mắt chiếc cốc đỏ đầu tiên dành riêng cho mùa lễ hội. Kể từ đó, ra mắt cốc đỏ hằng năm trở thành nét truyền thống đặc biệt của Starbucks. Cứ mỗi khi những chiếc cốc này xuất hiện tại cửa hàng, đấy cũng là tín hiệu cho thấy mùa lễ hội cuối năm đang đến gần.


Bộ sưu tập những chiếc cốc đỏ của Starbucks từ năm 1997-2022


Câu chuyện về những chiếc cốc đỏ của Starbucks


Chiếc cốc đỏ đầu tiên của Starbucks được giới thiệu vào năm 1997. Tại thời điểm đó, trào lưu "selfie" vẫn chưa tồn tại. Thậm chí, những nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook hay Twitter cũng chưa xuất hiện. Thế nhưng những chiếc cốc này vẫn tạo được sức hút mạnh mẽ với công chúng.


Được tạo nên bởi nhà thiết kế Sandy Nelson, chiếc cốc mùa lễ hội đầu tiên không có màu đỏ như tên gọi mà nổi bật với màu tím cùng hình minh họa vẽ tay miêu tả các hình xoáy, lá nhựa ruồi và lấm tấm những hạt cà phê.


Chiếc cốc đầu tiên của Starbucks được giới thiệu lần đầu vào năm 1997 bởi nhà thiết kế Sandy Nelson


Không chỉ chiếc cốc đầu tiên, "cốc đỏ" năm 1998 cũng không hề sử dụng màu đỏ mà được tạo nên từ hai tông màu tím đậm và nâu đỏ với hình minh họa là bông tuyết xoắn cách điệu.


Chiếc cốc đỏ của Starbucks năm 1998 vẫn chưa có màu đỏ


Phải đến năm 1999, cốc đỏ “real” đầu tiên mới được ra mắt với sự xuất hiện của màu đỏ kẹo táo (một loại kẹo phổ biến ở Mỹ). Một thời gian sau, những cuộc thảo luận sôi nổi về chiếc cốc đỏ bắt đầu xuất hiện trên khắp các trang web văn hóa đại chúng, nền tảng mạng xã hội mới ra đời hay các chương trình trò chuyện đêm khuya. Năm này qua năm khác, sự phấn khích xung quanh chiếc cốc đỏ ngày càng tăng, dần dần chiếc cốc đã trở thành biểu tượng mới của lễ Giáng sinh.


Chiếc cốc đỏ đúng nghĩa đầu tiên của Starbucks xuất hiện vào năm 1999


Suốt gần hai thập kỷ từ khi được giới thiệu lần đầu vào năm 1997, những chiếc cốc đỏ của Starbucks vẫn duy trì sức hút của mình vào mỗi dịp lễ hội. Chúng thu hút những thảo luận sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội. 


Mỗi năm, chiếc cốc lại được khoác lên mình một "bộ áo mới" nhưng nhìn chung vẫn duy trì hình ảnh mang tính biểu tượng của Giáng sinh (ông già Noel, bông tuyết, tuần lộc, xe trượt tuyết,...). Tuy nhiên, từ năm 2015 đến 2017, những chiếc cốc đỏ của Starbucks lại liên tục nhận về những ý kiến trái chiều từ phía người dùng.


Những chiếc cốc đỏ gây tranh cãi nhất của Starbucks


Năm 2015, Starbucks quyết định thiết kế cốc theo phong cách ombre: phần thân trên của ly có màu đỏ tươi và phần dưới màu nam việt quất (cranberry). Thế nhưng sự thay đổi thiết kế này không những không khiến người dùng thích thú mà còn khiến họ trở nên phẫn nộ. Theo đó, người dùng cho rằng Starbucks đang cố gắng loại bỏ hình ảnh đặc trưng của Giáng sinh như cây thông, bông tuyết, ông già Noel,... ra khỏi chiếc cốc mùa lễ hội. Thời điểm đó, hashtag #ItsJustACup #MerryChristmasStarbucks được đông đảo người dùng sử dụng nhằm thể hiện sự phản đối của mình trên mạng xã hội. Thậm chí, những nhân vật nổi tiếng như Ellen Degeneres, Trevor Noah, Stephen Colbert hay cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bình luận về chủ đề này.


Stephen Colbert cho rằng việc loại bỏ những hình ảnh quen thuộc của Giáng sinh khiến chiếc cốc của Starbucks trở nên bình thường và không còn mang lại cảm giác Giáng sinh


Dù nhận về những ý kiến trái chiều, Starbucks vẫn thu hút được rất nhiều sự chú ý mà không cần đến chiến dịch quảng cáo nào. Trong quý cuối cùng của năm 2015, Starbucks báo cáo doanh thu ròng đạt 5,4 tỷ USD, cao hơn 12% so với năm trước đó.


Ngoài ra, chiếc cốc đỏ năm 2015 đã được nhắc đến hơn 113.000 lần trên Twitter trong 5 ngày đầu tiên. Sau đó, chiến dịch này đã tích lũy được hơn 2 tỷ lượt hiển thị trên Twitter với 92% ý kiến ​​tích cực, bất chấp đó là năm nổ ra tranh cãi gay gắt nhất về những chiếc cốc đỏ của Starbucks.


Thiết kế đơn giản của chiếc cốc năm 2015 đã bị người dùng tuyên bố tẩy chay vì cho rằng chúng không chứa bất kỳ thông điệp nào liên quan đến Giáng sinh


Sau những tranh cãi dữ dội, vào ngày 1/11/2016, Starbucks đã giới thiệu một chiếc cốc màu xanh lá cây với hình vẽ miêu tả một nhóm người đứng cạnh nhau nhằm truyền tải thông điệp đoàn kết.


Tuy nhiên, những chiếc cốc màu xanh này tiếp tục nhận chỉ trích từ một số người dùng bảo thủ. Họ cho rằng, màu xanh lá cây hay hình ảnh sử dụng trên cốc không mang ý nghĩa Giáng sinh, thậm chí họ còn cáo buộc Starbucks "tẩy não chính trị" và truyền bá "tư tưởng tự do". Các hashtag #TeamRedCup và #boycottstarbucks xuất hiện và ngày càng trở nên viral trên mạng xã hội.


Chiếc cốc màu xanh với thông điệp táo bạo và nhân văn của Starbucks tiếp tục nhận chỉ trích từ một số người dùng


Sau đó không lâu, vào ngày 10/11, Starbucks thông báo 13 chiếc cốc đỏ do chính khách hàng thiết kế sẽ được in và sử dụng để phục vụ tại hơn 25.000 cửa hàng Starbucks tại 75 quốc gia. Những chiếc cốc này là kết quả từ một cuộc thi do thương hiệu phát động trên Instagram vào tháng 12/2015. Chỉ trong vòng 8 ngày, Starbucks đã nhận về hơn 1.200 bài dự thi, trong đó có 13 thiết kế của các nhà thiết kế đến từ sáu quốc gia khác nhau đã được chọn cho bộ sưu tập chiếc cốc đỏ chính thức của năm 2016.


Cốc đỏ năm 2016 được chính tay khách hàng của Starbucks thiết kế


Một năm sau, mặc dù thiết kế cốc đỏ vẫn đậm chất ngày lễ với hình ảnh bông tuyết, gói quà, cây thông,… thế nhưng giới tính không rõ ràng của đôi bàn tay trên chiếc cốc vẫn khiến Starbucks vướng vào tranh cãi. Đông đảo người dùng Buzzfeed cho rằng chiếc cốc này “hoàn toàn đồng tính”. Điều này khiến các phương tiện truyền thông bảo thủ cũng cáo buộc Starbucks truyền bá tư tưởng về đồng tính.


Đối mặt với vấn đề này, Starbucks không xác nhận hay phủ nhận liệu bàn tay đó có thuộc về một cặp đồng giới hay không. Họ giải thích rằng: “Hàng năm, chúng tôi luôn mong muốn truyền cảm hứng cho khách hàng về tinh thần của mùa lễ hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục đón nhận và chào đón khách hàng từ mọi tầng lớp và tôn giáo tại các cửa hàng trên khắp thế giới.”


Chiếc cốc đỏ năm 2017 của Starbucks


Năm 2017, chiến dịch cốc đỏ đã được đề cử tại Giải thưởng Shorty thường niên lần thứ 9 ở hạng mục Thực phẩm & Đồ uống và hạng mục Chiến dịch đa nền tảng nhờ tỷ lệ tương tác cao. Cũng trong năm này, Starbucks đã chia sẻ hơn 230 nội dung trên mạng xã hội về những chiếc cốc màu đỏ tại hơn 30 quốc gia và tiếp cận 4 triệu khán giả trên toàn thế giới. 


Bài học thành công từ chiến dịch chiếc cốc đỏ của "ông trùm cà phê" Starbucks


1. Không chỉ bán cà phê, Starbucks còn bán trải nghiệm


Sự nổi tiếng của Starbucks đã vượt ra khỏi hai chữ “cà phê” và trở thành một triết lý sống, thói quen của những người mến mộ thương hiệu nàng tiên cá này. Những khách hàng đến với Starbucks không chỉ mong muốn thưởng thức những ly cà phê thơm ngon mà còn tận hưởng không gian chuyên nghiệp từ cách bài trí, âm nhạc, hình ảnh, hương thơm, kiểu dáng bàn ghế,... Tất cả đã khiến khách hàng cảm thấy được tôn trọng và chào đón mỗi lần đến Starbucks.


Ông Howard Behar - Cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Starbucks) từng nói: "Chúng tôi không kinh doanh cà phê để phục vụ con người. Chúng tôi kinh doanh con người để phục vụ cà phê."


2. Khai thác những cảm xúc gắn liền với mùa lễ hội


Sự nổi tiếng lâu dài, mang tính biểu tượng của những chiếc cốc dành cho lễ hội của Starbucks đến từ khả năng khai thác những cảm xúc gắn liền với dịp cuối năm của thương hiệu này. Khi đa số mọi người tất bật nghỉ lễ cùng gia đình, bạn bè vào mùa Giáng sinh, không ít người vẫn phải bận rộn với công việc riêng mà quên chuẩn bị những món quà cho chính bản thân hoặc những người thân thiết. Tại đó, những chiếc cốc đỏ ngập tràn hương vị Giáng sinh của Starbucks xuất hiện và tạo nên điểm chạm với khách hàng.


Trao cho nhau chiếc cốc đỏ vào ngày Giáng sinh có thể tạo nên những cảm xúc tuyệt vời trong ngày lễ


Bằng cách tạo ra một trải nghiệm đầy cảm xúc, Starbucks đã ăn sâu vào trái tim và tâm trí khách hàng, biến những chiếc cốc của họ trở thành biểu tượng được yêu thích và mong chờ nhất trong mùa lễ hội.


3. Trao quyền đồng sáng tạo cho khách hàng


Mỗi năm, Starbucks đều cho ra mắt những chiếc cốc đỏ với thiết kế mới. Không chỉ tự thiết kế, thương hiệu còn tổ chức nhiều hoạt động để khách hàng trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo. 


Bằng cách thiết kế những chiếc cốc thúc đẩy sự tương tác, đồng thời tận dụng nội dung do người dùng tạo, Starbucks đã biến một chiếc cốc đơn giản thành biểu tượng gắn liền thương hiệu.


4. Tận dụng sức mạnh của mạng xã hội


Một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của những chiếc cốc đỏ không thể không kể đến các nền tảng mạng xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng này tạo nên một trào lưu selfie, nơi mọi người chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống, đồng thời được tự do bàn luận về mọi chủ đề mà họ quan tâm. Cuộc tranh cãi về chiếc cốc đỏ năm 2015 của Starbucks chính là một ví dụ điển hình về tính lan truyền và sức mạnh của mạng xã hội. Theo thống kê, trong 48 giờ đầu tiên, cứ 14 giây lại có một bức ảnh về chiếc cốc đỏ của Starbucks được chia sẻ trên Instagram. 


Năm 2023 này, những chiếc cốc đỏ của Starbucks tiếp tục khoác lên mình một thiết kế mới với hai tông màu đỏ và xanh lá quen thuộc của ngày Giáng sinh. Khi ghé thăm cửa hàng và thực hiện giao dịch bất kỳ, khách hàng sẽ có cơ hội sở hữu chiếc ly Reusable Cup mang đậm dấu ấn của mùa lễ hội.


Bộ sưu tập cốc đỏ năm 2023 hoàn toàn mới của Starbucks 


Hạ Linh