Ở Việt Nam, livestream đã trở thành một phần không thể thiếu của bộ phận đông đảo người dùng mạng xã hội. Bên cạnh vai trò như một món ăn tinh thần mang tính giải trí và tương tác hàng ngày, các nền tảng livestream còn là cánh cửa rộng mở để đẩy mạnh doanh số kinh doanh. 


Là một thế hệ đang tạo ra nhiều ảnh hưởng trên xã hội gần đây, Gen Z cũng là một trong những tác nhân thúc đẩy sự bùng nổ của hình thức kinh doanh độc đáo này.


TikTok đóng vai trò là một chất xúc tác


Bước đầu gắn liền và phát triển nhờ được Gen Z (thế hệ Z) ưa chuộng, đến nay TikTok đã và đang trở thành một hiện tượng toàn cầu với độ phủ sóng đáng kinh ngạc. Trong đó, 60% người sử dụng TikTok là Gen Z. 


Bên cạnh việc là một nền tảng chỉ để tạo và đăng tải những video quay sẵn, TikTok còn là không gian lý tưởng phục vụ hoạt động livestream. Trên TikTok, người dùng thường phát nhạc trực tiếp, tổ chức giveaway, dành thời gian để trả lời những câu hỏi và tương tác với người nghe. Việc sử dụng tính năng livestream trên TikTok phổ biến và bình thường hoá đến nỗi, một số người nay còn dùng tính năng này để gọi video (video call) với bạn bè và tận hưởng những cuộc trò chuyện công khai như thế. 



Thật vậy, có một thế hệ người trẻ lớn lên trong thế giới mà việc livestream ngày càng trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi giống như hoạt động nhắn tin đối với thế hệ millennial ngày trước. Với độ phủ sóng mạnh mẽ như vậy, livestream ngày càng chứng minh rằng mình là “một mỏ vàng” để kinh doanh, một dấu gạch nối hoàn hảo để gắn kết thương hiệu và khách hàng. 


Miền đất hứa livestream shopping


Hoạt động mua sắm qua livestream, hay mua sắm trực tiếp (livestream shopping) còn chưa quá phổ biến ở những nước phương Tây như Anh hay Mỹ; tuy nhiên, ở Trung Quốc, đây là nền công nghiệp giúp không những nhà buôn nhỏ lẻ mà còn cả các “ông lớn" ở đa dạng ngành hàng “hái” ra tiền.


Tỷ phú Jack Ma livestream bán son  


Taobao sở hữu riêng một đội ngũ influencer để phục vụ cho hoạt động livestream. Ở nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc này, có 1200 influencer sở hữu hơn 1 triệu người hâm mộ và hơn 1000 influencer khác có 500.000 người hâm mộ. 


Những con số ấn tượng cho thấy sự đồ sộ của hoạt động livestream shopping trong cuộc chơi bán hàng ở Trung Quốc:

Phần lớn hoạt động mua sắm qua livestream ở Trung Quốc diễn ra ở các thành phố đô thị loại 2 hoặc 3 (2 or 3 tier city). Đây là những khu vực mà sự hiện diện của cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại và các thương hiệu nổi tiếng còn đang rất hạn chế, cùng với đó là các xu hướng thời trang, làm đẹp và lối sống lành mạnh còn chưa “chạm" đến cuộc sống thường ngày. Do đó, các kênh livestream có thể được coi như ô cửa sổ nhìn ra thế giới, là cầu nối giữa họ với những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng (influencer hay KOLs).


Quan trọng hơn, đây còn là cách để họ xây dựng cuộc đối thoại đa chiều với những người am hiểu và có trải nghiệm thực tế với sản phẩm. Ở các nước phương Tây, nhu cầu tìm hiểu và học hỏi trước khi mua bằng livestream còn chưa quá phổ biến. Thật vậy, đối với người dân Anh Quốc, động lực khi tham gia livestream shopping nghiêng về sự tin tưởng và tín nhiệm cho người influencer bán sản phẩm đó hơn. 


Niềm tin: Yếu tố then chốt của livestreaming 


Sự tín nhiệm là một yếu tố quan trọng trong hoạt động mua sắm trực tuyến. Bởi lẽ, trong bối cảnh đại dịch và việc ghé thăm cửa hàng đang bị hạn chế, người dùng có rất ít cơ hội để trải nghiệm sản phẩm thực tế. Ngoài ra, đây còn là hệ quả của việc người tiêu dùng đang dần trở nên hiểu và thận trọng hơn với việc chi tiêu và quản lý tài chính cá nhân.   


Một cuộc khảo sát từ Media Agency UM cho thấy: “Nhiều người đang dần mất niềm tin vào nội dung mà họ tiếp nhận trên Internet. Chỉ có 8% người tham gia khảo sát thực sự tin vào thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, con số này giảm xuống 4% trong trường hợp người chia sẻ thông tin đó là 1 influencer.”


Trong khi đó, việc chiêm ngưỡng sản phẩm trên sàn catwalk hoặc khi livestream mang lại nhiều thông tin trực quan về sản phẩm hơn bất kỳ trang thương mại truyền thống nào: cách mà màu sắc, chất liệu sản phẩm sẽ thay đổi khi người mẫu di chuyển, hay tỉ lệ kích thước của sản phẩm so với người thật,... Những yếu tố này tạo ra các trải nghiệm mua sắm chân thật hơn, đi kèm với những lời khuyên từ những người có chuyên môn - các livestream influencer. 


 Buổi livestream thu về 30 triệu USD của CEO Xiaomi


Do đó, những thương hiệu có khả năng kiểm soát được luồng thông tin xoay quanh sản phẩm và xây dựng được lối kể chuyện chân thực thông qua các cuộc thảo luận trên livestream sẽ có nhiều cơ hội để gắn kết và xây dựng niềm tin với khách hàng hơn. 


Những thương hiệu phương Tây rục rịch bắt trend


Không nằm ngoài xu hướng, những thương hiệu Âu - Mỹ cũng bắt đầu thử nghiệm livestream shopping và sử dụng influencer trên các ứng dụng đang thịnh hành như TikTok. Một số chiến dịch đến từ các thương hiệu nổi trội phải kể đến chuỗi siêu thị quốc dân Mỹ Walmart và “Holiday Shop-along Spectacular” - sự kiện cho phép người dùng mua sắm trực tiếp trên nền tảng livestream của TikTok. 



Monki - thương hiệu thời trang thuộc sở hữu của H&M đã bắt đầu tổ chức những sự kiện livestream bán sản phẩm của nhãn hàng vào cuối năm 2019


Kể từ khi bắt đầu hoạt động livestream vào cuối năm 2018, chuỗi cửa hàng bách hoá cao cấp Harvey Nichols ở Anh ghi nhận 739% tăng trưởng về lượt sử dụng livestream của nhãn hàng. Bên cạnh đó, thương hiệu này còn phát hiện rằng khách hàng có xu hướng mua sản phẩm cao hơn gấp 21 lần khi tích hợp các phương tiện tương tác xã hội (social engagement channels) hơn là những kênh e-commerce truyền thống. 


Tạm kết 


Không thể phủ nhận rằng những hoạt động sôi nổi của Gen Z trên mạng xã hội, đặc biệt là ở TikTok đang tạo ra nhiều thay đổi sâu rộng lên các “gen" khác. Từ một ứng dụng gắn mác dành riêng cho Gen Z, TikTok, và tính năng livestream của nó đang ngày được các millennials ưa chuộng.


Những nét biến chuyển trong hành vi của người dùng này đã tạo cơ hội cho sự nở rộ của hoạt động livestream shopping ở Trung Quốc. Do đó, có thể nói đây là thời cơ để các doanh nghiệp và thương hiệu tận dụng các kênh livestream như một điểm chạm (touchpoint) ý nghĩa và chân thật hơn với người tiêu dùng.


Trúc Quyên / Advertising Vietnam