Năm 2023, LEGO tiếp tục duy trì vị thế là thương hiệu giá trị nhất Đan Mạch, đánh dấu 8 năm liên tiếp đạt được danh hiệu này. Với mức tăng trưởng lên đến 38%, tập đoàn cũng là thương hiệu đồ chơi nổi tiếng nhất thế giới.


Trải qua 91 năm - gần 1 thế kỷ "tung hoành" trên thị trường, LEGO đã từng đối mặt với nguy cơ phá sản khi gồng gánh khoản nợ lên đến 800 triệu USD. Làm thế nào để thương hiệu vực dậy từ đống tro tàn và bành trướng đến tận ngày nay? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau! 


Liên tiếp đối diện với bờ vực phá sản


Năm 1916, ở tuổi 24, ông Ole Kirk Kristiansen (nhà sáng lập LEGO sau này) đã mua lại cửa hàng mộc và chế biến gỗ Billund (Billund Maskinsnedkeri) với giá 10 nghìn DKK (khoảng 37 triệu đồng) và dành phần lớn thời gian tại đây. Ông cũng thường xuyên dạy các thanh thiếu niên tại trường thủ công mỹ nghệ địa phương làm các đồ vật từ gỗ. 


Bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp của ông xảy ra vào ngày 27/04/1924, trong khi ông và vợ đang ngủ trưa thì hai người con trai vô tình khiến lửa lan sang một số dăm gỗ. Dù may mắn thay không có ai bị thương nhưng cả xưởng và nhà ở của gia đình ông Ole Kirk đều cháy rụi. 5 năm sau sự cố đó, vào tháng 10/1929, thị trường chứng khoán Phố Wall ở New York sụp đổ khiến các thương hiệu rơi vào khủng hoảng.


Khủng hoảng kinh tế cũng để lại hậu quả nặng nề cho Ole Kirk khi những khách hàng quan trọng nhất của ông như nông dân và tiểu chủ đã không còn đủ khả năng mua sắm các vật dụng bằng gỗ. Ông dần rơi vào cảnh không còn đủ khả năng chi trả cho các nhân viên và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm từng người một. Đến năm 1931, người thợ cuối cùng của ông cũng đành phải rời đi. Trong hồi ký của mình, ông Ole Kirk Kristiansen viết về năm 1932: “Tôi nhìn về tương lai với niềm hy vọng. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, thế giới của tôi như sụp đổ.”


Xưởng và nhà của ông Ole Kirk trước khi bị cháy rụi


Lúc ấy, Hiệp hội Quốc gia về Doanh nghiệp Đan Mạch đã đứng ra giúp đỡ ông Ole Kirk vượt qua khủng hoảng kinh tế và khôi phục hoạt động kinh doanh. Trong lúc đọc một quyển tạp chí của Hiệp hội, ông đã vô tình thấy chuyên mục lời khuyên nói rằng việc sản xuất các sản phẩm như bàn ủi và các mặt hàng tiện ích sẽ dễ bán trên thị trường hơn, từ đó mang lại thu nhập cao hơn. Chính những dòng chữ này đã thay đổi hoàn toàn tương lai của ông và gia đình.


Trong bối cảnh khó khăn bủa vây như thế, ông Ole Kirk đưa ra một quyết định táo bạo: ngừng xây dựng nhà cửa, những món đồ nội thất cơ bản mà chuyển sang tập trung vào sản xuất đồ chơi. Lúc này, ông nhận ra rằng thương hiệu nên có một cái tên khác thay vì là “Billund Maskinsnedkeri”. Do đó, ông đã tổ chức một cuộc thi giữa các nhân viên của mình nhằm tìm kiếm gợi ý về một cái tên hay cho thương hiệu đồ chơi mới.


Hình ảnh ông Ole Kirk làm việc tại văn phòng


Điều bất ngờ là người chiến thắng cuộc thi là… bản thân ông. Ông đã chơi chữ với từ “Led Godt” trong tiếng Đan Mạch nghĩa là “chơi tốt” để tạo nên cụm từ “LEGO”. Ông cho rằng, thời điểm càng khó khăn, cha mẹ càng muốn cổ vũ con mình để chúng tự vượt qua được thách thức và “leg godt” là từ mang nghĩa động viên như thế. Nó cũng phù hợp với triết lý của nền giáo dục và văn hóa của Đan Mạch nói riêng và Bắc Âu nói chung: Khuyến khích trẻ em học tập qua những trò chơi.


Cái tên này được chính thức sử dụng lần đầu tiên vào tháng 1/1936, đánh dấu cột mốc đầu tiên của tập đoàn LEGO hiển hách sau này. Tuy nhiên, mãi về sau mới có người nhận ra rằng cái tên LEGO trong tiếng Latinh có nghĩa là “tôi lắp ráp”.



Logo lúc bấy giờ của thương hiệu



Trải qua nhiều thập kỷ, chiến lược thương hiệu LEGO đã được làm mới và diễn giải sứ mệnh của mình theo nhiều cách khác nhau. Nhưng về bản chất, mục tiêu của thương hiệu vẫn nhất quán như những ngày đầu – truyền cảm hứng đến các “nhà xây dựng” tương lai thông qua những món đồ chơi.


Phương châm của tập đoàn LEGO là “det bedte er ikke for godt”, tạm dịch là “chỉ những sản phẩm tốt nhất mới đạt tiêu chuẩn” (nghĩa đen là “tốt nhất không bao giờ là quá tốt”). Câu nói này do chính ông Ole Kirk tạo ra để khuyến khích nhân viên của mình đừng bao giờ làm suy giảm chất lượng sản phẩm. Đây là giá trị cốt lõi mà ông nỗ lực gầy dựng và vẫn được sử dụng đến ngày nay. 


Ole Kirk tin rằng trẻ em xứng đáng có được những món đồ chơi chất lượng cao với vật liệu tốt nhất, từ đó chúng có thể sử dụng được lâu bền hơn. Vì thế, những món đồ chơi của LEGO được sản xuất bằng gỗ sồi được sấy khô trong hai năm, sau đó sấy khô trong lò ba tuần nữa. Sau đó, các mảnh gỗ này sẽ được cắt, chà nhám, đánh bóng và sơn ba lớp vecni hoặc sơn. Quy trình sản xuất đồ chơi của Ole Kirk tương tự như khi sản xuất đồ nội thất nhằm đảm bảo chất lượng của các mảnh ghép LEGO.


LEGO chú trọng chất lượng của các mảnh ghép


Không lâu sau đó, Chiến tranh thế giới thứ 2 (1939 - 1945) bùng nổ. Tuy vậy, ngay cả chiến tranh cũng không hạn chế được việc sản xuất đồ chơi của LEGO. Trong thời kỳ khủng hoảng, tất cả hoạt động nhập khẩu bị dừng lại, vì thế mà nhu cầu về đồ chơi và hàng hóa nội địa lớn hơn bao giờ hết. Trong hai năm đầu tiên của cuộc chiến, LEGO đã tăng gấp đôi doanh số bán hàng. 


Tưởng chừng hoạt động kinh doanh của Ole Kirk đã ổn định, một trận hỏa hoạn kinh hoàng trong nhà máy vào năm 1942 lại một lần nữa phá hủy công việc để đời của ông. Trong đêm ngày 20/03/1942, một đám cháy “nuốt chửng” xưởng chế biến gỗ, cũng là cơ sở sản xuất đầu tiên của LEGO lúc bấy giờ.


Xưởng gỗ cháy rụi của ông Ole Kirk


Sau hai lần thất bại, Ole Kirk gần như từ bỏ ý định xây dựng lại nhà máy. Bảo hiểm không thể đền bù những tổn thất và hoàn tiền đủ để ông xây dựng một cơ sở sản xuất mới. May mắn thay, Ngân hàng Vejle đã cấp cho Ole Kirk khoản vay cần thiết. Cùng với sự giúp đỡ và hỗ trợ của gia đình và nhân viên, nhà máy sản xuất đồ chơi chuyên dụng đầu tiên của LEGO được xây dựng lại ở địa điểm của nhà máy chế biến gỗ cũ. Đến cuối năm 1942, công việc sản xuất đã hoạt động trở lại.


Khi chiến tranh kết thúc, ông đã mua một chiếc máy ép nhựa và thử nghiệm để tìm các phương án phát triển đồ chơi mới. Đến năm 1949, ông đã phát triển các khối gạch quen thuộc hiện nay với đinh tròn ở trên cùng, cho phép trẻ em liên kết các mảnh ghép lại với nhau để tạo nên nhiều vật dụng như ngôi nhà, xe cộ hay con người thay vì chỉ xếp chồng các khối gỗ lên nhau. Năm 1951, một nửa sản lượng của LEGO được làm từ nhựa. Cuối thập kỷ đó, thương hiệu đã phát triển một loại nhựa polyme bền hơn để sản xuất đồ chơi và cũng đã đăng ký nhãn hiệu cho các viên gạch LEGO.


Sau những thành tựu của bố mình, Godtfred Kirk Christiansen - người đã theo chân ông Ole Kirk làm việc tại xưởng từ năm 12 tuổi đã thừa kế thương hiệu, trở thành Giám đốc Điều hành mới của LEGO. Trong chuyến tham quan đến hội chợ về đồ chơi diễn ra tại London (Anh) năm 1954, Godtfred đã gặp gỡ một nhà buôn đến từ Copenhagen. Người này cho rằng thay vì phân phối các sản phẩm đơn lẻ, nhà sản xuất đồ chơi nên tập trung vào việc “phát triển một hệ thống gắn kết, nơi mọi thứ đều có sự kết nối với nhau”. 


Ông Godtfred Kirk Christiansen kế thừa chức vị của cha mình


Những chia sẻ của người này đã khiến Godtfred trăn trở. Với tư cách là người dẫn dắt chiến lược thương hiệu LEGO, ông muốn bản thân có thể dìu dắt thương hiệu đến thành công. Vì thế, ông đã dành nhiều thời gian tìm tòi và thành công nghiên cứu được sáu nguyên tắc được ông gọi là “Principles of Play” (tạm dịch: Nguyên tắc chơi), bao gồm:

  • Đồ chơi phải có kích thước nhỏ gọn và không hạn chế trí tưởng tượng của trẻ em
  • Đồ chơi có thiết kế đơn giản, bền bỉ và có thể biến hoá thành nhiều biến thể khác
  • Phù hợp cho trẻ em ở mọi độ tuổi, mọi giới tính
  • Đồ chơi mang tính cổ điển, nghĩa là không cần đổi mới quá nhiều
  • Giá cả hợp lý
  • Sản phẩm phải được phân phối dễ dàng


Từ 6 nguyên tắc trên, Godtfred tiến hành xem xét danh mục hơn hai trăm sản phẩm bằng gỗ và nhựa của thương hiệu. Khi nhận thấy “viên gạch” là thứ phù hợp nhất với cả sáu thuộc tính trên và có tiềm năng phát triển thành một hệ thống trong chiến lược của LEGO, ông đã cùng các nhà thiết kế bắt tay vào sáng chế một bộ xếp hình với chủ đề “thị trấn”.


Ròng rã một năm nghiên cứu, đội ngũ đã sáng tạo được một sản phẩm cho phép trẻ em xây dựng một chuỗi ngôi nhà, kết hợp cùng các cảnh quan đường phố (như cây cối, bụi rậm, biển báo giao thông,...). Đây là bước đột phá lớn trong chiến lược thương hiệu của LEGO, biến mục tiêu “chơi không giới hạn” của các nhà sáng lập trở thành hiện thực.


LEGO Town cho phép trẻ em tự tạo nên thế giới của riêng mình


Trong hai thập kỷ 1960 - 1970, doanh thu và lợi nhuận của thương hiệu tăng trưởng đều đặn nhưng không quá nổi trội bởi thương hiệu chỉ tập trung vào các bộ xây dựng mang tính thương hiệu của mình. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1978, mức độ phổ biến của LEGO đã tăng lên và lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ vào thời kỳ bùng nổ dân số và trẻ em của thế hệ đó. 


Tuy nhiên, thành công chưa được bao lâu thì LEGO lại tiếp tục đối mặt với một khó khăn khác: sự ra đời của trò chơi điện tử và máy tính. Công nghệ tiên tiến đã thu hút các cậu bé - đối tượng khách hàng quan trọng nhất của thương hiệu bắt đầu từ bỏ những viên gạch quen thuộc. Chúng bắt đầu chuyển sang trải nghiệm những món đồ chơi hiện đại hơn, qua đó làm giảm thị trường tiềm năng phát triển của LEGO.


Đến năm 2003, thương hiệu gần như cạn kiệt tiền mặt. Họ đã lỗ 300 triệu USD trong năm và khoản lỗ dự kiến​ lên đến 400 triệu vào năm tiếp theo. Đây gần như đã là dấu chấm hết cho ước mơ và tham vọng xây dựng “đế chế” đồ chơi của nhà Kirk. Thế nhưng, sau đó ông đã xem được một báo cáo của nhà tư vấn quản lý Jorgen Vig Knudstorp. Nội dung chỉ ra rằng LEGO cần tổ chức và kiểm soát tốt hơn những tham vọng của mình. Nhận thấy người này có thể vực dậy thương hiệu từ đống tro tàn, Ole Kirk đã rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch và để Knudstorp đảm nhận vai trò CEO. Knudstorp đã dẫn dắt LEGO thoát khỏi bờ vực sụp đổ để trở thành nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới về doanh số bán.


Jorgen Vig Knudstorp vực dậy LEGO từ đống tro tàn


Vực dậy từ tro tàn nhờ chiến lược đổi mới hoạt động kinh doanh


Để có tiền mặt cho giai đoạn phát triển tiếp theo, ông Knudstorp đã bán 70% cổ phần các công viên giải trí Legoland mà mình đang sở hữu cho Tập đoàn Blackstone với giá 460 triệu USD. Bên cạnh đó, ông cũng đóng cửa trụ sở LEGO tại Đan Mạch, chuyển ban quản lý sang một nhà máy gần đó, cắt giảm 1 nghìn nhân viên và giảm bớt một nửa lượng sản xuất LEGO. Từ đó, phần lớn quá trình sản xuất các viên gạch nhựa của họ được thuê ngoài tại các cơ sở rẻ hơn như Mexico và Cộng hòa Séc.


Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức trong thương hiệu cũng có nhiều sự thay đổi. Ban lãnh đạo mới của LEGO đã trao cho tất cả mọi người từ lực lượng bán hàng đến nhân viên tại trụ sở chính khả năng sáng tạo và đề xuất những con đường phát triển mới cho thương hiệu. Thông thường, nếu muốn chiếm ưu thế trên thị trường, các chuyên gia thường gợi ý rằng họ nên hướng tới “đại dương xanh”, nghĩa là thị trường nơi sản phẩm sẽ là duy nhất và không có sự cạnh tranh nào từ các đối thủ. 


LEGO trao quyền cho nhân viên sáng tạo


Thế nhưng chiến lược “đại dương đỏ” - một thị trường có nhiều đối thủ tranh giành thị phần tồn tại là có lý do. Theo các chuyên gia, mọi người cạnh tranh trong đại dương đỏ bởi vì “ở đó có thứ gì đó đáng để theo đuổi”. LEGO cũng đã gia nhập vào đại dương đỏ khi mở các cửa hàng bán lẻ, tạo ra các trò chơi kỹ thuật số, chuyển thể các bộ phim thành đĩa DVD,... nhằm gia tăng mức độ nhận thức sản phẩm và khuếch trương thị phần.


​​Bằng cách đổi mới cách thức hoạt động kinh doanh và cơ cấu tổ chức của mình, doanh số bán hàng của LEGO ba năm sau đó đã tăng trung bình 24% mỗi năm và lợi nhuận tăng 41%. Trong nửa đầu năm 2015, The Lego Group đã trở thành thương hiệu đồ chơi lớn nhất thế giới về doanh thu, với doanh thu lên tới 2.1 tỷ USD, vượt qua Mattel (thương hiệu sở hữu thương hiệu đồ chơi búp bê Barbie nổi tiếng). 


LEGO là thương hiệu đồ chơi lớn nhất thế giới về doanh thu năm 2015


Hiện nay, thương hiệu đang có khoảng 10.000 nhân viên và là nhà sản xuất đồ chơi lớn thứ ba thế giới. Các sản phẩm LEGO có thể được tìm thấy ở hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới với bảy bộ đồ chơi xếp hình bán ra mỗi giây - có nghĩa là 600.000 bộ được bán ra mỗi ngày. Vào năm 2021, một nhóm nghiên cứu kinh doanh quốc tế phát hiện ra rằng đầu tư vào LEGO có khả năng sinh lợi hơn cả vàng và cổ phiếu. Trong thời đại các trò chơi điện tử, mạng xã hội, robot, trí tuệ nhân tạo,... đang phát triển và thịnh hành, LEGO vẫn giữ vững vị thế là món đồ chơi được các em nhỏ và người lớn trên thế giới ưa chuộng suốt nhiều thập kỷ qua.


Các chiến lược marketing đưa các viên gạch LEGO len lỏi vào cuộc sống người dùng


Các sản phẩm của LEGO hấp dẫn là thật, thế nhưng nếu không có chiến lược marketing phù hợp, sản phẩm cũng sẽ không thể lan tỏa đến đông đảo người dùng, đặc biệt là trong thời kỳ bùng nổ của các loại trò chơi điện tử và môi trường kỹ thuật số như hiện nay. Vậy thương hiệu đã làm thế nào để quảng bá những bộ xếp hình của mình như thế nào?


1. Mở rộng hệ sinh thái sản phẩm


Dù những viên gạch là sản phẩm cốt lõi của LEGO, nhưng không vì thế mà thương hiệu giới hạn hoạt động kinh doanh xung quanh nó. Đa dạng hóa sản phẩm còn là một chiến lược quan trọng đối với LEGO. Không chỉ cung cấp nhiều lựa chọn về mẫu mã, kích thước và màu sắc, tập đoàn cũng mô phỏng những cảnh vật đặc biệt trong các bộ phim như Harry Potter, Batman, Ghostbuster, Friends,... Ngoài ra, LEGO còn mô phỏng những địa danh nổi tiếng như tháp Eiffel. 


Mô hình LEGO mô phỏng bộ phim Friends


Tháng 7/2020, LEGO đã giới thiệu bộ trò chơi mang tên “LEGO Nintendo Entertainment System” với giá 229.99 USD (khoảng 5,3 triệu đồng), với những viên gạch nhựa được thiết kế để lắp ráp thành cả chiếc máy NES, tay cầm chơi game, băng Super Mario Bros và cả chiếc màn hình mô phỏng giao diện trò chơi Mario. Tổng cộng, bộ LEGO này có 2.646 viên gạch. Không những là một mô hình có giá trị trưng bày cao, người dùng có thể quay tay cầm bên hông màn hình để điều khiển nhân vật Mario vượt qua các chướng ngại vật. 


Mô hình LEGO có thể điều khiển nhân vật cử động và di chuyển


Ngoài ra, LEGO cũng kéo người dùng quay về thập niên 80 với mô hình Lego Icons Pacman Arcade. Sản phẩm bao gồm 2,650 mảnh ghép nhằm mô phỏng hoàn chỉnh trò chơi arcade với khe cắm đồng xu phát sáng, cần điều khiển và tay quay cơ học cho phép người dùng di chuyển các nhân vật xung quanh mê cung. 



Mô hình tái hiện lại chiếc máy chơi game arcade cổ điển


Không dừng lại ở các mảnh ghép đồ chơi thông thường, vào năm 2014, thương hiệu chính thức mở rộng sự hiện diện của mình sang lĩnh vực phim ảnh thông qua màn hợp tác sản xuất bộ phim hoạt hình stop-motion “The LEGO Movie” cùng Warner Bros. với nội dung xoay quanh việc các nhân vật Minifigures. Tổng số doanh thu từ bộ phim trên toàn thế giới là 468 triệu USD. 



Ngoài ra, LEGO cũng phát hành tựa game di động Lego Cube, đồng phát triển cùng Tencent Games nhằm cung cấp trải nghiệm thú vị, sáng tạo và an toàn cho người dùng đại lục. Tại trò chơi này, người chơi sẽ sử dụng các khối Lego để tạo ra các vật thể, tòa nhà, phương tiện hoặc con người. Ban đầu, người chơi sẽ phải mất một chút thời gian để làm quen với cách chơi và xây dựng mọi thứ. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, người dùng sẽ nhanh chóng hiểu quy luật của trò chơi và xây dựng được thế giới Lego của riêng mình. Lego Cube được lấy cảm hứng từ lối chơi và đồ hoạ của Minecraft.


2. Hợp tác với nhiều thương hiệu khác để mở rộng sản phẩm


Vào tháng 7/2021, những tín đồ mê mẩn sneaker trên toàn thế giới đã được chiêm ngưỡng mẫu giày Superstar với sự kết hợp giữa adidas và LEGO. Đôi giày thể thao Superstar mang tính biểu tượng của adidas được làm bằng da với các thiết kế đặc biệt từ LEGO bao gồm ba sọc đen, mũi giày và phần cổ giày. Sự kết hợp “độc lạ” này đã khiến thoạt nhìn mẫu giày như một mô hình. Khi mua mẫu giày đặc biệt này, người dùng còn được tặng kèm mô hình LEGO chi tiết. 


Mẫu giày có những hoạ tiết viên gạch biểu tượng của LEGO


Mô hình mẫu giày Superstar


Đến năm 2021, hai “ông lớn” lại tiếp tục màn song kiếm hợp bích khi cho ra mắt mẫu giày adidas ZX 8000 với những màu sắc quen thuộc của LEGO. Đôi giày được trang trí bằng một loạt các chi tiết lấy cảm hứng từ khối LEGO trên bộ đệm gót chân, lỗ xỏ dây và khóa dây giày. Đặc biệt hơn, mẫu giày được đựng trong một chiếc hộp làm bằng những mảnh ghép kết hợp với nhau. 


Mẫu giày độc đáo của adidas x LEGO


Ngoài ra, đôi khi những người hâm mộ của LEGO cũng giúp thương hiệu có thể kết nối với những thương hiệu khác. Truman Cheng - fan của LEGO đã có ý tưởng tái hiện tác phẩm mang tính biểu tượng của Vincent Van Gogh - Starry Night theo phiên bản LEGO. Ý tưởng độc đáo này được Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Museum of Modern Art - MoMa) chú ý đến. MoMa đã giúp nhà sáng tạo này hiện thực hóa ước mơ, cùng LEGO tạo nên sản phẩm "LEGO Ideas The Starry Night". Sản phẩm gồm 2.316 viên gạch đã mô tả hoàn hảo tác phẩm của Van Gogh ở dạng 3D. Người dùng có thể gắn nó lên tường hoặc trưng bày trên bàn làm việc.


Một ý tưởng trưng bày LEGO Ideas The Starry Night trong phòng làm việc


Qua những màn kết hợp, LEGO vừa có thể quảng bá sản phẩm, vừa gia tăng doanh số qua việc bán các mặt hàng mới.


3. Tận dụng nhân viên để quảng bá thương hiệu


Trong quá trình tuyển dụng, LEGO đòi hỏi ứng viên phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định. Các nhân viên của thương hiệu có sự đa dạng về nền tảng học vấn và kinh tế xã hội. Các Bản mô tả công việc (Job Description) của LEGO thể hiện rằng họ tự hào là một nhà tuyển dụng cam kết mang lại cơ hội việc làm bình đẳng và trả lương bình đẳng cho tất cả chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, nguồn gốc quốc gia, khuynh hướng tình dục, khuyết tật hoặc bản dạng giới.


Lý do LEGO chú trọng điều này là bởi họ nhận thấy tầm quan trọng của sự tương tác giữa khách hàng và nhân viên. Một nhân viên lịch thiệp, cởi mở sẽ tạo điều kiện cho khách hàng thoải mái góp ý, từ đó giúp LEGO cải thiện chất lượng dịch vụ. Các cửa hàng của LEGO phủ rộng khắp nơi, vì thế việc đa dạng hóa hình ảnh của nhân viên sẽ giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. 


Ngoài ra, LEGO cũng chú trọng tuyển dụng theo giá trị của nhân viên. Vào ngày 13/09/2022, tập đoàn LEGO Group đã đăng tin tuyển dụng vị trí Associate Creative Director cho chi nhánh ở Mỹ. JD đã gây ấn tượng với nhiều ứng viên khi nhấn mạnh rằng “Children are our role models. Their curiosity, creativity and imagination inspire everything we do” (tạm dịch: Trẻ em là hình mẫu của chúng tôi. Sự tò mò, sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ là nguồn cảm hứng cho công việc của chúng tôi).


Job Description của LEGO nhấn mạnh "Trẻ em là hình mẫu của chúng tôi"


Theo đó, JD của vị trí này đã diễn giải chi tiết rằng sự tò mò, sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ em là nguồn cảm hứng cho tất cả những gì mà LEGO đang làm. Bất kỳ cá nhân nào muốn đảm nhận vị trí Associate Creative Director của tập đoàn sẽ cần có một tinh thần trẻ trung, sáng tạo và tràn đầy năng lượng. Không chỉ riêng vị trí Associate Creative Director mà hầu hết các bài đăng tuyển dụng khác của LEGO đều có hai dòng yêu cầu kể trên. Tập đoàn đã không nói rằng họ làm đồ chơi cho trẻ em mà khéo léo truyền tải trẻ em là hình mẫu cho những người làm ra những món đồ chơi tuyệt vời đó.



Không chỉ các nước châu Âu, LEGO nhận thấy châu Á cũng là một thị trường tiềm năng để phát triển. Trong năm 2022, thương hiệu đã mở thêm 155 cửa hàng mới, trong đó có 80 cửa hàng tại Trung Quốc. Con số này đã nâng tổng số lượng cửa hàng trên toàn thế giới lên 904 cửa hàng. Tại Việt Nam, LEGO đã khởi công xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD vào tháng 11/2022 nhằm mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng của thương hiệu. Ngoài ra, thương hiệu còn đặt mục tiêu giảm thiểu tác động của nhà máy lên môi trường. Họ đã bắt đầu trồng 50.000 cây xanh trong thời gian 3 năm ở những vị trí xung quanh nhà máy. Được biết, 50.000 cây xanh đang được trồng để bù đắp cho gần 25.000 cây xanh bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy. Đây cũng là một trong những nỗ lực thể hiện sự bền vững của LEGO tại Việt Nam.


Kim Ngọc