Bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong năm vừa qua, thị trường truyền thông nói riêng và marketing nói chung đã có nhiều biến động đáng kể. Có thể thấy rõ ràng nhất là khoảng thời gian giãn cách xã hội đã làm thay đổi một số hành vi của người tiêu dùng, bên cạnh đó cũng xuất hiện thêm nhiều xu hướng mới trên toàn thế giới. Cùng nhìn lại những điểm nổi bật của lĩnh vực marketing trong năm qua ở thị trường Hoa Kỳ và Anh Quốc nhé.


1. Lượt xem truyền hình tăng mạnh ở Anh


Vài năm trước khi đại dịch xảy ra, mọi người thường cho rằng hình thức giải trí trên truyền hình đã thoái trào dù điều này chưa bao giờ đúng. Và những con số ấn tượng dưới đây đã một lần nữa chứng minh tầm quan trọng của phương tiện này.


Theo phân tích của ThinkBox (Cơ quan vận động cho truyền hình thương mại ở Anh) dựa trên dữ liệu từ BARB - Broadcasters Audience Research Board (tạm dịch: Công ty Nghiên cứu Khán giả Đài truyền hình), người dân Anh đã xem truyền hình tuyến tính (linear television) và các quảng cáo trên TV rất nhiều trong khoảng thời gian dịch bệnh xảy ra.


Lượt xem TV của người dân Anh trong khoảng thời gian giãn cách xã hội


Trong thập kỷ trước, sự phát triển nhanh chóng của hình thức giải trí trực tuyến và các thiết bị kỹ thuật số đã dần ngăn cách chúng ta, bốn người trong một gia đình có thể xem bốn thiết bị riêng biệt trong bốn phòng khác nhau. Nhưng vào năm 2020, hai tổ chức trên nhận thấy lượt xem truyền hình đã tăng 30%, và có 39% người trả lời khảo sát cảm thấy TV đã giúp họ cảm thấy kết nối với xã hội vào khoảng thời gian đầy khó khăn.


Ngoài ra, sự thay đổi hành vi của người dân trong thời gian dịch xảy ra cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự vực dậy của TV.


Theo báo cáo của Gartner 2020, tính đến tháng 5/2020, 66% người tiêu dùng Hoa Kỳ đã xem lại các bộ phim và chương trình truyền hình yêu thích để thư giãn và giải trí, thay vì khám phá những cái mới. Qua đó, ta có thể thấy những sở thích và thói quen hằng ngày khi sử dụng các phương tiện truyền thông đã phần nào hình thành nên tâm lý của khách hàng. Họ muốn tiếp tục sử dụng những thứ quen thuộc thay vì phải thử những cái mới. 

Mark Inskip - Giám đốc điều hành Bộ phận Truyền thông của công ty Kantar Anh và Ireland cho biết: Đại dịch xảy ra đã khiến mọi người trở nên hoài nghi hơn.


Mức độ tin tưởng của khách hàng vào các phương tiện cung cấp tin tức


Khách hàng ngày càng yêu cầu cao hơn đối với những nguồn cung cấp tin tức đáng tin cậy khi các thông tin sai lệch đang xuất hiện tràn lan, đặc biệt là trên nhiều nền tảng xã hội. Trong báo cáo Thứ nguyên 2020 cho thấy 70% người dùng Anh không tin tưởng vào những dữ liệu mà họ thấy trên các trang mạng xã hội. Họ sẽ bật kênh BBC hoặc CNN để cập nhật những tin tức mới nhất thay vì vào Facebook hay Twitter, cho dù đang ở trong thời kỳ đại dịch toàn cầu hay không. 


Bên cạnh những số liệu trên, trong nhiều năm qua cũng đã có vô số nghiên cứu chỉ ra rằng các chương trình truyền hình cũng như quảng cáo đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân và luôn cung cấp những thông tin đáng tin cậy nhất.


2. Số lượng người sử dụng điện thoại tuột dốc ở Mỹ


Trong bối cảnh các nền tảng kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, điện thoại di động dường như là vật bất ly thân đối với mỗi cá nhân và là nền tảng quan trọng mà bất kỳ thương hiệu nào cũng quan tâm khi thực hiện chiến lược quảng bá sản phẩm.


Mức tiêu thụ phương tiện truyền thông trung bình của người trưởng thành tại Hoa Kỳ (Theo Báo cáo tổng số khán giả (TAR) quý 2 năm 2020 của Nielsen)


TAR Quý 3 năm 2013 và Quý 2 năm 2020


Qua biểu đồ ta có thể thấy, trong bảy năm qua, mức tiêu thụ truyền hình và radio giảm 19% và 18% trong khi lượt sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng tăng đến 351% và 489%. 


TAR quý 4 năm 2019, quý 1 năm 2020 và quý 2 năm 2020


Các đợt giãn cách xã hội của Mỹ bắt đầu vào tháng 3 năm 2020 (cuối quý 1), và trong quý 2, hầu hết các phương tiện truyền thông đều tăng hoặc giảm nhẹ. Nhưng điều đáng chú ý nhất là đến quý 2 số lượng sử dụng điện thoại đã giảm 28% kể từ cuối năm ngoái.


Peter Katsingris - Phó chủ tịch cấp cao Bộ phận tâm lý khách hàng của Nielsen cho biết hành vi của người tiêu dùng thay đổi ngày càng đáng kể khi COVID-19 xảy ra. Đa số mọi người thường sử dụng thiết bị di động khi di chuyển nhưng dịch xảy ra khiến tất cả người dân đều phải thực hiện giãn cách xã hội. Hầu hết mọi người đều kết nối trò chơi và những thiết bị đa phương tiện vào TV, hoặc cùng người thân xem các nội dung trên màn hình chia sẻ khi ở nhà. Tại nơi làm việc, chúng ta sẽ sử dụng máy tính cá nhân của mình thay cho điện thoại vì thao tác trên máy tính sẽ dễ dàng hơn. 


Có thể nói những điều trên là lý do chính khiến doanh số của các sản phẩm điện thoại thông minh toàn cầu giảm 20% trong quý 2 năm 2020. Tưởng chừng như đại dịch sẽ góp phần đẩy mạnh thêm những xu hướng đang có từ trước đến nay nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Số lượng người sử dụng điện thoại đã giảm đáng kể và lượng tiêu thụ truyền hình tăng lên vượt bậc.


3. Tương lai của các rạp chiếu phim sau đại dịch


Trong năm qua chúng ta đã nghe rất nhiều về những hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng nếu nói đến lĩnh vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất thì đó chính là các rạp chiếu phim và hình thức quảng cáo tại rạp.


Nhìn chung, tình hình của ngành phim ảnh trên thế giới khá ảm đạm. Như ở Singapore, hai công ty điều hành rạp chiếu phim có thể sẽ phải hợp nhất vì tình hình kinh tế khó khăn. Tại Israel, các rạp chiếu phim đã đóng cửa từ tháng Ba. “Nhà Chuột” cũng sẽ không phát hành các bộ phim sắp tới tại rạp mà phát sóng trên nền tảng Disney+. Tương tự, hãng phim Warner Bros sẽ chiếu toàn bộ các phim năm 2021 của mình trên đài HBO Max kết hợp chiếu tại rạp để tăng doanh thu.


Những rạp phim ở Mỹ đóng cửa vì Covid-19 do tình hình kinh doanh khó khăn


Tình hình khó khăn này cũng phần nào ảnh hưởng đến hình thức quảng cáo tại rạp. Doanh thu quảng cáo tại các rạp chiếu phim ở Anh năm 2020 có thể thấp hơn một nửa so với năm 2019. Vào tháng 3 năm 2019, Zenith Media cũng dự đoán rằng các doanh nghiệp sẽ chỉ chi một con số nhỏ cho hình thức này đến năm 2021.


Các số liệu về mức chi tiêu của các thương hiệu cho hình thức quảng cáo tại rạp


Đối với các Marketer, hình thức này khá hiệu quả. Khán giả xem phim đều có thể thấy quảng cáo được phát trên một màn hình lớn và họ sẽ không thể tắt nó đi. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng có thể đo lường bao nhiêu người đã xem quảng cáo của họ dựa vào số lượng vé được bán ra. Với nhiều lợi ích là thế nhưng các thương hiệu lại chi tiêu khá khiêm tốn cho phương thức này. 


Không chỉ khi đại dịch xảy ra, các rạp phim đã gặp rất nhiều khó khăn trước đó như giá vé, tiền bắp, nước ngày càng tăng cao trong khi chất lượng chỗ ngồi xem phim lại xuống cấp trầm trọng. Vì thế, mọi người thường mua máy chiếu và xem phim tại nhà. Và sau đại dịch, giá vé cao cùng các lựa chọn khác rẻ hơn sẽ làm cho các rạp chiếu phim khó có thể vực dậy được. 


Giá trị cốt lõi của điện ảnh là trải nghiệm chung, do đó rạp chiếu phim không thể thay thế. Vì vậy, khi đại dịch kết thúc, các rạp nên định vị mình là những thương hiệu cao cấp và có thể tính giá vé cao hơn. Nhưng trước hết các rạp phim nên nâng cấp cơ sở vật chất của mình như: Hiển thị ít quảng cáo hơn và tính phí nhiều hơn, cung cấp đủ chỗ ngồi để thực hiện giãn cách xã hội, có người phục vụ đồ ăn và thức uống cho người sành ăn, thiết kế những chiếc ghế thật thoải mái,...


Với sự thay đổi này, số lượng vé bán ra có thể ít hơn và giá cao hơn, nhưng chúng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận. Thêm vào đó, các rạp chiếu phim có thể tận dụng những thiết bị có sẵn của mình giữa các đợt phát hành phim để tổ chức các sự kiện và chiếu chương trình khác. Hoặc họ cũng có thể cho bên thứ ba thuê khi rạp phim trống.


Tạm kết:


Qua ba xu hướng trên tại Mỹ và Anh, chúng ta đã phần nào thấy được sự thay đổi nhanh chóng trong hành vi của khách hàng, đặc biệt là khi dịch bệnh xảy ra. Vì thế các thương hiệu cần ở trong trạng thái sẵn sàng thích nghi với bất kỳ biến động nào của thị trường, từ đó có thể nhanh chóng cung cấp các giải pháp cho người tiêu dùng.


Anh Thư / Advertising Vietnam

Theo The Drum