Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật và chiến dịch sáng tạo của thương hiệu trong tuần vừa qua với series Điểm tin tuần của Advertising Vietnam!


1. GHẾ NHỰA VỈA HÈ ĐƯỢC THE NEW YORK TIMES VINH DANH LÀ SẢN PHẨM NỘI THẤT MANG TÍNH BIỂU TƯỢNG CỦA THẾ KỶ NÀY



Chiếc ghế nhựa bình dị tưởng chừng như chẳng có gì đặc biệt, mới đây lại được The New York Times vinh danh là một trong 25 chiếc ghế tiêu biểu trong vòng 100 năm qua. Danh sách này được đưa ra bởi nhóm 6 chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, kiến trúc. Theo Paola Antonelli, quản lý cấp cao về kiến trúc và thiết kế của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Mỹ), ghế Monobloc là biểu tượng của một giai đoạn quan trọng, in hằn những dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của vật liệu nhựa.


“Ghế nhựa vỉa hè” hay còn được gọi là Monobloc, là một sản phẩm quen thuộc đối với nhiều người Việt, sở hữu thiết kế tối giản với phần tựa lưng hình vỏ sò và 4 chân hơi loe tạo sự cân bằng. Không cầu kỳ, kiểu cách, nhưng chính sự giản dị và tính ứng dụng cao đã giúp chiếc ghế này trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Không rõ nguồn gốc hay danh tính của người đầu tiên thiết kế ra chiếc ghế nhựa này, tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu nhựa đã giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, mở rộng khả năng sử dụng của thiết kế.


Sự phổ biến của Monobloc đã biến nó thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, từ phim ảnh, hội họa, âm nhạc đến văn chương. Chiếc ghế bình dị này đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhiều quốc gia, là minh chứng cho sự sáng tạo, tiện dụng và khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh của con người.


2. VIỆT NAM DẪN ĐẦU ĐÔNG NAM Á VỀ SỐ LƯỢNG THƯ VIỆN CÔNG CỘNG, THEO SỐ LIỆU TỪ OCLC 



Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thư viện Máy vi tính trực tuyến (OCLC), Việt Nam là quốc gia sở hữu số lượng thư viện công cộng nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với 6.991 thư viện. Thái Lan và Malaysia lần lượt xếp vị trí thứ hai và thứ ba với 2.116 và 1.392 thư viện. Cần lưu ý rằng số liệu này chỉ bao gồm các thư viện công cộng, không bao gồm thư viện học thuật và các loại thư viện khác.


3. VỞ NHẠC KỊCH RA MẮT NGÀY CÁ THÁNG TƯ CỦA DUOLINGO: KÉO THEO CẢ “BINH ĐOÀN” CÚ XANH ĐỂ NHẮC NHỞ NGƯỜI DÙNG HỌC NGOẠI NGỮ



Cú Xanh Duo, linh vật "huyền thoại" của ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo, lại một lần nữa khiến cộng đồng mạng "phát sốt" với trò đùa Cá tháng Tư vô cùng sáng tạo và độ "chịu chơi": Duolingo on Ice. Lấy cảm hứng từ chương trình biểu diễn trượt băng đình đám "Disney on Ice", Duolingo đã mang đến cho người xem một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và đầy bất ngờ.


"Duolingo on Ice" là một đoạn giới thiệu dài hơn một phút mô phỏng một vở nhạc kịch trượt băng hoành tráng với đầy đủ sân khấu, dàn diễn viên, âm nhạc và biên đạo chuyên nghiệp. Vở nhạc kịch đã kết hợp âm nhạc vui nhộn cùng với các bài hát có tựa đề đầy ẩn ý, vừa khuyến khích học ngoại ngữ vừa như lời cảnh báo "ngọt ngào": "Spanish or Vanish" (Học tiếng Tây Ban Nha hoặc biến mất), "Japanese or Broken Knees" (Học tiếng Nhật hoặc vỡ đầu gối thật),... Trong video “Spanish or Vanish”, phân cảnh “binh đoàn” Cú xanh đuổi bắt nhằm nhắc nhở một cặp đôi học tiếng Tây Ban Nha khiến người xem không khỏi bật cười.


Trò đùa Cá tháng Tư của Duolingo đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ sự thích thú và ấn tượng với vở nhạc kịch "Duolingo on Ice" với những bình luận như: “Nhìn con cú làm nhớ tới binh đoàn Điện Máy Xanh không á", “Sao nay thím Duo chân dài vậy", “Một con cú đã đủ sợ rồi, giờ đâu ra cả đống, sợ quá nghỉ học thôi", “Bộ bảnh thiếu học lắm hả?”.


4. GIỚI TRẺ TRUNG QUỐC ĐUA NHAU MẶC ĐỒ NGỦ ĐI LÀM, THÚC ĐẨY XU HƯỚNG BÌNH THƯỜNG HOÁ TRANG PHỤC CÔNG SỞ


Trang phục công sở luôn là chủ đề được quan tâm, thể hiện sự chuyên nghiệp và văn hóa của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, một xu hướng mới nổi lên tại Trung Quốc đang thu hút nhiều sự chú ý: Giới trẻ Trung Quốc đua nhau mặc đồ ngủ đi làm.


Thực chất, xu hướng này bắt đầu từ video của Kendou S trên Douyin, nền tảng video ngắn của Trung Quốc. Cô mặc áo len, quần pyjama, áo khoác chần bông và dép bông đi làm. Sếp của cô cho rằng trang phục này "thô thiển" và không phù hợp với hình ảnh công ty.


Chủ đề "trang phục xấu xí tại nơi làm việc" đã thu hút hàng triệu lượt xem trên Xiaohongshu (một ứng dụng tương tự Instagram được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc). Tại đây, nhiều người trẻ đã đăng tải hình ảnh họ mặc quần áo nhếch nhác, đi dép lê để thể hiện thái độ đối với những quy tắc cứng nhắc và kỳ vọng của xã hội. Gen Z Trung Quốc muốn khẳng định rằng việc lựa chọn trang phục không phản ánh khả năng làm việc của họ. Họ có thể mặc đồ ngủ đi làm nhưng vẫn hoàn thành tốt công việc.


Dù còn nhiều tranh cãi, xu hướng này cho thấy sự thay đổi trong tư duy của giới trẻ Trung Quốc. Họ không còn đặt nặng những giá trị truyền thống về thành công và địa vị, mà hướng đến sự tự do và thoải mái trong cuộc sống.


▶ Đón xem tin tức mới nhất về thị trường truyền thông, quảng cáo hàng tuần trên Newsletter của Advertising Vietnam!