Trong những năm gần đây, các chiến dịch hướng đến việc tạo ra tác động tích cực cho xã hội thường chiếm ưu thế tại Cannes Lions, một giải thưởng danh giá bậc nhất của ngành công nghiệp quảng cáo. Tuy nhiên năm nay, các chuyên gia sáng tạo cho biết, họ muốn những tiêu chí về kết quả kinh doanh và sự hài hước sẽ được chú trọng trở lại.


Trước thềm Cannes Lions 2023, tạp chí Adweek đã tiến hành một cuộc khảo sát để hỏi ý kiến các nhà sáng tạo về những chiến dịch, sản phẩm sẽ đạt giải lớn tại sự kiện năm nay. Nhiều nhà sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới đã đề cử một loạt các chiến dịch khác nhau, trong đó có những dự án khiến mọi người bật cười vì sự ngớ ngẩn hay sản phẩm hoàn hảo đến đáng kinh ngạc.


Cùng tìm hiểu về danh sách 20 chiến dịch tiềm năng nhất cho giải thưởng tại Cannes Lions 2023!


1. Apple: The Greatest

Agency: In-house


Vào tháng 11 năm 2022, Apple đã khởi động chiến dịch "The Greatest" nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật, đồng thời thể hiện cam kết không ngừng của thương hiệu trong việc cải thiện khả năng truy cập và sử dụng công nghệ của người dùng.


Trong TVC "The Greatest", Apple nhấn mạnh về những tính năng mới trên các sản phẩm của hãng, nhằm hỗ trợ những người khuyết tật về thị giác, thính giác, khả năng di chuyển hoặc nhận thức, đồng thời thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về nhóm người này. Bộ phim kể về hành trình sống của bảy người khuyết tật, thể hiện khả năng sáng tạo của họ và cho thấy các tính năng trợ giúp của Apple đang giúp họ thích ứng và vượt qua khó khăn trong cuộc sống hàng ngày như thế nào.



Đoạn video có thời lượng 2 phút 21 giây, được đăng tải trên nền tảng YouTube với phần phụ đề chi tiết dành cho người khiếm thính, cũng như phần thuyết minh bằng âm thanh dành cho người mù và thị lực kém. Chỉ sau một tuần ra mắt, TVC đã đạt 16 triệu lượt xem.


“Dự án này giới thiệu một cách rõ ràng về những lợi ích của sản phẩm, đồng thời mang đến một tầm cao mới về nhận diện thương hiệu. Đây chính là mục tiêu của mọi quảng cáo: bán sản phẩm và tạo dựng cảm tình đối với thương hiệu. ‘The Greatest’ là một ví dụ tuyệt vời về sự kết hợp giữa công nghệ và nhân văn. Nó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật”, Zoe Kessler - Group Creative Director tại Johannes Leonardo nhận định.


2. Clash of Clans: Clash From the Past 

Agency: Wieden + Kennedy


“Clash From the Past” là chiến dịch kỷ niệm 10 năm ra đời của trò chơi di động nổi tiếng Clash of Clans. Supercell - công ty mẹ của tựa game huyền thoại này đã tưởng tượng ra một thế giới hư cấu, trong đó Clash of Clans được tạo nên vào những năm 1980, thời kỳ của Pac-Man và Mario. 


Cụ thể, bộ phim “The Untold Story” dài hơn 20 phút trong khuôn khổ chiến dịch đã tái hiện hành trình hình thành và phát triển của một trò chơi điện tử, từ lúc nó được tạo ra bởi ba thanh niên Phần Lan cho đến khi trở thành một hiện tượng văn hóa. Chiến dịch là một trò đùa thú vị của Supercell, nhằm phản ánh sự phát triển của văn hóa game trong vài thập kỷ qua. Chiến dịch được đánh giá cao khi tái hiện một câu chuyện hoàn toàn không có thật, nhưng lại đi sâu vào từng chi tiết, tỉ mỉ và vô cùng hoàn hảo. 



“Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ra đời của Clash of Clans, agency Wieden + Kennedy đã tạo ra một câu chuyện lịch sử hư cấu kéo dài hơn 40 năm của trò chơi di động này, nhằm đưa nó lên ngang tầm với những tựa game huyền thoại như Mario và Pac-Man. Chiến dịch bắt đầu bằng bộ phim ‘The Untold Story’, kế đó là việc ra mắt áo hoodie, ngũ cốc in hình Clash of Clans của những năm 80, một tài khoản Reddit AMA giả mạo, quảng cáo TV hư cấu và nhiều trò đùa bất ngờ khác”, Nic McCarthy - Global Head of Creative Excellence tại Wavemaker chia sẻ. 


3. Vow: Mammoth Meatball

Agency: Wunderman Thompson


Công ty thực phẩm Vow đã sử dụng kỹ thuật phân tử tiên tiến để tái sinh loài voi ma mút cổ đại đã bị tuyệt chủng dưới dạng thịt viên được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Họ đã kết hợp ADN của loài voi ma mút với một số mẫu ADN của voi Châu Phi. Viên thịt voi ma mút này là kết quả của công nghệ nuôi cấy tế bào, đồng thời đại diện cho việc sử dụng tài nguyên một cách bền vững mà không gây hại đến động vật sống.



Theo ông Bas Korsten, người khởi xướng dự án và Giám đốc Sáng tạo Toàn cầu của Wunderman Thompson, “Mammoth Meatball” cho thấy rằng khi công nghệ tiên tiến kết hợp với sự sáng tạo, nó có thể thay đổi tương lai của nhân loại. “Mục tiêu của chúng tôi là khởi xướng một cuộc đối thoại về cách chúng ta ăn uống và những lựa chọn thực phẩm trong tương lai có thể trông ra sao, mang hương vị như thế nào.” 


“The Mammoth Meatball là một tác phẩm đáng kinh ngạc. Đây là một ý tưởng sáng tạo độc đáo nhất mà tôi từng thấy trong một thời gian dài. Bằng việc kết hợp giữa sự sáng tạo và đổi mới, chiến dịch này thực sự có thể thay đổi cách chúng ta nghĩ về sự bền vững trong lĩnh vực thực phẩm”, Beth Kushner - Group Creative Director tại Mekanism cho biết.


4. Budweiser: Bring Home the Bud

Agency: Wieden+Kennedy


Chỉ hai ngày trước khi World Cup 2022 bắt đầu, Budweiser bị cấm bán bia tại các sân vận động cho người hâm mộ, khiến thương hiệu tồn đọng một kho bia không thể tiêu thụ được. Tận dụng tình huống khó khăn này, Budweiser đã tuyên bố sẽ tặng toàn bộ bia cho đội vô địch World Cup.


Chiến dịch khởi đầu với hashtag #BringHomeTheBud trên twitter, cùng một thông báo về quyết định táo bạo của thương hiệu. Mỗi khi có đội bóng giành chiến thắng, Budweiser sẽ xuất hiện bất ngờ và đặt những thùng bia mang thông điệp "Bring Home The Bud" tại các thành phố như New York, Buenos Aires, London và Rio de Janeiro. Kết hợp với đó là bảng hiệu, quảng cáo ngoài trời và nội dung truyền thông xã hội được triển khai ở 8 thị trường. Ngay sau khi Argentina giành chiến thắng, thương hiệu này đã sử dụng chiến lược DTC (Direct-to-Consumer) và tặng toàn bộ bia World Cup cho người hâm mộ thông qua các bữa tiệc diễn ra trên khắp đất nước. 



Kết quả, Budweiser không chỉ là thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian diễn ra World Cup 2022, mà còn thu về 255 tỷ lượt hiển thị, đạt 400 triệu USD giá trị truyền thông miễn phí (Earned Media Value) và hơn 1 triệu lượt đề cập, thành công phân phối 1 triệu chai Budweiser tại thị trường Argentina.


“Họ đã biến một tình huống khủng hoảng thành cơ hội đột phá cho thương hiệu, bắt đầu từ một bài đăng trên mạng xã hội cho đến việc thương hiệu đảo ngược tình thế và tặng bia tồn kho cho quốc gia vô địch World Cup. Đây là một ví dụ xuất sắc cho thấy những cơ hội sáng tạo tốt nhất thường không được lên kế hoạch trước”, Ron D'Innocenzo - CCO tại Golin nhận định.


5. Squarespace: The Singularity

Agency: In-house


Squarespace - một công cụ xây dựng website chuyên nghiệp đã triển khai chiến dịch mang tên “The Singularity”, với sự tham gia của diễn viên Adam Driver. Đoạn quảng cáo được phát sóng tại sự kiện Super Bowl 2023, nhằm tôn vinh Squarespace với vai trò người tiên phong trong việc xây dựng trang web. 


Trong TVC, diễn viên Adam Driver bắt đầu một cuộc hành trình phiêu lưu đến những ranh giới cuối cùng của thực tại, nơi anh tạo ra nhiều phiên bản khác nhau của chính mình. Với thông điệp “A website for making websites” (tạm dịch: Một trang web để tạo ra trang web), đoạn quảng cáo mang đến một khoảnh khắc vui vẻ trong trận đấu Super Bowl, phản ánh đúng phong cách của Squarespace với sự hài hước “lập dị” và những thước phim điện ảnh chất lượng cao.



“Chiến dịch có một ý tưởng sáng tạo cực kỳ đơn giản, nhưng lại chứa đựng sự thật không thể phủ nhận về Squarespace: ‘Một trang web để tạo trang web’. Đây là một khái niệm thú vị và hài hước vì nó phản ánh đúng tính chất dịch vụ mà Squarespace đang cung cấp, cũng như cách mà mọi người thường nghĩ về nó. Sự kết hợp của Adam Driver, một ngôi sao hàng đầu Hollywood và hiệu ứng mạnh mẽ trong trận đấu Super Bowl càng làm cho ý tưởng này trở nên thú vị và hấp dẫn hơn. Đây là một cách tuyệt vời để tăng độ nhận diện thương hiệu và tạo sự chú ý của khách hàng đối với Squarespace”, Jeff Bowerman, ECD tại DEPT chia sẻ.


6. Hilton: The 10-Minute TikTok

Agency: TBWA


Chiến dịch “The 10-Minute TikTok” của chuỗi khách sạn Hilton Hotels đã khiến thương hiệu này trở thành một chủ đề được bàn tán rộng rãi trên TikTok. Đoạn video quảng cáo dài 10 phút của Hilton không chỉ có sự góp mặt của người thừa kế nổi tiếng Paris Hilton, mà còn có sự tham gia của những influencer như Chris Olsen, GirlBossTownKelzWright. Họ thách thức người xem phải theo dõi đến cuối video để có cơ hội giành điểm “Hilton Honors Points”.



Yếu tố kéo dài bất thường của video trên một nền tảng nội dung ngắn như TikTok, cùng với sự xuất hiện của Paris Hilton đã khiến chiến dịch đạt được thành công như mong đợi. Bên cạnh đó, đoạn phim này mang lại cảm giác rất chân thực - một yếu tố mà 90% người thuộc thế hệ Millennials cho là quan trọng đối với nội dung thương hiệu. 


“Theo lý thuyết, ý tưởng này rất tuyệt vời. Nó tiếp cận được đúng đối tượng khán giả, cho phép thương hiệu truyền tải nhiều thông tin về chuỗi khách sạn. Việc tạo ra một video TikTok quảng cáo dài 10 phút mà mọi người đều muốn xem không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, họ đã thực hiện rất tốt. Mỗi giây trong đoạn phim đều hấp dẫn, giữ cho người xem không muốn lướt qua để xem video khác”, Greg Hahn - Nhà đồng sáng lập và CCO tại Mischief cho biết.


7. DHL: DHL Message Delivery

Agency: FCB Dubai


Công ty vận chuyển và logistics quốc tế DHL đã mở rộng dịch vụ giao hàng thông thường của mình bằng cách ra mắt chiến dịch mang tên “DHL Message Delivery”. Chiến dịch giúp người dùng tại Dubai gửi những tin nhắn mà họ không muốn truyền đạt trực tiếp bằng cách hẹn giờ thông qua đài phát thanh. Để đảm bảo người nhận sẽ không bỏ lỡ thông điệp của khách hàng, thương hiệu sẽ gửi đến một tin nhắn SMS cá nhân hóa với thời gian, ngày và đài phát thanh tương ứng.



“Đây là một ý tưởng tuyệt vời để tôn vinh những điểm mạnh của thương hiệu bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông hiệu quả và phù hợp. ‘DHL Message Delivery’ là một chiến dịch hấp dẫn, giúp DHL trở nên nổi bật trong lĩnh vực vận chuyển và để lại dấu ấn trong tâm trí của khách hàng”, Valerie Madon - CCO tại McCann SEA nhận định.


8. Apple: Public Displays of Encouragement

Agency: Media Arts Lab


Để ủng hộ đội tuyển bóng đá Nam Mỹ trước thềm World Cup 2022, dịch vụ xem phim trực tuyến Apple TV+ đã khởi động chiến dịch “Public Displays of Encouragement”. Chiến dịch bao gồm 27 lá thư viết tay dành cho từng cầu thủ trong đội bóng, mang phong cách hài hước và quyến rũ. Những lá thư này đã được phóng to và trưng bày công khai trên các OOH tại quê hương của từng cầu thủ.



“Ai cũng thích một chiến dịch quảng cáo OOH cổ điển, phải không? Nó đơn giản và chất phác, nhưng lại có tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc đối với văn hóa. Sẽ thật tuyệt khi thấy một chiến dịch đơn giản và khiến bạn mỉm cười có cơ hội nhận giải lớn tại Cannes”, Amy Ferguson - CCO tại TBWA nhận xét.


9. IKEA: Proudly Second Best

Agency: DAVID Madrid and INGO Hamburg 


Thương hiệu nội thất IKEA cho rằng, đối với con trẻ, sự chăm sóc chu đáo của cha mẹ là quan trọng nhất. Mọi đồ vật đều trở nên vô dụng nếu các bậc phụ huynh không hỗ trợ con sử dụng chúng hiệu quả. Chính vì vậy, trong chiến dịch mới nhất, IKEA đã khiêm tốn tự nhận bản thân “Proudly Second Best” (tạm dịch: Tự hào là thương hiệu tốt thứ hai) nhằm khẳng định cha mẹ vẫn là những người quan trọng nhất trong việc chăm sóc con cái.



“Đây là một ý tưởng mạnh mẽ nhưng đơn giản, không quá công phu và dựa trên một nhận thức đúng đắn trong xã hội. Tôi hy vọng ngành công nghiệp quảng cáo sẽ có đủ tự tin để tôn vinh đúng giá trị của công việc sáng tạo. Với mục tiêu tiếp thị rõ ràng và sự sáng tạo được áp dụng đúng cách, chiến dịch đã mang lại giá trị lớn và thu hút sự chú ý của công chúng”, Jim Curtis - CCO tại Clemenger BBDO Australia cho biết.


10. The Government of Tuvalu: The First Digital Nation

Agency: The Monkeys


Tuvalu là một quốc gia đang đối mặt với nguy cơ bị chìm dưới nước trong vài thập kỷ tới nếu không có biện pháp thay đổi. Tại Hội nghị COP27, Bộ trưởng Simon Kofe của Tuvalu đã đưa ra lời cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo, đồng thời công bố một kế hoạch táo bạo: trở thành “quốc gia số” (Digital Nation) đầu tiên trên thế giới. Điều này sẽ giúp Tuvalu bảo tồn lịch sử, văn hóa cũng như các dịch vụ chính phủ và tình trạng pháp lý quan trọng. Công bố này được truyền tải thông qua một bộ phim ngắn, nhấn mạnh rằng một đất nước ảo sẽ không thể thay thế được Tuvalu.



“Quy mô của chiến dịch này thật đáng kinh ngạc, nhưng điều đó là cần thiết để trở thành quốc gia số hóa đầu tiên. Chiến dịch này là một ví dụ hoàn hảo về cách sử dụng công nghệ số để mang lại lợi ích cao cả và nên được tôn vinh. Khi xem bộ phim, bạn sẽ cảm thấy xót xa, nhưng cũng không khỏi kinh ngạc và lo lắng”, Ali Rez - CCO tại Impact BBDO Menap nhận định.


11. Coca-Cola: The Masterpiece

Agency: Open X


Tháng 4/2023, Coca-Cola đã ra mắt chiến dịch toàn cầu “The Masterpiece” nhằm tôn vinh sự ảnh hưởng của thương hiệu đối với nghệ thuật. Trong đoạn quảng cáo, người xem sẽ được dẫn dắt vào thế giới tưởng tượng của một nghệ sĩ trẻ đang ngủ say trong triển lãm nghệ thuật. 



“Đoạn phim này thực sự sống động giống như tên gọi của nó. Quảng cáo diễn ra trong một triển lãm nghệ thuật, nơi tác phẩm nổi tiếng 'Large Coca-Cola' của Andy Warhol tương tác một cách kỳ diệu với những bức tranh của Turner, Munch, Van Gogh, Hiroshige, Vermeer và các nghệ sĩ mới nổi trên toàn thế giới. Đây là một ví dụ hoàn hảo về cách một thương hiệu biểu tượng tận dụng đẳng cấp của mình để tạo ra một trải nghiệm khiến người xem cảm thấy ngạc nhiên và thán phục”, Joel Holtby - Nhà đồng sáng lập và CCO tại Courage cho biết.


12. NotCo: We Didn’t Write This Campaign

Agency: MRM Chile


Với tiêu đề “We didn’t write this. Big dairy industry lawyers did” (tạm dịch: "Chúng tôi không viết cái này. Luật sư của ngành công nghiệp sữa đã viết), công ty thực phẩm từ thực vật NotCo đã ra mắt chiến dịch mới nhất cho NotMilk, một sản phẩm gây tranh cãi đối với ngành công nghiệp sữa tại Chile vì nó không chứa sữa. Khi sản phẩm này bị kiện, thay vì cố gắng đưa ra một lập luận pháp lý để tự vệ, NotCo chỉ trích dẫn lời của luật sư tại phiên tòa một cách mỉa mai, nhằm mô tả về sản phẩm NotMilk theo đúng những gì mà thương hiệu muốn người dùng hiểu về sản phẩm.



“Not Milk đang bị ngành công nghiệp sữa tại Chile kiện. Nhưng trên thực tế, tất cả những cáo buộc đó lại chính là lý do mà sản phẩm được tạo ra. Thương hiệu đã sử dụng bản sao của tài liệu pháp lý do các luật sư viết nhằm tạo nên chiến dịch quảng cáo thông minh này”, Luciana Cardoso - ECD tại CPB Brasil nhận xét.


13. Intel: Certified Human

Agency: Dentsu Creative


Vào tháng 10/2022, tập đoàn Intel đã khởi động chiến dịch “Certified Human” nhằm giới thiệu một công nghệ phát hiện deepfake (một kỹ thuật có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc), giúp nhận biết những đoạn phim đã bị chỉnh sửa bởi trí tuệ nhân tạo.



“Khi nghĩ về những ý tưởng xứng đáng nhận giải Titanium, chúng ta chỉ tìm đến những thực hiện mang tính đột phá, có khả năng thay đổi cuộc sống một cách to lớn. Trí tuệ nhân tạo (A.I) là chủ đề hot hiện nay và tôi tin rằng, chúng ta sẽ thấy nhiều ý tưởng sử dụng A.I tại Cannes năm nay. Nhưng chiến dịch này thực sự đặc biệt hơn cả - nó là một công nghệ có khả năng phát hiện deepfake, những video giả mạo được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Công cụ này thật sự cần thiết cho thế giới. Rất xuất sắc!”, Samira Ansari - CCO tại Deutsch NY cho biết.


14. Cheetos: Hands Free

Agency: GSP


Vào năm 2022, Cheetos đã ra mắt chiến dịch "Hands-Free", bao gồm một TVC và hoạt động tiếp thị trải nghiệm. Xuất phát từ thực trạng người dùng thường bị gián đoạn công việc sau khi ăn Cheetos vì những ngón tay dính đầy vụn bánh, thương hiệu đã sáng tạo nên một thế giới nơi người có thể sống một cuộc sống tốt nhất mà không cần dùng đến tay. Bên cạnh TVC giới thiệu, Cheetos còn tạo ra ngôi nhà "Hands-Free House", nơi khách tham quan có thể khám phá và tận hưởng các hoạt động mà không cần dùng tay, như bơi lội, nấu ăn và vui chơi.



“Đây là một chiến dịch sáng tạo và vui nhộn, nhằm xây dựng sự yêu mến và kích thích tâm lý mua hàng một cách thông minh. Cheeto tận dụng xu hướng không sử dụng tay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chẳng hạn như xe tự lái, công nghệ nhận diện khuôn mặt trên điện thoại… và cho rằng điều này là nhờ vào vụn bánh Cheetos thơm ngon. Ý tưởng lớn này được triển khai qua các kênh truyền thông như TVC, mạng xã hội và OOH, thậm chí họ còn xây dựng một ngôi nhà thực tế ảo tại sự kiện SXSW. Chiến dịch này tạo sự tương tác với các công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực không sử dụng tay, đồng thời mang lại lợi ích kinh doanh. Thật là một chiến thắng hoàn hảo”, Atit Shah - CCO tại Digitas North America chia sẻ.


15. ​​McDonald’s: Deals Stuck in Time

Agency: Filmic Art and NORD DDB


McDonald's đã ra mắt một chiến dịch tương tác ở Thụy Điển vào tháng 12/2022 để giúp giảm áp lực từ lạm phát. Chiến dịch “Deals Stuck in Time” khuyến khích người dùng sử dụng Google Street View để tìm và nhận ưu đãi có trên các OOH của McDonald's từ năm 2009.



“Chiến dịch của McDonald's là một cách thông minh và đơn giản để tận dụng công nghệ sẵn có và kỷ niệm của thương hiệu. Sự tích hợp thông minh của Google Street View cho phép mọi người săn tìm các khuyến mãi của McDonald's từ quá khứ, gợi nhắc về giá trị vững chắc của thương hiệu và mang đến cho khách hàng những ưu đãi ‘lịch sử’. Chiến dịch này đã biến việc sử dụng phiếu giảm giá thành một trải nghiệm xây dựng thương hiệu. Trong một thời điểm mà khách hàng đang tìm cách tiết kiệm tiền, chiến dịch này đã chứng minh tiềm năng của sáng tạo để giải quyết những thách thức kinh doanh thực tế mà không cần vốn đầu tư quá lớn”, Tiffany Rolfe - CCO tại R/GA nhận định.


16. Women in Sport: Correct the Internet

Agency: Filmic Art and NORD DDB


Cristiano Ronaldo thường được cho là người ghi nhiều bàn thắng nhất trong bóng đá quốc tế. Tuy nhiên, thực tế là nữ cầu thủ Christine Sinclair của Canada mới là người giữ kỷ lục với 190 bàn. Điều này đã thúc đẩy tổ chức Women in Sport thực hiện chiến dịch toàn cầu “Correct The Internet” nhằm nhấn mạnh sự thiên vị trong các thông tin trên internet và ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ. Chiến dịch này đề cao sự hiện diện của phụ nữ trong thể thao bằng cách khuyến khích mọi người sửa chữa những thông tin không chính xác trên mạng.



“Chiến dịch này đập tan những định kiến và đưa những thành công bị lãng quên trong thể thao nữ ra ánh sáng. Nó giống như một phiên bản Grammarly cho sự phân biệt giới tính trên các công cụ tìm kiếm. Chiến dịch thúc đẩy sự phát triển của các công cụ tìm kiếm, đảm bảo rằng thành tựu của phụ nữ được đặt ngang hàng với thành tựu của nam giới”, Rafik Belmesk - CSO tại Dentsu Creative Canada cho biết.


17. Voiz: Innocent Eyes

Agency: Ogilvy Thailand


Ogilvy Bangkok và thương hiệu bánh kẹo Voiz đã hợp tác để sản xuất một TVC mang tên “Innocent Eyes”. Với nội dung kỳ quặc và hài hước, quảng cáo mô tả hương vị tuyệt vời của bánh Voiz Waffle Choco khiến một người đàn ông phải cố gắng che giấu sự thật về việc anh ta thèm muốn chiếc bánh của bạn mình. 



“Hài hước là một loại ngôn ngữ mà chúng ta đều hiểu được, và quảng cáo Thái Lan này đã vận dụng những yếu tố gây cười vô cùng trôi chảy. TVC của Voiz có cốt truyện kỳ quặc, nhưng lại truyền tải một thông điệp đơn giản về ‘chiếc bánh quy ngon không thể cưỡng lại được’. Hài hước, giải trí và kỳ lạ - đó là những yếu tố trong quảng cáo đã vắng bóng trên sân khấu Cannes trong những năm qua. Chiến dịch này đã thành công chứng minh rằng, kịch bản quảng cáo hài hước một cách xuất sắc vẫn có thể tồn tại và nổi bật trước những chiến dịch xã hội của các thương hiệu trên thế giới”, Firrdaus Yusoff - Head of Creative tại Forsman & Bodenfors Singapore nhận xét.


18. Calm: The Last Photo

Agency: adam&eveDDB


Nhằm nâng cao nhận thức về chứng trầm cảm, tổ chức từ thiện Campaign Against Living Miserably (CALM - Chiến dịch Chống Sống Khốn khổ) đã thực hiện chiến dịch mang tên “The Last Photo” (tạm dịch: Bức Ảnh Cuối Cùng tại thành phố London). Cụ thể, CALM đã tổ chức một buổi triển lãm trưng bày những bức ảnh cuối cùng của nạn nhân trước khi tự sát. Điều đáng buồn là những người trong ảnh đều có đặc điểm chung là vô tư, vui vẻ, thậm chí có người còn mỉm cười rất to khi được nhận huy chương hay thỏa thích vui chơi với bạn bè. Qua đó, người xem hiểu ra rằng những người có suy nghĩ tự sát mang rất nhiều khuôn mặt, và không phải lúc nào cũng thể hiện sự buồn bã, chán chường. Chiến dịch mong muốn thay đổi định kiến về tự sát trong cộng đồng và nâng cao nhận thức về chứng trầm cảm, cũng như những biểu hiện khó nhận biết của nó.



"Tôi cảm thấy ngành công nghiệp quảng cáo nên tôn vinh sức mạnh của những ý tưởng vượt ra khỏi các hình thức truyền thông cụ thể. Đối với tôi, 'The Last Photo' là một trong những ví dụ tốt nhất về vấn đề này. Chiến dịch có một ý tưởng đơn giản nhưng mang hiệu quả mạnh mẽ, cất tiếng về một vấn đề rất quan trọng trong xã hội, gửi gắm thông điệp đến trái tim hơn là trí óc", Juan Javier Peña Plaza - CCO tại GUT chia sẻ.


19. Nativa: Crops of Hope

Agency: MullenLowe SSP3


Vào thời điểm đại dịch, hàng triệu nông dân ở Colombia đang gặp khó khăn về kinh tế. Để hỗ trợ những nông dân này và khuyến khích họ chuyển sang trồng cây củ sắn bền vững, Bavaria Brewery, công ty con của AB InBev, đã sáng tạo ra Nativa - một loại bia được làm từ củ sắn địa phương. Với chiến dịch “Crops of Hope” và sự hợp tác của agency MullenLowe SSP3, công ty đã thiết lập một mô hình sản xuất để tạo ra một thị trường ổn định cho nông dân và cải thiện đời sống của họ.



“Trong thời đại đại dịch, những người nông dân ở miền bắc Colombia gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhà máy bia Bavaria của AB InBev đã tạo ra một loại bia mới được làm từ củ sắn - loại thực phẩm phát triển tốt ở địa phương đó. Dự án 'Crops of Hope' đã mang lại thu nhập cho các nông dân địa phương. Kết quả là, bia Nativa đã trở thành sản phẩm bán chạy thứ hai của thương hiệu. Đây là một chiến thắng đối với cả người nông dân và AB InBev”, theo Jo Wallace - Giám đốc điều hành tại Media.Monks.


20. M&M’s: Replacement Spokescandies

Agency: BBDO


Thương hiệu kẹo nổi tiếng M&M’s đã công chiếu một TVC mang tên “Replacement Spokescandies” tại sự kiện Super Bowl. Trong chiến dịch này, thương hiệu đã mang đến niềm vui qua các tình huống hài hước và diễn biến bất ngờ. 



“Hiện nay, người tiêu dùng đều đang khao khát những câu chuyện mang lại sự hưng phấn, thú vị. Vì vậy, tôi ủng hộ một tác phẩm mang lại niềm vui và sự giải trí, đồng thời đấu tranh với những quan điểm gây tranh cãi. Chiến dịch của M&M's là một ví dụ điển hình”, Rachel Carlson - Nhà sáng lập và Giám đốc sáng tại tại Foul Mouth Creative cho biết.


Theo Adweek

Phương Anh