Kế hoạch phát triển sự nghiệp dài hạn (từ 3-5 năm) đã trở thành một phần không thể thiếu trong các buổi phỏng vấn và CV của nhiều người. Thế nhưng, liệu đây có phải là một “câu hỏi bắt buộc” mà mọi nhân sự đều cần có câu trả lời để chứng tỏ ý chí, năng lực và đạt được mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp của mình?


“Làm thinh” khi bị hỏi “làm gì trong 5 năm tới?”


Mông lung, hoang mang hay “bí bách” là trạng thái chung của nhiều nhân sự khi đứng trước câu hỏi về kế hoạch phát triển sự nghiệp dài hạn. Anh Duy Khanh - Copywriter chia sẻ: “Trước đây, mình chỉ làm part-time nên không thường xuyên nhận được câu hỏi này. Tuy nhiên, trong một lần tham gia phỏng vấn cho vị trí intern ở agency, mình đã khá bất ngờ khi bị hỏi. Ở thời điểm đó, việc đưa ra một định hướng cố định là quá sớm đối với một người trong giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp như mình.” 


Chị Hồng Ngọc - Content Creator cho biết, mục tiêu dài hạn là một câu hỏi “sách vở” và quen thuộc trong các cuộc phỏng vấn. Do đó, một số nhân sự sẽ chuẩn bị trước câu trả lời “kiểu mẫu” để tránh rơi vào trạng thái bối rối, khó xử. “Bên cạnh đó, thỉnh thoảng mình cũng tự hỏi bản thân sẽ làm gì trong 3-5 năm sắp tới. Tuy nhiên, đây là một vấn đề không dễ giải đáp, nên mình thường chọn ‘làm thinh’. Vì nếu bản thân còn chưa trả lời được câu hỏi mình là ai, năng lực và mong muốn của mình như thế nào, thì việc đặt kế hoạch phát triển dài hạn cũng sẽ không thật sự hiệu quả.”


Bên cạnh việc thường xuyên bị hỏi về mục tiêu dài hạn khi đi phỏng vấn, đôi lúc chị Hồng Ngọc cũng tự hỏi bản thân sẽ làm gì trong 3-5 năm sắp tới


Còn đối với các nhân sự đã hiểu rõ về khả năng, nguyện vọng của bản thân, chuyện lập mục tiêu dài hạn chỉ đơn giản như “trở bàn tay”. Anh Q.A - Video Editor nhận định: “Đối với mình, xác định kế hoạch phát triển là điều khá dễ dàng. Chỉ cần lái xe khoảng nửa tiếng hay tắm nước nóng một lát là biết bao nhiêu kế hoạch, mong ước, sứ mệnh sẽ tuôn ra. Mục tiêu thì dễ tìm, nhưng để kiên định, gắn kết và đồng hành cùng nó mới là chuyện khó khăn.”


Liệu mục tiêu dài hạn có phải là thước đo cho ý chí và năng lực?


Trên các trang thông tin tuyển dụng hiện nay, không khó để tìm thấy những kiểu “văn mẫu” trả lời cho câu hỏi “mục tiêu phát triển sự nghiệp dài hạn”. Có quan điểm cho rằng, nếu trả lời được câu hỏi về kế hoạch thăng tiến, nhân sự sẽ chứng tỏ được bản thân là người có ý chí, năng lực. Còn theo anh Duy Khanh, đây chỉ là bước đệm giúp ứng viên được lòng nhà tuyển dụng hơn, chứng minh bản thân đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn và am hiểu về vị trí mình đang ứng tuyển. Tuy nhiên, anh cũng cho biết dạng câu hỏi đại trà này khó có thể đánh giá được khả năng của nhân sự.


“Nếu ứng viên là một planner, bạn ấy có thể ‘thừa’ khả năng để lập kế hoạch cho rất nhiều thứ khác, nhưng chưa chắc sẽ xác định được lộ trình cho cuộc đời của bản thân. Do đó, câu hỏi về mục tiêu dài hạn không hoàn toàn là cơ hội để nhân sự chứng tỏ bản thân”, chị Hồng Ngọc cho biết.


Trả lời được câu hỏi về mục tiêu dài hạn sẽ giúp nhân sự chứng minh bản thân đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn và am hiểu về vị trí mình đang ứng tuyển


Bên cạnh đó, cũng có không ít người nhận định, nhân sự chỉ cần làm tốt và “tới đâu hay tới đó” chứ không cần thiết phải lo xa. Anh Duy Khanh chia sẻ:Với thị trường việc làm bấp bênh như hiện tại, tư duy này có thể giúp nhân sự dễ dàng hòa nhập với nhiều môi trường khác nhau và bảo đảm về chất lượng công việc. Mình chọn không lập kế hoạch vì mình muốn được trải nghiệm đa dạng các vị trí ở nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau, giúp bản thân có cái nhìn rõ hơn về ngành nghề trước khi xác lập một lộ trình thăng tiến cụ thể. Đúng là sẽ có những lúc, mình cảm thấy hơi mất định hướng, nhưng vì còn trẻ nên việc này hoàn toàn bình thường.”


Anh Q.A cho biết, lựa chọn lập kế hoạch hay không sẽ phụ thuộc vào phong cách sống của mỗi người. “Việc xác định mục tiêu dài hạn cũng giống viết trước kịch bản cho cuộc đời vậy. Nhiều người muốn cuộc sống của mình đi đúng lộ trình như một cuốn phim. Một số khác lại thích được dòng đời đưa họ đi mà không cần biết trước điều gì. Đối với họ, điều đó mới làm cuộc sống trở nên thú vị.” 


Nhân sự lập kế hoạch, nhưng hoàn toàn có khả năng đi “chệch hướng”


Nhiều người cho rằng, nếu không có kế hoạch cụ thể, nhân sự sẽ dễ rơi vào trạng thái mông lung trên con đường phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, cảm xúc không chắc chắn ấy thực chất có thể đến với bất cứ ai, kể cả những người đã xác định được lộ trình phát triển. “Khi chia sẻ về mục tiêu, dự định cá nhân với bạn bè, sự tự tin và kiên định của mình thường được thể hiện rõ ràng hơn. Tuy nhiên, những lúc tự chất vấn bản thân về kế hoạch tương lai, mình lại cảm thấy có một chút mông lung, hơi nghi ngờ và không biết mình đã làm đủ tốt hay chưa,” anh Q.A nói. 


Ngoài ra, cũng có đôi lúc nhân sự sẽ “chệch nhịp” trên những bản kế hoạch dài hạn, bởi bản chất của cuộc sống là sự chuyển động không ngừng. Chị Hồng Ngọc cho biết: “Mỗi năm, mình sẽ tự liệt kê những mục tiêu mình muốn đạt được và nỗ lực để hoàn thành tất cả, nhưng thực tế có làm được hay không thì mình chưa biết. Cuộc đời sẽ luôn có những biến cố không thể lường trước, chẳng hạn như Covid-19, khiến mọi việc chệch khỏi kế hoạch. Khi ấy, mình sẽ ‘cất lại’ những dự định để năm sau làm tiếp, hoặc tự đặt ra một mục tiêu cao hơn và cố gắng nhiều hơn nữa.” 


Có đôi lúc, nhân sự sẽ “chệch hướng” khỏi những kế hoạch dài hạn mà bản thân đã xây dựng


Sự cố gắng để thực hiện mục tiêu phát triển luôn tiêu tốn nhiều năng lượng và công sức. Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhân sự cũng sẽ tràn trề nhiệt huyết trên hành trình chinh phục nguyện vọng. Anh Q.A chia sẻ:” Sẽ có những lúc mình dùng đến 200% công lực để đạt được nó, nhất là vào thời điểm mà kế hoạch và định hướng mới vừa được mình đặt ra. Nhưng cũng có khi bản thân rơi vào xao nhãng, mất tập trung, và có thể kéo dài tình trạng này trong nhiều ngày, nhiều tháng. Với mình, đây là cơ hội tuyệt vời để vẽ nên những định hướng mới.


Khi đứng trước một bản kế hoạch mới toanh, cảm xúc của mình luôn đan xen giữa sự hào hứng và lo lắng. Hào hứng bởi nó sẽ mở ra cho mình cơ hội để tiếp cận đến nhiều điều mới mẻ, những trang sách mà mình chưa từng đọc qua. Tuy nhiên, mình không đánh giá sự hào hứng này là hoàn toàn tốt. Nếu chỉ để nhận được cảm giác mới mẻ mà phải đánh đổi những kế hoạch trước đó đã tốn công xây dựng thì mình thấy không hoàn toàn xứng đáng.”


"Khi đứng trước một bản kế hoạch mới toanh, cảm xúc của mình luôn đan xen giữa sự hào hứng và lo lắng", anh Q.A chia sẻ


Thất bại trong kế hoạch phát triển dài hạn được cho là điều thường gặp. Bởi lẽ, nhiều nhân sự sẽ chọn đặt mục tiêu cao, thay vì những dự định quá dễ dàng.Có người lập kế hoạch hơi cao so với khả năng, cũng có người hiểu rõ bản thân sẽ đủ sức để đạt được điều gì. Bản thân mình thường xuyên không thực hiện được mục tiêu đã đặt ra, vì mình chọn những ‘cột mốc’ khá cao so với năng lực hiện tại. Không phải do mình chưa hiểu bản thân, mà bởi mình muốn phấn đấu nhiều hơn nữa,” anh Q.A nói.


Chị Hồng Ngọc cho biết: “Những nhân sự chọn cách lập mục tiêu cao so với khả năng hiện tại thường sẽ không trả lời thật lòng khi bị người khác hỏi về kế hoạch phát triển. Bởi lẽ, họ sợ nguyện vọng và mong ước của mình bị phán xét, cười nhạo và nhìn nhận tiêu cực. Có thể ở thời điểm đó, họ chưa đủ năng lực để hoàn thành nguyện vọng, nhưng họ biết bản thân cần phải làm những gì để đến gần hơn với mục tiêu mình đề ra.


Đứng trước câu hỏi về kế hoạch phát triển sự nghiệp dài hạn, các nhân sự này thường sẽ chuẩn bị hai câu trả lời: một lựa chọn an toàn theo văn mẫu để đáp lại khi bị hỏi, và một khát vọng đột phá giấu riêng cho bản thân.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai