Netflix hiển nhiên không phải là nền tảng xem phim trực tuyến duy nhất, nhưng lại là một trong những lựa chọn hàng đầu của người xem trên toàn thế giới. Tính đến quý III/2022, nền tảng này đã thành công thu hút hơn 223 triệu thuê bao toàn cầu. Bên cạnh việc sở hữu một kho nội dung đa dạng và chất lượng cao, điều làm nên sự thành công vang dội của Netflix trong cuộc đua giữ chân người dùng nằm ở một chiến lược marketing đồng bộ và nhất quán. Qua đó, Netflix đảm bảo người xem luôn được cập nhật đầy đủ thông tin và mang lại những trải nghiệm giải trí tốt nhất, khiến khán giả ngày càng tin tưởng, gắn bó với nền tảng. 


6 chiến lược Marketing góp phần làm nên sự thành công của Netflix 


1. Tiếp thị nội dung được cá nhân hóa


Netflix sở hữu hàng trăm nghìn bộ phim cùng các chương trình với đủ thể loại khác nhau. Để giúp cho khán giả không bị "lạc lối" trước khối lượng nội dung đồ sộ đó, nền tảng này đã duy trì thuật toán cá nhân hoá các nội dung dựa trên sở thích người dùng. 


Thuật toán của Netflix được tối ưu để gợi ý những bộ phim phù hợp với sở thích người dùng


Cụ thể, thuật toán của Netflix thu thập dữ liệu về các thao tác của khán giả trên nền tảng bao gồm: lịch sử xem phim, các phim đã được ấn vào, các phim đã thêm vào mục yêu thích và đánh giá phim. Dựa trên các dữ liệu sẵn có, thuật toán sẽ tự tổng hợp, phân tích để đưa ra những gợi ý phim phù hợp với sở thích của người dùng. Mỗi khi người dùng mở trang web hoặc ứng dụng Netflix, họ đều liên tục nhận những nội dung được gợi ý ở trang chủ. Đồng thời, sau khi đã truy cập vào trang thông tin của bộ phim bất kỳ, người dùng cũng được nền tảng này đề xuất những bộ phim cùng thể loại.


2. Thiết kế website tối ưu trải nghiệm người dùng


Bên cạnh số lượng và chất lượng của các nội dung trên nền tảng, Netflix còn chú trọng tạo ra trải nghiệm cho người dùng bằng thiết kế giao diện website. Khi vừa truy cập vào hệ thống Netflix, người dùng ngay lập tức được điều hướng tới một giao diện được thiết kế tối giản, tinh gọn và hướng đến một mục tiêu duy nhất: đăng nhập để bắt đầu xem phim.


Website của Netflix sở hữu giao diện trực quan, đơn giản và dễ sử dụng


Sau khi đã đăng nhập thành công, thành viên của Netflix sẽ được xem một video tự động đến từ những trailer của các bộ phim trên nền tảng này. Bằng việc tự động trình chiếu trailer ngay khi vào trang chủ, Netflix thu hút người xem ngay từ giây phút đầu tiên họ vào trang web. Điều này giúp cho nền tảng này giới thiệu các nội dung đến người xem, và nếu may mắn, nội dung đó sẽ trở thành lựa chọn của khán giả. 


Ngoài ra, trong quá trình xem phim, người dùng cũng có quyền đánh giá các nội dung bằng các nút thích (like) hoặc không thích (dislike). Đây là một thuật toán được Netflix sử dụng nhằm cung cấp cho người dùng một không gian để bày tỏ cảm xúc sau khi xem phim, đồng thời, thao tác này cũng tạo ra dữ liệu để nền tảng tiếp tục chiến lược cá nhân hoá cho người dùng. 


3. Tiếp thị qua email (Email Marketing)


Netflix đã sử dụng kỹ thuật email marketing để giới thiệu và nuôi dưỡng khách hàng theo nhiều cách. Những khách hàng mới đăng ký sử dụng nền tảng đều sẽ nhận được email chào mừng từ Netflix. Khi đã trở thành khách hàng và bắt đầu các hoạt động xem phim, Netflix sẽ liên tục gửi các email đề xuất nội dung và khuyến khích người dùng khám phá nền tảng. Đối với các email dành cho tài khoản lâu năm, Netflix sử dụng dữ liệu thu thập được từ người dùng để giới thiệu phim mới cho họ theo hoạt động trước đây. 


Email Marketing được sử dụng để nhắc nhở nếu lỡ người dùng có “quên” xem phim


Không dừng lại ở đó, Netflix cũng nhắc người xem quay lại các chương trình mà họ đã ngừng xem hoặc tiếp tục các bộ phim và chương trình họ vẫn chưa hoàn thành. Email marketing cũng là một công cụ hữu ích được Netflix sử dụng để thông báo cho người dùng về những cập nhật mới nhất trên nền tảng.


4. Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm:


Netflix sử dụng các dịch vụ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) nhằm mục đích và gia tăng sự hiện diện thương hiệu của mình. Cụ thể, nền tảng này đã sử dụng chiến lược SEO trên trang và ngoài trang để tăng lưu lượng truy cập về website. Mục tiêu của Netflix là tập trung đảm bảo trang web của mình có những từ khoá có tiềm năng hiển thị cao trong các kết quả tìm kiếm, và các từ khóa này phải được sử dụng nhiều ở quy mô quốc tế để đảm bảo nền tảng này luôn có thêm khách hàng toàn cầu.


5. Experiential marketing (Tiếp thị tương tác):


Trong những năm gần đây, Netflix thường tạo ra những chiến dịch marketing tương tác gây ấn tượng với khán giả. Thông qua những hoạt động này, "gã khổng lồ streaming" có thể thu hút sự chú ý của đông đảo người đi đường, khiến cho họ cảm nhận được tinh thần và những yếu tố đặc trưng của các series đình đám trên nền tảng. Nhờ đó, họ hình thành nên nhận thức về bộ phim sắp ra mắt và dễ dàng đi đến quyết định xem phim hơn.


Các chiến dịch quảng bá Stranger Things đã khiến rất nhiều người chú ý vì độ "chịu chơi" và sự chân thật trong cách phối cảnh về một cánh cổng dẫn đến “thế giới đảo ngược”


6. Tối ưu hóa phương tiện truyền thông xã hội


Ngày nay, nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược tiếp thị kỹ thuật số của các thương hiệu. Netflix đã thành công kết nối và thúc đẩy sự tương tác của khán giả thông qua các chiến thuật trên từng mạng xã hội. 


Facebook


Các chiến lược “rải” nội dung đa dạng với tần suất cao trên mạng xã hội góp phần mang về cho Netflix hơn 82 triệu người theo dõi trên Facebook. Chỉ trong một năm, lượng người theo dõi Facebook của Netflix đã tăng thêm 11 triệu. 


Những đoạn hội thoại kịch tính trở thành một phần không thể thiếu trên Facebook Netflix 


Nội dung Netflix đăng tải có đến 90% là video, thường là các clip từ các cuộc phỏng vấn với các diễn viên cũng như những đoạn video cắt từ các bộ phim và chương trình truyền hình sắp ra mắt trên nền tảng. Các nội dung này có chức năng cung cấp cho khán giả một cái nhìn sơ lược về quá trình quay phim, thu hút sự chú ý và để tạo nên tâm lý chờ đợi nơi khách hàng. Ngoài video, Netflix cũng tích cực chia sẻ hình ảnh, GIF, meme hài hước và các câu hỏi về các bộ phim và chương trình để tăng tương tác với khán giả. 


Instagram


Netflix có hơn 32 triệu người theo dõi trên mạng xã hội này. Phần lớn các bài đăng của nền tảng này trên Instagram được chú trọng về mặt hình ảnh hơn Facebook. Tại đây, Netflix cũng đăng tải các cảnh cắt từ phim hoặc chương trình với các dòng miêu tả (caption) hấp dẫn, khơi gợi cuộc thảo luận của người xem. Đặc biệt, những bài đăng trên Instagram của Netflix luôn ngắn gọn, chỉ cung cấp thông tin cơ bản nhất trên dòng trạng thái và không hề có hashtag, chỉ cần vẫn đảm bảo được các đoạn cắt video hoặc hình ảnh có tính cao trào, có nội dung kịch tính với bối cảnh cụ thể để thu hút thêm sự tò mò của người xem. 


Nội dung trên IG của gã khổng lồ streaming chủ yếu là hình ảnh về các diễn viên 


Netflix đã áp dụng kỹ thuật này từ rất lâu và lượt tương tác nhận về vẫn vô cùng khả quan. Một ví dụ điển hình là video từ phần 3 bộ phim Stranger Things (một trong những phim hot nhất Netflix với hơn 1 tỷ giờ xem) đã thu được hơn 1,2 triệu lượt xem và hơn 3.000 bình luận. 


Twitter


Tài khoản Twitter của Netflix vẫn nhận về hơn 21 triệu lượt theo dõi dù các bài đăng của nền tảng trực tuyến phim này không hề có hashtag. Netflix có tần suất đăng khoảng 14 bài trên một ngày. Tài khoản Twitter của Netflix cũng nổi tiếng vì những dòng tweet hài hước, dí dỏm, được nhiều người nổi tiếng hưởng ứng, góp phần gia tăng độ phủ sóng của nền tảng trên Twitter. 


Không cần ghi chú dài dòng cũng không cần hashtag, các bài đăng vẫn nhận được tương tác cao 


TikTok


Vào tháng 9/2021, ByteDance công bố TikTok đã có hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng. Con số này dự kiến tăng đến 1.5 tỷ vào năm 2022. Mạng xã hội này đang sở hữu một thị trường tỷ dân, tạo ra mức doanh thu hơn 10 tỷ đô (năm 2022). Các thương hiệu đều nhận thấy được tiềm năng của nền tảng này, nên hầu hết các thương hiệu đều đang tập thích nghi dần với TikTok vì khả năng lan tỏa thông tin của kênh này. 


Netflix cũng không ngoại lệ. Nền tảng streaming này sử dụng TikTok để đăng tải những video phỏng vấn các diễn viên trong phim. Trên mạng xã hội này, Netflix vẫn giữ phong cách caption tối giản và cắt những video có nội dung kịch tính. Tuy nhiên, để phù hợp với đặc trưng của TikTok, các video được Netflix đăng tải cũng giữ một tinh thần hài hước nhất định


Dễ nhận thấy cách giao tiếp và lựa chọn icon đều rất “thuần Việt” 


Riêng thị trường Việt Nam, tài khoản TikTok của Netflix đã áp dụng phương pháp thương mại hoá hội thoại, biến tài khoản của thương hiệu thành một người bạn gần gũi để giao lưu phim ảnh với khán giả.Tại Việt Nam, có nhiều thương hiệu cũng đã sử dụng phương pháp này để trò chuyện với khách hàng của mình. Cụ thể, tài khoản của Netflix sử dụng những ngôn từ rất “bắt trend” của Gen Z, chẳng hạn như “ủa chị?”, “bất ổn” hay cách xưng hô “tui - bà” kèm theo các icon để tương tác với khán giả trên nền tảng này, khiến cho người xem thích thú khi chứng kiến một nền tảng quốc tế có thể “hòa nhập” với phương ngữ bản địa như vậy.  


Stranger Things: Case study điển hình trong nghệ thuật truyền thông của Netflix


Được phát hành từ năm 2016, Stranger Things nhanh chóng trở thành một trong những bộ phim hàng đầu của Netflix trong những năm vừa qua nhờ vào nội dung mới lạ, thu hút cùng cách xây dựng nhân vật vô cùng hợp lý. Năm 2022, series này đã lập kỷ lục về số lượng người xem với con số 1,15 tỷ giờ xem sau hơn một tháng công chiếu. Là một phim chiếu trên nền tảng online nhưng Stranger Things vẫn nhận được sự đánh giá cao từ giới phê bình về cách xây dựng cốt truyện cùng các khai thác tuyến nhân vật hợp lý. Series nhận nhiều giải thưởng và đề cử bao gồm 39 đề cử giải Primetime Emmy (trong đó có sáu chiến thắng), bốn đề cử giải Quả cầu vàng, một đề cử Giải thưởng Truyền hình của Viện Hàn lâm Anh, hai đề cử của Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ, ba đề cử của Hiệp hội Biên kịch Hoa Kỳ, cùng với đó là ba đề cử giải Grammy.


Ở mùa 1 và mùa 2 của loạt phim, Netflix vẫn chưa quá đầu tư quảng bá cho series. Mãi cho đến khi đại dịch Covid-19 vừa kết thúc, nhận thấy tiềm năng to lớn của series, Netflix đã không ngần ngại đầu tư quảng bá truyền thông cho mùa 4 của Stranger Things. Có thể nói chiến lược quảng bá Stranger Things là một trong những case study kinh điển nhất cho cách triển khai chiến dịch marketing của Netflix.  


Duy trì nội dung đa nền tảng


Netflix đảm bảo rằng nội dung quảng bá của Stranger Things xuất hiện trên đủ các nền tảng của mình. Đồng thời, ở mỗi nền tảng, đội ngũ truyền thông của phim cũng duy trì cách đăng bài với thông tin ngắn gọn, tập trung chủ yếu vào phần nội dung hình ảnh, video. 


Đặc biệt, Netflix luôn có những bài đăng về các cảnh hậu trường, những câu chuyện thú vị mà khán giả sẽ quan tâm để duy trì lượt nhắc trên mạng xã hội trong thời gian phim chưa phát hành. Đây là phương pháp marketing ngắt quãng, nhắc nhở để người xem không quên đi nội dung phim mà còn được "bơm" thêm sự háo hức trong quá trình chờ đợi. 


Nhà sản xuất luôn biết cách để duy trì tương tác với người hâm mộ trên mạng xã hội 


Đối với Stranger Things, do mạch truyện có khá nhiều yếu tố đan cài, thế nên trước khi phát hành phần phim mới, Netflix luôn đăng lại các video ngắn trích từ mùa phim trước với thời gian ngắt quãng đủ để khán giả có thể nhớ lại cốt truyện cơ bản của mùa phim trước, tạo tâm thế sẵn sàng cho mùa phim mới. Khi đã nhận sự chú ý cũng như thảo luận đầy rẫy trên mạng xã hội, Netflix mới chính thức phát hành trailer để “đáp lại” sự mong chờ của người hâm mộ. 


Như vậy, có thể thấy công thức của Netflix là luôn biết cách duy trì sự hiện diện nội dung phim của mình ở khắp nơi, và sẽ luôn cố gắng tạo độ nóng hết mức có thể trước thềm công chiếu một mùa mới. 


Tiếp thị tương tác đa quốc gia


Tại mỗi quốc gia, Netflix luôn có cách để quảng bá nội dung của mình phù hợp với văn hóa của quốc gia đó. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội, Netflix còn mạnh tay đầu tư vào chiến lược tiếp thị tương tác cho Stranger Things thông qua các hoạt động cụ thể nhằm gia tăng tương tác với khán giả và quảng bá bộ phim một cách hiệu quả. . 


Cụ thể, Netflix đã tạo ra “trò chơi” tìm cánh cổng Hawkins thông qua những mật mã tọa độ mà Netflix đăng tải trên Twitter của mình. Người tham gia sẽ có dịp tự bản thân mình giải mã và xác định vị trí của các cánh cổng - yếu tố đặc trưng của phim. 


Người xem rất ấn tượng khi nền tảng streaming này chịu chi đến mức tạo ra "cánh cổng" ở 15 địa danh nổi tiếng của 14 quốc gia trên thế giới. Các địa danh mà Netflix nhắm tới đều là những khu vực nổi tiếng như: Empire State Building ở Thành phố New York, Bondi Beach ở Úc, Duomo Square ở Milan, Malecon Barranquilla ở Colombia, Gateway of India ở Mumbai hay Menara Kuala Lumpur ở Malaysia


Hình ảnh quảng bá cho Stranger Things xuất hiện trên the Empire Building


Với sự đầu tư này của Netflix, khán giả toàn cầu gần như "đứng ngồi không yên" khi thấy những "cánh cổng Hawkins" ở rất gần mình. Không ít người đã chụp lại hình ảnh những “cánh cổng” và chia sẻ lại khoảnh khắc này lên mạng xã hội, góp phần lan toả thêm chiến dịch quảng bá cho Netflix. Như vậy, trong chiến lược này, Netflix không chỉ thành công duy trì sự hứng thú của người hâm mộ cũ, mà còn biến họ thành những nguồn thông tin quảng bá cho phần phim mới.  

 

Trần Thanh Thanh