Graphic Designer làm sao trở thành Art Director?

 

Đây là câu hỏi phổ biến của rất nhiều các bạn Graphic Designer trong tình hình hiện nay, khi mà hầu hết các bạn trẻ tốt nghiệp các trường chuyên ngành design, và đi làm ở rất nhiều công ty thiết kế, quảng cáo, và rất nhiều loại hình agency. Nếu may mắn, và có thành tích học tập tốt thì các bạn được nhận vào làm ở các công ty lớn một chút. Qua đó có nhiều công việc, và được cơ hội ứng dụng những gì đã học vào các công việc được giao và sự lên tay nghề, lâu dần trở thành Art Director là chắc chắn. Nhưng cũng có nhiều bạn lại không có cơ hội may mắn đó, và dậm chân tại chỗ trong một thời gian dài. Khi đó các bạn sẽ đặt câu hỏi, tại mình không thật sự có khả năng, hay mình chưa có cơ hội. Hoặc các bạn có thể đặt ra câu hỏi thứ 3 là muốn trở thành Art Director thì phải làm gì? Công thức sẽ không có cho ngành creative này, nhưng con đường thì sẽ có chứ. Nào, cùng tìm hiểu thực tế của vấn đề bên trên qua một câu hỏi thật, từ một bạn là Graphic Designer trong mấy năm qua, và nghe tâm sự của bạn nhé.

 

Trích: “Hiện tại mình làm designer in house, kinh nghiệm được 4-5 năm, mình chỉ nhận brief và lên thành hình ảnh sản phẩm. Nghĩa là mình chỉ chuyên về việc thể hiện 1 ý tưởng từ 1 brief nào đó ra 1 hình ảnh. Và hiện tại thì mình thấy thiếu hụt về tư duy concept, idea và nhiều thứ khác nữa. Và thiết kế mình thì anh Creative Director nhận xét trình của mình chỉ ở mức độ đẹp thôi chứ ko sáng tạo hoặc hay. Trước giờ mình chỉ làm design in house nên cũng ko có nhiều trải nghiệm khác nhau ở agency". Hết trích.

 

Vấn đề của bạn trên cần phải bóc tách ra để chúng ta hiểu, hiểu cũng là một cách học.

 

+Creative brief: theo bạn đó nói, nhận brief để lên hình ảnh sản phẩm: bạn có bao giờ đọc kỹ cái brief? Đọc kỹ cái brief để làm gì? Để xem cái brief đó có đúng, chuẩn, là một bản brief có truyền cảm hứng, định hướng sáng tạo, có những yêu cầu gì, mandatory gì, guideline gì, expectation gì, deliverables là gì, deadline khi nào? Có rất nhiều creative brief khác nhau, từ làm packaging, logo, key visual, TVC, digital campaign v.v.. Vậy mỗi cái creative brief, dân làm creative phải biết cách đọc kỹ nếu không rõ chỗ nào phải hỏi, hỏi cặn kẽ để hiểu, để còn biết đường mà deliver bài vở. Quan trọng nhất của việc đọc kỹ, hiểu cái brief là để hiểu cái yêu cầu của bên brief (account, planner) để từ đó mà có sự thống nhất, criteria, expectation về những gì mà creative sẽ làm.

 

+Concept và idea: theo bạn đó nói bị thiếu hụt về tư duy concept, và idea. Cần phải hiểu sự khác nhau giữa concept, và idea, 2 cái này hoàn toàn khác nhau, và hầu hết các bạn creative rất hay nhầm lẫn giữa 2 cái này. Nói ngắn gọn để hiểu như này: Món ngon mỗi ngày là một concept, mỗi ngày ra một tập phim nói về một món ăn ngon nào đó, vùng miền nào đó, từ duyên hải, đồng bằng, vùng núi v.v… Thì các tập phim đó cần phải có câu chuyện gì để kể, thì đó là idea. Nghĩa là concept là cái bao trùm, lớn, rộng, đi đường dài. Trong khi idea là cái mang tính đi theo sau để minh hoạ, và thể hiện concept cho sinh động qua mỗi tập phim, mỗi giai đoạn truyền thông.

 

+Concept development: quan trọng, và cái khó nhất của người làm creative là ra được concept. Nhiều bạn creative lo lắng, hoặc chênh vênh khi không biết bắt đầu concept từ đâu? Kỹ thuật gì để làm concept, vì ai ai cũng nói concept, nhưng làm sao?


+Mindmap: vậy thì thử ngồi xuống, rồi lấy giấy viết lại hết những gì xảy ra, diễn ra, pop up ra trong đầu bạn khi bạn suy nghĩ. Nếu bí từ ngữ quá thì lên các trang chuyên về mindmap như www.visualthesaurus.com. Để làm mindmap theo cách này thì phải theo kỹ thuật “gieo hạt” tức là phải thả xuống một “hạt từ” ví dụ: làm một concept cho ngày của mẹ cho một nhãn hàng bột ngọt, mình thả xuống các từ từ mẹ, ăn ngon, master chef, cooking… rồi để ý đồ của mình pop up theo mindmap nhé.

 

+Creative Camp: mình không chỉ làm một cái mindmap đâu nhé, mà phải làm rất nhiều mindmap, mỗi cái mindmap đó là một tờ A4, mỗi tờ A4 đó là một creative camp. Mỗi creative camp phải thật sự đa dạng nhé, ví dụ: cái camp này functional, cái kia emotional, cái kia tập trung product benefit, brand role offer, cái kia sẽ đi từ insight consumer, cái kia đi theo trend, cái nọ đi theo style v.v..

 

+Connecting dots: sau đó lấy cây viết kết nối các từ, các câu mà mình thấy hay hay lại với nhau. Khoanh vùng nó lại, rồi từ cái camp này mình connecting dots qua cái camp kia.

 

+Filter: hãy tạm gác lại các dots mà bạn mới vừa connecting lại qua một bên. Dù có các dots bạn thấy hay, tâm đắc. Nhưng có câu: "It’s bad to marry your first love". Nên những gì bạn yêu từ connecting dots, hãy tạm gác lại vì đó mới chỉ có một vế đi từ bên trong suy nghĩ của bạn. Bần cần tiếp tục bỏ thời gian ra đi tìm thêm các nguồn food for thought từ bên ngoài.

 

Các trang về creative, ads, các trang làm concept, idea hiện có rất nhiều, bạn nên vào đó xem để học, và tham chiếu những concept, idea gì được xây dựng, và quan trọng những chiến lược đằng sau là gì? Cách execution của họ ra sao. Dù là một job bao bì, một logo design, một TVC đi nữa thì đều có nhiều nguồn cho bạn tham chiếu.

 

Nhưng quan trọng là sau khi tham chiếu bạn connecting dots cái bên trong, và bên ngoài để ra được cái của bạn với đầy đủ rationale, cơ sở dữ liệu để concept bạn đưa ra, idea execution bạn đưa ra phải chặt chẽ, có trả lời cái brief theo 3 options như: ok option, good option, và WOW option. Đó cũng là câu trả lời cho vấn đề bạn bị sếp đánh giá bên trên là không sáng tạo hoặc hay. Sáng tạo hoặc hay nó còn là vấn đề “subjective” nhưng bạn phải có kiến thức, kỹ năng để bóc tách vấn đề, và phản biện với cơ sở qua việc cụ thể.

 

Dù là job inhouse, hay job ở agency, dù là cái nhãn chai, logo, hay key visual, hoặc TVC, digital IMC thì creative ở đâu cũng vậy. Creative là bề nổi, là chiếc áo mặc vào cho các chiến lược khô khan, cho các mission, thông điệp của sản phẩm, thông điệp của campaign. Nên creative có toàn quyền bay, sáng tạo, vừa phải, điên khùng, touching cảm động thì đều phải trả lời được bản creative brief, và theo budget, thời gian, nhân lực cho phép. Vậy mọi việc đều có thể ngược lại, nghĩa là creative brief cho ngân sách tầm trung, nhưng idea creative đưa ra wow, thì phải đi xin thêm tiền để làm. Hoặc planner đưa ra cái creative brief wow, truyền cảm hứng sáng tạo, nhưng team creative lại không deliver idea tới được thì phải quay về nghĩ thêm, hoặc thêm thời gian.

 

Vậy creative muốn làm creative, thì phải có kỹ năng, và vừa làm vừa để ý, dòm ngó, quan sát, học hỏi, và chỉ có cắm đầu vào think, think, think thì mới ra được. Khi mình làm quen, có kỹ năng, thì mình sẽ làm nhanh. Bạn làm Desginer vài năm, đã học về design skill, vậy bạn sẽ chắc phần graphic design, art direction. Bạn cần bổ sung về concept, idea để mỗi work sẽ chắc về tư duy thiết kế. Việc trở thành Art hay không, không phải là thước đo. Mà cần biết là sự khác nhau giữa Art Director và Designer là: Art sẽ more về tư duy (critical thinking, strategic thinking), hoặc định hướng thiết kế nào phù hợp (art direction), hay không phù hợp cho project và điều phối designer nào, style nào để execution. Trong khi desginer đóng vai trò là tập trung vào execution, dùng kỹ năng, thế mạnh của mình để làm theo sự điều phối của art. Vậy từ Designer trở thành Art thì đó là vấn đề của thời gian rèn luyện, và kỹ năng lập trình tư duy.


Bạn xem thêm nhiều thông tin bổ ích về nghề Art & Design tại đây nha: http://bit.ly/38zPGZz