Hành trình “Nam tiến” bắt đầu từ con số 0 trong ngành Quảng cáo đến Associate Creative Director của Dentsu Redder

Chăm sóc bản thân cẩn thận và xuất hiện trong trang phục chỉn chu nhất là những gì anh Lê Quốc Linh (Linh Lee) - Associate Creative Director tại Dentsu Redder, đã luôn cố gắng truyền đạt đến thế hệ nhân sự trẻ trong ngành Quảng cáo: “Mình phải chỉn chu thì khách hàng mới tin tưởng mua cái đẹp mà mình làm ra. Nếu đến bản thân còn không chăm sóc tốt thì làm sao họ có thể yên tâm giao một chiến dịch cả tỷ đồng cho mình.”


Là một trong những người sáng tạo nên các chiến dịch quảng cáo cùng những Creative Agency với các chiến dịch nổi bật cho MILO, Casper, McDonald's, Cafe Phố,... anh Linh Lee kể lại rằng hành trình thăng tiến của anh chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, từng đứng lên và bắt đầu lại từ con số 0, phải tập thích nghi với sự khác biệt vùng miền. Một trong những cột mốc đáng nhớ nhất đã thay đổi suy nghĩ và hành trình sự nghiệp của anh chính là thời điểm từ Senior Designer vươn lên Associate Art Director tại Leo Burnett.





Xuất thân là sinh viên khoa Toán Tin Ứng Dụng tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, thế nhưng con đường mà anh Linh Lee quyết định theo đuổi lại là trở thành một Graphic Designer. Một thời gian dài tham gia các lớp Thiết kế tại FPT Arena, anh tin rằng đây là lĩnh vực sẽ không bao giờ “chết”.


Sau khi tốt nghiệp FPT Arena, anh Linh Lee đã làm việc trong mảng Design về Branding, Packaging tại Hà Nội trong hơn 10 năm. Vào năm 2011 - 2012, ngành Quảng cáo chưa quá phát triển tại Hà Nội và khái niệm về một agency hay công việc cụ thể của ngành Quảng cáo vẫn còn khá mù mờ với anh khi ấy. Với vị trí lúc đó, công việc anh làm chỉ xoay quanh branding, sáng tạo concept cho nhà hàng, quán cafe,... Dù đã vươn lên giữ vị trí Phó Giám đốc Phòng Thiết kế tại Golden Gate Group - công ty sở hữu hơn 10 chuỗi nhà hàng trên khắp cả nước như Kichi Kichi, Sumo BBQ,... nhưng anh cảm thấy những công việc này vẫn chưa giúp anh thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. 


Sau khi “Nam tiến” vào TP.HCM làm việc với tâm thế đầy tự tin của một người trẻ, bước ngoặt đầu tiên đến với anh đó là bị công ty layoff sau một thời gian thử sức, và phải Career Break hơn nửa năm. Dù đang giữ một vị trí cao và khá tự tin về năng lực của bản thân, công ty lại không nhìn thấy anh có đủ năng lực để được giữ lại. Khi công ty bắt đầu “thanh lọc”, anh Linh Lee cho biết bản thân đã đưa ra mong muốn làm việc ở một vị trí khác có mức lương thấp hơn. Nhưng cuối cùng, công ty vẫn không có khả năng làm điều đó. “Tôi vẫn nhớ rõ đó là ngày 23/12. Khi mọi người đang háo hức đón chờ Noel thì tôi lại phải đối mặt với lần đầu tiên bị cho nghỉ việc”, anh kể lại. Sự việc này đã khiến tâm lý của anh bị ảnh hưởng trầm trọng và phải tạm dừng sự nghiệp trong một thời gian dài, rơi vào hoang mang và thậm chí là tự ti khi không biết nên làm gì tiếp theo.


Một cơ hội chợt đến với anh khi một người bạn tại agency Leo Burnett ngỏ ý mời anh cùng tham gia dự án tái nhận diện thương hiệu cho một nhãn hàng. Dự án này cũng đánh dấu cột mốc lần đầu anh hiểu thêm về con người và những công việc của ngành Quảng cáo và cách làm nên các TVC, Key Visual hay billboard - vốn là những khắc khoải đã theo anh từ những ngày còn nhỏ. Sau khi dự án kết thúc, anh lựa chọn ở lại Leo Burnett để làm việc và mở ra những trải nghiệm đầu tiên của anh tại môi trường Quảng cáo. 



Nếu như trước đây tại Hà Nội, công việc của anh Linh Lee chỉ dừng lại ở Branding và Graphic Design, thì khi đến Sài Gòn, anh dần được thử sức ở nhiều mảng khác. Đến khi làm việc tại Leo Burnett - một agency global, anh bỡ ngỡ vì phải làm việc với những đồng nghiệp nước ngoài, từng là du học sinh hay những đồng nghiệp đã quen với việc sử dụng tiếng Anh để trao đổi, bàn luận. Thế nhưng với anh, điều này đã trở thành một chướng ngại trong giao tiếp, khiến anh không thể hiểu được hết những suy nghĩ và ý tưởng của đồng nghiệp. Không những thế, anh cũng chưa có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Quảng cáo trước đó. Có thể nói, anh Linh Lee lúc ấy như một “hạt cát trong sa mạc”. 


Nhớ lại thời điểm đó, anh kể: “Khi ấy, có những chiến dịch mà tôi đã làm đi làm lại mà vẫn không thành công. Tình huống tệ đến mức mà có lần, bác Executive Creative Director (ECD – Giám đốc điều hành sáng tạo), đồng thời là Creative Lead của dự án đó đã quyết định loại bỏ tôi khỏi dự án với lý do là tôi không hiểu được những gì mà team nói và thiết kế của tôi cũng không đạt được chất lượng như mong muốn.”


Và để sống sót được tại một agency global, anh Linh Lee buộc phải học hỏi và trau dồi bản thân để có thể phối hợp làm việc hiệu quả. Anh hiểu rằng mình không thể viện cớ do môi trường và xuất thân của bản thân. Thay vào đó, anh cần chủ động thay đổi, thích nghi và hòa nhập với ngành Quảng cáo. 


2 năm tôi luyện bản thân tại môi trường của Leo Burnett, anh biết được để trở thành một Associate Art Director, anh cần phải làm gì, phải trau dồi những kỹ năng nào. Thời điểm này, anh đã chinh chiến qua nhiều dự án lớn nhỏ, từng trải nghiệm đắng cay khi thua pitching nhưng đổi lại là những kinh nghiệm quý giá trên hành trình sự nghiệp. Vì thế, anh Linh Lee cảm thấy tự tin khi đối diện với thử thách thăng tiến sau quá trình review với công ty. “Khi đạt được vị trí mới, tôi nghĩ mình có vừa đủ năng lực để đảm đương. Dù có thể tôi không phải là ‘master’ trong lĩnh vực ấy, nhưng tôi đã trải nghiệm và hiểu công việc này cần những gì. Mình phải biết được cái căn bản thì mới bắt đầu phát triển thêm được”, anh nói.



Anh Linh Lee cho biết, khi trở thành một Senior Designer, nhân sự sẽ có 2 hướng phát triển. 

  1. Trở thành Head of Design: Nhân sự ở vị trí này sẽ chịu trách nhiệm chính cho các công việc chuyên môn về Thiết kế.
  2. Thăng tiến lên Art Director - nắm vững về Art Direction (tầm nhìn về hình ảnh): Khi ấy, nhân sự phải đảm bảo tầm nhìn về hình ảnh xuyên suốt cả chiến dịch quảng cáo. Không chỉ dừng lại ở các key visual 2D nữa mà lúc này, nhân sự cần tạo nên những TVC chuyển động, video animation, tất cả hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội và gaming phải cùng liên kết với nhau về tổng thể. 


Nếu lựa chọn phát triển thành Art Director, nhân sự sẽ phải “thoát” ra khỏi màn hình máy tính và lên kế hoạch nhiều hơn, đảm bảo sự nhất quán của chiến dịch về mặt hình ảnh. Lúc này, những thiết kế của Art Director không dừng lại ở một bức hình tĩnh nữa mà thay vào đó là một bức tranh toàn cảnh về quy trình mọi chiến dịch Quảng cáo được vận hành: Hình ảnh phải chuyển sang 3D, phát triển thành animation hay TVC có nhân vật tham gia diễn xuất,... Lúc này, nhân sự sẽ phải hợp tác với nhiều đối tác khác nhau như Production House, Visualizer và 3D Artist để cùng nhau biến ý tưởng thành sự thật. Đơn cử như Art Director phải trao đổi với Copywriter để có nhiều góc nhìn và insight hơn. Và với vị trí Associate Art Director của anh Linh Lee khi ấy, anh phải tóm gọn được những ý tưởng của mọi người, nhào nặn sao cho tạo nên một hình ảnh phù hợp với khách hàng, đồng thời khiến người dùng hiểu về thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải và đưa ra quyết định mua sản phẩm/dịch vụ.


Để làm được điều đó, anh Linh Lee cũng cần tìm cách đọc vị khách hàng và tìm hiểu về thị trường nhiều hơn: “Ngày xưa khi làm nhân sự cấp dưới, tôi chỉ cần làm ra những thiết kế và để cho cấp trên trình bày với khách. Thế nhưng giờ đây, tôi lại trở thành người đi ‘bán idea’ cho khách hàng. Tôi phải trình bày ý tưởng và thiết kế của team mình, giải thích vì sao nó tốt và khách hàng cần mua nó. Trước đây tôi không nghĩ mình phải hiểu về strategy. Vậy mà hiện tại tôi phải đi đọc dữ liệu, tìm hiểu tại sao người tiêu dùng không mua sản phẩm, lý do nào khiến số liệu trên các nền tảng mạng xã hội đi xuống,...” 


Không chỉ dừng lại ở quá trình làm việc với khách hàng, anh Linh Lee cũng cần tìm cách kết nối và phối hợp với các nhân sự Internal. Thời gian đầu khi làm việc với các Designer hay Visualizer, anh Linh Lee thừa nhận gặp khó khăn khi feedback bởi họ luôn đặt quá nhiều cảm xúc vào thiết kế của mình. Khi đứa con tinh thần bị “say no”, họ dễ bị tổn thương và có xu hướng phản ứng mạnh mẽ, bắt đầu tranh luận và công kích lẫn nhau.


Gặp phải trường hợp này, anh Linh Lee sẽ cùng ngồi xuống và trò chuyện với các nhân sự. “Điều đầu tiên cần thống nhất là công việc chung của cả tôi và các nhân sự là làm ra sản phẩm và bán cho khách hàng. Vì thế, nếu thiết kế nào không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, chúng tôi cần cùng nhau cần tìm hiểu lý do tại sao khách hàng lại đưa ra quyết định như vậy, sau đó ‘gãi đúng chỗ ngứa’ của client từ các góc nhìn khác nhau. Trong trường hợp không sửa được, tôi hiểu đó là cái buồn của tập thể bởi mỗi Designer đều có cái tôi riêng, và sản phẩm là đứa con tinh thần của họ. Khi đó, là một người Lead, tôi sẽ đưa ra lời xin lỗi nhân sự vì chưa đủ thấu hiểu khách hàng, định hướng sai và cùng mọi người bắt tay làm lại. Nếu phải tranh luận với nhau, các nhân sự cũng nên suy xét trên khía cạnh công việc, hạn chế cảm xúc cá nhân vì điều này có thể khiến những buổi họp kéo dài và tạo áp lực nặng nề cho tất cả mọi người. Và đôi khi, những buổi họp cũng không kết thúc tốt đẹp và ảnh hưởng đến mối quan hệ”, anh nói.


Sau khoảng thời gian làm việc tại agency, anh Linh Lee hiểu rằng một người sếp phải là người dàn xếp những cuộc tranh luận này và đưa ra phương án tốt nhất cho team Internal. “Trước đây tôi không hiểu được vì sao sếp phải đứng ra hoà giải, mà bây giờ tôi lại là người phải làm những công việc đó”, anh thừa nhận. 



Bên cạnh đó, vai trò của một Associate Creative Director đòi hỏi anh phải trau dồi thêm một kỹ năng khác là training - đào tạo nhân viên. Khác với vai trò của một nhân sự Executive chỉ cần tập trung làm tốt việc của bản thân, giờ đây anh phải đưa ra định hướng, góp ý và nhận xét ý tưởng của các nhân sự. Đôi khi anh sẽ để cho các bạn làm theo ý tưởng của mình, tuy nhiên anh cũng cần thực hiện những phương án backup cho những tình huống có thể xảy ra, đảm bảo kết quả cuối cùng diễn ra trôi chảy. 



Đi qua một hành trình có nhiều thăng trầm và thậm chí từng bắt đầu từ con số 0, anh cho rằng ngành Quảng cáo không “màu hồng” như các bạn trẻ vẫn thường nghĩ. Đây là một ngành cạnh tranh gay gắt, cần nhiều sự nỗ lực mà hầu hết mọi người khó có thể nhìn thấy. “Như bộ phim ‘Agency’ của Hàn Quốc chẳng hạn, các tập phim đã miêu tả được phần nào môi trường làm việc trong ngành. Nhìn bên ngoài, người xem chỉ thấy ‘dân ngành’ ăn mặc chỉn chu, đẹp mắt. Thế nhưng trong công ty, bên cạnh việc sáng tạo ý tưởng, họ cũng phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn để cùng nhau tạo nên những sản phẩm đột phá, ấn tượng không chỉ dừng lại ở những ý tưởng sáng tạo trong tâm trí hay giấy bút”, anh chia sẻ.


Gần 10 năm anh Linh Lee gắn bó với ngành Quảng cáo cũng chính là một hành trình đầy nỗ lực và bền bỉ khi anh đã dám dấn thân, vượt qua nhiều rào cản và quan trọng hơn hết là sự khác biệt của bản thân trong chuyên môn, xuất phát điểm hay thậm chí là tính cách có phần hướng nội để hòa nhập và sống đúng với đam mê làm ngành. Từ một chàng trai Hà Nội trầm tính và tính cách có phần rụt rè, sau nhiều lần thăng tiến, anh từng bước trau dồi về kỹ năng giao tiếp để kết nối với mọi người, từ sếp, nhân sự cấp dưới cho đến khách hàng một cách tốt hơn. “Đôi khi việc tự cho rằng ‘hướng nội thì không thể kết nối với ngành Quảng cáo’ chỉ là một phần nhỏ trong trạng thái tâm lý. Nếu cứ đặt nặng vấn đề đó, nhân sự sẽ vô hình trung tạo ra một cái cớ để giới hạn bản thân trước nhiều cơ hội thăng tiến phía trước”, anh nhận định.


Trái với định kiến về một công việc có phần… xô bồ và chỉ dành cho người hướng ngoại, hành trình thăng tiến của anh Linh Lee là một minh chứng cho thấy người hướng nội cũng có thể làm việc và thành công trong lĩnh vực Quảng cáo. Trên thực tế, Truyền thông - Quảng cáo là một ngành đòi hỏi sự cởi mở và đa dạng. Chính vì thế, không quan trọng là hướng nội hay hướng ngoại, lời khuyên của anh Linh Lee dành cho các nhân sự trẻ là “hãy tìm cách kết nối bản thân với mọi người xung quanh. Cho dù đó là công việc được giao, những idea muốn đóng góp cho dự án hay đơn giản chỉ là im lặng và quan sát, hãy nói lúc cần để bản thân mình có giá trị.”



Đặc biệt khi đang đứng trước một cột mốc mới, nếu nhân sự chỉ im lặng làm việc, công ty không thể biết bản thân bạn tốt ra sao, có tài như thế nào để đưa ra đề nghị thăng tiến: “Giữa một ‘rừng’ nhân sự Gen Z với ngoại hình, kiến thức đang không ngừng được nâng cấp mỗi ngày, hãy thể hiện bản thân. Đừng ngại học, đừng ngại hỏi. Hãy giúp người quản lý của mình nhớ tới mình theo cách tốt nhất.”


Bên cạnh việc từng bước chinh phục các nấc thang sự nghiệp tại cùng một công ty, với môi trường có nhịp độ nhanh và hiện tượng “nhảy việc” diễn ra thường xuyên như ngành Quảng cáo, không ít các nhân sự dễ dàng cảm thấy bị lung lay trước những lời hứa hẹn về chức danh và mức lương tốt hơn sau khi chuyển việc.


Tuy vậy, anh Linh Lee cho rằng nhân sự nên cống hiến hết mình, sau đó trao đổi với công ty để cải thiện bản thân, tự đạt được vị trí ấy và không nên quá vội vàng đưa ra ý định: “Mối quan hệ giữa người lao động và công ty cơ bản có thể xem như là một ‘tình yêu’. Với ‘mối tình’ này, chúng ta thẳng thắn và chân thành bao nhiêu thì sẽ nhận lại bấy nhiêu. Tuy nhiên, cũng có tình yêu tốt và tình yêu toxic. Chỉ đến khi định hướng tại thời điểm đó của hai bên không tìm được tiếng nói chung, có thể lúc đó hãy cho nhau những sự bắt đầu mới.” 



Thăng tiến là series bài viết độc quyền từ Advertising Vietnam, nơi các nhân sự agency chia sẻ về những trải nghiệm và bài học rút ra từ cột mốc thăng tiến tạo ra nhiều “bước ngoặt” nhất trên hành trình sự nghiệp của mình. Thông qua chia sẻ của các nhân vật, người đọc sẽ có một cái nhìn toàn cảnh và đa chiều về lộ trình phát triển của các nhân sự trong ngành Truyền thông - Quảng cáo. Đồng thời các nhân sự trẻ sẽ có một nguồn thông tin bổ ích, đáng tin cậy để có sự chuẩn bị tốt hơn cho những cột mốc thăng tiến của bản thân trong tương lai.


Hành trình “Nam tiến” bắt đầu từ con số 0 trong ngành Quảng cáo đến Associate Creative Director của Dentsu Redder

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

09 Thg 09 2023

Lưu

Cùng chuyên mục