“Thay máu” nơi công sở là một thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ quá trình thay đổi hàng loạt thành phần nhân sự trong một công ty, doanh nghiệp. Hiện tượng này có tác động lớn đến sự ổn định của một tổ chức, thường đi cùng với việc tuyển dụng nhân viên mới, sa thải nhân viên cũ, hoặc thay đổi vị trí quản lý. Đây là một trong những giai đoạn cần thiết cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy vậy, sự giao thoa giữa cũ và mới trong thời kỳ này lại luôn đem đến nhiều lo lắng, hoang mang cũng như hoài nghi cho các nhân sự. 


“Thay máu” nhân sự: Hiện tượng không mới nhưng nhiều “ám ảnh”


“Thay máu” được cho là một thời kỳ mệt mỏi, ám ảnh đối với các nhân sự. Bởi lẽ, đây là giai đoạn nhạy cảm khi phải thích ứng với nhiều thay đổi trong môi trường công sở, từ văn hóa doanh nghiệp cho đến phong cách làm việc. Chia sẻ về một kỉ niệm đáng nhớ khi công ty bước vào giai đoạn chuyển đổi, anh Quang Thành - Giám đốc Truyền thông cho biết: “Vào một ngày đẹp trời, mình nhận được thông báo rằng công ty sẽ được chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới. Chính vì thế, công ty cũng phải cắt giảm một số nhân viên để cô đọng bộ máy. Kỷ niệm đó giống như một cú sốc đối với mình bởi mọi người đang rất vui vẻ và hòa đồng, nhưng bây giờ lại phải quyết định ai sẽ ở lại và ai sẽ bị sa thải. Chỉ một tuần sau đó, cả công ty lại tiếp tục hoang mang trước thông tin CEO hiện tại cũng sẽ nghỉ việc, thay vào đó là một đội ngũ quản lý khác do chủ đầu tư mới mang về.


Là một nhân sự quyết định ở lại trong giai đoạn cả công ty ‘thay máu’, mình nhận thấy các nhân viên cũ sẽ đóng vai trò như những người hướng dẫn, giúp nguồn nhân lực mới hòa nhập và chèo lái công ty trong giai đoạn bước ngoặt này. Tuy vậy, cảm giác đó vẫn thật khó diễn tả bởi vì chỉ trong vài tuần, mình đã ‘chuyển giao’ giữa cả 2 đời CEO cũ và mới.”


Theo anh Quang Thành, "thay máu" là một hiện tượng thường gặp khi công ty chuyển hướng phát triển, đổi chủ đầu tư hay đào thải nhân sự...


Là người đã từng trải qua tình huống “thay máu” ở cả công ty nhỏ và lớn, chị Sam My - Content Producer chia sẻ: “Trước đây, mình làm việc tại một startup vào đúng thời điểm công ty đang bắt đầu chuyển đổi mô hình từ sơ khai thành một bộ máy có nhiều phòng ban và sự phân lớp rõ ràng, chuyên nghiệp hóa. Do đó, mình đã chứng kiến nhiều thay đổi trong tâm lý của đội ngũ kỳ cựu trong công ty. Họ từng gắn bó với nhau như một gia đình, nhưng vì quy trình làm việc không còn như trước, thêm vào đó là sự xuất hiện của nhiều nhân sự mới khiến họ bị ảnh hưởng đến tâm trạng làm việc. Sau đó, có người đã lựa chọn ra đi, có người ở lại. Còn đối với công ty lớn, khi có sự thay đổi bộ máy, ban ngành mới, nhân sự sẽ coi đó là chuyện đương nhiên và có tâm lý đón nhận hơn.”


Tái cấu trúc nhân sự là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty có quy mô vừa và nhỏ. Bởi lẽ, quá trình này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định và hiệu quả của tổ chức, đồng thời cũng tạo ra cơ hội để công ty mang về những tài năng và ý tưởng mới. Hiện tượng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như công ty đổi chủ đầu tư, doanh nghiệp chuyển hướng phát triển hoặc mở rộng phân mảng kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp,... 


Quá trình "thay máu" sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định và hiệu quả của các công ty, đồng thời mang lại cơ hội phát triển về mặt nhân sự


Bên cạnh đó, quá trình “thay máu” cũng có thể diễn ra ở một quy mô nhỏ hơn, khi công ty có sự thay đổi về cấp quản lý, dẫn đến những chuyển biến về mặt nhân sự của phòng ban, đội ngũ. Trong trường hợp này, người sếp mới thường chọn cách đưa nhân sự từ nơi làm việc trước đó về công ty, hoặc tuyển thêm nhân viên. Chị Sam My chia sẻ: “Khi thay quản lý mới, nhân sự cũ sẽ có nhiều trạng thái tâm lý khác nhau, chẳng hạn như nỗi sợ bị thay thế, cảm thấy không thoải mái để mở lòng, thậm chí còn có trường hợp ‘chống đối’ và chia bè kết phái. Trước đây, mình từng gặp khó khăn khi kết hợp với đội ngũ cũ vì khác biệt trong phong cách làm việc. Nhưng khi có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thích ứng văn hóa và môi trường công ty, điều này không còn là vấn đề đối với mình nữa.” 


Khi sếp mới “lôi kéo” nhân sự từ công ty cũ


Trường hợp người quản lý khi chuyển đến một công ty mới thường “lôi kéo” bạn bè, nhân viên từ nơi làm việc cũ theo cùng, dẫn đến “thay máu” trong một doanh nghiệp vốn không phải là một hiện tượng quá mới. Chia sẻ về vấn đề này, chị Vũ Khánh Huyền - Former Account Executive tại Dentsu Redder cho biết: “Người quản lý đó cảm thấy phù hợp và quen với cách làm của nhân viên cũ, nên khi chuyển sang công ty khác, việc được tiếp tục hợp tác với team hiện tại sẽ giúp họ tránh được rủi ro không thích nghi được với đồng nghiệp mới. Còn về phía nhân viên, nhiều người thường coi sếp là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn công việc, nên khi gặp được người sếp ăn ý, giúp họ phát triển tốt thì nhân sự sẵn sàng đi theo người sếp đó, dù ở bất kì công ty nào.”


Việc mời gọi nhân sự cũ đến làm việc tại công ty mới có thể giúp người quản lý tiết kiệm thời gian, công sức training và làm quen từ đầu với nhân viên


Còn với anh Quang Thành, việc sếp mới lôi kéo người thân cận của họ đến công ty là chuyện thường gặp. Mỗi người quản lý sẽ có văn hóa xây team khác nhau, quy trình làm việc khác nhau. “Tất nhiên, khi mình được làm việc với những người đã cùng gắn bó trong 2-3 năm hoặc nhân sự do chính tay mình đào tạo, họ sẽ hiểu và biết cách làm việc với mình, đỡ mất thời gian. Nhưng cũng có một số người sẽ kéo nhân viên cũ của họ vào công ty chỉ để tạo ra một môi trường thoải mái, quen thuộc hơn.”


Chị Sam My chia sẻ: “Tuy không cố gắng lôi kéo, nhưng mình luôn muốn làm việc với những nhân sự mình đã biết trước đó. Điều này sẽ giúp bản thân không phải mất quá nhiều thời gian để làm quen nhân sự mới. Tuy nhiên, cũng có thời điểm những nhân viên mà mình định gọi về công ty mới lại không thể tham gia vì lý do cá nhân. Khi đó, mình vẫn sẽ tiếp tục phỏng vấn người mới, và thường thì họ cũng phù hợp để làm việc với mình. Do đó, mình không đặt nặng tư tưởng là phải làm việc cùng với nhân sự mình quen thuộc. Cũ hay mới cũng được, miễn sao là họ đáp ứng được yêu cầu công việc.”


“Thay máu” nơi công sở liệu có đáng sợ?


Nhiều người cho rằng, cách tốt nhất để giải quyết bài toán nhân sự trong thời kỳ chuyển đổi quản lý, chính là “thay máu” toàn bộ nhân viên thành một đội ngũ mới hoàn toàn. Tuy nhiên, đối với chị Sam My, đây chưa hẳn là một cách giải quyết phù hợp: “Người quản lý mới sẽ có cách làm việc thành công từ các công ty trước và muốn áp dụng vào môi trường hiện tại. Tuy nhiên, cách làm này có khả năng sẽ không phù hợp với nhân sự cũ. Do đó, yếu tố quyết định trong giai đoạn ‘thay máu’ chủ yếu đến từ khả năng tiếp nhận, sự mở lòng, thích nghi và học cách làm việc với nhau. Không phải cứ thay đổi toàn bộ nhân sự khi mới đến một công ty là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, vì chính bản thân người quản lý mới cũng không hiểu rõ tình hình công ty hiện đang như thế nào.”


Có một quan niệm phổ biến cho rằng, việc công ty thay đổi về cấp quản lý sẽ kéo theo hiện tượng "thay máu" hàng loạt trong phòng ban, đội ngũ đó


Đồng tình với ý kiến trên, anh Quang Thành cho biết “thay máu” là một hiện tượng vô cùng bình thường, nhằm chứng tỏ rằng công ty ấy vẫn đang phát triển. Khi doanh nghiệp không còn khả năng thay máu, đó mới là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu công ty vẫn có sự thay đổi nhân sự, tức là đội ngũ điều hành vẫn còn chú trọng đến định hướng phát triển và mong muốn cải thiện công ty. “Vậy nên, đừng hoảng loạn khi công ty ‘thay máu’. Hãy tập trung vào công việc của mình. Chỉ khi nào bản chất và định hướng của công ty bị thay đổi khác đi với lí do bạn chọn để gắn bó với công ty, mình mới nghĩ đến việc có nên chuyển sang môi trường mới hay không. Trong thời kỳ chuyển giao, nhân sự cũ sẽ là ‘máu’ của công ty, mang theo “gen di truyền” từ bộ máy cũ, kế thừa những thành tựu tốt nhất để cùng đội ngũ mới cải thiện tình hình doanh nghiệp. Đó là điều đáng để nhân sự cũ tự hào và quyết định ở lại gắn bó với công ty.”


“Thay đổi nhân sự trong công ty có thể mang đến một hướng phát triển mới mẻ, sự đa dạng trong phong cách làm việc và sản phẩm. Hiện tượng đó cũng giúp nhân sự có được những thách thức và trải nghiệm trong công việc. Không thể luôn mong công ty sẽ ổn định và gắn bó với một đội ngũ lâu dài. Làm việc với nhiều người khác nhau, bao gồm cả những người mình không thích, sẽ giúp sản phẩm và khả năng cá nhân phát triển”, chị Sam My nhận định.


"Thay máu" sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho công ty nói chung và nhân sự nói riêng


Một số nhân sự thường mang tâm lý sợ bị thay thế khi đội ngũ tiếp nhận người quản lý mới. Tuy nhiên, anh Quang Thành cho biết: “Khi vào một công ty mới, hầu như mình sẽ không muốn phải ‘giải tán’ toàn bộ team. Những người muốn được ở lại và thích nghi, mình luôn sẵn lòng làm việc cùng họ. Mình tin rằng đạo đức là yếu tố quan trọng khi làm việc trong ngành này, do đó người quản lý tốt sẽ không tìm cách ‘thay máu’ tất cả, trừ khi team đó làm việc không hiệu quả. Theo mình, nhân sự là tài sản của công ty, cho nên không dễ gì mà người sếp lại chấp nhận ‘giải phóng’ một đội ngũ mà doanh nghiệp đã mất công xây dựng bao nhiêu năm. Điều đó sẽ rất phí phạm.” 


Bên cạnh đó, anh Quang Thành cũng nhận định, người quản lý khi tiếp nhận một đội ngũ mới vẫn rất cần những nhân sự cũ, vì họ mới chính là nguồn lực mạnh mẽ trong thời kỳ “thay máu”. Sự hiểu biết của họ về công ty, phong cách làm việc trước đó cũng như văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp sếp mới thích nghi với môi trường nhanh hơn và tìm cách cải thiện tình hình của team cũ. “Mọi người quản lý mới đều cần những nhân sự từ team cũ để thực hiện quá trình chuyển đổi. Vì vậy, mình khuyên các bạn không nên hoảng sợ, nản lòng hoặc nghĩ rằng sếp mới sẽ cản trở bạn. Bởi lẽ, họ cũng cần bạn giúp sức và đóng góp. Nếu bạn thể hiện tốt, họ sẽ mở lòng và không loại bỏ bạn khỏi danh sách nhân sự.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai