Thông thường, "countdown" (đếm ngược) được dùng để báo khoảng thời gian còn lại trước khi một sự kiện diễn ra theo lịch trình đã định trước. Vào những ngày cuối năm, chúng ta có thể thấy người dùng thường đếm ngược hết khoảng thời gian còn lại trước mốc 00:00 để chào mừng năm mới. Thế nhưng bên cạnh các sự kiện, lễ hội, hiệu ứng Countdown còn được các marketer sử dụng rộng rãi trong các chiến dịch nhằm khuyến khích người dùng đưa ra quyết định mua hàng, từ đó thúc đẩy doanh số bán.


Làm thế nào để marketer áp dụng hiệu ứng đếm ngược hiệu quả trong marketing? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau!


Hiệu ứng "đồng hồ đếm ngược" trong marketing là gì?


Nhằm khuyến khích người dùng mua sắm, các thương hiệu thường tổ chức các chương trình giảm giá. Lúc này, người dùng có thể mua những mặt hàng chất lượng với giá rẻ hơn giá bán ban đầu của thương hiệu. Tuy nhiên, những chương trình này thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Khi kết thúc thời gian, sản phẩm sẽ quay về mức giá ban đầu mà thương hiệu đề ra.



Lợi ích khi triển khai hiệu ứng Countdown


Tạo cảm giác cấp bách cho người dùng


Thuật ngữ FOMO (Fear Of Missing Out) được Chuyên gia Hành vi Tiêu dùng Dan Herman giới thiệu thuật ngữ nhằm ám chỉ hội chúng sợ bỏ lỡ, sợ đánh mất cơ hội, những trải nghiệm thú vị mà người khác đang có. Ông đã thực hiện nghiên cứu với một số khách hàng và thu được kết quả rằng hội chứng FOMO là một trong những lý do khiến phần lớn khách hàng không trung thành với bất kỳ một thương hiệu nào cả. Hội chứng sợ bỏ lỡ khiến họ muốn mua các sản phẩm từ những thương hiệu mới để bắt kịp xu hướng.


Các nhà nghiên cứu Adewole, Worchel và Lee cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu mức độ khan hiếm có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người dùng như thế nào. Họ đã đặt những chiếc bánh quy vào hai chiếc lọ thủy tinh giống hệt nhau. Một lọ chứa mười chiếc bánh, trong khi lọ kia chỉ chứa hai chiếc. Kết quả cho thấy, người dùng đã tỏ ra thích thú hơn với chiếc lọ chứa ít bánh quy hơn.  


Amazon là một trong những nền tảng áp dụng thành thục hiệu ứng Countdown. Khi Amazon triển khai các chương trình giảm giá, nền tảng sẽ hiển thị thông báo tương tự như "Sản phẩm này chỉ còn 8 chiếc" nhằm thúc đẩy người dùng đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng hơn. 



Trong khi quảng cáo thuyết phục người tiêu dùng có lý do để mua hàng, các chương trình giảm giá, xúc tiến bán hàng cung cấp cho họ lợi ích trực tiếp và tạo động lực để thực hiện việc mua hàng ngay lập tức. Giảm giá trực tiếp giá bán của sản phẩm, sự kiện rút thăm may mắn, hoàn tiền trên sản phẩm,... là một số chương trình thúc đẩy người dùng mua hàng mà các thương hiệu thường áp dụng. 


Để nhắc nhở người dùng về thời gian diễn ra chương trình giảm giá, các thương hiệu sẽ cài đặt một đồng hồ đếm ngược trên trang web. Khi người dùng nhấn vào xem sản phẩm, họ sẽ nhìn thấy một thông báo như "Chương trình giảm giá sẽ kết thúc lúc...". Điều này khiến người dùng có cảm giác cấp bách, sợ bỏ lỡ mức giá "hời" (fear of missing out) và sợ thương hiệu hết hàng (scarcity). Hiển thị thời gian cụ thể rằng chương trình sẽ kết thúc lúc mấy giờ, diễn ra trong bao lâu,... sẽ tạo hiệu quả cao hơn nhiều so với những tuyên bố mơ hồ như "ưu đãi trong thời gian có hạn". Hơn nữa, khi nhìn thấy chiếc đồng hồ liên tục đếm ngược, người dùng có cảm giác cấp bách hơn, từ đó đưa ra quyết định mua hàng nhanh hơn so với bình thường. 


Thời gian đếm ngược khiến người dùng có cảm giác cấp bách, sợ bỏ lỡ mức giá "hời" và sợ hết hàng

 

Làm nổi bật sản phẩm/dịch vụ mới


Trong quá trình chuẩn bị ra mắt một sản phẩm hoặc dịch vụ mới, thương hiệu có thể ứng dụng đồng hồ đếm ngược trên trang web để thông báo cho người dùng. Hiệu ứng này sẽ giúp người dùng háo hức chờ đợi những thông tin mới từ thương hiệu.


Khi chuẩn bị ra mắt sản phẩm/dịch vụ mới, thương hiệu có thể bắt đầu áp dụng hiệu ứng Countdown trong vài tháng, vài tuần hoặc thậm chí là vài ngày. Điều này tùy thuộc vào quá trình lên ý tưởng của thương hiệu. Đơn cử như trước khi tung ra mẫu giày LeBron 12, Nike đã đăng tải hình ảnh và thông tin sản phẩm lên trang web chính thức của thương hiệu. Lúc này, người dùng có thể tìm hiểu tất tần tật thông tin về mẫu giày. Thương hiệu cũng đã khéo léo cài đặt một đồng hồ đếm ngược bên cạnh sản phẩm để thu hút sự chú ý của người dùng.


Nike áp dụng hiệu ứng Countdown khi ra mắt mẫu giày LeBron 12


Thương hiệu có thể áp dụng hiệu ứng Countdown ở những vị trí nào?


Dù hiệu ứng Countdown mang đến nhiều lợi ích, thương hiệu cần biết cách áp dụng nó đúng nơi để tối ưu hiệu quả và tăng lượt chuyển đổi. 


1. Tiếp thị qua email (Email marketing)


Công ty Adestra từng thực hiện một chiến dịch cho thương hiệu Diamond Store vào dịp Black Friday. Theo đó, mục tiêu của thương hiệu là tăng lượt chuyển đổi trên email. Nhằm đáp ứng mục tiêu của Diamond Store, công ty Adestra đã thiết kế một đồng hồ đếm ngược và đặt nó ở đầu email. Khi người dùng nhấn vào mở thư, họ có thể nhìn thấy một đồng hồ đang đếm ngược thời gian diễn ra chương trình giảm giá của Diamond Store. Báo cáo cho thấy, áp dụng hiệu ứng Countdown trong email đã giúp Diamond Store tăng lượt chuyển đổi lên đến 400%, tỷ lệ nhấn mở email cao hơn 171%. 


Đồng hồ đếm ngược trong email của Diamond Store


2. Trang giới thiệu sản phẩm


Khi người dùng truy cập trang sản phẩm để tìm hiểu thông tin, có thể họ đã có ý định mua hàng trong đầu. Tuy nhiên, họ có thể không mua ngay lập tức mà sẽ cho sản phẩm vào giỏ hàng. Để thúc đẩy người dùng đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng hơn, thương hiệu nên sử dụng đồng hồ đếm ngược.


Amazon đã đặt đồng hồ đếm ngược vào sản phẩm TV của Samsung. Đầu tiên, thương hiệu để mức giá ban đầu của sản phẩm là 279,99 USD. Tuy nhiên, mức giá ưu đãi 229,99 USD đang được áp dụng và sẽ kết thúc trong 23 tiếng nữa. Điều này khiến người dùng cảm thấy thích thú và nhanh chóng thanh toán đơn hàng để có thể tiết kiệm 50 USD. 



Bên cạnh giá bán, thương hiệu cũng có thể áp dụng đồng hồ đếm ngược vào thời gian giao hàng. Các thương hiệu thường sẽ xử lý đơn hàng nhanh hơn trong thời gian làm việc/giờ hành chính. Do đó, đồng hồ đếm ngược của Shopify đã làm nổi bật thời gian giao hàng: "Đặt hàng trong vòng 7 tiếng 42 phút nữa để có thể nhận hàng vào ngày mai." Khi đặt hàng, ai cũng muốn nhận sản phẩm nhanh chóng nên việc nhấn mạnh thời gian nhận hàng sẽ góp phần tăng tỷ lệ mua hàng của người dùng.



3. Trang thanh toán


Khi thương hiệu đã tạo động lực cho người dùng thêm sản phẩm vào giỏ hàng, bước cuối cùng chính là thanh toán. Việc đặt đồng hồ đếm ngược ở giai đoạn này sẽ phần nào gây áp lực lên người dùng và khuyến khích họ hoàn tất giao dịch để nhận được ưu đãi.


4. Trang đích (Landing page)


Trang đích là một trang web được tạo ra để thu thập thông tin người dùng, giới thiệu sản phẩm mới,... nhằm tăng số lượng khách hàng tiềm năng và tối ưu hóa doanh thu. Nội dung trên trang đích thường ngắn gọn, bao quát và kèm theo thông điệp hướng khách hàng đến một hành động cụ thể như đăng ký tham gia chương trình, tải ứng dụng, cung cấp thông tin về sản phẩm hoặc đặt hàng trực tiếp. Khi người dùng thực hiện các yêu cầu trên trang đích, họ có thể nhận được ưu đãi hấp dẫn như voucher giảm giá hoặc sản phẩm dùng thử. Việc đặt đồng hồ đếm ngược ở trang đích sẽ khuyến khích người dùng thực hiện mong muốn của thương hiệu.



Tuy nhiên, một lưu ý khi áp dụng hiệu ứng Countdown trong marketing là đừng đánh lừa người dùng. Thông báo "Chỉ còn 2 sản phẩm" có thể khiến người dùng có cảm giác cấp bách và ngay lập tức ra quyết định mua hàng. Thế nhưng khi họ đã hoàn tất giao dịch, con số đếm ngược vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí tăng lên có thể khiến họ cảm thấy bị lừa và mất niềm tin vào thương hiệu. 


Theo Adoric

Kim Ngọc