Lý do không nhận việc của nhân sự rất đa dạng: Không khả thi, quá sức hoặc không đủ thời gian,... Nhưng trong cộng đồng người hướng nội xuất hiện một cái cớ oái oăm hơn: Từ chối nhận việc vì chúng không phù hợp… với tính cách. 


Giới quảng cáo nói gì về nhân sự hướng nội? 


Ngành nghề quảng cáo thường được mô tả là năng động, sôi nổi. Người hướng nội xưa nay bị dán nhãn là ù lì, thụ động. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng hai nhóm này đơn giản là không dành cho nhau. Thế nhưng các nhân sự trong ngành lại có suy nghĩ khác. 


Trong khi đó, anh Phong Nguyễn, Graphic Designer tại DDB Vietnam cho rằng giao tiếp không phải là vấn đề gây trở ngại người hướng nội trong môi trường quảng cáo. “Họ có thể ít giao tiếp ở thời gian đầu khi bước vào môi trường làm việc mới, tuy nhiên điều đó giúp họ có thời gian quan sát phong thái, tính cách của đồng nghiệp mình sâu sắc hơn và có thể xây dựng được những mối quan hệ ý nghĩa, lâu bền trong công ty. Người hướng nội khi chọn tránh xa những cuộc vui chơi hay nói chuyện phiếm trong công ty, họ sẽ tập trung hơn vào công việc của mình”, anh Phong Nguyễn nói. 


Anh Phong Nguyễn, Graphic Designer tại DDB Vietnam cho rằng giao tiếp không phải là vấn đề gây trở ngại người hướng nội trong môi trường quảng cáo.


Chị Thanh Mai, Former Account Manager tại Ogilvy Vietnam cho rằng người hướng nội có những đặc điểm giúp họ làm tốt trong ngành quảng cáo. “Người hướng nội thường sẽ có khả năng tập trung cao hơn, ghi nhớ công việc, tổ chức, bền bỉ với mục tiêu và chịu đựng căng thẳng tốt. Nói vậy không có nghĩa là người hướng ngoại không làm tốt ở những điểm này, nhưng do đặc tính muốn một mình và luôn suy nghĩ rất sâu, đào sâu nghiên cứu mọi thứ nên người hướng nội thường sẽ nhỉnh hơn ở những khả năng kể trên”, chị Thanh Mai nói. 


Hướng nội không nên là cái cớ từ chối task 


Theo chị Thanh Mai, nỗi sợ lớn nhất của người hướng nội là “hoà nhập vào đám đông” hay tựu chung lại là giao tiếp xã hội. Với nhóm người này, việc gặp gỡ tương tác tiêu hao rất nhiều năng lượng tinh thần khiến người hướng nội dễ căng thẳng hơn hoặc thậm chí khó kiểm soát cảm xúc hơn. Lựa chọn của họ lúc này là: "Né" nếu có thể.


Thế nhưng, môi trường agency khó chấp nhận lí do từ chối việc vì hướng nội. Anh Phong Nguyễn chia sẻ rằng, sếp hoặc manager sẽ ủy thác việc cho nhân viên dựa vào kiến thức, kĩ năng, sự “quen tay”, am hiểu rõ ràng của nhân sự đó về ngành hàng/dịch vụ mà dự án đang xoay quanh.


Đồng quan điểm, chị Thanh Mai cho biết uỷ thác công việc cho ai sẽ dựa trên tính chất nhiệm vụ và năng lực, chứ không phải tính cách. “Nếu một nhân sự từ chối việc đi meeting, dự sự kiện, hay đối chất với khách hàng vì hướng nội thì chính là đang hành xử thiếu chuyên nghiệp. Tính chất công việc của ngành quảng cáo là cần phải họp, giao tiếp ở một mức nhất định. Nếu không thể đảm bảo 2 việc này thì khó mà tồn tại với ngành", chị Thanh Mai nói. 


"Môi trường agency khó chấp nhận lí do từ chối việc vì hướng nội", Chị Thanh Mai, Former Account Manager tại Ogilvy Vietnam cho biết.


Suy cho cùng, việc gắn bó với quảng cáo - tiếp thị không phải do tính cách quyết định mà nằm ở chỗ nhân sự có đam mê hay không. Nhân sự agency cho rằng nếu đã là đam mê thì hướng nội hay hướng ngoại không quan trọng. Với những nhân sự trầm tính hơn, họ hoàn toàn có thể “ép” bản thân để có thể hoà nhập vào hội nhóm, hoặc tìm ra điểm mạnh của mình để chọn vị trí phù hợp trong ngành.


Nếu gặp phải tình huống nhân sự từ chối việc vì hướng nội, chị Thanh Mai cho rằng sếp nên khéo léo phân tích, trò chuyện với nhân viên, mục tiêu là để giúp họ nhận ra “sếp có cái lí của họ khi giao việc". “Sếp nên nêu ra những điểm mạnh để xây dựng niềm tin của nhân viên khi nhận nhiệm vụ. Hơn nữa, cần đảm bảo có kế hoạch B hoặc giải pháp phòng hờ những tình huống phát sinh". 


Hướng nội ở nhà, hướng ngoại trên công ty


Theo anh Quốc Nguyễn, Content Excutive, không có người nào 100% hướng nội hay hướng ngoại. “Chỉ là tính hướng nội ở người này cao hơn người kia. Vậy nên người hướng nội vẫn hoàn toàn có thể làm tốt các công việc cần sự giao tiếp, năng nổ và ngược lại”, anh Quốc nói. 


Trên thực tế, vị trí nào trong ngành quảng cáo cũng đều cần sự cân bằng giữa hướng nội và hướng ngoại. “Chẳng hạn Account hướng ngoại thì có thể xã giao tốt để xây dựng các mối quan hệ trong kinh doanh, hướng nội thì có thể sắp xếp tốt trong từng dự án, bền bỉ và ghi nhớ công việc tỉ mỉ. Creative hướng ngoại có thể trình bày, thuyết phục để ‘bán’ ý tưởng, hướng nội có thể đào sâu vấn đề, cho ra sản phẩm độc đáo. Planner có thể hướng nội nhiều hơn, nhưng cũng có lúc cần giao du thảo luận với team để lập kế hoạch cho toàn dự án, thậm chí cũng cần những buổi nghiên cứu thị trường, giao tiếp với người tiêu dùng”, chị Thanh Mai cho biết. 


Khi đứng trước một nhiệm vụ đòi hỏi sự năng nổ, giao tiếp, gặp gỡ, người hướng nội vẫn có thể “bộc lộ phần hướng ngoại của mình ra ngoài" để hoàn thành nó. 


Như vậy, việc “không thể làm công việc này vì tính chất quá hướng ngoại" chỉ là một cảm giác. “Vốn dĩ nhân dạng cá nhân không thể đứng độc lập khỏi nhân dạng xã hội, một khi đã sống trong xã hội nào thì bản năng của mình cũng sẽ uốn nắn theo đặc tính của cộng đồng đó. Do đó, theo mình người hướng nội cũng có thể làm công việc hướng ngoại”, chị Thanh Mai nói. 


Trong khi đó, anh Phong Nguyễn đưa ra lời khuyên “Hướng nội ở nhà, hướng ngoại trên văn phòng", diễn dịch từ cụm từ “extrovert on command” của phương Tây. Theo Harvard Business Review, khi đứng trước một nhiệm vụ đòi hỏi sự năng nổ, giao tiếp, gặp gỡ, người hướng nội có thể “bộc lộ phần hướng ngoại của mình ra ngoài" để hoàn thành nó.  “Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý rằng đây không phải tiêu chuẩn và mục đích chung của mọi người. Vẫn có những người chỉ thích làm những việc phù hợp tính cách, khả năng của họ chứ không cố gồng để trở thành một người hướng ngoại. Và điều đó chẳng có vấn đề gì miễn là nó không ảnh hưởng tới công việc", anh Phong Nguyễn cho biết. 


Minh hoạ: Huy Mai

Hằng Trần