Lần đầu xuất hiện trong Nguyên tắc Chất lượng Tìm kiếm (Search Quality Guidelines) của Google vào năm 2013, Chuyên môn - Thẩm quyền - Độ tin cậy (Expertise - Authoritativeness - Trustworthiness, hay còn gọi là E-A-T) đã dần trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của SEO.  


Tuy nhiên, Google cập nhật Nguyên tắc Đánh giá Chất lượng Tìm kiếm khoảng một lần mỗi năm. Tháng 3/2014, Google thêm nguyên tắc Chuyên môn, Tính có thẩm quyền và Độ tin cậy (E-A-T). Gần đây nhất, tập đoàn đã giới thiệu E-E-A-T, bổ sung thêm chữ “E” cho “Experience” vào tháng 12/2022.


E-E-A-T là gì?


Nhằm tạo nên công cụ tìm kiếm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, Google sẽ sử dụng E-E-A-T để đo lường mức độ tin cậy và chất lượng nội dung của thương hiệu hoặc trang web. Do đó, những trang web càng uy tín và có tính chuyên môn thì càng đạt được thứ hạng cao. 


1. Experience - Kinh nghiệm


Nội dung chất lượng thường thể hiện trải nghiệm trực tiếp của người viết với chủ đề. Điều này giúp chứng minh rằng các đề xuất, thông tin trong bài viết đã được thử nghiệm và kiểm tra, đồng thời thể hiện những hiểu biết đó đã được xác thực. 


Đơn cử như trong một bài viết review về trò chơi boardgame Wingspan. Tác giả nói về những trải nghiệm và quan điểm cá nhân của họ. Những bức ảnh chân thực cũng được đính kèm để chứng minh rằng họ thật sự đã chơi trò chơi này.



2. Expertise - Tính chuyên môn cao


Khi kinh doanh trong một lĩnh vực, thương hiệu cần chứng minh họ là một chuyên gia có thể mang đến cho người dùng những thông tin, sản phẩm và dịch vụ tốt nhất trong lĩnh vực đó. Đơn cử như khi một luật sư bất động sản muốn tạo nội dung để thu hút khách hàng tiềm năng, họ có thể viết về các thông tin pháp lý cần lưu ý khi mua nhà. Đó là một chủ đề có thể giúp luật sư chứng minh được khả năng và chuyên môn của bản thân. Ngoài ra, marketer cũng có thể nói về những nội dung, chủ đề liên quan đến ngành để thể hiện tính chuyên môn.


3. Authoritativeness - Thẩm quyền


Authority là chỉ số đo lường mức độ khác biệt mà thương hiệu tạo ra so với các đối thủ trong cùng lĩnh vực. Các trang web sẽ được Google đánh giá từ thương hiệu, trang web và nội dung. Tất cả sẽ được xem xét kỹ lưỡng để chắc chắn đó là nội dung hợp pháp, khác biệt và có tính thẩm quyền cao. 


WebMD là một trang web cung cấp tin tức và thông tin về sức khỏe, y tế. WebMD đã chứng minh tính thẩm quyền của nội dung bằng cách thể hiện các tác giả của bài viết là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Thậm chí, họ còn nhờ một chuyên gia (thường là bác sĩ) kiểm tra độ chính xác của nội dung.



4. Trustworthiness - Độ tin cậy


Trên thực tế, trang của marketer sẽ không thể xếp hạng cao trên Google nếu như nội dung kém chất lượng, không đáng tin cũng như thiếu sự nhất quán, liền mạch từ tiêu đề đến nội dung. Dưới đây là năm cách đảm bảo trang web của thương hiệu và marketer đủ độ tin cậy:

  • Đảm bảo lưu ý người cần liên hệ về quyền sở hữu trang web.
  • Nêu địa điểm thực tế (cập nhật địa chỉ văn phòng, cửa hàng,...)
  • Có Điều khoản và Điều kiện có thể truy cập được cho người dùng (Terms and Conditions)
  • Đảm bảo tính bảo mật tên miền trang web (Lưu ý: Google coi trọng việc triển khai HTTPS để bảo vệ dữ liệu của người dùng)
  • Khi cung cấp kiến thức chuyên môn, hãy trích dẫn tất cả các nguồn phù hợp. Marketer cũng cần lưu ý rằng hãy liên kết đến các trang web có thẩm quyền.


Pashion cho người tiêu dùng biết rằng tất cả các giao dịch đều được bảo mật và mã hóa


Vậy YMYL là gì?


YMYL là từ viết tắt của “Your Money or Your Life” (Tiền hoặc cuộc sống của bạn). Đây là cách Google đề cập đến các trang web và nội dung có ảnh hưởng đến pháp lý, tài chính, y tế và an toàn của khách truy cập. Những chủ đề này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hạnh phúc hoặc tài chính của một người.


Một số ví dụ về các trang YMYL:

  • Tin tức và sự kiện mang tính thời sự: Các tin tức về các chủ đề quan trọng như sự kiện quốc tế, kinh doanh, chính trị, khoa học, công nghệ,…
  • Công dân, Chính phủ và luật pháp: Đây là thông tin quan trọng nhằm duy trì sự hiểu biết của một công dân, chẳng hạn như thông tin về bỏ phiếu, các cơ quan chính phủ, tổ chức, dịch vụ xã hội và các vấn đề liên quan tới pháp lý.
  • Tài chính: Tư vấn tài chính hoặc những thông tin liên quan tới đầu tư, thuế, khoản vay, ngân hàng hoặc bảo hiểm (đặc biệt là các trang web cho phép người dùng mua hàng hoặc giao dịch trực tuyến)
  • Sức khỏe và an toàn: Đưa ra những lời khuyên hoặc thông tin về các vấn đề y tế, thuốc, bệnh viện hay những phương pháp dành cho các trường hợp khẩn cấp,…
  • Khác: Những chủ đề khác liên quan đến thể dục, dinh dưỡng, thông tin nhà đất, chọn trường, tìm việc làm,… Đơn cử như trang web Verywell Family - nơi hỗ trợ người dùng trong suốt quá trình mang thai và làm cha mẹ.


Đây là những dạng nội dung quan trọng có sức ảnh hưởng đến cuộc sống của người dùng, do đó Google rất chú trọng đến tính chuyên môn, thẩm quyền và đáng tin cậy (E-A-T). Theo Google, những trang YMYL có thể ảnh hưởng đến: 

  • Người đang trực tiếp xem hoặc sử dụng nội dung
  • Những người bị ảnh hưởng bởi người đã xem nội dung
  • Một hoặc những nhóm người bị ảnh hưởng bởi hành động của những người đã xem nội dung


Các phương pháp cải thiện E-E-A-T cho trang web của marketer


1. Tạo nội dung chất lượng cao


Trang web của thương hiệu nên cung cấp nội dung hữu ích và ưu tiên đáp ứng nhu cầu của người dùng Điều này có nghĩa là nội dung cần trả lời các câu hỏi, đưa ra lời khuyên phải khiến người đọc cảm thấy hài lòng. Những yếu tố đảm bảo nội dung trên trang web theo gợi ý từ Google:

  • Nguyên bản
  • Hữu ích cho người dùng
  • Viết bởi con người và được thực hiện dành cho con người
  • Thường xuyên kiểm tra nội dung để đảm bảo rằng nội dung đó hữu ích và có mức độ E-E-A-T cao. Nội dung có thể bị lỗi thời nhanh chóng. Vì vậy, marketer cần kiểm tra thường xuyên để đảm bảo nội dung của trang web được cập nhật. Hãy tập trung vào những yếu tố như số liệu thống kê, liên kết và chiến lược SEO.
  • Tạo nội dung mới đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng.


2. Cung cấp thông tin tác giả và thể hiện tính minh bạch


Trên thực tế, mục Giới thiệu (About) giúp người dùng hiểu rõ trang web này đề cập đến dịch vụ/sản phẩm của thương hiệu nào, từ đó gia tăng nhận thức của người dùng về thương hiệu đó. Bên cạnh đó, trang web của thương hiệu cũng cần đề cập đến tiểu sử của tác giả nhằm thể hiện vai trò, tên tuổi cũng như uy tín của họ trong lĩnh vực.


WebMD thể hiện rõ tên tuổi và công việc của tác giả trên trang web


Thương hiệu có thể thuê các chuyên gia, những người có uy tín trong lĩnh vực nhằm nâng cao mức độ đáng tin cậy của thương hiệu trong lòng người dùng lẫn đánh giá từ Google. 


3. Sử dụng các nguồn đáng tin cậy


Khi tạo nội dung, tốt nhất marketer nên đính kèm đường link truy cập vào nguồn thông tin để thiết lập độ tin cậy. Đó có thể là các bài nghiên cứu, tài liệu nghiên cứu, ấn phẩm tin tức, thậm chí có thể bao gồm các tweet và bài đăng trên blog của các chuyên gia trong lĩnh vực.


Healthline đã đính kèm các nguồn nội dung được sử dụng trong bài viết để gia tăng mức độ tin cậy


4. Xây dựng mức độ uy tín cho thương hiệu


Danh tiếng thương hiệu có thể ảnh hưởng đến mức độ đáng tin của nội dung và trang web của thương hiệu nói chung. Vì vậy, quản lý danh tiếng trực tuyến là rất quan trọng đối với E-E-A-T. Marketer nên để mắt đến những đánh giá hoặc bình luận tiêu cực của người dùng về nội dung. Nếu chúng xảy ra, hãy phản hồi nhanh chóng và chuyên nghiệp để thể hiện uy tín của thương hiệu. Tương tác tích cực với khách hàng có thể giúp duy trì danh tiếng thương hiệu trong thời gian dài.


5. Theo dõi và tận dụng nội dung do người dùng tạo (UGC)


Ra đời trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, User-Generated Content (UGC - nội dung do người dùng tạo) xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trang cá nhân đến các phần bình luận đều có thể trở thành không gian cho người dùng “sáng tạo”: bình luận, chia sẻ, đánh giá,...


Khi được sử dụng tốt, UGC có thể đóng vai trò như một tín hiệu đáng tin cậy, góp phần thiết lập lòng trung thành với thương hiệu. 79% người mua sắm trực tuyến cho biết UGC tác động mạnh đến quyết định mua hàng của họ. Vì vậy, điều quan trọng là thương hiệu phải có cơ sở khách hàng ủng hộ thương hiệu. UGC có thể bao gồm hình ảnh, video, đánh giá sản phẩm, video trên YouTube và bài đăng trên blog. Một ví dụ về UGC chính là video trên Instagram thể hiện đánh giá của Whitney Anderson về đôi giày Pashion Footwear của cô ấy.



Theo Nguyên tắc Đánh giá Chất lượng Tìm kiếm của Google, UGC được xem là “Nội dung chính” (Main Content) giúp trang đạt được mục đích của nó. Nguyên tắc nêu rõ rằng bất kỳ nội dung nào trên trang web đều có thể được phân loại thành ba lĩnh vực: Main Content, Nội dung bổ sung (Supplementary Content - SC) và Quảng cáo/Kiếm tiền (Advertisements/Monetization - Ads). 


Marketer có thể thu thập UGC để cải thiện E-E-A-T của trang web bằng cách nhắc nhở khách hàng chia sẻ ảnh về sản phẩm và gắn thẻ thương hiệu trên mạng xã hội.



Ngoài ra, Semrush cũng gợi ý những cách khác giúp marketer có thể tận dụng UGC để cải thiện E-E-A-T SEO cho trang web là:

  • Sử dụng thẻ bắt đầu bằng # một cách có chiến lược để dễ dàng sắp xếp ảnh của người dùng sau này
  • Thực hiện các cuộc thi hoặc quà tặng yêu cầu người dùng tương tác và chia sẻ nội dung
  • Thường xuyên tương tác với người dùng để thúc đẩy cuộc trò chuyện
  • Chạy các chiến dịch tiếp thị có ảnh hưởng (Influencer Marketing)


6. Xây dựng liên kết ngược (backlink) uy tín


Tìm được các liên kết ngược từ các trang web đáng tin cậy là một phần quan trọng trong chiến lược SEO của thương hiệu. Điều này cũng góp phần cho thấy rằng thương hiệu là một cơ quan có thẩm quyền trong ngành. Backlink cũng là một phần quan trọng của các chiến lược SEO. Theo nguyên tắc chung, marketer càng kiếm được nhiều liên kết ngược chất lượng cao thì càng có lợi trong bảng xếp hạng tìm kiếm của Google.



Theo Semrush

Kim Ngọc