Millennials là khái niệm chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian 1981-1996, còn Gen Z là nhóm sinh từ năm 1997-2012. Mặc dù là hai thế hệ liền kề nhau, cùng trải qua những biến động xã hội nhưng Millennials và Gen Z lại có những góc nhìn và giá trị sống riêng biệt. Nghiên cứu toàn cầu của Deloitte vào năm 2024 đã phác họa rõ nét những điểm tương đồng và khác biệt thú vị giữa hai thế hệ này.
Khảo sát của Deloitte đã kết nối với hơn 22.841 người trẻ tuổi từ 44 quốc gia, trong đó có 14.468 người thuộc Gen Z và 8.373 người thuộc thế hệ Millennials. Bằng hình thức phỏng vấn trực tuyến và phân tích các câu trả lời từ dạng câu hỏi đóng và mở, báo cáo cung cấp một cái nhìn sâu sắc về suy nghĩ, hành động và kỳ vọng của Millennials và Gen Z đối với tương lai. Những số liệu trong báo cáo cũng xem xét đến hoàn cảnh phát triển định hình nơi làm việc và trải nghiệm xã hội của các thế hệ này trên toàn cầu.
1. Tâm lý lạc quan trong bối cảnh tài chính khó khăn
Trong 13 năm qua, Deloitte không ngừng theo dõi những mối quan tâm hàng đầu của Gen Z và Millennials. Kết quả khảo sát năm nay một lần nữa khẳng định chi phí sinh hoạt vẫn là vấn đề cấp bách nhất đối với cả hai thế hệ này. Thực tế, có khoảng 6 trong số 10 Gen Z (56%) và Millennials (55%) sống dựa vào lương hàng tháng, tăng 5% đối với Gen Z và 3% đối với Millennials kể từ năm ngoái. Điều đáng lo ngại hơn là cứ 10 người thì sẽ có tới 3 người tham gia khảo sát cảm thấy không an toàn về tài chính (chiếm 30%).
Mặc dù đối mặt với những thách thức về kinh tế, tinh thần lạc quan vẫn hiện hữu trong cộng đồng người trẻ này. Dưới 1/3 người tham gia khảo sát tin rằng tình hình kinh tế quốc gia của họ sẽ được cải thiện trong năm tới. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ Deloitte khảo sát Millennials vào năm 2020, được thực hiện ngay trước khi Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, dù không quá kỳ vọng vào một sự thay đổi đột phá, nhưng gần một nửa Gen Z (48%) và 4 trên 10 Millennials (chiếm 40%) tin rằng tình hình tài chính cá nhân của họ sẽ được cải thiện trong năm tới.
Chi phí sinh hoạt là mối quan tâm hàng đầu, kèm theo đó là hy vọng về một tương lai tài chính ổn định
2. Mục đích là yếu tố quyết định sự hài lòng trong công việc
Gen Z và Millennials, đang thể hiện sự lựa chọn công việc một cách có ý thức hơn bao giờ hết. Họ không chỉ tìm kiếm một công việc ổn định mà còn quan tâm đến mục đích và giá trị mà công việc đó mang lại. Có gần 9 trong số 10 Gen Z (86%) và Millennials (89%) cho rằng mục đích là yếu tố quan trọng nhất để họ cảm thấy hài lòng với công việc. Điều này được thể hiện rõ qua việc thị trường ngày càng có nhiều người lao động thuộc những thế hệ này sẵn sàng từ chối các cơ hội việc làm nếu công việc đó không phù hợp với niềm tin cá nhân. Tỷ lệ này là 50% Gen Z và 43% Millennials.
Mặt khác, có 44% Gen Z và 40% Millennials sẵn sàng từ chối nhà tuyển dụng bởi các lý do như tác động tiêu cực đến môi trường hoặc góp phần gây ra sự bất bình đẳng thông qua các hoạt động không hòa nhập. Một số yếu tố cá nhân hơn như thiếu sự hỗ trợ về sức khỏe tinh thần và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống (Work-life balance) cũng đang ngày càng trở nên quan trọng trong quyết định nghề nghiệp của thế hệ trẻ này.
9 trên 10 người thuộc Gen Z và Millennials khẳng định mục đích là yếu tố hàng đầu quyết định sự hài lòng của họ trong công việc
3. Doanh nghiệp vừa có cơ hội, vừa có trách nhiệm hành động vì biến đổi khí hậu
Với 62% Gen Z và 59% Millennials bày tỏ sự lo lắng về biến đổi khí hậu trong tháng qua, thế hệ trẻ ngày càng nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Họ tin rằng các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi tích cực. Do đó, họ sử dụng các quyết định nghề nghiệp và hành vi tiêu dùng của mình để thúc đẩy hành động.
Việc lo ngại về biến đổi khí hậu cũng tác động sâu sắc đến quyết định nghề nghiệp của Gen Z và Millennials. Hơn một nửa nhân sự thuộc hai thế hệ này cho biết họ và đồng nghiệp đang gây áp lực lên các nhà tuyển dụng để có những hành động bảo vệ môi trường. Thậm chí, cứ 2 trong 10 người thuộc thuộc các nhóm này đã quyết định thay đổi công việc, ngành nghề do lo ngại về môi trường, 1/4 khác đang có kế hoạch thay đổi trong tương lai.
Sự quan tâm đến biến đổi khí hậu của nhiều người tác động đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Gen Z và Millennials đang thể hiện rõ ràng sự cam kết đối với lối sống bền vững. Cụ thể, 64% Gen Z và 63% Millennials sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, thế hệ trẻ này còn tích cực thay đổi các thói quen tiêu dùng hàng ngày, bao gồm hạn chế thời trang nhanh, giảm thiểu di chuyển bằng máy bay, và lựa chọn các phương thức tiêu dùng có trách nhiệm hơn như ăn chay hoặc mua xe điện.
Cách Gen Z và Millennials đang thúc đẩy hành động vì khí hậu thông qua hành vi tiêu dùng của họ
4. Sự chuyển biến tích cực trong cách nhìn nhận về Gen AI
GenAI (Tạm dịch: Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) đang tác động sâu sắc đến quyết định nghề nghiệp của thế hệ trẻ. Để đối phó với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, 59% Gen Z và 52% Millennials cho biết họ sẽ tìm kiếm những công việc ít bị ảnh hưởng bởi tự động hóa, chẳng hạn như các ngành nghề có tay nghề cao hoặc lao động chân tay, đồng thời phát triển các kỹ năng mềm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động.
Mặc dù cảm giác không chắc chắn về GenAI là phổ biến nhất trong số Gen Z và Millennials, sự hào hứng và tò mò vẫn luôn hiện hữu. Thực tế cho thấy chỉ có 27% Gen Z và 34% Millennials chưa từng sử dụng GenAI tại công ty, trong khi 42% Gen Z và 38% Millennials chỉ sử dụng rất ít hoặc thỉnh thoảng
Khi nghĩ về GenAI, cả Gen Z và Millennials đều thể hiện sự không chắc chắn, đặc biệt là phụ nữ. Phụ nữ thường cảm thấy thiếu tự tin hơn so với nam giới khi làm việc với công nghệ này. Điều này cho thấy, yếu tố giới tính đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình thái độ của mọi người đối với GenAI. Việc thiếu sự quen thuộc với công nghệ mới có thể là nguyên nhân chính dẫn đến cảm giác bất an này.
Tùy thuộc vào mức độ sử dụng GenAI, Gen Z và Millennials có những quan điểm khác nhau về công nghệ này. Những người thường xuyên sử dụng GenAI thường tỏ ra lạc quan và tin tưởng vào tương lai, trong khi những người ít sử dụng hơn lại có xu hướng lo lắng về những tác động tiêu cực của tự động hóa do công nghệ này điều khiển, sẽ loại bỏ việc làm và khiến những người trẻ tuổi khó gia nhập lực lượng lao động hơn.
Để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, Gen Z và Millennials đang tích cực tìm kiếm cơ hội nâng cao kỹ năng. Tuy nhiên, nhu cầu đào tạo về GenAI của họ vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Chỉ khoảng 51% Gen Z và 45% Millennials cho biết công ty đã cung cấp cho họ các chương trình đào tạo cần thiết về khả năng, lợi ích và giá trị của Gen AI, để làm việc hiệu quả với công nghệ mới này.
Ở cả hai thế hệ, những người sử dụng GenAI thường xuyên có nhiều khả năng tin rằng công nghệ này sẽ có tác động tích cực đến công việc của họ
5. Tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là ưu tiên hàng đầu
Quan niệm về thành công đã thay đổi đáng kể đối với Gen Z và Millennials. Thay vì chỉ tập trung vào sự nghiệp và tài sản vật chất, họ ngày càng coi trọng việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này thể hiện qua việc họ lựa chọn những nhà tuyển dụng có văn hóa làm việc linh hoạt và khuyến khích nhân viên duy trì lối sống lành mạnh.
Dù mong muốn có một cuộc sống cân bằng, nhiều Gen Z và Millennials lại đang phải đối mặt với thực tế là công việc đang chiếm quá nhiều thời gian và năng lượng của họ. Khoảng 1/3 số người tham gia khảo sát cho biết, áp lực công việc, đặc biệt là giờ làm việc dài (51%) và thiếu sự kiểm soát về cách thức và địa điểm làm việc (44%), là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân.
Trong số những lý do khiến Gen Z và Millennials chọn công ty, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống nổi bật như một ưu tiên hàng đầu
Năm qua đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trong môi trường làm việc khi ngày càng nhiều công ty yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng. Gần hai phần ba số người được khảo sát cho biết, họ đã nhận được thông báo từ nhà tuyển dụng về việc trở lại làm việc tại văn phòng toàn thời gian hoặc theo hình thức kết hợp. Điều này đã tạo ra những tác động đa chiều, vừa mang lại cơ hội cải thiện sự tương tác và hợp tác, vừa gây ra những áp lực mới về thời gian và không gian làm việc.
6. Căng thẳng và sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc
Sức khỏe tâm thần của Gen Z và Millennials vẫn là một vấn đề đáng quan tâm. Mặc dù có sự cải thiện so với năm trước (giảm từ 46% và 39% vào năm 2023), nhưng tỷ lệ người trẻ cảm thấy căng thẳng vẫn còn khá cao. Chỉ có khoảng một nửa số người tham gia đánh giá sức khỏe tinh thần ở mức tốt hoặc cực kỳ tốt. Trong khi đó, khoảng 40% Gen Z và 35% Millennials cho biết họ thường xuyên cảm thấy căng thẳng. Ngoài áp lực công việc, các vấn đề tài chính và gia đình cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng này.
Các nhà tuyển dụng đã có những nỗ lực nhất định để cải thiện sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, nhưng kết quả thu được vẫn chưa như mong đợi. Gần 3 trong số 10 Gen Z vẫn cảm thấy lo lắng khi chia sẻ về vấn đề sức khỏe tâm thần của mình với người quản lý. Đây cũng là tỷ lệ người tham gia không tin rằng các lãnh đạo cấp cao đang ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. Điều này cho thấy, việc xây dựng một văn hóa làm việc cởi mở và tôn trọng sức khỏe tâm thần là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực từ cả người quản lý và nhân viên.
Vấn đề căng thẳng và kỳ thị về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc vẫn là một thực tế đáng lo ngại
Bà Elizabeth Faber, Giám đốc Nhân sự và Mục đích toàn cầu của Deloitte đã chỉ ra rằng, mặc dù Gen Z và Millennials thường được cho là có những yêu cầu đặc biệt đối với người sử dụng lao động. Nhưng thực tế, những điều họ mong muốn lại không quá khác biệt so với các thế hệ khác. Cả Gen Z, Millennials và các nhóm tuổi khác đều tìm kiếm một công việc có ý nghĩa, sự linh hoạt, một môi trường làm việc lành mạnh và cơ hội phát triển bản thân. Việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người tại nơi làm việc là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài.
"Những nỗ lực của nhà tuyển dụng trong việc đáp ứng nhu cầu của nhân viên sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Lực lượng lao động sẽ trở nên hài lòng hơn, làm việc năng suất hơn, gắn bó chặt chẽ với công ty và sẵn sàng thích ứng với những thay đổi trong môi trường kinh doanh”, bà nói thêm.
Như Quỳnh
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.