Khi hành trình thăng tiến không chỉ là một đường thẳng: Bài học phát triển sự nghiệp của Giám đốc Sáng tạo 20 năm kinh nghiệm từng từ quản lý trở về làm nhân viên

Leo Phan - Founder Bold Creative Training Lab vốn không phải là một cái tên quá xa lạ với nhiều nhân sự ngành Truyền thông - Quảng cáo. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, nhìn lại những cột mốc đã từng đi qua trong sự nghiệp của mình, anh cho biết: “Từ xuất phát điểm là một Graphic Designer, tôi trải qua khá nhiều vất vả mới có thể lên được vị trí Senior và hơn 3 năm để trở thành Creative Lead, sau đó khi bước chân vào các agency global thậm chí còn khắt khe hơn khi tôi phải quay về vị trí Senior Graphic Designer và từng bước đi lên Creative Director”.


Với anh, mỗi cột mốc thăng tiến trong sự nghiệp đều có một giá trị và ý nghĩa đặc biệt. Thế nhưng, “bước nhảy” chứng kiến nhiều sự thay đổi nhất trên hành trình sự nghiệp của anh chính là lần đầu trở thành Creative Director tại một agency quảng cáo. 




Trước khi chính thức bước lên vị trí Creative Director, anh Leo Phan đã có gần 10 năm bền bỉ theo đuổi sự nghiệp thiết kế với xuất phát điểm là một Graphic Designer. Qua từng năm, anh có nhiều cơ hội trải nghiệm công việc thiết kế, và sáng tạo. Quá trình đó ngoài kinh nghiệm, trải nghiệm ra là việc chinh phục các cột mốc thăng tiến mới tại khắp các agency local và global, từ Creative Manager, Art Director cho đến Associate Creative Director (ACD). Năm 2014, khi đang giữ vị trí Associate Creative Director / Head of Art tại tập đoàn Saatchi & Saatchi, anh nhận được offer cho vị trí Creative Director (CD) từ một agency quảng cáo khác. 


Vào những năm 2013 - 2014, thị trường Quảng cáo tại Việt Nam vẫn còn được "thống trị" bởi hầu hết các agency global. Trong khi đó, các agency local rất ít, chỉ đếm được trên vài ngón tay, và những agency digital cũng chưa bùng nổ, và phát triển mạnh như ngày nay. Tại hầu hết các agency global đó, có thể nói, CD là một vị trí vô cùng đặc biệt bởi nó chỉ được đảm nhận bởi hầu hết các nhân sự nước ngoài có thâm niên trong ngành. Vì thế, việc được offer lên vị trí này đối với anh Leo Phan là một điều đặc biệt.



Theo anh Leo Phan, trước khi nắm bắt cơ hội này, anh đã xác định rằng bản thân chưa từng có kinh nghiệm trước đó ở một vị trí lớn như Giám đốc Sáng tạo. Đồng thời, quá trình chuyển giao, phát triển từ ACD lên CD cũng cần được đem lên "bàn cân" nhằm mang lại hiệu quả công việc tốt nhất. Chính vì thế mà buổi phỏng vấn cần được diễn ra một cách khá “sòng phẳng” để những vấn đề liên quan đến công việc chẳng hạn như Job Description (miêu tả công việc), trách nhiệm, quyền hạn hay KPI đều được cân nhắc kỹ lưỡng giữa đôi bên.


“Sau khi đã trao đổi rõ ràng những thông tin liên quan đến vị trí mới, tôi về nhà và chủ động tìm tất cả các từ khóa liên quan để từ đó xác định xem liệu bản thân có khả năng đảm nhận vị trí này hay không. Tất nhiên khi bước lên một vị trí mới, ai cũng có những khó khăn riêng. Bản thân tôi khi ấy cũng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là với những vấn đề liên quan đến strategic approach (cách tiếp cận chiến lược) và trách nhiệm về mặt sáng tạo của cả team Creative. Thế nhưng, với kinh nghiệm của mình qua thời gian dài học tập và tích luỹ ở vị trí ACD tại các tập đoàn lớn, cùng với quá trình du học và tốt nghiệp Master về truyền thông tại Mỹ trước đó, tôi quyết định chấp nhận thử thách lần này”. Anh Leo Phan cũng cho biết rằng sau này khi nhìn lại, những thử thách lúc bấy giờ thật ra không khó như anh vẫn nghĩ, hoặc có thể là do anh quá tận hưởng việc đối mặt với một công việc ‘super challenging' mà quên đi những áp lực đó. 


Miêu tả về “bước nhảy” có nhiều sự thay đổi nhất trong sự nghiệp của mình, anh Leo Phan cho biết đó là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Ngày trước, công việc của một ACD thường chỉ xoay quanh việc quản lý một team có quy mô nhỏ và triển khai, thừa hành các dự án dựa trên sự tư vấn và đồng hành của cấp trên là CD. Thế nhưng, giai đoạn chuyển giao lên vị trí CD đồng nghĩa rằng anh sẽ trở thành một người “đầu tàu”, có trách nhiệm đảm đương hết tất cả mọi việc trong phạm vi của phòng Creative, từ quản lý nhân sự, công việc và KPI cho đến đại diện team trao đổi với CEO, khách hàng và các team khác như Account hay Planner.


Anh chia sẻ: “Thời gian đầu, khối lượng công việc rất nhiều và áp lực. Bản thân tôi khi ấy luôn sẵn sàng trong tâm thế làm việc mọi lúc, mọi nơi, lúc nào cũng ‘đau đáu’ suy nghĩ về cách tiếp cận chiến lược bởi, cùng một lúc, mình phải làm việc với tất cả các khách hàng và dự án mà team đang phụ trách. Nếu như ở vị trí ACD, tôi chỉ phụ trách 1-2 khách hàng và 4-5 nhân sự thì bây giờ, số lượng dự án và nhân sự mà tôi phải quản lý có thể sẽ lên đến hàng chục. Có thời điểm vô mùa quảng cáo, một tờ giấy A4 ghi không hết các job list”. Thời gian cũng chính là thử thách lớn nhất của anh vào thời điểm lúc bấy giờ, khi việc đón nhận một vị trí cao hơn khiến anh không có thời gian chăm chút cho những task nhỏ của từng dự án hay trao dồi khả năng thực thi chuyên môn như trước. Thay vào đó, anh trao quyền và tạo cơ hội cho cấp dưới nhiều hơn để rèn luyện kỹ năng quản lý.


Bên cạnh những khó khăn, thời gian đầu cũng là một cơ hội để anh trui rèn những kiến thức và kỹ năng trong công việc sáng tạo, đặc biệt là kỹ năng về mặt chuyên môn. Đúng với chức danh Creative Director, điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là nhân sự phải có khả năng creative và “direct (định hướng) cho các nhân sự creative”. Cụ thể, anh cho rằng trách nhiệm của một người CD không phải là đưa ra ý tưởng sáng tạo hay tự mình thực thi mà thay vào đó là trao quyền, định hướng và hướng dẫn team Creative thực thi việc sáng tạo một cách hiệu quả. Khi nhận brief cho bất kỳ dự án sáng tạo nào, điều đầu tiên mà CD cần làm chính là mổ xẻ và phân tích yêu cầu của khách hàng để từ đó đưa ra những chiến lược, định hướng sáng tạo hiệu quả và “lèo lái”, truyền cảm hứng cho team thực thi ý tưởng.



Thế nhưng trong lĩnh vực Truyền thông - Quảng cáo nơi mà sự sáng tạo và những ý tưởng quá “bay bổng” đôi khi không đáp ứng đúng yêu cầu cũng như chiến lược từ phía khách hàng, anh Leo Phan cho biết bản thân người CD lúc này đóng vai trò như một cán cân, giúp đội ngũ sáng tạo cân bằng và đi đúng hướng để đảm bảo dự án đạt được hiệu quả tốt nhất. Cụ thể, người quản lý cần phải biết cách xác định idea tiềm năng (idea half full) từ các nhân sự của mình, từ đó đưa ra những hướng dẫn kịp thời để biến tấu idea đó trở nên “đầy đặn” (idea full 100%) và hiệu quả hơn.


Trong trường hợp cách làm của cấp dưới sai với định hướng ban đầu, CD cũng đồng thời phải biết cách làm thế nào để “giết” idea đó một cách hiệu quả, chỉ ra những điểm không hợp lý và đưa ra góp ý mang tính xây dựng (coach) để idea đó đảm bảo các tiêu chí: độc đáo, phù hợp với chiến lược và phản ánh đúng tinh thần thương hiệu. Qua đó, anh cho rằng khả năng feedback (phản hồi) và coaching (đào tạo) cũng chính là những yếu tố quan trọng làm nên một người CD có tâm - có tầm, khiến nhân sự “tâm phục khẩu phục”. 


Trở thành “đầu tàu” của một đội ngũ với hơn chục con người nhiều cá tính đồng nghĩa với việc người quản lý không chỉ phải vững về mặt chuyên môn mà còn phải khéo léo trong giao tiếp và cách ứng xử. Theo anh Leo Phan, những kỹ năng mềm cần thiết mà CD cần có bao gồm 2 phần: internal (đối nội) và external (đối ngoại). Với team internal thuộc phòng Creative, người quản lý đóng vai trò trong việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực và teamwork hiệu quả cho nhân sự ở mọi cấp độ, từ junior, middle cho đến senior level bằng cách truyền cảm hứng và xây dựng tinh thần “one team, one spirit”. 


Không những thế, một trong những công việc yêu cầu sự khéo léo của một người quản lý khi làm việc với đội ngũ nhân sự của chính mình chính là làm thế nào để hiểu rõ thế mạnh của từng nhân sựphân công đúng người, đúng việc. Đơn cử, khi nhận một dự án, tùy theo tính chất của từng ngành hàng và yêu cầu về mặt sáng tạo mà CD sẽ có cách sắp xếp công việc và phân công nhân sự phụ trách cho phù hợp. Bên cạnh đó là liên tục ghi nhận và đánh giá thành quả, review một cách khéo léo về hiệu quả và cách làm việc của từng team để từ đó xây dựng một đội ngũ nhân sự nòng cốt cho công ty.


"Người quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường làm việc tích cực và teamwork hiệu quả cho nhân sự"


Kỹ năng mềm mà một CD cần có không chỉ dừng lại ở việc quản lý team nội bộ mà còn bao gồm cả việc đại diện team giao tiếp với người ngoài. “Creative, Account, Planner là chiếc ‘kiềng ba chân’ của một agency. Chính vì thế, người quản lý của ba bộ phận này phải có sự phối hợp ăn ý và xuyên suốt để đưa ra cách tiếp cận chiến lược cho mỗi dự án. Một khía cạnh khác của external chính là kỹ năng làm việc và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Đặc biệt là đối với những khách hàng có mối quan hệ hợp tác lâu dài với agency, bản thân người CD bên cạnh những đóng góp, tư vấn về mặt chuyên môn trong việc thì cũng cần có khả năng kết nối và trò chuyện với khách hàng để hiểu rõ hơn quan điểm và tính cách của họ”, anh chia sẻ. 


Ngoài ra, anh cũng cho biết việc được thăng tiến lên vị trí càng cao cũng đồng nghĩa với việc thời gian người quản lý dành ở công ty và chăm chút cho “team nhà” sẽ càng bị rút ngắn bởi phần lớn thời gian của CD lúc này đều được dành cho những cuộc họp hay việc trao đổi nhiều bên phạm vi buổi pitching với khách hàng để bắt được những thông tin mà trong cuộc họp đôi khi do thời gian mà chưa hỏi hết được. Do đó, để đảm bảo công việc được vận hành một cách tốt nhất, người CD cần phải biết cách xây dựng đội ngũ, cài cắm những nhân sự có chuyên môn cao và trao quyền cho họ quản lý, quán xuyến việc thực thi dự án nhằm đảm bảo thông tin và tiến độ được thông suốt giữa các thành viên trong team. 


Bắt đầu gắn bó với ngành từ đầu những năm 2000 cho đến nay khi mà thị trường Quảng cáo truyền thống phát triển cực thịnh, đến giai đoạn chuyển giao sang quảng cáo digital, quảng cáo từ một chiều sang hai chiều và bây giờ là đa chiều. Anh Leo Phan cho biết ở bất kì giai đoạn nào, sự thăng tiến đều được ghi nhận và đánh giá vô cùng khắt khe. Vì thế, mỗi cột mốc đều cần rất nhiều sự nỗ lực đến từ chính nhân sự bởi “mỗi người cần một thời gian đủ ‘chín’ để có thể làm tốt một vai trò trước khi bước lên chiếc ghế cao hơn”. Từ một Graphic Designer cho đến Founder của một trung tâm chuyên dạy nghề quảng cáo tại Việt Nam, hành trình nhiều thăng trầm đó đã giúp anh Leo Phan đúc kết ra nhiều bài học quý giá. 


Chia sẻ về lời khuyên dành cho các nhân sự trẻ đang tìm kiếm cho mình những cơ hội thăng tiến, anh Leo Phan cho biết: “Khi làm việc cho một tổ chức, chúng ta nên trang bị cho mình một tinh thần cống hiến và làm việc hết mình để mang lại giá trị cho công ty lẫn các nhân sự trong team, khiến bản thân mình xứng đáng với ‘chiếc ghế’ của người quản lý. Hãy chắc chắn là bản thân hiểu rõ về ‘beauty’ và ‘ugly’ của chiếc ghế đó và chuẩn bị cho vị trí đó thật tốt, cả về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm lẫn sự sẵn sàng trong các trách nhiệm có liên quan.”



Thăng tiến là series bài viết độc quyền từ Advertising Vietnam, nơi các nhân sự agency chia sẻ về những trải nghiệm và bài học rút ra từ cột mốc thăng tiến tạo ra nhiều “bước ngoặt” nhất trên hành trình sự nghiệp của mình. Thông qua chia sẻ của các nhân vật, người đọc sẽ có một cái nhìn toàn cảnh và đa chiều về lộ trình phát triển của các nhân sự trong ngành Truyền thông - Quảng cáo. Đồng thời các nhân sự trẻ sẽ có một nguồn thông tin bổ ích, đáng tin cậy để có sự chuẩn bị tốt hơn cho những cột mốc thăng tiến của bản thân trong tương lai.


Khi hành trình thăng tiến không chỉ là một đường thẳng: Bài học phát triển sự nghiệp của Giám đốc Sáng tạo 20 năm kinh nghiệm từng từ quản lý trở về làm nhân viên

Thảo Vy

Thảo Vy

Content Specialist | Advertising Vietnam

12 Thg 08 2023

Lưu

Cùng chuyên mục