Khi “lời chào cao hơn mâm cỗ”: Bài học từ case study gia nhập thị trường Việt của Apple, Sephora, Michelin Guide,…

Trong vòng nửa đầu năm 2023, hàng loạt thương hiệu lớn từng “làm mưa làm gió” ở thị trường quốc tế như Michelin Guide, Lush, Apple... đã chính thức ra mắt tại Việt Nam. “Nhập gia tùy tục” - sự gia nhập của các doanh nghiệp này đã tạo nên những luồng ý kiến khác nhau trong cộng đồng người tiêu dùng. Đơn cử, màn ra mắt cửa hàng trực tuyến của Apple, Sephora - những tên tuổi từ lâu đã được người tiêu dùng Việt mong đợi - đã tạo nên hiệu ứng bùng nổ và sự ủng hộ đông đảo từ người tiêu dùng bản địa. Tuy vậy, cũng không ít trường hợp thương hiệu chưa có sự chuẩn bị kỹ càng khi gia nhập thị trường mới, không thể đáp lại kỳ vọng quá lớn từ khách hàng và tạo nên những tranh cãi trái chiều vì khả năng cung cấp dịch vụ kém. 


Thực chất, thâm nhập thị trường (Market Penetration) là một trong những hoạt động mở rộng quy mô quen thuộc của các doanh nghiệp, nhằm tạo ra nhiều cơ hội phát triển trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư này cũng hàm chứa không ít rủi ro, khiến thương hiệu dễ gặp thất bại trong việc giành được “miếng bánh thị phần” nếu chưa có sự chuẩn bị vững vàng và những bước đi đúng đắn tại các thị trường mới. 


Vậy đâu là những điều mà thương hiệu cần lưu ý khi gia nhập thị trường mới? Cùng Thạc sĩ Nguyễn Trần Lê Anh, Giảng viên ngành Quản trị Truyền thông Đa phương tiện, Đại học FPT bàn luận về chủ đề này!



1. Thưa cô, mở rộng hay gia nhập thị trường mới là hoạt động gì và có vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp?


Khi doanh nghiệp đủ tiềm lực về tài chính hoặc đảm bảo về chất lượng sản phẩm, họ sẽ thực hiện mở rộng quy mô bằng cách gia nhập vào một thị trường mới. Hoạt động này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bao gồm: mở rộng tệp khách hàng, tăng doanh thu, đẩy mạnh nhận diện thương hiệu trên trường quốc tế, tăng lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành và hoàn thiện chuỗi cung ứng. Cơ sở khách hàng lớn và đa dạng cũng giúp bảo vệ thương hiệu khỏi sự phụ thuộc quá mức vào một nhóm người dùng cụ thể, tạo ra lợi thế kinh tế nhờ quy mô.


Gần đây, động thái gia nhập thị trường nội địa của các thương hiệu lớn như Apple, Lush hay Michelin Guide đã cho thấy họ đang bắt đầu quan tâm và đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng trong nhiều năm tới. Giải thích từ góc độ kinh tế, khi một thương hiệu hoặc doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường mới, tức họ đã nhận ra sự bão hòa ở các quốc gia quen thuộc và mong muốn khai phá tiềm năng tại một thị trường mới. Chẳng hạn như, hiện nay sức mua của Apple ở thị trường châu Âu như Đức và Pháp đang giảm, nên doanh nghiệp này buộc phải khám phá những “vùng đất” mới để tiếp tục kích thích nhu cầu mua sắm của người bản địa.


Một nhãn hiệu hoặc doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường mới thông qua 3 phương thức chính: 

  • Xuất khẩu: hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài thông qua hình thức trực tiếp (bên mua và bên bán thỏa thuận, ký kết hợp đồng ngoại thương) hoặc gián tiếp (​​ủy thác cho một bên thứ ba đứng ra tiến hành xuất khẩu).
  • Hợp đồng: bao gồm các hình thức như sản xuất theo hợp đồng, cấp phép, nhượng quyền hoặc “chìa khóa trao tay” (loại dự án được xây dựng bởi một nhà phát triển, được bán hoặc chuyển giao cho người mua ở trạng thái sẵn sàng sử dụng).
  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): hình thức đầu tư dài hạn của doanh nghiệp vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hình thức toàn phần (thuộc sở hữu của một nhà đầu tư) hoặc liên doanh (trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa hai bên hoặc nhiều bên đầu tư).



2. Thông thường, các thương hiệu cần chuẩn bị những gì trước khi gia nhập một thị trường mới, thưa cô?


Dù ở bất kỳ hình thức nào, khi doanh nghiệp hoặc nhãn hàng nước ngoài muốn gia nhập thị trường mới, bước đầu tiên và quan trọng nhất là phải nghiên cứu kỹ thị trường, bao gồm việc tìm hiểu về nhân khẩu học, thị hiếu, thu nhập và xu hướng mà người tiêu dùng quan tâm... Điều này giúp doanh nghiệp nắm bắt được sự khác biệt và mong muốn của người tiêu dùng ở thị trường đó. Nếu không có nền tảng vững chắc về thông tin, kiến thức xoay quanh thị trường mục tiêu, doanh nghiệp có thể gặp nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại. 


Sau khi nghiên cứu thị trường và xác định được chân dung khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân sự để triển khai các hoạt động kinh doanh, bao gồm bán hàng, marketing hoặc dịch vụ sau bán hàng.


Khi đã nghiên cứu kỹ về thị trường mục tiêu và chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, bước tiếp theo, doanh nghiệp cần tùy chỉnh hoạt động kinh doanh để thích nghi với yếu tố đặc thù của thị trường mới. Chẳng hạn, sự khác biệt văn hóa là một tiêu chí quan trọng. Bởi lẽ, sản phẩm của thương hiệu có thể được yêu thích ở một quốc gia, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó sẽ đạt thành công tương tự ở quốc gia khác. 


Ví dụ, Sephora mới chỉ dừng lại ở việc mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, dù đây là một thị trường tiêu thụ mỹ phẩm lớn. Lý do đằng sau sự chần chừ này là bởi Sephora nhận thức được họ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, khi sản phẩm đến từ các quốc gia này rất tương thích với thị hiếu, đặc điểm làn da của người Việt. Hơn nữa, giá cả cũng là một yếu tố quan trọng, vì nhập khẩu các thương hiệu châu Âu hoặc châu Mỹ sẽ khiến chi phí sản phẩm bị đội lên cao do tiền vận chuyển, thuế và hải quan. Trong khi đó, sản phẩm từ châu Á có giá cả phù hợp hơn với người tiêu dùng Việt. 


Nhận thức được khó khăn khi phải cạnh tranh với các thương hiệu mỹ phẩm Châu Á, Sephora vẫn chần chừ trước quyết định gia nhập thị trường Việt bằng cửa hàng vật lý


Để triển khai hoạt động kinh doanh hiệu quả, các thương hiệu cũng cần những chiến lược marketing theo xu thế. Dựa trên nghiên cứu về sở thích hiện tại của khách hàng, doanh nghiệp sẽ đưa ra các ý tưởng truyền thông mới mẻ, hợp trend, giúp định vị và nâng tầm thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. 


Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng không kém chính là dịch vụ sau bán hàng. Ở các thị trường có sự cạnh tranh càng lớn, dịch vụ tốt sẽ giúp thương hiệu trở nên nổi bật. Người tiêu dùng Việt Nam đặc biệt quan tâm đến khả năng chăm sóc khách hàng hậu mãi. Nếu doanh nghiệp nước ngoài có thể đáp ứng được yêu cầu này, họ sẽ dễ dàng thu hút và lấy lòng người tiêu dùng Việt.


Đồng thời, doanh nghiệp phải đảm bảo có đủ nguồn vốn hoặc dòng tiền để “trụ lại” trong thời gian dài, ít nhất là 5 đến 10 năm. Tùy vào môi trường kinh tế (tăng trưởng, suy thoái …), doanh nghiệp cần có chiến lược sử dụng vốn thích hợp để tránh rơi vào thế bị động, thiếu hụt dòng tiền. Một ví dụ điển hình là trường hợp của Auchan - hệ thống siêu thị đến từ Pháp, đã phải rời khỏi thị trường Việt Nam sau 5 năm vì thiếu nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh. Tình trạng thua lỗ kéo dài, doanh thu ảm đạm do “không tìm được mô hình kinh tế đạt lợi nhuận” tại nhiều nước như Ý, Việt Nam, thậm chí là ở nước sở tại Pháp đã khiến thương hiệu này phải nói lời tạm biệt với nhiều thị trường chỉ sau một thời gian ngắn gia nhập.



3. Theo cô, đâu là những yếu tố văn hóa đặc trưng mà thương hiệu cần lưu ý trong quá trình gia nhập thị trường Việt Nam?


Việc sử dụng phông chữ là một trong những yếu tố đầu tiên về mặt hình ảnh để gây ấn tượng với người tiêu dùng bản địa. Khi nhìn thấy chữ viết, phông chữ hoặc ngôn ngữ của họ trên một sản phẩm, khách hàng sẽ cảm thấy quen thuộc và có thiện cảm hơn với thương hiệu đó. Gần đây, Apple đã có một động thái thú vị khi mở cửa hàng trực tuyến ở Việt Nam và triển khai nhiều hoạt động thể hiện được yếu tố bản địa hóa. Việc ra mắt phiên bản tiếng Việt cho tất cả các sản phẩm và giao dịch là nước đi đầu tiên của họ. Ngoài ra, Apple cũng hợp tác với nghệ sĩ Việt để tạo ra hình ảnh và key visual đậm chất văn hóa nước ta. 


Trước đây, khi Apple chưa chính thức gia nhập thị trường Việt dù đã có mặt ở quốc gia láng giềng Thái Lan, người tiêu dùng vẫn dành sự yêu thích cho thương hiệu này. Do đó ngày nay, khi Apple đến Việt Nam và thể hiện sự tôn trọng với văn hóa bản địa, làn sóng ủng hộ đó sẽ càng tăng lên.


Apple đã đăng tải một video thuộc chiến dịch #ShotoniPhone, hợp tác cùng hai nhà sáng tạo Việt là đạo diễn Phương Vũ và make-up artist/beauty blogger Yến Jii


Kế đến, tùy thuộc vào từng ngành hàng mà doanh nghiệp sẽ có những cách khác nhau để tiếp tục thu hút người dân địa phương. Chẳng hạn như, các thương hiệu đã có vị trí tốt trong lòng người tiêu dùng trước khi chính thức gia nhập thị trường nội địa có thể đầu tư cung cấp dịch vụ tốt sau bán hàng, đồng thời triển khai chính sách bù đắp để duy trì sự ủng hộ. Nhận thức rõ điều này sau khi tiến chân vào Việt Nam thông qua cửa hàng trực tuyến, Apple đã đặc biệt chú trọng vào việc chăm sóc khách hàng. Trước đây, khi mua sản phẩm Apple từ các cửa hàng bên thứ ba, người dùng chỉ có thể được hỗ trợ bởi những đối tác. Nhưng hiện nay, khách hàng đã có thể nhận được dịch vụ hậu mãi trực tiếp từ Apple, từ đó hình thành lòng tin và cảm giác được chăm sóc từ chính doanh nghiệp và thương hiệu. 


Đối với ngành ẩm thực, nhiều thương hiệu đã đồng hành với văn hóa Việt bằng các thông điệp đánh vào mong muốn và sự trải nghiệm quen thuộc của người tiêu dùng. Để thành công giành được “miếng bánh thị phần” tại Việt Nam, BAEMIN đã áp dụng yếu tố này vào các chiến dịch thông minh, điển hình là câu khẩu hiệu “BAEMIN nóng giòn đây!" - sử dụng tiếng rao trong văn hoá ẩm thực đường phố nhằm gắn kết với khách hàng nội địa. Bên cạnh đó, Coca-Cola vừa qua cũng đã triển khai hoạt động trải nghiệm, tôn vinh ẩm thực đường phố Việt Nam với lễ hội “Ăn cho đã thèm” trong khuôn khổ chiến dịch “Vietnam is Cooking”. 


Slogan "tiếng rao" của BAEMIN đã phủ sóng trên nhiều phương tiện truyền thông khi thương hiệu này vừa chính thức gia nhập Việt Nam 


Bên cạnh đó, việc triển khai hoạt động tiếp thị kết hợp cùng làn sóng văn hoá đại chúng tại mỗi quốc gia mục tiêu cũng giúp quá trình gia nhập của BAEMIN nói riêng và các doanh nghiệp ngoại nói chung diễn ra một cách hiệu quả hơn. Ngoài bộ phông chữ dành riêng cho thị trường Việt, tạo ra thông điệp gần gũi và quen thuộc, BAEMIN còn hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng như Amee, rapper Karik trong chiến dịch Music Marketing “Em bé”; JustaTee và Rhymastic trong MV “Ngọt”. Đối tượng khách hàng mục tiêu của BAEMIN có độ tuổi từ 18 – 35 tuổi, thuộc Gen Y và Gen Z. Dựa trên hiểu biết về sự quan tâm của nhóm người tiêu dùng này, thương hiệu đã kết hợp với các Influencer tiềm năng để nhanh chóng tiếp cận đúng phân khúc thị trường, đánh trúng nhu cầu tiêu dùng và kết nối cảm xúc khách hàng.


4. Sau khi chính thức ra mắt tại thị trường mới, ấn tượng đầu tiên (first impression) được đánh giá là yếu tố quan trọng để tạo nhận diện về thương hiệu đó. Tuy nhiên Michelin Guide đã vướng phải những lùm xùm về tiêu chuẩn đánh giá, trong khi Chatramue bị chỉ trích vì khả năng đáp ứng dịch vụ kém. Thương hiệu có thể bị ảnh hưởng ra sao nếu không tạo được thiện cảm trong hoạt động đầu tiên, thưa cô?


Xây dựng lòng tin và sự yêu thích của khách hàng đối với một thương hiệu là quá trình dài, khó có thể đánh giá được toàn bộ chỉ qua những hoạt động ban đầu. Khi Michelin Guide ra mắt ở Nhật Bản, họ đã gặp vô số ý kiến trái chiều, thậm chí còn nhiều hơn so với tại Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, Michelin Guide đã đề xuất hơn 200 nhà hàng ở Nhật Bản. Điều này cho thấy, khi gia nhập vào một thị trường mới, thương hiệu có thể nhận được những phản ứng cả tích cực lẫn tiêu cực từ khách hàng. Đặc biệt là trong lĩnh vực ẩm thực, bởi không chỉ liên quan đến văn hóa địa phương, mức độ yêu thích của người dùng còn phụ thuộc vào khẩu vị cá nhân hoặc vùng miền. Do đó, sẽ rất khó để đánh giá tính đúng sai của Michelin Guide từ những bước đi đầu tiên của họ tại thị trường Việt Nam. 


Để xây dựng lòng tin và niềm yêu thích của khách hàng, thương hiệu cũng cần thời gian để nhận ra những thiếu sót và sửa chữa. Chatramue là thương hiệu trà sữa rất phổ biến ở Thái Lan và được yêu thích bởi cả cộng đồng Châu Á. Chính vì thế mà khi Chatramue mở cửa hàng tại Việt Nam, họ đã nhận được làn sóng ủng hộ tích cực từ người tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng khi gia nhập thị trường mới, thương hiệu đã không thể đáp ứng được nhu cầu lớn và sự kỳ vọng của người Việt từ những ngày đầu mở bán, tạo nên làn sóng tranh cãi vì khả năng cung cấp dịch vụ kém. Để khắc phục, Chatramue có thể mở thêm cửa hàng, tăng số lượng nhân viên phục vụ, cải tiến dịch vụ hoặc xây dựng chiến lược truyền thông tích cực.


Trong lĩnh vực ẩm thực, hương vị vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Dù dịch vụ không tốt hôm nay, nhưng nếu thương hiệu có ý thức cải thiện và đảm bảo hương vị nguyên bản, khách hàng vẫn sẽ bỏ qua ấn tượng xấu ban đầu để quay trở lại và tiếp tục ủng hộ lâu dài trong tương lai.


Giới trẻ Việt xếp hàng hơn 2 tiếng để trải nghiệm hương vị trà sữa Thái Chatramue tại Việt Nam

5. Theo cô, đâu là các ngành hàng có rào cản gia nhập lớn ở thị trường Việt Nam? 


Thị trường Việt Nam tồn tại nhiều rào cản đối với một số ngành hàng nhất định. Đầu tiên là rào cản về pháp lý. Các sản phẩm liên quan đến chất kích thích như rượu bia hoặc thuốc lá sẽ phải đối diện với những quy định nghiêm ngặt, điều luật hạn chế số lượng nhập khẩu tại Việt Nam.


Mặc dù người tiêu dùng Việt sẵn sàng thay đổi và thử nhiều sản phẩm mới, nhưng yếu tố văn hóa cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn như, hãng thức ăn nhanh Subway đã từng thất bại ở Việt Nam và buộc phải đóng cửa vì hoạt động kinh doanh không đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Ở thời điểm đó, người Việt chưa sẵn sàng chi trả một số tiền lớn cho sản phẩm trông giống bánh mì Việt Nam, nhưng không phải là bánh mì. Cách bán hàng của Subway cũng khiến người Việt cảm thấy “cồng kềnh”: thay vì được gọi món một cách nhanh gọn như khi đến các cửa hàng bánh mì truyền thống, tại Subway, người dùng phải đi qua từng quầy để chọn loại bánh, nhân, rau, và sốt mới có được món ăn theo ý muốn. Ngoài ra, các nguyên liệu nhân như thịt dăm bông, đồ xông khói cũng không phù hợp với khẩu vị người Việt. Đó là lý do khiến Subway không đạt được thành công như kỳ vọng khi gia nhập thị trường Việt Nam. 


Bên cạnh các hãng thức ăn nhanh, lĩnh vực cà phê cũng gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam. Mặc dù không có rào cản pháp lý, nhưng thị trường cà phê nội địa lại cạnh tranh rất khốc liệt. Mỗi năm có rất nhiều thương hiệu cà phê mới xuất hiện, nhưng cũng không ít hãng phải rút khỏi Việt Nam hoặc đóng cửa.


Vào năm 2016, NYDC - một chuỗi cà phê và bánh ngọt theo kiểu Âu – Mỹ chính thức chào tạm biệt khách hàng Việt Nam sau 7 năm hoạt động


Tương tự, thị trường bán lẻ cũng đối mặt với sức nóng cạnh tranh cao. Nhiều tập đoàn lớn như Auchan hoặc Parkson đã gia nhập và phải rời khỏi thị trường Việt không lâu sau đó. Parkson không thể cạnh tranh với các trung tâm thương mại khác và gần đây đã tuyên bố phá sản. 


Một lĩnh vực khác là xe sang. Để nhập khẩu các dòng xe cao cấp vào Việt Nam, thương hiệu phải đối mặt với nhiều rào cản như thuế phí cao và hạ tầng giao thông chưa đủ đáp ứng. Khách hàng của các doanh nghiệp này phải bỏ ra một số tiền lớn, nhưng không có cơ hội trải nghiệm cảm giác lái xe với tốc độ cao như ở các thị trường khác. Đó cũng là một hạn chế khiến người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ trước khi mua.


6. Doanh nghiệp Việt có thể học hỏi những gì từ case study gia nhập thị trường thành công của các thương hiệu?


Có ba điều mà doanh nghiệp Việt có thể rút ra từ thành công của các thương hiệu gia nhập thị trường mới. Đó chính là: nhạy bén với thị hiếu bản địa, chấp nhận thay đổi, cập nhập sản phẩm phù hợp; điều chỉnh mức giá hợp lý với túi tiền của khách hàng bản địa, hoặc đưa ra nhiều ưu đãi để tăng tệp khách hàng; xây dựng chiến lược truyền thông nhất quán, làm nổi bật điểm mạnh của thương hiệu.


Netflix là ví dụ tuyệt vời về một doanh nghiệp đã mở rộng thành công sang các thị trường mới, thông qua việc nghiên cứu sâu rộng về thị hiếu và đánh giá tiềm năng kinh doanh. Để khai thác các quốc gia, Netflix đã đầu tư rất nhiều vào quá trình bản địa hóa, dịch nội dung của mình sang hơn 60 ngôn ngữ. Netflix cũng đẩy mạnh sản xuất các nội dung gốc thu hút khán giả địa phương. Chẳng hạn như, ở Ấn Độ, nền tảng trực tuyến này đã ra mắt loạt phim có tên là “Sacred Games” và thu về thành công rực rỡ. Ngoài ra, các series nổi tiếng của Netflix, chẳng hạn như “Lupin” (Pháp), “Money Heist” (Tây Ban Nha) hay “Squid Game” (Hàn Quốc) cũng được xây dựng nhắm vào thị trường tại các quốc gia mục tiêu và trở thành “hit” trên toàn thế giới.



7. Chỉ trong vòng nửa đầu năm 2023, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng quốc tế như Apple, Michelin Guide, Lush,... đã ra mắt tại Việt Nam. Theo cô, xu hướng này phản ánh điều gì về tiềm năng của các doanh nghiệp ngoại ở thị trường nước ta? Bên cạnh đó, đâu là tiềm năng của doanh nghiệp Việt trên các thị trường quốc tế?


Thực chất, tất cả các thương hiệu này đều liên quan đến thị trường bán lẻ. Số liệu và xu hướng gần đây cho thấy thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và người Việt sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để mua sắm và trải nghiệm các sản phẩm mới. Tuy nhiên, dù “vùng đất” này ở Việt Nam rất giàu tiềm năng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mọi nhãn hiệu đều sẽ thành công khi gia nhập. 

Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu dân và con số này vẫn đang gia tăng. Bên cạnh cơ cấu dân số vàng (chủ yếu trong độ tuổi lao động), thu nhập của người Việt cũng tăng trưởng vượt bậc qua hàng năm, GDP trên đầu người mới nhất đã vượt mức 4.000 USD/năm (đứng thứ 117 thế giới, tăng gần 60 bậc so với mức 173 thế giới của năm 2000).


Tất cả những số liệu trên cho thấy Việt Nam đang nổi lên như một đất nước có tốc độ phát triển nhanh chóng, cùng với đó là vị trí địa lý thuận lợi (trung tâm Đông Nam Á). Ngoài ra, xu thế chuyển dời và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc gần đây của các thương hiệu lớn (do lo ngại về chính sách của Trung Quốc trong thời Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung) khiến Việt Nam càng củng cố vị thế của một thị trường tiềm năng.


Có rất nhiều thương hiệu nước ngoài gia nhập vào thị trường Việt Nam, nhưng ngược lại, doanh nghiệp Việt có vẻ đang kém về việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế.


Lý do đầu tiên là Việt Nam bị hạn chế về công nghệ. Các sản phẩm nước ngoài thường có công nghệ tiên tiến được chứng nhận bởi thế giới. Điều này giúp họ đưa sản phẩm của mình vào nhiều thị trường khác nhau. Trong khi đó, Việt Nam chịu hạn chế về công nghệ, chất lượng sản phẩm và thiết kế. Ví dụ, nếu có một sản phẩm như mì ăn liền, các thành phần và hóa chất để sản xuất mì ăn liền có thể được chấp nhận trên thị trường Việt Nam, nhưng khi xuất khẩu ra thế giới sẽ gặp rào cản về nguyên liệu sử dụng và thành phần hóa học. Mỗi quốc gia sẽ có tiêu chuẩn riêng để bảo vệ sức khỏe của người dân. Điều này là một hạn chế đối với thương hiệu Việt. Hoặc ví dụ về bao bì, ở Việt Nam, để tiết kiệm chi phí doanh nghiệp có thể sản xuất các sản phẩm với bao bì từ các nguyên liệu không thân thiện với môi trường. Điều này cũng là một rào cản khi thương hiệu muốn xuất khẩu sản phẩm đó đến các quốc gia như Phần Lan hay Na Uy, nơi có quy định nghiêm ngặt về phát triển bền vững và sản phẩm thân thiện với môi trường. 


Ngoài ra, tôi cảm thấy rằng doanh nghiệp Việt đang thiếu sự nhất quán trong việc xây dựng một hình ảnh chung. Khi nhìn vào các sản phẩm mang nhãn hiệu "Made in Japan", có thể thấy họ tập trung vào chất lượng và thể hiện bản sắc văn hóa. Hoặc khi nhìn vào nhãn hiệu "Made in China" ta biết rằng đó là một sản phẩm có giá cả hợp lý. Sản phẩm mang nhãn hiệu "Made in Germany" thì đảm bảo về công nghệ và độ bền. Hiện nay, tôi thấy Việt Nam chưa xây dựng được hình ảnh nhất quán như vậy cho các thương hiệu nội địa để vươn ra thế giới, mặc dù có rất nhiều thương hiệu mạnh trong nước đã rục rịch “mang chuông đi đánh xứ người”, có những hoạt động đầu tiên tại các quốc gia khác trên thế giới.

Khi “lời chào cao hơn mâm cỗ”: Bài học từ case study gia nhập thị trường Việt của Apple, Sephora, Michelin Guide,…

Phương Anh Nguyễn

Phương Anh Nguyễn

Content Creator | Advertising Vietnam

19 Thg 07 2023

Lưu

Cùng chuyên mục