Khi thương hiệu kết nối với người tiêu dùng bằng Dance Challenge: Người dùng sáng tạo những điệu nhảy với nước tăng lực RedBull, Techcombank kết hợp với các “anh tài" trong "Nhịp điệu Sinh lời"

Trong những năm gần đây, khi lượng người dùng TikTok tăng trưởng vượt bậc, các thương hiệu đã nhận ra tiềm năng to lớn của nền tảng này trong việc triển khai chiến lược truyền thông sáng tạo. Đặc biệt, các thử thách trên TikTok đã trở thành một xu hướng phổ biến, thu hút sự tham gia của hàng triệu người dùng trên toàn cầu. Trong số đó, Dance Challenge nổi bật như một công cụ mạnh mẽ để các thương hiệu kết nối và tạo sự gần gũi với người tiêu dùng trẻ tuổi. 


Đây không chỉ là một phương thức giải trí, mà còn là cách thương hiệu có thể lan tỏa nhận diện thương hiệu một cách tự nhiên và hiệu quả. Dance Challenge cho phép người dùng tương tác trực tiếp với thương hiệu, đồng thời thúc đẩy sự lan truyền nội dung nhanh chóng nhờ vào khả năng sáng tạo và chia sẻ không giới hạn của cộng đồng TikTok.



Dance challenge đã trở thành một xu hướng truyền thông phổ biến, đặc biệt khi các thương hiệu muốn tương tác gần gũi hơn với thế hệ Gen Z. Đây là những điệu nhảy được thiết kế một cách sáng tạo và độc đáo, không chỉ tạo niềm vui cho người tham gia mà còn giúp thương hiệu gắn kết sâu sắc hơn với người tiêu dùng. TikTok – nền tảng mạng xã hội phổ biến với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, trong đó có đến 60% thuộc độ tuổi Gen Z, chính là công cụ đắc lực cho các hoạt động dance challenge này.


Chiến lược truyền thông thông qua hoạt động dance challenge không chỉ tận dụng tính lan tỏa nhanh chóng của TikTok, mà còn khai thác một cách hiệu quả nội dung do người dùng tạo ra (UGC - User Generated Content). Việc người dùng tự sáng tạo lại và chia sẻ những điệu nhảy này không chỉ giúp thương hiệu tiếp cận được nhiều người hơn, mà còn tạo nên một cộng đồng trực tuyến tương tác mạnh mẽ. 



Điểm đặc biệt của chiến lược này là tính linh hoạt trong việc ứng dụng. Dance challenge có thể được triển khai ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) như Coca-Cola và Pepsi, cho đến lĩnh vực công nghệ như Samsung, thậm chí là trong lĩnh vực tài chính như Techcombank và Vietcombank. Không có giới hạn về ngành nghề cho việc sử dụng chiến lược này, miễn là thương hiệu có khả năng tạo ra những trải nghiệm sáng tạo và thú vị cho người tiêu dùng.


Pepsi kết hợp với BlackPink trong chiến dịch dance challenge tại Manila


Lợi ích rõ ràng của dance challenge là khả năng kết nối cảm xúc giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Thay vì chỉ cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ, các thương hiệu thông qua dance challenge có thể tạo nên những trải nghiệm cảm xúc đa dạng và mạnh mẽ, từ sự vui vẻ, phấn khích đến sự hào hứng khi tham gia vào một xu hướng văn hóa nổi bật. Những chiến dịch như vậy giúp tăng cường sự gắn kết giữa thương hiệu và khách hàng, đồng thời mang lại cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Gen Z – thế hệ tiêu dùng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.



Tại thị trường Việt Nam, việc truyền thông bằng điệu nhảy đã có mặt từ nhiều năm trước, thậm chí là trước khi có sự ra đời của TikTok. Nổi bật trong số đó là chiến dịch của thương hiệu trà bí đao Wonderfarm, với điệu nhảy vui nhộn cùng Mascot bí đao xanh đã tạo nên một cơn sốt vào năm 2013.


Điệu nhảy này trở thành một trong những chiến dịch tiếp thị thành công nhất của Wonderfarm, không chỉ nhờ sự dễ dàng tiếp cận mà còn nhờ vào yếu tố giải trí mà mọi người có thể tham gia. Bằng cách khuyến khích người tiêu dùng tự sáng tạo video và tham gia cuộc thi Wonderfarm Contest - Trà Bí Đao, thương hiệu đã thu hút hàng ngàn lượt tham gia, tạo ra làn sóng nội dung do người dùng tạo ra (UGC), giúp lan tỏa thương hiệu mạnh mẽ.



Qua nhiều năm, điệu nhảy này không hề hạ nhiệt. Đến năm 2023, Wonderfarm tiếp tục làm mới hình ảnh của mình khi tái ra mắt điệu nhảy dưới phiên bản hiện đại hơn nhưng vẫn giữ lại những yếu tố truyền thống, tạo cảm giác hoài niệm và gần gũi cho người tiêu dùng lâu năm. Sự trở lại này không chỉ chứng tỏ sức hút bền vững của chiến lược dance challenge mà còn cho thấy cách thương hiệu có thể làm mới mình mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi.



Trong lĩnh vực tài chính, một ngành vốn được coi là khô khan và khó tiếp cận, việc áp dụng xu hướng dance challenge lại mang đến những cơ hội mới mẻ. Các ngân hàng như TechcombankVietcombank đã chứng minh rằng, với chiến lược phù hợp, ngay cả những ngành có vẻ nghiêm túc cũng có thể trở nên gần gũi và hấp dẫn với thế hệ trẻ. 



Nổi bật là Techcombank đã kết hợp với các nghệ sĩ nổi tiếng từ chương trình “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” qua cuộc thi “Nhịp điệu Sinh lời” trên TikTok để quảng bá tính năng sinh lời tự động của nền tảng ngân hàng. Trong khi đó, Vietcombank kết hợp cùng ca sĩ Gen Z Wren Evans trong chiến dịch "Bật Chất YouPro", một dance challenge đầy sáng tạo nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trẻ.


Các “Anh tài" trong challenge “Nhịp điệu Sinh lời”


Điều đáng chú ý, sự kết hợp với các nghệ sĩ có sức ảnh hưởng là một yếu tố quan trọng giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của chiến dịch dance challenge. Các nghệ sĩ không chỉ mang lại sự gần gũi, gắn kết với người tiêu dùng mà còn giúp lan tỏa thông điệp của thương hiệu đến nhiều cộng đồng hơn, nhờ lượng fan hâm mộ đông đảo và sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.


Người dùng TikTok hưởng ứng dance challenge của Techcombank và Vietcombank


Bên cạnh việc tham gia dance challenge trực tuyến thì người dùng còn có cơ hội thử sức hoạt động này một cách trực tiếp. Với chiến dịch hợp tác giữa Coca-Cola và tựa game Just Dance Now, thương hiệu đã triển khai chiến lược truyền thông trên mạng xã hội lẫn thực tế nhằm kêu gọi thế hệ trẻ chăm chỉ vận động. 


Sự kiện dance challenge trực tiếp của Coca-Cola được nhiều người hưởng ứng 


Coca-Cola đã tổ chức sự kiện trực tiếp, mời các thanh thiếu niên tham gia những điệu nhảy của Just Dance Now. Theo báo cáo từ tổ chức Sức khoẻ Y tế thế giới WHO, có hơn 80% thanh thiếu niên không vận động đủ và điều này cũng chính là lí do để thương hiệu thực hiện chiến dịch này. Sự kiện trực tiếp của Coca-Cola không chỉ là cơ hội để tăng cường sự gắn kết với người tiêu dùng mà còn khẳng định thương hiệu đang góp phần xây dựng một cộng đồng lành mạnh và năng động hơn.


Bên cạnh các chiến dịch trước đây, chuỗi chiến dịch "Húc Tới Đi" của nước tăng lực RedBull cũng đã khẳng định sức hút và sự sáng tạo của mình khi tổ chức cuộc thi nhảy Dance Challenge cùng tên. Điểm đặc biệt của cuộc thi này nằm ở việc RedBull khéo léo lồng ghép sản phẩm của mình vào mọi khía cạnh của hoạt động.


RedBull cùng hoạt động dance challenge “Húc Tới Đi"


Người tham gia không chỉ được khuyến khích thể hiện tài năng và sự sáng tạo qua những điệu nhảy mà còn phải cầm theo lon RedBull trong suốt quá trình thực hiện thử thách. Đây là một bước đi thông minh khi thương hiệu biến sản phẩm thành một phần không thể tách rời của hoạt động, giúp tăng cường nhận diện thương hiệu một cách tự nhiên và hiệu quả. 



Thành công của các chiến dịch Dance Challenge không chỉ đến từ sự tham gia đông đảo của người dùng, mà còn từ khả năng tạo ra nội dung hấp dẫn, dễ tiếp cận và lan tỏa mạnh mẽ. Để một thử thách nhảy trở nên phổ biến, thương hiệu cần đảm bảo rằng điệu nhảy đủ đơn giản để mọi người có thể dễ dàng tham gia, nhưng đồng thời vẫn phải sáng tạo và thú vị để kích thích người dùng tạo nội dung mới, chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng xã hội. Điều này không chỉ giúp lan truyền thương hiệu một cách tự nhiên mà còn tạo nên sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ với người tiêu dùng.


Dance Challenge không chỉ giúp thương hiệu kết nối với nhóm khách hàng trẻ mà còn mở ra nhiều thành tích vượt trội. Trong chiến dịch Just Dance Now của Coca-Cola, video ghi hình lại sự kiện đã đạt được hơn 11 triệu lượt xem trên YouTube, đồng thời bài hát được tạo ra trong chiến dịch đã thu hút được 24 triệu phút nhảy múa từ người dùng.



Điểm chung trong các chiến dịch Dance Challenge thành công là khả năng tích hợp sản phẩm một cách khéo léo vào hoạt động của người tham gia. Với chiến dịch "Húc Tới Đi" của RedBull, việc yêu cầu người tham gia cầm lon nước tăng lực RedBull khi nhảy không chỉ giúp tạo ấn tượng mạnh về thương hiệu mà còn khiến sản phẩm trở thành một phần không thể thiếu trong thử thách. Hay với Techcombank và Vietcombank đưa những động tác gắn liền với thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải. Đây là một ví dụ rõ ràng cho việc làm thế nào để thương hiệu có thể trở thành một phần thói quen của người tiêu dùng.


Sự thành công của chiến dịch Dance Challenge còn phụ thuộc vào việc khai thác sức mạnh của nội dung do người dùng tạo ra (UGC). Khi người dùng tự sáng tạo và chia sẻ những phiên bản riêng của điệu nhảy, thương hiệu không chỉ tiếp cận được thêm nhiều người mà còn tạo nên sự tương tác liên tục và bền vững với khách hàng. Kết quả không chỉ là sự gia tăng nhận diện thương hiệu mà còn xây dựng cộng đồng người tiêu dùng trung thành, có sự kết nối cảm xúc và sẵn sàng ủng hộ sản phẩm.


Kim Yến


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!


Khi thương hiệu kết nối với người tiêu dùng bằng Dance Challenge: Người dùng sáng tạo những điệu nhảy với nước tăng lực RedBull, Techcombank kết hợp với các “anh tài" trong "Nhịp điệu Sinh lời"

Kim Yến

Kim Yến

Content Writer | Advertising Vietnam

27 Thg 09 2024

Lưu

Cùng chuyên mục