Theo Statista, Apple đã vượt qua loạt tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft và Samsung để lọt vào top 2 những công ty giá trị nhất toàn cầu khi đạt trị giá 297,51 tỷ USD, chỉ đứng sau tập đoàn Amazon với cách biệt 1,77 tỷ USD. Thành công của Apple không chỉ đến từ việc họ đã dành nhiều thập kỷ để ra mắt các sản phẩm hiện đại hay tạo ra trải nghiệm cho khách hàng mà còn sẵn sàng “chi” mạnh tay cho các chiến dịch Marketing để thu hút người dùng.
Với những chiến lược độc đáo và bài bản, Apple đã vượt xa cái mác của một “thương hiệu máy tính” và tự tạo ra một thị trường của riêng mình, nơi những khách hàng trung thành tin rằng những sản phẩm của tập đoàn công nghệ này sẽ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp, dễ dàng và thú vị hơn. Thương hiệu đã vô cùng khôn khéo khi biến khách hàng thành những Đại sứ tiềm năng giúp lan tỏa sản phẩm và dịch vụ của hãng đến mọi ngóc ngách trên thị trường.
Neil Patel đã tiết lộ bảy trụ cột trong chiến lược Marketing nổi tiếng của Apple mà các marketer có thể áp dụng vào hoạt động kinh doanh của mình. Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!
1. Suy nghĩ kỹ về nhu cầu quảng cáo
Dành một khoản ngân sách “khủng” cho các quảng cáo PPC (Pay Per Click - quảng cáo trả tiền cho mỗi lần nhấp) trên Google hay Facebook có thể giúp thương hiệu tăng doanh số bán hàng. Thế nhưng với Apple, chiến lược này lại không thực sự cần thiết.
Trên thực tế, hãng “Táo khuyết” chủ yếu dựa vào hai chiến lược quảng cáo hoàn toàn khác nhau, bao gồm:
- Product Placement (PPL) hay còn gọi là Embedded Marketing/Advertising là một hình thức quảng cáo mà trong đó, hàng hoá và dịch vụ của thương hiệu được lồng ghép trong một cảnh phim, chương trình truyền hình, radio hoặc livestream.
- Chiến lược thứ hai mà Apple thường xuyên áp dụng chính là tạo tiếng vang bởi các đánh giá tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội. Mỗi khi một sản phẩm mới nào của hãng được ra mắt, các KOL hoặc Influencer sẽ nhanh chóng mua về và thực hiện những video review sản phẩm. Điều này đã cung cấp những thông tin hữu ích cho người dùng, khiến họ hiểu rõ hơn về sản phẩm trước khi quyết định mua.
Kể cả khi không có nguồn lực và ngân sách đồ sộ như những thương hiệu tên tuổi, marketer vẫn có thể áp dụng các chiến lược của Apple vào hoạt động kinh doanh của mình. Thương hiệu có thể tổ chức chương trình dùng thử miễn phí nhằm tạo điều kiện cho người dùng trải nghiệm sản phẩm. Sau khi dùng thử, nếu sản phẩm thực sự có tác dụng tốt, marketer có thể thuyết phục người dùng đánh giá về sản phẩm.