Theo dự báo của công ty kiểm toán và tư vấn tài chính PwC, đến năm 2030, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng thêm 14% nhờ sự hỗ trợ của A.I. Dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0 khiến trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, những ý kiến xoay quanh việc sử dụng A.I để sáng tạo nghệ thuật được công chúng quan tâm và thảo luận nhiều hơn cả. Cùng lắng nghe chia sẻ của giảng viên ứng dụng A.I Tony Đức để hiểu rõ về chủ đề trên và công việc của một người thực hành A.I!



A.I đang cướp đi công việc của ai?


1/ Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay chính là: Liệu A.I có thể thay thế một bộ phận những người đang hoạt động sáng tạo nghệ thuật hay không khi mà công nghệ này vượt trội hơn hẳn về tốc độ, năng suất và có thể làm việc không biết mệt mỏi? Anh nghĩ như thế nào về điều này?


A.I thực chất chỉ là công cụ, tương tự như chiếc máy ảnh hay máy tính mà photographer sử dụng để tạo ra những tấm ảnh chất lượng cao hơn. Do đó, có một điều cần đính chính là: A.I không hề cướp đi công việc của bất cứ ai. 


Sở dĩ có hiểu lầm trên là vì từ khi A.I xuất hiện, những artist biết ứng dụng công nghệ đã tạo được lợi thế cạnh tranh về cả giá cả lẫn thời gian sản xuất. Điều này là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân lực vì giờ đây họ có lựa chọn tối ưu hơn, vừa tiết kiệm chi phí lại vừa tăng năng suất lao động nếu hợp tác với các artist sử dụng thành thạo AI. 


Vì thế, về bản chất, thị trường vẫn có một lượng công việc như thế. Chỉ có điều những artist sử dụng A.I họ có thể làm nhiều việc hơn với mức lương thấp hơn chiếm được ưu thế và việc các doanh nghiệp nhiệt tình săn đón họ cũng là điều hiển nhiên. 


2/ Rõ ràng là A.I còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Là người trong ngành, anh có thể đưa ra một số phỏng đoán về xu hướng sử dụng A.I để sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật trong tương lai gần?


Theo phỏng đoán cá nhân, tôi cho rằng tương lai A.I sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và thị trường dần xuất hiện những công nghệ có tính chất đặc thù để phục vụ nhu cầu nâng cao của người dùng. 


Theo đó, từ một số A.I mang tính chất đại chúng như ChatGPT, Quillbot, Bard…thời gian tới sẽ có các công cụ A.I được phát triển được nghiên cứu chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu sử dụng của từng nhóm ngành nghề. Và đây không chỉ là câu chuyện của sau này, ngay từ bây giờ đã có một số A.I chuyên môn cao dành riêng một cho lĩnh vực xuất hiện trên thị trường.


Hình ảnh được anh Tony Đức tạo bằng ứng dụng A.I Midjourney


3/ Không ít người, kể cả công chúng lẫn những nghệ sĩ đã tẩy chay A.I và cho rằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để sáng tác nghệ thuật là điều đáng lên án. Anh nghĩ rằng những phản ứng như vậy xuất phát từ nguyên nhân gì?  


Mỗi người sẽ đứng trên một lập trường khác nhau để nhìn nhận vấn đề. Đối với A.I artist, mục tiêu họ hướng đến là làm hài lòng khách hàng của mình, tạo ra sản phẩm đúng như yêu cầu với mức chi phí thấp hơn và thời gian nhanh hơn.


Theo tôi, giá trị của sự độc bản sẽ không bao giờ mất đi. Thậm chí, A.I càng phát triển thì những người nghệ sĩ thực thụ càng có cơ hội tỏa sáng. Giống như câu chuyện của Rolls-Royce, dù công nghệ sản xuất đã phát triển vượt bậc nhưng thương hiệu vẫn cần đến một người thợ thủ công chuyên vẽ tay các đường chỉ trên những chiếc xe của hãng. Điều đó minh chứng cho việc giá trị của một người nghệ nhân luôn còn đó dẫu trải qua biết bao thay đổi và thăng trầm. 


Nghệ nhân đang vẽ tay từng đường kẻ của xe Rolls-Royce


4/ Theo anh thì những bức tranh do A.I có nên được xếp một hạng mục riêng trong những cuộc thi hoặc thông báo trước cho người xem biết đây là sản phẩm của A.I để những ấn phẩm do con người thực hiện không bị lép vế khi bị đặt lên bàn cân không? Vì sao?


Như tôi đã đề cập trước đó, A.I chẳng qua cũng chỉ là một công cụ và thực chất những gì đang diễn ra là sự thay đổi về mặt công nghệ của một công việc. Vì thế, việc mở ngoặc chú thích rằng được tạo bởi A.I dưới những tác phẩm là điều không cần thiết.


Người thực hành A.I chỉ cần “ngồi mát ăn bát vàng”, gõ prompt và chờ đợi thành phẩm


5/ Những lầm tưởng phổ biến nhất về nghề ứng dụng A.I mà anh biết, từng nghe qua hoặc chính mình trải nghiệm? Có câu chuyện thú vị gì xoay quanh vấn đề này không? Theo anh vì sao lại có những định kiến đó?


Lầm tưởng tôi nghe nhiều nhất về nghề ứng dụng A.I chính là: Nghề này dễ, chỉ cần ngồi gõ vài dòng prompt sẽ có thành phẩm. Vì thế, những tác phẩm do A.I tạo ra có phần kém giá trị hơn “đứa con đẻ tinh thần” được người thật sáng tạo.


Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 1 năm hướng dẫn học viên tại các khóa đào tạo và tự mình ứng dụng công cụ này, tôi cho rằng một người ứng dụng A.I thực thụ cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau. Ngoài việc phải hiểu biết sâu về nghệ thuật thị giác, họ cần liên tục bồi dưỡng thêm kiến thức về các lĩnh vực liên quan khác như nhiếp ảnh, hội họa và cô đọng tất cả thành keyword trong prompt mới có thể tạo ra được sản phẩm theo đúng yêu cầu của khách hàng và ý muốn của bản thân. Artist phải kiên trì nỗ lực trong một khoảng thời gian tương đối mới tạo ra được tác phẩm thương mại. 


Với những người mới tiếp cận A.I, họ thường nghĩ đơn giản rằng chỉ cần gõ mấy dòng mô tả là được. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình tôi trực tiếp hướng dẫn học viên tại các khóa đào tạo của mình thì thời lượng học kỹ thuật chỉ chiếm một nửa, còn lại dành để bồi bổ cho họ kiến thức về visual art. 


Sản phẩm được anh Tony Đức sử dụng ứng dụng A.I Midjourney tạo ra


Thực chất việc ứng dụng A.I chính là việc ra lệnh cho A.I tạo ra thành phẩm theo ý muốn của mình. Vì thế, người họa sĩ phải hiểu rõ về tác phẩm cũng như biết cách dùng lệnh để công cụ thực hiện chính xác theo yêu cầu của mình. Điều này yêu cầu A.I artist phải tích lũy kiến thức visual art, hiểu rõ về nhiếp ảnh, quay phim và vô số các kỹ thuật khác để ra đúng lệnh cho AI từ góc máy, thủ pháp đến hiệu ứng, chất liệu trong tác phẩm. 


Khi có đề bài cụ thể, chẳng hạn như vẽ một bức tranh về cô gái đi trong rừng, A.I artist không thể chỉ nhập y nguyên dòng prompt trên được. Họ phải mô tả chi tiết từ đặc điểm chủ thể, cô gái đó là người châu Âu hay châu Á, mặc trang phục gì, dáng vẻ ra sao, trạng thái đang như thế nào đến các yếu tố khác từ màu sắc chủ đạo, góc độ quan sát ra sao, ánh sáng, môi trường xung quanh…bởi mỗi một thay đổi, dù là rất nhỏ trong prompt sẽ tạo ra một sản phẩm hoàn toàn khác biệt. A.I artist phải làm sao để tạo ra bức tranh đúng với yêu cầu của khách hàng, đáp ứng được gu thẩm mỹ của khán giả. 


A.I chỉ là công cụ, đẹp hay xấu phải theo đánh giá của “người ra đề” và nhìn nhận từ phía công chúng. Artist cần có cái tôi và sự độc bản khi sáng tạo nghệ thuật; còn người ứng dụng A.I lại phải đặt nhu cầu khách hàng làm trọng tâm. 


Trước khi bắt đầu viết prompt, người ứng dụng A.I cần nghiên cứu thật kỹ về thị hiếu khách hàng cùng các thông tin liên quan. Sau đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tránh được các rủi ro cho khách hàng, đội ngũ nhân sự của team sẽ kiểm tra lại và tiến hành chỉnh sửa nếu cần thiết. Đó là cả một quá trình phức tạp, đòi hỏi những người trong team có sự kiên trì, ham học hỏi và tỉ mỉ trong từng công đoạn để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. 


Minh họa về một prompt khi sử dụng Midjourney để tạo hình ảnh theo ý muốn 


6/ Anh có cần mất nhiều thời gian và công sức để chỉnh sửa lại những tác phẩm do A.I tạo ra không vì có những lúc công nghệ không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sử dụng của họa sĩ?


Trung bình với một sản phẩm thương mại, đầu tiên bộ phận R&D trong team sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu kỹ về nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng. Sau khi đã xác định rõ về phong cách, gam màu, bố cục của tác phẩm cũng như những yếu tố liên quan khác, các keyword quan trọng được liệt kê. Từ đó, chuyên viên ứng dụng A.I dựa theo keyword cũng như hiểu biết của bản thân về nghệ thuật thị giác để tiến hành tạo prompt cho A.I. Cuối cùng, đội hậu kỳ đảm nhận vai trò kiểm tra và chỉnh sửa lại hình ảnh sao cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng cũng như các yếu tố văn hóa, lịch sử Việt Nam. 


Poster sau khi được tạo bởi ứng dụng Midjourney cần có đội hậu kỳ tinh chỉnh thêm về trang phục cho đúng với áo dài Việt Nam


Chuyện ngón tay hay khuôn mặt dị dạng đã là câu chuyện cũ của 6 tháng về trước. Hiện tại, công nghệ đã được hoàn thiện đáng kể, những sai sót của A.I giảm xuống chỉ còn tầm 10%. Thực chất A.I làm việc dựa trên data, vì thế nếu yêu cầu cần thực hiện có nhiều dữ liệu, dễ tiếp cận thì thành phẩm tạo ra chất lượng sẽ cao hơn. Ngược lại, khi đưa ra đề bài khó, chẳng hạn như ra lệnh cho A.I vẽ trang phục H'mông thì phải chấp nhận rằng không có nhiều dữ liệu hình ảnh, tác phẩm tạo ra cũng không thể như ý muốn tác giả được. Điều quan trọng là người dùng phải biết được cái nào A.I có thể làm tốt còn cái nào nằm ngoài khả năng của A.I kế hoạch hậu kỳ hợp lý. 


Vậy câu hỏi đặt ra là nếu người ứng dụng A.I nhận được đề bài có ít data thì phải làm thế nào? Như tôi đã đề cập ở trên, A.I chỉ là công cụ. Vì thế, người sử dụng A.I cần linh hoạt việc thay đổi các công cụ khác nhau để tạo ra được sản phẩm như ý. Có lúc A.I sẽ đảm nhận nhiệm vụ chính còn designer chỉ phụ trợ và ngược lại. Tùy từng hoàn cảnh, trong team cần phối hợp linh hoạt với nhau để lên kế hoạch sản xuất sao cho hợp lý. Đặc biệt, đội hậu kỳ cần chỉn chu và cẩn thận kiểm tra kỹ sản phẩm để xử lý kịp thời các vấn đề nhạy cảm như văn hóa, lịch sử hay tính thẩm mỹ để không gây ra thiệt hại cho khách hàng. 


Chẳng hạn như tác phẩm Rồng thời Lý, sản phẩm do A.I tạo ra chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu. Phần còn lại đội hậu kỳ phải chỉnh sửa để phù hợp với yêu cầu của khách hàng cũng như văn hóa Việt Nam.


 

Sản phẩm được tạo ra bởi ứng dụng ChatGPT4 về chủ đề Tết cổ truyền  


7/ Theo anh đâu là phẩm chất quan trọng nhất của một người làm A.I?


Theo tôi, năng lực và kiến thức về nghệ thuật thị giác cũng như khả năng cô đọng thông tin dưới dạng các từ khóa sẽ giúp người dùng A.I hoàn thành tốt công việc của mình. Họa sĩ tạo ra tác phẩm là nhờ đôi bàn tay và khối óc sáng tạo, còn người ứng dụng A.I lại dùng keyword cũng như hiểu biết về nghệ thuật thị giác để ra lệnh cho A.I. Tôi từng thấy rất nhiều người chỉ sau 1-2 tháng hứng thú đã bỏ nghề vì không có năng lực sử dụng công cụ. Chỉ có sự kiên trì, ham học hỏi và mindset nghệ thuật phù hợp mới giúp người ứng dụng A.I trụ vững với nghề. 


Người ứng dụng A.I dùng keyword cũng như hiểu biết về nghệ thuật thị giác của mình để ra lệnh cho A.I tạo ra tác phẩm mong muốn



8/ Khi đào tạo học viên để trở thành người ứng dụng A.I, anh nhận thấy đâu là những sai phầm và khó khăn phổ biến newbie hay gặp phải? Lời khuyên của anh là gì?


Một sai lầm phổ biến mà những ai mới bắt đầu học về A.I đó là không kiên nhẫn, sớm bỏ cuộc chỉ sau 1 đến 2 tháng tìm hiểu. A.I là công cụ khá dễ dàng để tiếp cận. Tuy nhiên, dù cho ban đầu nhiệt huyết trào dâng, mong muốn chinh phục cháy bỏng nhưng chỉ sau một thời gian áp dụng mà không thu về kết quả như mong muốn, nhiều bạn newbie thất vọng và vội vàng đưa ra kết luận và đánh giá tiêu cực về A.I.


Như đã đề cập ở trên, A.I xét cho cùng chỉ là một công cụ. Một tác phẩm ra đời chính là sự kết hợp giữa 50% công cụ còn 50% là người sử dụng công cụ đó. Công nghệ thì được update liên tục. Mindset của artist cũng phải bắt kịp sự thay đổi đó để làm chủ được công nghệ và điều khiển nó làm theo ý muốn của mình. Đạt được điều này đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ thay vì tâm lý cả thèm chóng chán. 


Hình ảnh anh Tony Đức sử dụng Midjourney để tạo ra


Cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và giữ đạo đức nghề nghiệp là thách thức lớn 


9/ Trong nghệ thuật, việc ăn cắp chất xám, sao chép là điều tối kỵ. Các nghệ sĩ nếu sao chép tác phẩm của người khác, mắc tội đạo nhái sẽ bị lên án, thậm chí tẩy chay. Nhưng giới hạn ràng buộc A.I về đạo đức hay bản quyền lại vô cùng mơ hồ, mong manh, và có thể chính người dùng A.I cũng không biết được liệu tác phẩm mình tạo ra có đang vi phạm bản quyền hay không. Anh nghĩ sao về nhận định trên?


Hiện nay, đây là vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Tôi nghĩ rằng việc A.I artist tôn trọng chất xám và chấp hành luật bản quyền trong sáng tạo là điều bắt buộc. Những người dùng A.I chân chính sẽ không đưa tên của một nghệ sĩ cụ thể vào prompt để mô phỏng lại phong cách cũng như vay mượn chất liệu từ tác phẩm của họ.


10/ Khi ứng dụng A.I vào công việc sáng tạo, chắc chắn sản lượng sẽ tăng nhưng không có gì đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm. Trái lại, thừa mứa dễ gây ra tình trạng bão hòa, giảm trải nghiệm và giá trị của hầu hết mọi thứ. Anh nghĩ sao về nhận định này, làm sao để cân bằng được giữa sản lượng và chất lượng?


Đúng là A.I sẽ rút ngắn thời gian tạo ra một tác phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của sản phẩm khi bàn giao cho khách hàng, team chúng tôi có đội ngũ hậu kỳ đứng đằng sau để xét duyệt cũng như chỉnh sửa nếu cần. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để cân bằng giữa chất lượng và số lượng các tác phẩm được tạo ra bởi A.I.


11/ Nếu người ta có thể trong nháy mắt dùng máy móc tạo ra được một sản phẩm nhìn na ná tác phẩm mà bình thường phải mất nhiều thời gian và công sức dễ khiến người ta đánh giá sai hoặc coi nhẹ giá trị của việc sáng tạo lẫn người làm sáng tạo. Anh nghĩ sao về nhận định này? 


Theo tôi nhận định trên là sai lầm. Chúng ta có thể mô phỏng lại, thậm chí sao chép y nguyên một bức tranh. Tuy nhiên, giá trị của nghệ thuật nằm ở sự độc bản, tính sáng tạo cũng như ý đồ của người nghệ sĩ - “cha đẻ” tinh thần của tác phẩm đó.


12/ Với người trong nghề như anh, anh nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành sẽ như thế nào? Liệu rằng trong tương lai những định kiến hoặc đánh giá tiêu cực của công chúng có mất đi và dần chấp nhận việc sử dụng công nghệ trong sáng tạo nghệ thuật là việc bình thường hay không?


Trên thị trường, bất kể cái gì mới đều thật khó để được công chúng chấp nhận ngay. Tuy nhiên, thời gian sẽ trả lời những câu hỏi. Công nghệ mới xuất hiện khiến hiệu suất công việc tăng lên và mở ra cơ hội phát triển mới cho những ai biết cách ứng dụng nó. 


Đến một lúc nào đó khi lượng người sử dụng những sáng kiến mới đạt điểm bão hòa thì xã hội cũng sẽ chấp nhận và coi đó là điều đương nhiên. Công nghệ A.I cũng vậy, tôi tin tưởng rằng trong tương lai gần những định kiến khắt khe sẽ biến mất. Công chúng sẽ hiểu được rằng bức tranh tạo ra bởi A.I có giá trị riêng và những người họa sĩ thực thụ cũng có giá trị riêng. Và 2 điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến nhau.  

Minh Anh - Minh Phúc