Thị trường Quảng cáo, Truyền thông Việt Nam ngày càng đông đúc với sự ra đời của hàng loạt agency trong nước (local), sự du nhập của agency quốc tế (global). Mỗi loại hình công ty đều tồn tại những điểm khác nhau về quy mô, cơ cấu nhân sự, quy trình làm việc,... Điều này khiến những bạn trẻ mới ra trường mong muốn bước chân vào thế giới agency "muôn hình vạn trạng" sẽ không khỏi phân vân và lo lắng. 


Nhằm giúp các newbie hiểu hơn về môi trường ngành Quảng cáo - Truyền thông, hãy cùng tìm hiểu những chia sẻ của các nhân sự trong series "Real Agency Life"


Hiểu đúng về ngành Quảng cáo để tránh chọn sai


Trong nhận định của nhiều nhân sự trẻ, Quảng cáo là một ngành nghề sáng tạo, năng động. Do đó, môi trường làm việc trong ngành cũng sẽ mang những năng lượng tích cực như thế. Thế nhưng, anh Quốc Hưng - Growth Director tại Tonkin Media chia sẻ: “Đây không phải là một ngành ‘chanh sả’, quần là áo lượt, chuyên đi đến những địa điểm sang trọng như các bạn vẫn nghĩ. Bên cạnh đó, ngành Quảng cáo cũng không phải là 'thần dược' giải quyết mọi vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt là về doanh số và bán hàng. Cũng có nhiều bạn cho rằng ngành Quảng cáo chỉ gói gọn trong việc chạy quảng cáo Google và Facebook nữa. Điều này dẫn đến nhận biết sai lệch về ngành, khiến thị trường ngày càng trở nên rối rắm", anh bày tỏ.


Theo anh Quốc Hưng, các thương hiệu sẽ tìm đến agency để:

  • Nghiên cứu, lập kế hoạch và thực thi những chiến dịch, hoạt động marketing
  • Cần đẩy mạnh nhận diện thương hiệu, tăng kết nối với khách hàng do đang "yếu thế" so với đội thủ cạnh tranh trên thị trường
  • Tái định vị thương hiệu, và rất nhiều mục đích khác.


Và để làm được điều đó, một agency thông thường sẽ có rất nhiều bộ phận. Mỗi bộ phận sẽ đảm nhận một công việc riêng, kết hợp cùng nhau để vận hành chiến dịch cho khách hàng. Dưới đây là những bộ phận có tại agency Tonkin Media theo chia sẻ từ anh Quốc Hưng:

  • Account: Làm việc trực tiếp với khách hàng từ khi bắt đầu, kết thúc và nghiệm thu chiến dịch
  • Designer: Truyền tải thông điệp bằng hình ảnh, video và các ấn phẩm nghệ thuật theo yêu cầu của khách hàng
  • Content: Thực hiện các đầu việc như lên ý tưởng nội dung, content pillar,...
  • Creative & Strategic Planning: Lập kế hoạch chiến lược, tìm kiếm ý tưởng cho chiến dịch của khách hàng
  • Digital Media: Lập kế hoạch và thực thi các chiến lược tiếp thị trên nền tảng số
  • Business Development/Sales: Tìm kiếm và thuyết phục khách hàng


Từ đó có thể thấy, ngành Quảng cáo/Truyền thông không chỉ gói gọn trong việc chạy quảng cáo trên Facebook hay Google. Công việc của một agency sẽ bao quát tất cả yếu tố đại diện cho thương hiệu: từ hình ảnh, nội dung, ý nghĩa chiến dịch,... Họ bắt đầu từ việc lên kế hoạch chiến lược, ý tưởng sáng tạo, thực thi, sau đó là tổng kết và đánh giá mức độ hiệu quả của chiến dịch. Tùy theo mục đích của khách hàng mà agency sẽ thực hiện chiến dịch đáp ứng nhu cầu.


Tìm hiểu bài viết chi tiết tại đây.


Giải đáp về mức lương khởi điểm dành cho những nhân sự mới ra trường


Để bàn luận sâu hơn về mức lương trong ngành Quảng cáo, anh Nguyễn Hoàng Anh - Media Manager tại TBWA\Group Vietnam cho rằng nên làm rõ định nghĩa "nhân sự mới ra trường”:


1. Nhân sự hoàn toàn chưa có kinh nghiệm va chạm thực tế: Đây là những bạn sinh viên hoàn toàn không có kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp. Phần lớn các bạn chỉ tập trung học 100% nên trong nhiều trường hợp, các bạn sẽ phải chuẩn bị tinh thần thực tập không lương (Unpaid Internship) hoặc may mắn tìm được một số agency chấp nhận tuyển Intern với mức lương từ 2 đến 4 triệu. 


2. Nhân sự đã có kinh nghiệm cọ sát với ngành: Những bạn sinh viên đã được đi thực tập thực tế theo quy định của nhà trường, từng làm Freelancer (làm việc tự do), hoạt động trong các câu lạc bộ, tổ chức phi lợi nhuận (NGOs),... Lúc này, công ty và bộ phận Nhân sự sẽ xem xét dựa trên kinh nghiệm làm việc/hoạt động và thỏa thuận cấp bậc cũng như mức lương phù hợp cho các bạn. Con số này sẽ tùy thuộc vào kinh nghiệm và thế mạnh của từng ứng viên.


Tại mỗi vị trí công việc trong agency như Account, Planner, Content Creator, Graphic Designer, Talent Acquisition,... công ty sẽ phân chia thành nhiều cấp bậc như Intern, Trainee, Junior, Senior và Manager. Dựa trên trải nghiệm cá nhân và quan sát của mình, anh Nguyễn Hoàng Anh đã chia sẻ một số thông tin về mức lương ở từng cấp bậc:



Ngoài ra, anh cũng lưu ý rằng mức lương này chỉ là một tài liệu tham khảo giúp nhân sự hiểu về cách thị trường lao động đang vận hành. Nhân sự có thể định giá bản thân mình cao hơn hay thấp hơn thị trường. Anh Phong Nguyễn - Graphic Designer tại DDB Vietnam cũng bày tỏ mức lương có thể thay đổi theo từng công ty. "Ở các cấp bậc như Senior, Manager,... thì mức lương sẽ được quyết định dựa vào năng lực, kinh nghiệm và khả năng thuyết phục của nhân sự. Con số cuối cùng sẽ là sự cân bằng giữa mức lương nhân sự mong muốn và mức lương công ty có thể chi trả", anh cho biết.


Tìm hiểu các thông tin chi tiết về mức lương trong môi trường agency tại đây.


Quy trình thực hiện một dự án tại agency bao gồm những bước nào?


Mỗi agency sẽ có một quy trình riêng tùy theo yêu cầu của từng dự án, tuy nhiên quy trình cơ bản sẽ bao gồm những bước như sau: 

1. Client Brief - Nhận yêu cầu từ phía khách hàng: Trong buổi họp nhận brief sẽ có sự tham gia của team liên quan (Account, Creative, Planner, Media,...). Ngoài ra, một số dự án còn có thêm một buổi training để các team hiểu thêm thông tin về loại hình sản phẩm hoặc dịch vụ của khách hàng.


2. Brainstorm Idea - Lên ý tưởng và phát triển kế hoạch: Sau khi có được thông tin thì team Account sẽ hỗ trợ team Planner nghiên cứu thị trường, sản phẩm/dịch vụ của khách hàng. Sau đó, Planner và Creative sẽ cùng nhau hoàn thiện bảng kế hoạch để gửi khách hàng.


3. Present - Trình bày kế hoạch chi tiết với khách hàng: Tại buổi họp 2 bên sẽ cùng bàn luận về kế hoạch nhằm đảm bảo dự án thực hiện đúng mục tiêu.


4. Revise + Represent - Chỉnh sửa và trình bày lại (nếu có): Sau buổi họp, Account sẽ tóm tắt feedback của khách hàng và team Planner & Creative cùng chỉnh sửa kế hoạch. Cả team sẽ họp bàn để thống nhất kế hoạch và trình bày lại với khách hàng, quá trình này sẽ lặp lại đến khi khách hàng phê duyệt kế hoạch. 


5. Quotation - Báo giá: Account sẽ lập một bảng báo giá/ ước tính chi phí gửi khách hàng và tiến hành ký hợp đồng hoặc các giấy tờ liên quan.


6. Execution - Thực thi: Cả team cùng nhau thực thi kế hoạch, từng giai đoạn từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án đều được theo dõi, bám sát theo đúng timeline và không vượt quá ngân sách. Đồng thời, quá trình này cũng bao gồm những trao đổi với khách hàng để đảm bảo hoàn thiện việc sản xuất theo đúng yêu cầu.


7. Report/Liquidation - Báo cáo, nghiệm thu: Sau khi đã hoàn thành dự án, team sẽ tiến hành làm báo cáo, nghiệm thu gửi khách hàng thanh toán và tiến hành thanh lý hợp đồng, hoàn tất và đóng lại dự án. 


Khám phá cận cảnh thế giới agency tại đây.


Liệu có cơ hội nào cho những nhân sự học trái ngành "chen chân" vào agency?


Trong quá trình tìm việc khi mới ra trường, hầu hết những bạn làm việc trái ngành đều gặp phải một bất lợi “điển hình”: Chưa có kinh nghiệm và thiếu kiến thức chuyên môn. Điều này khiến cơ hội của các bạn hạn chế hơn so với những ai học đúng chuyên ngành và được đào tạo chuyên nghiệp. Các nhân sự trái ngành tại agency cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn còn cản trở nhân sự trái ngành hoàn thành tốt công việc được giao, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu suất công việc và có thể cản trở lộ trình thăng tiến. Với đặc thù môi trường agency sáng tạo và năng động, để vượt qua khó khăn ban đầu, mỗi nhân sự trái ngành buộc phải bỏ nhiều thời gian học hỏi, trau dồi kiến thức và thích nghi với công việc hơn so với những ai học đúng ngành. Bên cạnh đó, họ cần rèn luyện một tinh thần “thép”, sự quyết liệt cao để có thể phát triển bản thân và cạnh tranh với những nhân sự có chuyên môn giỏi.


Anh Cường Nguyễn - Junior Art Director tại ZEE Agency chia sẻ: “Thời gian đầu làm việc tại agency, mình đã phải đánh đổi vài lợi ích khác và bỏ nhiều thời gian hơn để học hỏi, trau dồi kỹ năng. Với mình, nếu người làm đúng ngành cố gắng 100% thì người trái ngành phải nỗ lực đến 200%. Tuy nhiên, việc học hỏi những kiến thức mới trong quá trình làm trái ngành giúp mình gia tăng sự linh hoạt, kỹ năng tiếp thu và khả năng thích nghi với môi trường mới, từ đó cải thiện những kỹ năng mềm liên quan. Nhờ tích lũy được nhiều trải nghiệm khác nhau, làm trái ngành góp phần thúc đẩy mình phát triển một cách toàn diện hơn.”


Bằng cấp là một yếu tố cơ bản để nhà tuyển dụng có thể đánh giá bước đầu về năng lực của bạn. Việc có bằng cấp chuyên ngành không chỉ giúp mỗi cá nhân củng cố kiến thức nền tảng mà còn là cơ sở để các bạn tự tin hơn vào năng lực bản thân đi khi ứng tuyển. Tuy nhiên, bằng cấp không nói lên tất cả, chính trải nghiệm thực tế sẽ là những bậc thang vững chắc nhất trên con đường thăng tiến. Bởi kinh nghiệm và kiến thức có thể đến từ mọi nơi, mọi lúc. Có thể tự học từ các nguồn tư liệu sách vở, internet, lớp học ngoài giờ hoặc từ những người đi trước - nguồn tư liệu chân thực nhất giúp bạn vẽ nên bức tranh sống động về ngành. 


Để ‘sinh tồn’ trong ngành, điều quan trọng nhất không phải là bằng cấp mà là khả năng tự học của mỗi người. Đó cũng là lý do mình thường trau dồi kiến thức thông qua tài liệu trên internet hoặc học hỏi từ đồng nghiệp và sếp. Quá trình tự học vừa giúp mình có thêm kiến thức thực chiến vừa là thách thức để mình liên tục định vị giá trị bản thân, không chỉ trong công ty mà còn trong ngành”, chị Trúc Thư - Former Content Executive tại MediaZ kết luận.


Cùng khám phá kinh nghiệm “sinh tồn” tại agency dành cho những nhân sự học trái ngành tại đây


REAL Agency Life là series phỏng vấn độc quyền từ Advertising Vietnam, nơi chia sẻ những kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế từ các bạn nhân sự tại các agency. Các bạn có thể đón đọc các bài viết cùng series tại đây.