Sau đại dịch, tưởng chừng làm việc từ xa (work from home) đã trở thành mô hình làm việc của tương lai, thế nhưng từ đầu năm 2023, nhiều hãng công nghệ lớn như Google, Amazon, Meta,... lại đang nỗ lực tìm cách đưa nhân viên trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian, hoặc ít nhất là theo hình thức hybrid với yêu cầu lên văn phòng tối thiểu 2-3 ngày/tuần. 


Gần đây nhất, Zoom đã yêu cầu các nhân viên sống trong bán kính 50 dặm (khoảng 80km) phải đến công ty ít nhất 2 ngày/tuần với lý do “làm việc từ xa khó gây dựng được niềm tin giữa các nhân sự và làm giảm sự sáng tạo”. Việc Zoom yêu cầu nhân viên đến văn phòng làm việc đã gây bất ngờ khi ứng dụng này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa làm việc từ xa. 


Zoom có động thái kết thúc mô hình work from home


Không chỉ có các "ông lớn" công nghệ, làn sóng các công ty yêu cầu nhân viên đến văn phòng làm việc trực tiếp đang ngày càng lan rộng. Việc các agency từ bỏ mô hình làm việc từ xa đã gây ra nhiều tranh cãi và trái chiều từ phía các nhân sự. Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau!


Liệu “cuộc cách mạng” quay lại văn phòng lần này có thành công?


Mục tiêu ban đầu của hình thức làm việc từ xa chính là bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, công ty và cả bản thân nhân sự trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vì thế, work from home được xem như một giải pháp tạm thời để các công ty duy trì hoạt động trong đại dịch. Vào thời điểm đó, làm việc tại nhà trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. 


Dù mô hình làm việc từ xa có thể tạo ra nhiều sự thuận tiện cho nhân viên, thế nhưng nhiều công ty lại cho rằng, quá trình giao tiếp, thực hành và củng cố văn hóa sẽ dễ dàng hơn khi các nhân viên làm việc cùng nhau trong văn phòng. Ông Chris Schmidt - Kỹ sư Phần mềm tại Google chia sẻ với CNN rằng chỉ sau một đêm work from home, tính chuyên nghiệp của nhân viên bị thay thế bởi những buổi điểm danh "cho có" cùng những ảnh hưởng trong công việc khiến mọi thứ bị đảo lộn. 


Tính chuyên nghiệp của nhân sự biến mất khi làm việc tại nhà


Vào giai đoạn đầu năm 2022, nhiều tập đoàn lớn như Amazon, Google,... đã yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng nhằm đảm bảo hiệu suất làm việc. Tuy vậy, những yêu cầu này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhân sự.


Đến năm 2023, làn sóng kêu gọi nhân viên quay lại văn phòng lại một lần nữa quay trở lại và diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Thế nhưng theo kinh nghiệm của mình, bà Rachel Barek - Nhà đồng sáng lập và CEO của Said Differently cho rằng làn sóng yêu cầu nhân sự quay lại văn phòng với hình thức hybrid rồi cũng sẽ thất bại như những lần trước, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sáng tạo. Việc các công ty chuyển đổi từ mô hình làm việc từ xa hoàn toàn sang làm việc kết hợp, yêu cầu nhân sự phải đến công ty từ 2 - 3 ngày sẽ khiến lịch trình làm việc của các nhân sự bị hỗn loạn. 


Lý do mà các agency yêu cầu nhân sự đến văn phòng làm việc là để củng cố văn hoá làm việc nhóm ở công ty, thúc đẩy việc brainstorm và sáng tạo ý tưởng,... Thế nhưng, trên thực tế, mô hình này không “lý tưởng” như những gì các agency mong đợi, đặc biệt là khi một nhân sự sẽ phải lên văn phòng vào 2 - 3 ngày trong tuần chỉ để tham dự vào các cuộc họp mà họ hoàn toàn có thể tham gia trực tuyến. Hơn nữa, các vấn đề như đường truyền Internet có thể gây cản trở cho một cuộc họp có cả những nhân sự tham gia trực tiếp và những người gọi online. 


Nhân sự có thể tham gia meeting tại nhà


Khi mô hình Hybrid quy định số ngày nhân sự trực tiếp làm việc tại văn phòng được áp dụng, nhiều công ty sẽ mong muốn tuyển dụng được những ứng viên sinh sống gần trụ sở nhằm đảm bảo nguồn lực sẵn sàng ứng phó trong các trường hợp gấp. Điều này vô hình trung khiến công ty bỏ lỡ những nhân sự tài năng nhưng lại ở cách xa công ty. Trong trường hợp các agency tuyển dụng những nhân viên ở xa này, “không thể đến văn phòng làm việc trực tiếp” có thể trở thành một yếu tố quan trọng, ngăn cản quá trình thăng tiến của họ. Điều này sẽ khiến các nhân sự cảm thấy bị lãng quên và nảy sinh bất mãn, khiến văn hoá công ty và mối quan hệ giữa các đồng nghiệp ngày càng trở nên mỏng manh.


Trong khi đó, các công ty start-up có mô hình làm việc linh hoạt hơn có thể tuyển dụng những nhân tài đang sinh sống và làm việc ở bất cứ đâu, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh của họ so với các agency có quy định về số ngày làm việc trực tiếp.


Làm việc tại văn phòng có thực sự hiệu quả?


Khi đại dịch bùng phát, các công ty dự kiến ​​​​các nhân viên sẽ chỉ làm việc tại nhà trong vài tuần. Thế nhưng khi thời gian work from home dần biến thành tháng và rồi thành năm, nhiều nhân viên đã tỏ ra vô cùng yêu thích và không muốn quay lại văn phòng làm việc. Thậm chí, nhiều người còn chủ động biến việc làm từ xa thành quyền lợi của họ trong JD, buộc các công ty phải đáp ứng nếu như vẫn muốn giữ chân họ lại làm việc.


Thế nhưng thay vì chỉ đưa ra các thông báo đơn thuần, nhiều công ty đã đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn, đe dọa xử lý kỷ luật hoặc chấm dứt hợp đồng đối với những nhân viên từ chối tuân thủ quy định về số ngày làm việc trực tiếp.


Sau hơn 2 năm làm việc từ xa, các nhân viên tại Google đã chính thức quay trở lại văn phòng theo mô hình Hybrid Working vào cuối năm 2022. Theo đó, mỗi nhân sự phải đảm bảo ít nhất 3 ngày/tuần làm việc trên công ty. Dựa trên lập trường của ông Eric Schmidt - cựu Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của Google, làm việc tại văn phòng có lợi cho sự phát triển của cả nhân viên lẫn doanh nghiệp.


Google nhận thấy làm việc trực tiếp tại văn phòng giúp ích cho cả nhân viên và doanh nghiệp


Chia sẻ với CNBC, ông Schmidt nhấn mạnh: “Làm việc tại văn phòng là cách quản lý hiệu quả đối với nhân sự trẻ. Ở thời điểm đầu, Google chiêu mộ nhiều nhân viên trẻ vừa mới tốt nghiệp. Dù tài năng và đầy sức sống, thế nhưng điểm hạn chế của các nhân viên này là cách cư xử ở nơi làm việc không khác gì ở trường Đại học”


Vì thế, làm việc thực tế ngay tại văn phòng sẽ giúp họ dần có nhiều trải nghiệm hơn và hiểu thế nào là một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đơn cử như khi đến văn phòng, nhân viên sẽ được trau dồi trau dồi kỹ năng thuyết trình, va chạm với đời sống công sở, rèn luyện khả năng ứng xử với đồng nghiệp và cả đối thủ cạnh tranh. “Ở độ tuổi 25-30, đó là những kiến thức nhân sự cần học hỏi. Tôi không nghĩ làm việc từ xa có thể xây dựng được phong cách quản lý, làm việc chuyên nghiệp cho nhân viên”, ông nói.


Bên cạnh đó, theo thông tin Business Insider tiết lộ từ một cuộc họp nội bộ của Zoom, CEO Eric Yuan của Zoom cho rằng làm việc từ xa khiến nhân viên khó xây dựng được niềm tin với đối phương: “Trong những ngày đầu thành lập công ty, tất cả mọi người đều biết rõ nhau. Thế nhưng trong những năm qua, chúng tôi đã thuê rất nhiều ‘Zoomies’ mới, và mô hình làm việc từ xa khiến nhân sự khó xây dựng lòng tin với nhau hơn. Niềm tin là nền tảng của mọi thứ. Không có niềm tin, hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị chậm lại.”


Làm việc từ xa khiến nhân sự khó có thể xây dựng niềm tin với nhau


Ông Eric Yuan cũng cho biết thêm rằng làm việc từ xa làm giảm sự đổi mới vì thiếu các cuộc tranh luận: “Thông thường, nhân sự sẽ dễ dàng nảy ra những ý tưởng tuyệt vời. Thế nhưng khi tất cả đều sử dụng Zoom, việc nghĩ ra ý tưởng mới rất khó khăn.” Theo ông, các nhân sự sẽ khó có thể tạo nên một cuộc trò chuyện thoải mái, tranh luận mang tính xây dựng vì mọi người đều có xu hướng thân thiện với nhau khi tham gia cuộc gọi trong Zoom.


Đưa nhân viên trở lại văn phòng có phải là quyết định đúng đắn của công ty?


Dựa trên những lập luận mà các “ông lớn” đưa ra ở trên, có thể thấy việc các tập đoàn yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng là bởi muốn gia tăng năng suất, gắn kết văn hoá công ty,... Thế nhưng bên cạnh việc cải thiện performance, công ty cần cân nhắc những yếu tố khác như:


1. Chi phí cố định của văn phòng


Trên thực tế, các công ty truyền thống và tổ chức lớn thường ​​sẽ chi nhiều tiền cho không gian văn phòng tại các địa điểm nổi tiếng hoặc khu vực trung tâm. Thế nhưng, đó không phải là yếu tố khiến khách hàng của doanh nghiệp chú ý. Một tổ hợp văn phòng nhiều tầng ở các khu vực sầm uất không thực sự mang lại thêm giá trị cho khách hàng, nhưng các công ty vẫn phải chi quá nhiều tiền cho phần bất động sản này. Trong thời gian kinh tế khó khăn này, khách hàng coi trọng giá trị và mong muốn nhận được sản phẩm tốt nhất với mức giá cạnh tranh. 


Văn phòng hiện đại của Zoom


Cơ sở vật chất tại văn phòng cũng là một yếu tố gây tổn thất tài chính các công ty. Đối với tất cả các agency và công ty mẹ, bất động sản là một trong những chi phí cố định lớn nhất. Và thực tế đã chứng minh rằng những công ty đã giảm chi phí này trong thời kỳ đại dịch đã thu về mức lợi nhuận khổng lồ trên báo cáo doanh thu của họ. 


2. Sức khoẻ tinh thần của nhân sự


Một khảo sát của McKinsey thực hiện vào tháng 7/2022 với sự tham gia của 13.532 công nhân toàn cầu cho thấy, “tính linh hoạt” quan trọng chỉ sau yếu tố “tiền lương” đối với một nhân sự trong bối cảnh ngày nay. Trong một thế giới đề cao khả năng làm việc linh hoạt, thời gian di chuyển từ nhà ở đến văn phòng có thể được nhân viên tối ưu hoá để làm việc, nghỉ ngơi và giải trí. Vì thế, nếu các chính sách và quyền lợi dành cho nhân viên không thật sự hấp dẫn, nhân sự sẽ không muốn quay trở lại công ty.


Liệu trong thời gian tới, các công ty có thay đổi mô hình làm việc để giữ chân nhân sự và thu hút khách hàng? 


Theo AdAge

Kim Ngọc