TheoBáo cáo Lương và Thị trường lao động 2024” của Navigos Group, mặc dù có nhiều biến động trong năm 2023 nhưng 59.1% doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tuyển dụng thêm dưới 25% nhân sự trong năm tới. Đây là cơ hội tốt cho các ứng viên đang muốn tìm kiếm cơ hội công việc mới. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh sẽ cao và các ứng viên cần chuẩn bị tốt trong buổi phỏng vấn để chinh phục các nhà tuyển dụng.


Thị trường tuyển dụng được dự đoán rằng có sự khởi sắc trở lại trong thời điểm đầu năm 2024


Trong một buổi phỏng vấn việc làm, nhà tuyển dụng không chỉ yêu cầu ứng viên phải thể hiện được họ có khả năng chuyên môn phù hợp với công việc, mà còn cần tạo ấn tượng tích cực về bản thân với tư cách là một đồng nghiệp tiềm năng. Việc chuẩn bị kỹ càng bằng cách dự đoán những gì sẽ được thảo luận và thực hành các câu trả lời luôn là một bước quan trọng để ứng viên có được sự sẵn sàng trước khi bước vào buổi phỏng vấn. Và đôi khi các câu hỏi tưởng chừng đơn giản, thường gặp lại là chìa khoá đưa ứng viên đến với công việc mơ ước. 


Dưới đây, ông Timothy Colin Bednall - Phó Giáo sư về Quản lý tại Đại học Công nghệ Swinburne sẽ chia sẻ cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn phổ biến mà các nhà tuyển dụng thường đặt ra.


1. Kể cho chúng tôi nghe một chút về bản thân bạn?


Một cuộc phỏng vấn thường sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi rộng về nền tảng và sự quan tâm của ứng viên đối với công việc. Đó có thể là “Điều gì thúc đẩy bạn ứng tuyển vào vị trí này?” hoặc “Hãy cho tôi biết nguyện vọng nghề nghiệp lâu dài của bạn”.



Đối với những loại câu hỏi có vẻ khá rộng như vậy, một câu trả lời thuyết phục sẽ làm nổi bật những kỹ năng liên quan mà ứng viên có thể phát huy cho vị trí này. Những kinh nghiệm chuyên môn không nhất thiết phải đến từ cùng một vị trí công việc. Ví dụ: nếu đang ứng tuyển vào vị trí Account trong một agency, ứng viên có thể trích dẫn các phương pháp giao tiếp và giải quyết vấn đề đã sử dụng trong quá trình làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng mỹ phẩm.


Một câu trả lời thuyết phục sẽ tập trung vào động lực nội tại. Cụ thể là các khía cạnh của công việc mà ứng viên thấy thú vị hoặc bổ ích. Những điều này có thể liên quan đến việc làm việc trong môi trường sáng tạo, giải quyết các đề bài hóc búa từ khách hàng hoặc tạo ra các chiến dịch truyền thông bùng nổ. Ứng viên nên tránh những nhận xét tiêu cực về cấp trên hiện tại hoặc trước đó và các nguồn động lực bên ngoài như tiền bạc hoặc phúc lợi, trừ khi điều đó là một phần trong cuộc đàm phán tiền lương.


Câu trả lời của ứng viên cũng sẽ cho thấy vai trò đó phù hợp với giá trị của họ như thế nào. Ví dụ: nếu ứng viên đang ứng tuyển vào vị trí truyền thông cho một nhãn hàng thời trang, ứng viên có thể nhấn mạnh sở thích phối đồ, tìm hiểu và cập nhật các xu hướng thời trang trên thế giới, cũng như bất kỳ điều gì về nhãn hàng mà ứng viên ngưỡng mộ, chẳng hạn như thiết kế khác biệt, độc đáo so với thị trường hoặc các chiến dịch hướng đến cộng đồng của họ.


2. Bạn đã làm gì để giải quyết một vấn đề cụ thể trong công việc? 


Các câu hỏi về tình huống cụ thể sẽ yêu cầu ứng viên đưa ra ví dụ thực tiễn về cách họ giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá khứ và kết quả mang lại khi họ lựa chọn phương pháp xử lý đó. Đây là dạng câu hỏi vô cùng phổ biến và không thể thiếu trong một buổi phỏng vấn, đặc biệt là trong thời điểm thị trường vẫn còn nhiều biến động, thách thức như hiện nay. “Báo cáo Lương và Thị trường lao động 2024” của Navigos Group cũng tiết lộ rằng, giải quyết vấn đề sẽ là kỹ năng hàng đầu mà các nhà tuyển dụng ưu tiên tìm kiếm ở các ứng viên.


Mục tiêu của nhà tuyển dụng khi đưa ra câu hỏi này là để đánh giá được khả năng xử lý vấn đề của ứng viên cũng như dự đoán họ sẽ hành xử như thế nào trong những tình huống tương tự. Ứng viên có thể chuẩn bị cho những câu hỏi này bằng cách nghiên cứu các tiêu chí lựa chọn trong bản mô tả công việc và dự đoán những câu hỏi mà người phỏng vấn có thể hỏi. Nếu ứng viên chưa có kinh nghiệm liên quan cho tình huống được hỏi, ứng viên có thể giả định cách giải quyết vấn đề được mô tả và giải thích tại sao bản thân lại có định hướng xử lý như vậy.


Khả năng ứng biến, xử lý vấn đề tốt là điều các nhà tuyển dụng tìm kiếm


3. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?


Câu hỏi về điểm mạnh giúp ứng viên có không gian nêu bật những kiến ​​thức và kỹ năng phù hợp nhất với vai trò họ đang ứng tuyển. Nói chung, ứng viên nên đưa ra những ví dụ về những thành tích cụ thể để minh họa thay vì chỉ đơn thuần liệt kê chúng ra.


Về câu hỏi điểm yếu, ứng viên cần có chiến lược trả lời phù hợp để không khiến bản thân trở nên quá thiếu sót cho vị trí ứng tuyển nhưng vẫn thể hiện được sự thẳng thắn, thái độ cầu thị để cải thiện những điểm còn hạn chế. Ứng viên có thể giải quyết bằng cách đưa ra những “điểm yếu” nhưng không phải là “yếu điểm” mà vị trí tuyển dụng yêu cầu, chuyển hoá chúng thành nguyện vọng tích lũy thêm kinh nghiệm, bổ trợ tốt hơn cho sự nghiệp. Nói cách khác, ứng viên nên tập trung câu trả lời vào một khả năng không quá cần thiết cho vị trí đang phỏng vấn. Ví dụ: nếu không phải là một diễn giả tự tin trước công chúng nhưng nhận thấy điều đó là cần thiết cho sự nghiệp lâu dài của mình, ứng viên có thể nói đó là kỹ năng mà mình muốn rèn luyện.


Bằng cách bày tỏ sự sẵn sàng được đào tạo và phát triển thêm, ứng viên có thể để lại ấn tượng tích cực hơn nhiều so với việc chỉ liệt kê những khuyết điểm hiện tại của mình.


4. Mức tiền lương bạn kỳ vọng cho vị trí công việc này là bao nhiêu? 


Thông thường, việc đàm phán về lương sẽ diễn ra sau khi phía tuyển dụng đưa ra lời đề nghị, nhưng cũng có những trường hợp chủ đề này được đề cập đến trong cuộc phỏng vấn.


Trước khi nêu mong đợi của mình cho nhà tuyển dụng, bạn nên tìm hiểu mức lương và các lợi ích khác liên quan đến vị trí đó. Nếu mức lương chưa được liệt kê trong mô tả công việc, bạn nên hỏi nhà tuyển dụng mức lương dự kiến ​​cho vị trí đó là bao nhiêu. Trước cuộc phỏng vấn, ứng viên hãy thực hiện một số nghiên cứu và tìm hiểu xem mức lương trung bình cho vị trí đang ứng tuyển dựa trên mức độ kinh nghiệm cá nhân.


Sự tìm hiểu kỹ càng trước khi đưa ra mức lương kỳ vọng sẽ giúp ứng viên chủ động hơn trong việc đàm phán


Hãy cẩn thận khi tiết lộ mức lương hiện tại, thông tin này có thể cung cấp cơ sở khiến việc đàm phán mức lương cao hơn trở nên khó khăn. Nếu được hỏi câu hỏi này, ứng viên có thể lịch sự từ chối trả lời hoặc cho biết thông tin bảo mật giữa ứng viên và công ty, không thể tiết lộ chi tiết.


Và dĩ nhiên, đây là quyền lợi của bản thân nên ứng viên cần có sự cởi mở và thẳng thắn, tránh việc ngại ngần mà chấp nhận mức lương không phù hợp với vị trí công việc và kinh nghiệm, khả năng của bản thân.


5. Câu hỏi không thích hợp


Một số nhà tuyển dụng có thể đưa ra những câu hỏi không phù hợp, liên quan đến vấn đề riêng tư của ứng viên và vượt xa khỏi phạm vi về công việc. Chúng có thể liên quan đến tình trạng mối quan hệ, thu nhập gia đình, kế hoạch sinh con, nền tảng văn hóa… 


Nếu được nhà tuyển dụng hỏi một câu hỏi không phù hợp, ứng viên có thể lịch sự hỏi lại xem thông tin đó ảnh hưởng đến khả năng thực hiện công việc của mình như thế nào và thẳng thắn từ chối trả lời nếu phản hồi của họ không cho thấy mức độ liên hệ.


Hãy thể hiện thái độ lịch sự, tôn trọng nhưng vẫn cương quyết khi gặp những câu hỏi không phù hợp 


6. Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?


Thông thường, sau khi đã nhận được những câu trả lời đủ để đưa ra đánh giá về ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ mời người được phỏng vấn đặt câu hỏi riêng của họ. Những câu hỏi được lựa chọn kỹ càng có thể giúp cho ứng viên để lại ấn tượng tích cực lâu dài và thể hiện được ứng viên đang thực sự quan tâm đến vị trí phỏng vấn. Ở chiều ngược lại, việc đặt đúng câu hỏi giúp ứng viên hiểu rõ hơn về công ty mà họ đang tham gia phỏng vấn để đánh giá phần nào mức độ phù hợp của đôi bên.


Trong phần phỏng vấn này, ứng viên có thể làm rõ bất kỳ khía cạnh nào của vai trò mà ứng viên cảm thấy không chắc chắn, chẳng hạn như giờ làm việc, chế độ lương cho thời gian làm việc ngoài giờ... Ứng viên cũng có thể thực hiện một số nghiên cứu về tổ chức và đặt một số câu hỏi cụ thể hơn về khách hàng, dự án hoặc kế hoạch dài hạn của tổ chức đó.


Ngoài những yêu cầu cụ thể của vai trò, một chủ đề hay để hỏi là văn hóa nhóm và tổ chức. Khi kết thúc cuộc phỏng vấn, ứng viên nên hỏi về các bước tiếp theo bao gồm cả thời điểm mong đợi nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng.



Điều cuối cùng các ứng viên cần lưu ý là buổi phỏng vấn là một quá trình hai chiều. Ứng viên cũng đang phỏng vấn nhà tuyển dụng để xem liệu công việc và môi trường ở đó có phù hợp với tính cách cá nhân và định hướng nghề nghiệp của mình hay không. Nếu định hướng công việc, môi trường, văn hoá hoặc con người có vẻ không hấp dẫn sau quá trình phỏng vấn thì ứng viên nên tìm kiếm nơi khác để có cho mình lựa chọn phù hợp nhất.

Theo FastCompany

Hà Duyên