“Bác sĩ” H.D.Thọ nổi tiếng trên mạng xã hội thời gian qua chưa tốt nghiệp trường Y, hành nghề không có chứng chỉ, phát ngôn gây tranh cãi và quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc. Những hành vi này vi phạm nghiêm trọng những điều luật được quy định trong Luật Quảng cáo và Luật Khám chữa bệnh.  


Bắt quả tang vị “bác sĩ” danh tiếng đang hành nghề chui


Tuần qua, thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa thanh tra, kiểm tra, và xử lý hoạt động khám chữa bệnh không phép của nhân vật “bác sĩ H.D.Thọ”. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở khám chữa bệnh của ông Thọ và bà Thu (vợ ông Thọ) không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, và giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, một số đơn thuốc và chai lọ mang nhãn Dr.T cũng được tìm thấy và bị tịch thu để điều tra làm rõ. 


Những ngày qua, các phát ngôn về ăn uống, ung thư, kiến thức về dinh dưỡng của ông Thọ đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trên hàng loạt diễn đàn Facebook, TikTok và giới y khoa, khiến nhiều người nghi ngờ về trình độ chuyên môn và kiến thức của ông. Không chỉ vậy, vị “giáo sư” này cũng tự giới thiệu bản thân là "chuyên gia dinh dưỡng và thực dưỡng, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1996, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), và Bệnh viện Đa khoa Hà Nam". Tuy nhiên, bên phía bệnh viện Việt Đức đã rà soát hồ sơ nhân sự của toàn viện trong nhiều năm và không thấy hồ sơ của ông Thọ.


Lời giới thiệu của “bác sĩ” H.D.Thọ cài cắm những thông tin sai sự thật về chuyên môn, trình độ và kinh nghiệm làm việc để lừa đảo khách hàng


Khi được tra hỏi về hành vi thăm khám và bán thuốc không rõ nguồn gốc, ông Thọ khẳng định mình chỉ đang tư vấn dinh dưỡng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã thu được các vật phẩm như đơn thuốc, các chai lọ dung dịch không rõ nguồn gốc,... Đặc biệt, một số người có mặt tại hiện trường tự nhận là bệnh nhân của ông Thọ, được thăm khám, chẩn đoán bệnh, và được kê đơn thuốc với giá đắt đỏ. 


Thanh tra Sở đã yêu cầu ông Thọ và bà Thu ngưng ngay hoạt động khám chữa bệnh, bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc khi chưa có giấy phép hoạt động; ngưng ngay quảng cáo liên quan hoạt động khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép và chưa có hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định.


Tính chất sai phạm nghiêm trọng của sự việc “lang băm mạo danh bác sĩ”


Hành vị giả mạo bác sĩ để quảng cáo bán thuốc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Thế nhưng, ngoài trường hợp của ông H.D.Thọ, ta còn dễ dàng bắt gặp nhiều quảng cáo bán thuốc Đông Y với độ xác thực không rõ ràng trên mạng xã hội. Phần lớn nạn nhân của những quảng cáo bán thuốc lừa đảo là người lớn tuổi và người nhà của bệnh nhân. Họ nhắm mắt tin tưởng những lời cam kết mơ hồ về một liều “thần dược” giúp đẩy lùi bệnh tật vì tha thiết muốn nắm lấy mọi cơ hội chạy chữa. Hậu quả, bệnh cũ chưa lành nhưng bệnh mới phát sinh. Đây là những hệ lụy vô cùng đáng tiếc mà người bệnh sẽ phải gánh chịu khi đặt niềm tin không đúng chỗ. 


Để chiếm lấy lòng tin của người tiêu dùng, nhiều quảng cáo lừa đảo sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng hoặc các chuyên gia trong nghề. Khi đó, bản thân người bị ăn cắp hình ảnh cũng sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và công việc của mình, bị cộng đồng chỉ trích và lên án. Thậm chí, nhiều người mạo danh bác sĩ, chuyên gia còn sẵn sàng đầu tư một số tiền lớn để làm giả giấy tờ chứng thực, khiến người tiêu dùng khó lòng phân biệt. Hành vi giả mạo và sử dụng trái phép hình ảnh của người khác để quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tùy vào mức độ có thể bị truy tố hình sự đến 15 năm tù giam. 


Người dân nên tin tưởng, thăm khám ở các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để tránh “tiền mất tật mang”


Hành vi gian dối về dịch vụ sức khỏe có thể bị xử phạt hình sự đến 15 năm tù giam


Không khó để bắt gặp những quảng cáo bán thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc từ các bác sĩ, dược sĩ online trên mạng xã hội. Lợi dụng điểm yếu về kiến thức y học của nhiều người, họ đưa ra những kiến thức và lập luận sai lầm nhưng nghe qua lại có vẻ “hợp lý”. Những video quảng cáo này thường có kịch bản rất thuyết phục, đánh mạnh vào tâm lý muốn trị bệnh dứt điểm, nhanh chóng của người dùng. Nhiều video còn cho người giả làm bệnh nhân đã khỏi bệnh, thậm chí còn “dìm” các sản phẩm khác để nâng tầm chất lượng, chức năng của sản phẩm của mình. 


Theo Luật sư Hoàng Tuấn Vũ - Làm việc tại công ty Luật TNHH Tuệ Anh: “Hành vi mạo danh bác sĩ, tự ý đưa ra y lệnh và thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà người phạm tội có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh”


1. Hành vi mạo danh bác sĩ, nhân viên y tế, sử dụng hình ảnh ngành y để lừa đảo:


Theo Luật sư Hoàng Tuấn Vũ, các hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 đến 30 triệu VND theo Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Việc lợi dụng danh tiếng, tên tuổi của các bệnh viên và các bác sĩ/chuyên gia đầu ngành để quảng cáo là không đúng với quy định của pháp luật. Không chỉ vậy, những “diễn viên” được thuê để đóng vai bác sĩ, y tá trong những clip quảng cáo trên có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm liên đới về hành vi lừa gạt lòng tin của người tiêu dùng. 


2. Hành vi dụ dỗ mua sản phẩm/dịch vụ, tư vấn sai trái, phản khoa học:


Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, nếu các “bác sĩ” có hành vi bán thuốc giả, kém chất lượng, không có tác dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng và tính chất tái diễn của hành vi phạm tội.


Trong quá trình “hành nghề”, nếu các “bác sĩ” có hành vi tư vấn phản khoa học, bán sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc không rõ ràng,... gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu VND, thậm chí bị truy tố hình sự với hình phạt lên đến 15 năm tù giam.


Người dân cần cảnh giác trước những phương thuốc tràn lan không rõ nguồn gốc


3. Hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu:


Nhiều đối tượng lừa đảo chấp nhận đầu tư một khoản tiền lớn để làm giả giấy tờ, tài liệu để lừa gạt người tiêu dùng. Tuy nhiên, làm giả giấy tờ là một tội rất nặng. Luật sư Hoàng Tuấn Vũ cho biết những đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức”, và/hoặc tội “Sử dụng tài liệu con dấu giả” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu VND, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đặc biệt, các trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù lên đến 05 năm.


4. Hành vi “thổi phồng” về chất lượng sản phẩm:


Các trường hợp cố tình “thổi phồng” công năng của thuốc, khiến người mua nhầm lẫn hoặc mua về sử dụng nhưng hiệu quả không đúng theo quảng cáo,... được xem là hành vi quảng cáo sai sự thật. Nhà quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính từ 60 đến 80 triệu VND, theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.


Nếu các cá nhân, tổ chức đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về hành vi quảng cáo sai sự thật vẫn tiếp tục tái phạm dù chưa được xóa án tích, thì sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu VND hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Không chỉ vậy, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu VND, đồng thời cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm. Những điều này được quy định trong Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối.


5. So sánh, cạnh tranh không lành mạnh:


Luật Quảng cáo 2012 nghiêm cấm hành vi quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình với sản phẩm, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác. 


Các chiến dịch quảng cáo so sánh, cạnh tranh với đối thủ không hẳn xa lạ trên thị trường. Đa phần, những chiến dịch này trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều, từ đó tăng độ nhận diện cho cả hai thương hiệu. Tuy nhiên, đôi lúc doanh nghiệp sẽ phải nhận "tác dụng ngược", bị chỉ trích vì "chơi không đẹp".


Paula's Choice từng gây bức xúc vì "dìm hàng" đối thủ


Màn "đáp trả" nhẹ nhàng của Obagi được người dùng ủng hộ


Những điều cần lưu ý khi quảng cáo cho lĩnh vực dược phẩm - y tế


Để thực hiện các hoạt động Marketing và Quảng cáo cho mọi lĩnh vực, các doanh nghiệp đều cần lưu ý chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền mua bán, sử dụng tài sản. 


Đối với các sản phẩm dạng thuốc và thực phẩm chức năng, cần lưu ý quy định tại khoản 30, 31 Điều 1 của Nghị định 18/2023/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp bán hàng và người tham gia bán hàng có trách nhiệm: “Không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.”


Khi booking các Bác sĩ/Chuyên gia để quảng cáo cho một sản phẩm thuộc lĩnh vực dược phẩm - y tế, các agency và thương hiệu cần lưu ý thực hiện đúng theo quy định của Luật Quảng cáo 2012 cho nhóm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Cần lưu ý: 

  • Chỉ quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế. 
  • Thuốc phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ y tế phê duyệt.


Chỉ đưa tin về thuốc được phép quảng cáo và có giấy phép lưu hành tại Việt Nam


Ngoài ra, trong các tài liệu quảng cáo cần lưu ý không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh; bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế nếu các thông tin trên không hợp pháp và không được kiểm chứng.


Ngoài ra, doanh nghiệp cần yêu cầu các đối tượng Bác sĩ/Chuyên gia mình sắp hợp tác cung cấp bằng cấp và chứng chỉ có liên quan đến ngành nghề của mình. Các bác sĩ chính quy phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:

  • Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng) và ngành Răng - Hàm - Mặt. 
  • Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).


Hoạt động quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người cần được thực hiện cẩn thận, hợp pháp, quảng cáo trung thực, tận tâm, không vi phạm đạo đức nghề nghiệp.


Kim Thảo