Bia rượu được xem là một ngành hàng khó quảng cáo tại Việt Nam. Bởi hoạt động quảng cáo bia rượu không chỉ bị hạn chế trên các nền tảng mạng xã hội mà còn chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật hiện hành về quảng cáo. 


Thời điểm năm hết Tết đến cũng là lúc các thương hiệu đẩy mạnh những nội dung quảng cáo về đồ uống có cồn. Vì vậy, bài viết sẽ làm rõ các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo bia rượu tại Việt Nam qua những chia sẻ của luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco để hướng dẫn marketer làm quảng cáo đúng luật!


Luật pháp Việt Nam đưa ra những quy định gì quảng cáo rượu bia? 


Theo luật sư Hà Huy Phong, pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể dựa trên nồng độ cồn trong sản phẩm rượu bia. Theo đó, có 3 mốc là: dưới 5,5 độ; từ 5,5 độ đến 15 độ; trên 15 độ, mỗi mốc sẽ có những hành vi bị cấm hoặc không được phép thực hiện:


1. Rượu có độ cồn trên 15 độ 


Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 khoản 7 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên là hành vi bị cấm.


2. Rượu và bia có độ cồn dưới 5,5 độ


Theo quy định tại Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, quảng cáo rượu, bia có nồng độ cồn dưới 5,5 độ phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia.


Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia. 


Quảng cáo không được thể hiện các nội dung:

  • Có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;
  • Sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia.


Quảng cáo rượu bia không được nhắm mục tiêu đến những người dùng dưới 18 tuổi


Ngoài ra, quảng cáo rượu, bia có cồn dưới 5,5 độ không được thực hiện trên các phương tiện sau đây: 

  • Sự kiện, phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;
  • Phương tiện giao thông;
  • Báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
  • Phương tiện quảng cáo ngoài trời vi phạm quy định về kích thước, khoảng cách đặt phương tiện quảng cáo tính từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.


3. Rượu có độ cồn 5,5 - 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ


Theo quy định tại Điều 13 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải tuân thủ các quy định như quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ và không quảng cáo trong các trường hợp: 

  • Trong các chương trình, hoạt động văn hóa, sân khấu, điện ảnh, thể thao;
  • Trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời, trừ biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia.


Mức xử phạt đối với vi phạm các quy định về quảng cáo rượu, bia


Rượu, bia là sản phẩm chỉ được tiêu thụ bởi những người dùng đủ 18 tuổi (theo Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019) nên hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc quảng cáo rượu, bia sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. 


Ngoài ra, luật sư Hà Huy Phong cho biết, khung hình phạt cũng được áp dụng khác nhau tùy vào nồng độ cồn của sản phẩm rượu, bia được quảng cáo:


  • Rượu có độ cồn trên 15 độ: Hành vi quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng (theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP)
  • Rượu có độ cồn dưới 15 độ: Hành vi vi phạm Điều 12, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 được nêu ở phần trên bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (theo quy định tại Khoản 2, Điều 33, Nghị định 117/2020/NĐ-CP) 
  • Rượu có độ cồn 5,5 - 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ: Hành vi vi phạm Điều 13 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 được nêu ở phần trên bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (theo quy định tại Khoản 3, Điều 33, Nghị định 117/2020/NĐ-CP) 


Các mức phạt nêu trên là mức phạt áp dụng với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức gấp đôi mức phạt đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm.


Lưu ý khi thực hiện quảng cáo rượu, bia


Bên cạnh các hình thức quảng cáo truyền thống như báo chí, quảng cáo ngoài trời, phương tiện giao thông,... quảng cáo rượu bia còn được phát triển đa dạng dưới nhiều định dạng như music marketing hay product placement (đặt sản phẩm trong các chương trình nổi tiếng).


Rượu, bia là sản phẩm PPL quen thuộc trong các bộ phim Hàn Quốc


Luật sư Hà Huy Phong lưu ý marketer dù áp dụng hình thức nào cũng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo rượu, bia. Trong đó, một lỗi sai mà các nhà quảng cáo thường mắc phải là đặt các cảnh báo phòng, chống tác hại của rượu, bia quá nhỏ, khiến khán giả khó tiếp cận và nhìn thấy.


“Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 24/2020/NĐ-CP, quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có một trong các nội dung cảnh báo: ‘uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông’, ‘uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi’, ‘người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia’. Quảng cáo rượu, bia trên báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, đài phát thanh có hình, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác có hình ảnh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi hình phải thể hiện nội dung cảnh báo bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền bảo đảm dễ nhìn, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo. Trường hợp quảng cáo rượu, bia trên truyền hình thì phải cảnh báo bằng chữ viết phải thể hiện theo hết chiều ngang của màn hình” - luật sư Hà Huy Phong cho biết.


Như vậy, quảng cáo rượu, bia phải bao gồm các nội dung cảnh báo: “uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông”, “uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi”, “người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia”. Và nội dung này chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo, được thể hiện bằng chữ dễ nhìn, có màu tương phản với màu nền hình ảnh.


Đối với các đơn vị cộng tác cùng thương hiệu để thực hiện quảng cáo rượu, bia như báo chí, người ảnh hưởng, đơn vị tổ chức sự kiện được nhận tài trợ,... luật sư chỉ ra một số điểm cần lưu ý:


1. Xác định rõ mặt hàng quảng cáo là rượu, bia thuộc loại nào, có được phép quảng cáo hay không, nếu có thì điều kiện là gì: 


Theo nội dung được trình bày ở trên, có 3 mốc là: Rượu có độ cồn trên 15 độ; Rượu và bia có độ cồn dưới 5,5 độ; Rượu có độ cồn 5,5 - 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ. Đơn vị thực hiện quảng cáo cần xác định nồng độ của rượu để soi chiếu các quy định áp dụng phù hợp.


Tuỳ thuộc vào nồng độ cồn, quảng cáo sản phẩm rượu, bia sẽ có những quy định cụ thể (Ảnh minh hoạ) 


2. Yêu cầu nhãn hàng cung cấp các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo của tổ chức, cá nhân, sản phẩm rượu bia cần quảng cáo.


Các tài liệu này bao gồm đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh rượu, công bố hợp quy sản phẩm rượu, chứng từ nhập khẩu,..


3. Kiểm tra các tài liệu do nhãn hàng cung cấp có phù hợp với điều kiện theo quy định của pháp luật hay không trước khi ký hợp đồng phát hành quảng cáo 


Đơn vị thực hiện quảng cáo cần kiểm tra những tài liệu (hình ảnh, video,...) mà doanh nghiệp cung cấp có chứa một trong những thông tin cảnh báo: ‘uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông’, ‘uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi’, ‘người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia’ hay chưa? Thông tin cảnh báo có chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo hay không? 


Nếu chưa thỏa mãn những điều kiện trên, đơn vị thực hiện quảng cáo có quyền yêu cầu doanh nghiệp bổ sung đầy đủ thông tin trước khi ký kết hợp đồng. 


4. Kiểm tra chính sách của nền tảng


Bởi luật quy định nền tảng quảng cáo phải được áp dụng công nghệ chặn lọc, kiểm soát độ tuổi để hạn chế người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận thông tin, đơn vị nhận quảng cáo cần hết sức lưu ý khi thực hiện quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến. Trước khi thực hiện quảng cáo, đơn vị nhận quảng cần đảm bảo có thể áp dụng những biện pháp hạn chế người dưới 18 tuổi truy cập. Hiện tại, YouTube là nền tảng đã áp dụng chính sách giới hạn độ tuổi người xem.


YouTube là nền tảng đã áp dụng chính sách giới hạn độ tuổi người xem


Lý Tú Nhã