Khi Mỹ tìm cách rút chuỗi cung ứng khỏi thị trường Trung Quốc, một hy vọng mới cho Việt Nam có thể trở thành công xưởng mới của thế giới. Các mặt hàng “Made in Vietnam” và “Made in China” sẽ có khả năng hoán đổi vị thế trên thị trường.


Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch Covid-19 khi không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào. Nỗ lực phòng chống dịch của đất nước hình chữ S được bạn bè quốc tế hết lời ca ngợi như một điểm sáng của khu vực. Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ tích trữ đang tăng cao khiến Việt Nam trở thành nước đi đầu về hiệu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng thời Covid.



Quan hệ Mỹ - Trung đi vào ngõ cụt


Một sự thật không thể chối cãi rằng đại dịch Covid-19 chính là “chất xúc tác” gia tăng tình hình căng thẳng giữa hai nước Mỹ - Trung. Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần đổ lỗi cho Trung Quốc về "thuyết âm mưu" COVID-19. Mới đây ông cũng tuyên bố với kênh Fox News rằng “chúng tôi sẽ cắt đứt toàn bộ mối quan hệ với nước này”. Vào ngày 18/5, các quan chức Hoa Kỳ được đưa tin đang lên kế hoạch bù đắp cho các doanh nghiệp đang hoạt động nước ngoài với một "quỹ tái định cư" trị giá 25 tỷ USD. Chính phủ Nhật Bản cũng dự tính chi trả cho các doanh nghiệp của mình để đưa hoạt động từ Trung Quốc trở về quê nhà.


Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung


Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng đe dọa đặt ra một mức thuế mới trên mức 25% hiện hành đối với một số hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho các công ty Mỹ hiện vẫn hoạt động trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc, đưa ra cho họ hai lựa chọn: tiếp tục ở lại hoặc trở về nước?


Cơ hội nào cho Việt Nam?


Theo nhiều dự đoán, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, ông lớn xứ cờ hoa đang xem xét thiết lập một liên minh mới để dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Liên minh này có tên là Mạng lưới Thịnh vượng kinh tế (Economic Prosperity Network) bao gồm các "đối tác tin cậy" trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong những năm gần đây, không ít các công ty đa quốc gia đã rút chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vì Mỹ áp đặt nặng mức thuế quan cho hàng hoá nhập khẩu từ quốc gia này. Họ phải tìm đến những quốc gia như Việt Nam, nơi lao động rẻ và cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ. Năm ngoái, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, đóng góp gần 1/5 tổng số USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tiếp theo đó là Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc.


Công nhân tại nhà máy Việt Nam


Không chỉ vậy, Việt Nam còn là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và một hiệp định mới ký kết với Liên minh châu Âu vào năm ngoái...


 “Nền kinh tế Việt Nam giống như một mùa xuân bị đè nén đang chờ đợi thời cơ bùng nổ” , theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định với đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong một sự kiện trực tuyến.


Vì những lý do trên, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng khi Mỹ quyết định dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.


Apple mở nhà máy sản xuất tai nghe tại Việt Nam


Apple là một trong những nhân vật nổ phát súng đầu tiên cho sự chuyển giao chuỗi cung ứng của Mỹ. Đầu tháng 5, đại gia công nghệ thông báo sẽ mở nhà máy sản xuất tai nghe không dây đầu tiên tại Việt Nam. Theo đó, 3-4 triệu chiếc AirPods, tương đương với khoảng 30% tổng sản lượng AirPods toàn cầu sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào tháng 4/2020. Ngoài ra, hàng loạt nhà cung cấp của Apple, bao gồm Foxconn, Pegatron (nhà lắp ráp iPhone), Compal Electronics (nhà sản xuất iPad), Inventec (đối tác lắp ráp AirPods) cũng đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Một số nhà phân tích gọi đây là sự mở rộng của chiến lược “China plus one” (Trung Quốc +1) hay “China plus two” (Trung Quốc +2). Nghĩa là, các công ty nước ngoài vẫn duy trì một số chuỗi cung ứng ở Trung Quốc nhưng đa dạng hóa hoạt động sang các nước khác, đặc biệt là các quốc gia lân cận như Việt Nam.


Mặt hàng “Made in Vietnam” vẫn chưa thể thay thế “Made in China” 


Mặc dù đứng trước những cơ hội vàng để bứt phá kinh tế, nhưng những mặt hàng "Made in Vietnam" hiện tại vẫn chưa thể thay thế hàng hoá của Trung Quốc. Để lý giải điều này, David Dodwell, Giám đốc điều hành của Nhóm nghiên cứu chính sách thương mại Hồng Kông-APEC, đã lưu ý một số điểm khác biệt lớn giữa hai nước.


Về quy mô kinh tế


Các nhà phân tích lưu ý rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2018 thấp hơn 55 lần so với Trung Quốc. Trong khi đó, GDP của 15 tỉnh Trung Quốc đã áp đảo GDP của cả nước Việt Nam. Hơn nữa, Trung Quốc hiện có khoảng 800 triệu công nhân sản xuất, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 55 triệu. Giám đốc Dodwell cũng lưu ý rằng, tỷ trọng sản lượng sản xuất toàn cầu của Trung Quốc là hơn 28% trong khi Việt Nam chỉ là 0,27% vào năm 2017.


Sự khác biệt lớn về quy mô kinh tế và kỹ thuật giữa Việt Nam - Trung Quốc


Về kỹ thuật


Các cảng container tại Thượng Hải thuộc top những cảng bận rộn nhất thế giới, có thể xử lý 40 triệu container mỗi năm. Trong khi cảng lớn nhất Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thể xử lý 6,15 triệu container. Một vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam là người dân vẫn đang vật lộn đối phó với nhu cầu điện ngày càng tăng. Trong tháng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải yêu cầu các hộ gia đình và doanh nghiệp cắt giảm việc sử dụng điện, bao gồm cả tắt đèn quảng cáo vào ban đêm. Cũng có một thực tế là Trung Quốc là một thị trường tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh. Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài có thể kỳ vọng đạt được lợi nhuận lớn ở thị trường trong nước mà không cần phải xuất khẩu.


Việt Nam - Săn đón cơ hội hay “Kẻ lạm dụng” thương mại?


Mọi việc dường như không đơn giản như bề ngoài. Kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống vào tháng 1/2017, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam có thể nói là không mấy bình lặng. Thậm chí, Trump còn đả kích Việt Nam là “kẻ lạm dụng tồi tệ nhất” vì lợi dụng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ, dẫn đến thâm hụt thương mại đáng kể cho nước này. Để giải quyết vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký một số thỏa thuận nhập khẩu với trị giá hàng tỷ USD. Nhưng những nỗ lực của Việt Nam vẫn không thể ngăn chặn thặng dư thương mại với Mỹ ngày càng tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, thặng dư thương mại của nước ta với Mỹ đã tăng từ 34,9 tỷ USD (năm 2018) lên 47 tỷ USD (năm 2019).


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc


Mấu chốt ở đây là nếu Mỹ rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và chuyển một số lượng đáng kể sang Việt Nam, từ đó thúc đẩy lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, thì thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Và nếu trường hợp Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2020, có thể ông sẽ tiếp tục than phiền về thâm hụt thương mại của Mỹ cùng lúc với việc điều hành chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong trường hợp đó, Hà Nội sẽ cần phải cẩn trọng trong việc tạo thế cân bằng để có thể thay thế Trung Quốc.

Ngọc Anh / Advertising Vietnam

Theo Vietnam Insider