“Sai vặt” là một nét văn hóa quen thuộc môi trường công sở. Ngoài những đầu việc đã được liệt kê trong JD, nhiều nhân sự như Designer còn thường kiêm thêm cả vai trò “trợ lý” bất đắc dĩ cho sếp, bị nhờ vả chỉnh hình cá nhân hay chụp ảnh “sống ảo”.


“Được sếp nhờ chỉnh hình cá nhân chứng tỏ bản thân có năng lực”


Trong môi trường công sở, các nhân sự thường khó tránh khỏi những đầu việc “ngoài rìa”, không thuộc trách nhiệm nhưng vẫn “đến tay” vì sếp nhờ vả. Chị P.U - Graphic Designer chia sẻ: “Trước đây khi còn là Intern, mình cũng thường được sếp nhờ retouch hình cá nhân hoặc quay video TikTok với mục đích ‘sống ảo’. Giúp đỡ sếp là chuyện nhỏ, nên mình không muốn phải từ chối khiến cấp trên mất thiện cảm. Mình cũng thấy khá vui khi được sếp nhờ những việc liên quan đến chuyên môn, chứ không đơn thuần là sai vặt. Vậy nên, mình thà chịu khó một xíu để sếp hài lòng, sếp an tâm, sếp ít feedback.”


Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Q.A - Designer cho biết, mỗi khi sếp mới đi du lịch về, anh thường được nhờ chỉnh hình cá nhân, phục vụ cho những bài đăng trên mạng xã hội. “Nhìn ở một góc độ nào đó, điều này chứng tỏ rằng sếp thấy được giá trị và khả năng của mình trong việc sản xuất các sản phẩm truyền thông. Vì vậy, mình cũng vui vẻ giúp đỡ với tư cách là bạn bè, chứ không phải mối quan hệ giữa sếp và nhân viên.”


Khi được sếp nhờ vả, nhân sự không muốn từ chối vì sợ làm mích lòng cấp trên


Ngoài những lý do như sợ làm mích lòng cấp trên, hoặc giúp đỡ với tư cách bạn bè, các nhân sự còn nhận task riêng của sếp vì cảm thấy công việc cũng không phiền phức và tốn nhiều thời gian. Anh Q.H - Video Editor cho hay: “Thông thường, sếp sẽ nhờ những việc không quá khó, đúng vào thời điểm mình đang trống task. Mình cũng xem như đó là cơ hội để lấy lòng và thể hiện khả năng với cấp trên.”


Quá tải nhưng ngại từ chối khi sếp nhờ việc riêng


Có thể thấy, văn hoá “nhờ vả” không còn là một hiện tượng quá xa lạ ở chốn công sở. Thế nhưng, bên cạnh những nhân sự vui vẻ sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc riêng của sếp, một số người lại rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì lỡ nhận lời trong khi bản thân đang quá tải (overload).


Theo chị P.U, việc thường xuyên bị sếp nhờ vả làm việc riêng không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất và chất lượng công việc, mà còn khiến nhân sự dễ rơi vào trạng thái căng thẳng vì phải chật vật tìm cách đáp ứng, từ đó nảy sinh tâm lý tiêu cực với cấp trên. “Mình từng tự làm khó bản thân khi đang ôm đồm quá nhiều việc nhưng lại ngại từ chối task riêng của cấp trên. Một buổi quay chụp cho sếp chỉ tốn khoảng 30-40 phút, nhưng nó khiến mình bị phân tâm, ảnh hưởng đến timeline và chất lượng của những đầu việc khác.”


Nhận lời giúp đỡ sếp trong lúc đang overload có thể khiến nhân sự càng thêm căng thẳng, thậm chí nảy sinh tâm lý tiêu cực với sếp


Anh Q.A cho biết, lý do khiến các nhân sự khó từ chối khi cấp trên giao việc riêng là bởi tâm lý sợ mất lòng: “Cũng giống như tất cả những mối quan hệ trên - dưới khác, sếp là người mà mình đang phải dựa dẫm vào. Họ mang lại cho nhân sự những giá trị và cơ hội, nên mình sẽ ngại phải nói ‘không’ với họ. Đồng thời, điều này cũng xuất phát từ văn hóa câu nệ của người Việt.”


“Nhờ một chút thì đôi bên hoan hỉ, có thể giúp đỡ như anh em bạn bè. Nhưng nếu sếp cứ mãi làm phiền, kể cả khi nhân sự đã từ chối khéo với lý do bận task công ty, thì đây chắc hẳn là một ‘red flag’”, chị P.U nhận định. 


Ngoài ra, theo anh Q.A, nhân sự cũng nên xem xét cấp trên của mình đang nhờ vả theo tư cách gì. Nếu đó là kiểu sai bảo, ép buộc thì nhân sự nên tìm cách từ chối để tránh ảnh hưởng đến văn hóa làm việc. 


Chị P.U cho biết, nếu nhân sự đã từ chối khéo với lý do bận task công ty nhưng sếp vẫn làm phiền thì đây chắc hẳn là một "red flag"


Từ chối khôn khéo để “sinh tồn” chốn công sở


Nhiều nhân sự quan niệm rằng, một trong những bí kíp để “sinh tồn” chốn công sở chính là học cách từ chối khéo léo và tinh tế. Anh Q.A cho biết, lý do công việc chính là phương án an toàn nhất để tránh bị sếp nhờ vả. “Nếu không thể giúp đỡ, nhân sự cần trao đổi thẳng thắn, bày tỏ bản thân đang overload và không có thời gian dành cho công việc ấy.”   


Còn theo cách xử lý của chị P.U: “Trong trường hợp này, mình nghĩ nhân sự không nên trốn tránh hay cố tình ngó lơ vì như vậy càng dễ làm mất lòng cấp trên. Thay vào đó, mình sẽ tìm cho sếp một ‘thế thân’ có thể giúp đỡ họ.” 


Thẳng thắn bày tỏ lý do bản thân không thể giúp đỡ, đồng thời đưa ra phương án khác chính là cách để các nhân sự từ chối việc riêng của cấp trên


Một số nhân sự thường từ chối với lý do công việc sếp nhờ không thuộc trách nhiệm của bản thân. Tuy nhiên, đây được đánh giá là cách trả lời cứng nhắc và thiếu khôn khéo. Anh Q.A nhận định: “Ngày nay, có rất nhiều nhân sự đang phải làm những task không nằm trong mô tả công việc. Chuyện Intern đi mua cà phê dù không được viết trong JD, nhưng họ vẫn cứ làm đấy thôi. Do đó, mình nghĩ nên xem chuyện sếp nhờ vả là việc nhỏ, tránh lấy lý do bản thân không có trách nhiệm phải làm. 


Bên cạnh đó, việc từ chối lời nhờ vả của sếp chỉ vì bản thân ‘không ưa’ cấp trên, theo mình cũng chẳng phải là chuyện nên làm. Bởi lẽ, môi trường công sở không phải nơi mình có thể sống đúng theo cảm xúc của bản thân, thích thì làm, không thích thì từ chối.”


Nội dung: Phương Anh

Minh họa: Huy Mai