Từ những năm 1950, cụm từ “Trí tuệ nhân tạo” (A.I) ra đời khi các nhà khoa học bắt đầu học cách đào tạo máy tính để bắt chước một số hình thức lý luận của con người, cho phép công nghệ máy học trở thành những người bạn đồng hành thông minh mà chúng ta sử dụng ngày nay. 


Trong những tháng gần đây, các công cụ A.I như ChatGPT và DALL-E đã thu hút sự chú ý của công chúng, từ đó dẫn đến sự thay đổi suy nghĩ về những gì trí tuệ nhân tạo có thể làm: ChatGPT có thể giải thích về hầu hết mọi chủ đề cho người dùng bằng văn bản, trình tạo hình ảnh DALL-E cho phép người dùng nhập mô tả và nhận những bức ảnh do A.I tạo chỉ trong vài giây,...


Công cụ DALL-E 2 giúp người dùng sáng tạo hình ảnh bằng cách nhập văn bản


Tham dự Liên hoan Sáng tạo Cannes Lions 2023 mới đây, đại diện của Meta đã chia sẻ về những chiến lược tích hợp A.I trong các ứng dụng. Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau!


Kế hoạch phát triển A.I của Meta


Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân vào ngày 28/02/2023, CEO Mark Zuckerberg cho biết tập đoàn đang thành lập một đội ngũ chuyên tập trung vào trí tuệ nhân tạo. Bộ phận này bao gồm các thành viên đến từ nhiều đơn vị khác nhau tại Meta và được quản lý trực tiếp bởi Ông Chris Cox - Giám đốc Sản phẩm tại Meta. Qua đó, nhóm sẽ xây dựng các trải nghiệm thú vị xung quanh công nghệ A.I tạo sinh (Generative A.I) để tích hợp chúng vào các sản phẩm khác nhau của tập đoàn. “Chúng tôi đang khám phá các trải nghiệm với văn bản (như trò chuyện trong WhatsApp và Messenger), hình ảnh (như bộ lọc sáng tạo trên Instagram và định dạng quảng cáo), cũng như với video và các trải nghiệm đa phương thức”, ông Zuckerberg nói.


Sau 3 tháng phát triển, Meta đã ra mắt công cụ A.I mới nhất có tên Sandbox. Công cụ này cho phép các thương hiệu thử nghiệm áp dụng trí tuệ nhân tạo trong việc sáng tạo nội dung chiến dịch quảng cáo trên Facebook và Instagram. Công cụ này có thể giúp tự động hóa một số chỉnh sửa trên hình ảnh, bao gồm việc thay đổi phông nền quảng cáo chứa hình ảnh sản phẩm và tạo ra văn bản được cá nhân hóa theo thông điệp của thương hiệu. Với khả năng tạo ra các quảng cáo một cách tự động và sáng tạo, công nghệ A.I của Meta giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho các nhà quảng cáo. Hiện tại, Meta đang thử nghiệm A.I Sandbox với một số đơn vị và có kế hoạch mở rộng tính năng này cho nhiều nhà quảng cáo hơn từ tháng 7/2023. 


Người dùng sắp có cơ hội sử dụng Sandbox vào tháng 7/2023


Sắp tới, Meta đang phát triển nhiều công cụ A.I hơn nhằm mang đến trải nghiệm thú vị cho người dùng và các đơn vị doanh nghiệp. Theo Mark Zuckerberg, Meta hiện đang phát triển một chatbot A.I có khả năng tương tác và giao tiếp. Theo khảo sát Social Trends 2023 của Hootsuite, chỉ 26% doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội làm kênh chăm sóc khách hàng, thông qua sự hỗ trợ của chatbot. Do đó, đây là một cơ hội lớn cho các thương hiệu thể hiện sự cải tiến và vượt lên xu hướng.


Trước đó, chatbot của Facebook đã có thể giải đáp những yêu cầu cơ bản nhất của khách hàng. Tuy nhiên, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo đang đưa khả năng của chúng lên một tầm cao mới, cho phép giải quyết các cuộc trò chuyện chăm sóc khách hàng phức tạp hơn, từ đó giảm tải công việc cho đội ngũ tư vấn. Từ đó, khách hàng sẽ không phải chờ đến giờ hành chính để được hỗ trợ giải đáp những thắc mắc cơ bản như vị trí đơn hàng, cách giải quyết các vấn đề dịch vụ thông thường,...


Chatbot của Meta có thể giải đáp những yêu cầu cơ bản nhất của khách hàng


Nicola Mendelsohn - người đứng đầu nhóm kinh doanh toàn cầu của Meta đã công bố sự phát triển các trợ lý A.I (AI assistants) của Meta tại Cannes Lions ngày hôm qua. Theo đó, các trợ lý được ra đời với mục tiêu giúp doanh nghiệp trò chuyện với khách hàng, nhưng cũng có khả năng để người sáng tạo trò chuyện với người hâm mộ.


Thông báo của Meta cho biết: “Liệu bạn có tưởng tượng một thế giới nơi những người sáng tạo và nhân vật của công chúng có thể tạo ra nhân vật A.I của riêng họ để tạo nội dung hoặc tương tác với người hâm mộ? Thậm chí các doanh nghiệp cũng có khả năng sử dụng chatbot hỗ trợ khách hàng cơ bản cho đến các mô hình A.I đặc biệt hơn dành cho các thương hiệu lớn.”


Meta kỳ vọng chatbot có thể giúp thương hiệu tương tác với khách hàng


Sắp tới, Meta đang ấp ủ ý tưởng giúp thương hiệu có thể sử dụng A.I để tái sử dụng các quảng cáo video hiện có. Ví dụ như video đang được quay vào mùa hè, sau khi sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo thì thương hiệu có thể biến hoá thành không gian mùa đông hoặc thu. 


Khi TikTok ngày càng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và thương hiệu, Meta, Google, Snap và những ứng dụng khác cũng dần phát triển các tính năng video ngắn. Tại Cannes Lions, Meta cũng quảng bá kế hoạch phân phát nhiều quảng cáo hơn vào Reels. Tháng 8/2022, HypeAuditor (nền tảng cung cấp các giải pháp cho các marketer) đã phân tích 77,6 triệu bài đăng trên Instagram trong suốt tháng 7/2022 để đo lường các xu hướng tương tác mới nhất. Dù không được đăng tải nhiều nhưng các bài đăng dạng Reels lại thu hút nhiều tương tác hơn so với ba dạng bài đăng khác (bài đăng Carousel, hình ảnh và video), chiếm 33,8% trên Instagram. Ngoài ra, Reels cũng là lựa chọn tốt nhất hiện tại để người dùng tối đa hóa phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác trên Instagram.


Reels thu hút nhiều tương tác hơn so với ba dạng bài đăng khác trên Instagram


Bên cạnh đó, Meta đã và đang phát triển các công cụ nâng cao cho phép các thương hiệu kiểm soát nơi quảng cáo chạy, đảm bảo rằng họ không có bất kỳ nội dung không phù hợp nào. Khi chạy quảng cáo, các thương hiệu có nhiều lo ngại về hành vi như quảng cáo không phù hợp độ tuổi, target sai đối tượng,... Để hỗ trợ người dùng, Meta cho rằng A.I cũng đang giúp ích cho công ty.


Không chậm chân nhưng Meta đã mất đi vị thế tiên phong trên đường đua A.I


Hiện nay, các tập đoàn lớn đều đang tham gia cuộc đua A.I. Cụ thể, Microsoft đã tích hợp mô hình ngôn ngữ A.I GPT 3.5 của OpenAI nhằm phục vụ việc tìm kiếm thông tin trực tuyến của người dùng vào công cụ tìm kiếm Bing và ứng dụng Skype. Người dùng có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho chatbot A.I, thêm trí tuệ nhân tạo vào một cuộc trò chuyện nhóm trên Skype hay phiên dịch thông tin với hơn 100 ngôn ngữ,... Google cũng không đứng ngoài cuộc đua khi tập đoàn này đã liên tục cho ra mắt những công cụ tích hợp A.I trên bộ ứng dụng văn phòng Workspace, bao gồm Google Docs, Sheets, Slides, Meet và Gmail.



Khi A.I ngày càng phát triển, Meta muốn củng cố chỗ đứng trên cuộc đua trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, điều này ngày càng trở nên khó khăn khi công ty mất 30% chuyên gia A.I trong năm 2022. Các nhân sự rời đi vì họ cảm thấy kiệt sức và nghi ngờ về tương lai của công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tháng 11/2022, OpenAI phát hành công cụ ChatGPT, khiến cuộc đua A.I trở nên nóng hơn bao giờ hết. Lúc này, số lượng nhân viên rời bỏ Meta càng nhiều hơn.


Theo dữ liệu từ LeadGenius và Punks & Pinstripes cho thấy, nhiều nhân sự của Meta đã chuyển sang làm việc tại OpenAI. Cụ thể, trong số 200 đội ngũ lãnh đạo và nhân viên của OpenAI tính đến tháng 2/2023, 59 nhân viên từng làm việc tại Google, 34 nhân viên của Meta, 15 nhân viên Apple, và một số công ty công nghệ lớn khác như Microsoft, Uber, Dropbox, HP,... Trong khảo sát nội bộ thực hiện từ ngày 26/04 đến 10/05/2023, chỉ có 26% nhân viên Meta cho biết họ cảm thấy tự tin vào khả năng lãnh đạo của ông chủ. 


34 cựu nhân viên của Meta đang làm việc tại OpenAI


Hiện nay, Meta đang đối mặt với nhiều thách thức lớn để vươn lên vị trí dẫn đầu trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo. Dù CEO Meta Mark Zuckerberg đã nhìn thấy triển vọng của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và đã đầu tư một khoản tiền lớn vào A.I từ một thập kỷ trước, Meta đang tụt lại phía sau chỉ vài tháng sau khi ChatGPT của OpenAI bùng nổ trên thị trường. Trong cùng một công nghệ mà công ty đã bắt đầu từ sớm, Meta đã không thể phát huy hết tiềm năng phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Công ty hiện đang cố gắng tập trung các nguồn lực của mình để tạo ra các sản phẩm và tính năng A.I tích hợp trên các ứng dụng.


Kim Ngọc