Trước khi được biết đến với danh xưng “thần Cupid” thế kỷ 21, Sean RadTinder từng trải qua nhiều thăng trầm với hai lần khởi nghiệp thất bại. Nhưng chính từ những lần vấp ngã đó, ông Sean đã học được nhiều bài học quý giá và mở ra một “cuộc cách mạng ứng dụng hẹn hò” trong một thập kỷ qua. 


Hiện nay, Tinder được ví von như “ông tơ bà nguyệt” phiên bản online với hơn 500 triệu người dùng trên toàn cầu. Ứng dụng đã tiếp tục tạo nên nhiều câu chuyện tình đẹp như mơ chỉ qua “một cú quẹt”. 


Từ số tiền 100 nghìn USD được tài trợ từ gia đình…


Sean Rad (1986), cha đẻ của ứng dụng Tinder, được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố mẹ đều có niềm đam mê sâu đậm đối với lĩnh vực Công nghệ. Những tưởng sẽ đi theo con đường khoa học giống với gia đình, trái lại, Sean Rad lại là một người yêu thích âm nhạc. Ông dành phần lớn thời gian để chơi đàn và đắm chìm vào các giai điệu. Được biết, nhóm nhạc Coldplay là nghệ sĩ đã truyền cho ông rất nhiều cảm hứng. Mặc định cuộc đời mình sẽ gắn liền với âm nhạc, thế nhưng khi ông nhận thấy được sự thật “phía sau ánh hào quang” đời nghệ sĩ, ông đành từ bỏ giấc mơ này. 


Mấy ai biết rằng thuở nhỏ, cha đẻ Tinder lại là một người có niềm đam mê với âm nhạc 


Vỡ mộng với sở thích đầu đời, đến năm 13 tuổi, bố mẹ Sean tặng ông một chiếc điện thoại “Motorola A008” với hi vọng ông tìm được sở thích mới. Quả thật, những trải nghiệm chân thật khi lần đầu được tiếp xúc với công nghệ đã khơi gợi trong Sean niềm cảm hứng vô tận về khoa học. Năm 2014, ông quyết định thi vào trường Đại học SouthCarolina - ngôi trường đã đào tạo nhiều nhân tài, có thể kể đến là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng Niel Amstrong


Trong quá trình học tập, ông nhận thấy bản thân gặp nhiều bất tiện trong việc trả lời và gửi thư điện tử, thế nên ông đã sử dụng 100 ngàn USD được tài trợ từ gia đình và bắt đầu thành lập công ty cho riêng mình. Mặc dù chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực công nghệ, Sean đã thành công tạo nên ứng dụng Orgoo cho phép tích hợp các tài khoản lại, từ đó giải quyết được vấn đề nan giải mà ông từng gặp phải. 


Chỉ sau 3 tháng hoạt động, Orgoo nổi lên như một hiện tượng và thu hút hơn 1 triệu người đăng ký. Ứng dụng được các chuyên gia đánh giá là “tương lai của Email”. Thế nhưng biến cố bất ngờ ập đến khi Orgoo bị chặn IP từ các nền tảng khác như Gmail, Outlook, bị các công cụ chống spam đánh giá là không đáng tin cậy,... Chỉ một năm sau khi thành lập, doanh nghiệp của Sean có dấu hiệu đi xuống và rồi dẫn đến ông buộc phải từ bỏ “đứa con đầu lòng” của mình. 


Không khuất phục trước thất bại, Sean quyết định mạo hiểm khởi nghiệp lần 2. Năm 2009, ông thành lập nền tảng Adly với mong muốn kết nối những người nổi tiếng và các thương hiệu lại với nhau. Ứng dụng này nhanh chóng trở thành thương hiệu quảng cáo hàng đầu và huy động được vốn đầu tư là 5 triệu USD. 


Trước khi được biết đến là người sáng lập ứng dụng Tinder, Sean Rad từng khởi nghiệp hai ứng dụng là Orgoo và Adly 


Duy trì doanh nghiệp thứ 2 không được bao lâu thì Sean quyết định bán Adly lại cho một nhà đầu tư khác. Nguyên nhân xuất phát từ việc bản thân vị Giám đốc này quá mệt mỏi trong việc phải là trung gian kết nối giữa người nổi tiếng - thương hiệu quảng cáo lại với nhau. Năm 2012, ông bán đứa con thứ hai của mình cho nhà đầu tư Peter Thriel và nhận về 5 triệu USD. Số tiền này đã biến Sean Rad trở thành một triệu phú dù chỉ mới 23 tuổi. 


… đến ứng dụng hẹn hò cán mốc 500 triệu người dùng 


Một thời gian sau, Sean Rad quyết định tham gia vào vườn ươm khởi nghiệp IAC Hatch Labs, được anh mô tả là ''nơi tuyệt vời để thử nghiệm các ý tưởng và tìm ra điều thực sự yêu thích''. Tại Hatch Labs, Sean Rad đã tìm được người bạn tri kỷ của cuộc đời mình là ông Justin Mateen, một nhà đầu tư trẻ đang tìm kiếm ứng viên tiềm năng. 


Nhận thấy cả hai đều có chung chí hướng và sức trẻ, họ quyết định thành lập một đội cùng kỹ sư phần mềm Joe Munoz và tham gia vào Hackathon. Đây là một cuộc thi lập trình nơi các lập trình viên máy tính và những người khác tham gia phát triển phần mềm. Lấy ý tưởng từ câu chuyện trong đời thực của mình, Sean cho biết ông là một người rụt rè và hay xấu hổ, không dám mở lời hay bắt chuyện với người mình thích. Trong một lần “trúng tiếng sét ái tình” với một cô gái, Sean chia sẻ: “Tôi khá lo lắng. Nhưng sau khi nhìn thấy cô gái ấy cũng nở nụ cười với tôi, tôi nhận ra nếu biết được đối phương cũng có cảm tình và muốn gặp, tôi sẽ có động lực phá bỏ mọi rào cản và mạnh dạn tiến đến.”


Ba nhà đồng sáng lập Tinder 


Từ đó, Sean và đồng đội ngày đêm miệt mài nghiên cứu và cho ra mắt Matchbox, một ứng dụng hẹn hò và được xem là tiền thân của ứng dụng Tinder, và xuất sắc giành được giải Nhất trong cuộc thi Hackathon. Được đầu tư số tiền 5 triệu USD, cả đội nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng một cách tối ưu nhất. Tháng 9/2012, Matchbox được ra mắt với vai trò giúp đỡ người dùng tìm bạn hẹn dựa trên vị trí và độ tuổi của khách hàng. 


Sau đó, Sean Rad chính thức đổi tên Matchbox thành Tinder. Để quảng bá ứng dụng, đội ngũ Marketing đã bắt đầu từ việc gọi và spam tất cả các địa chỉ trong danh bạ hơn 500 người cho đến lái xe đến các khu vực trường học. Chỉ sau hai tháng đầu ra mắt, ứng dụng có hơn 5 nghìn người đăng ký. Một năm sau, Tinder đã có một tỷ lượt “swipe” mỗi ngày. Sau gần một thập kỷ, con số này hiện đã tăng lên thành 1,6 tỷ. 


Chia sẻ về những ngày đầu thành lập Tinder, ông Sean cho hay: “Tôi có thói quen tò mò về mọi thứ, thích giải quyết các vấn đề và kiến tạo điều gì đó mới mẻ. Tôi không nghĩ mình muốn khởi nghiệp kinh doanh hay thích trở thành doanh nhân. Chỉ đơn giản là tôi muốn tìm lời giải đáp khi gặp khó khăn.” Ông cũng chỉ ra sai lầm khi cho rằng startup không cần có định hướng ở những giai đoạn đầu thành lập: “Với Tinder, chúng tôi vạch rõ sứ mệnh từ đầu, có một chiến lược rõ ràng cùng mục tiêu theo từng giai đoạn mà tất cả các thành viên phải hiểu rõ.” 


Ông Sean Rad đã có những chiến lược cụ thể để phát triển Tinder


Nói về thành công trong việc “ghép đôi”, Sean Rad và Tinder đã giúp 95% khách hàng gặp được “nửa kia” phù hợp trong vòng bảy ngày kể từ khi họ “quẹt phải”, 85% người dùng Tinder nói lời yêu trong năm đầu tiên hẹn hò. Ngày nay, ứng dụng đã có hơn 57 triệu khách hàng trên toàn cầu, 4,1 triệu người trả tiền cho Tinder PlusTinder Gold. Ứng dụng này cũng được sử dụng ở 190 quốc gia. 


Tại Việt Nam, Tinder mới nổi lên như một hiện tượng vào năm 2015. Công cụ nghiên cứu thị trường ứng dụng App Annie thống kê hiện nay (tính đến 10/2023) đã có hơn 10 triệu người Việt dùng ứng dụng này để tìm kiếm đối tượng phù hợp. 


Năm 2017, Sean Rad rời vị trí Giám đốc Tinder do những lùm xùm bê bối. Trong cùng năm đó, ứng dụng đã được mua lại bởi “ông trùm” ứng dụng hẹn hò Match Group với giá 3 tỷ USD. Ông Elie Seidman đã đảm nhận vị trí Giám đốc Tinder và tiếp tục đưa ứng dụng trở thành “không gian hẹn hò từ ảo thành thật” thành công trên thế giới. 


Cách “ông tơ bà nguyệt” Tinder “se duyên” khách hàng


1. Ra mắt nhiều tính năng độc đáo 


Để “giữ chân” và thu hút người dùng, Tinder không ngừng nghiên cứu, cải thiện và cho ra mắt nhiều tính năng độc đáo. Năm 2021, Tinder đã tung ra một tính năng nhắn tin mới có tên là “Are you sure?” (tạm dịch: “Bạn có chắc không?”) nhằm mục đích ngăn chặn các hành vi quấy rối trên ứng dụng hẹn hò. Tính năng đưa ra lời cảnh báo cho người dùng về việc “suy nghĩ kỹ 2 lần trước khi nhắn mở đầu câu chuyện”


Theo đó, Tinder đã sử dụng công nghệ A.I để phát hiện những ngôn từ mang tính xúc phạm trong các đoạn tin nhắn. Ứng dụng sẽ chủ động gửi cảnh báo và kịp thời can thiệp trước khi hậu quả không may xảy ra. Trích dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, Tinder chỉ ra rằng vào năm 2020, khoảng 40% người Mỹ đã trải qua một số hình thức quấy rối trực tuyến. Thế nhưng sau khi thử nghiệm tính năng mới, Tinder đã giúp giảm hơn 10% ngôn ngữ không phù hợp trong tin nhắn. 



Tương tự, công ty cũng đã từng giới thiệu một loạt tính năng mới như “Does This Bother You?” (tạm dịch: Điều này có làm phiền bạn không?), nhắc nhở người dùng báo cáo những tin nhắn không phù hợp mà họ có thể đã nhận được từ một số đối tượng. Bà Tracey Breeden, Trưởng bộ phận An toàn và Vận động Xã hội của Match Group cho biết: “Lời nói cũng có sức mạnh như hành động. Chúng tôi khẳng định không có hành vi quấy rối trên Tinder”.


Được biết đến là “ứng dụng tình yêu” nên “ông tơ bà nguyệt” Tinder đã giới thiệu tính năng "Blind Date" (tạm dịch: hẹn hò giấu mặt) vào phần khám phá để cung cấp trải nghiệm hẹn hò mới cho người dùng vào các ngày lễ đặc biệt như Ngày lễ Tình nhân 14/2. 



Tính năng “Blind Date” giúp mọi người kết nối với nhau dựa trên sự phù hợp về tính cách. Cụ thể, người dùng cần trả lời một vài câu hỏi để thuật toán có thể “bắt cặp” họ với những người cùng sở thích. Tiếp đó, cả hai sẽ tham gia một cuộc trò chuyện trong khoảng thời gian giới hạn. Sau khi hết thời gian, cả hai có thể xem hồ sơ của nhau và đưa ra quyết định có nên "match" hay không. Theo Tinder, những người sử dụng tính năng Blind Date có tỷ lệ match cao hơn 40% so với tùy chọn trò chuyện theo phương thức cũ. 


Ngoài ra, Tinder cũng đã ra mắt nhiều tính năng thú vị đánh vào insight dân văn phòng. Theo khảo sát, 30% người dùng đã tìm kiếm đối tượng hẹn hò trong lúc họp, 47% người dùng thích trò chuyện với đối tượng trong giờ làm việc tại công ty. Hiểu được “văn hoá” này, Tinder đã chính thức ra mắt tính năng "Desk Mode" giúp người dùng ngụy trang ứng dụng thành công cụ văn phòng vào tháng 6/2022. 


Khi người dùng bật tính năng này, họ sẽ nhìn thấy một icon nhỏ hình chiếc cặp ở góc trên cùng bên trái màn hình desktop. Nếu nhấp vào biểu tượng đó, một trang web tìm kiếm tương tự như Google mang tên "Meeting Notes" (tạm dịch: Ghi chú cuộc họp) sẽ được bật lên nhằm che giấu giao diện của Tinder. Do đó, người dùng có thể vờ như đang làm việc chăm chỉ nhưng thực chất lại… đang tìm kiếm đối tượng hẹn hò trên ứng dụng. 


2. Bắt tay nhiều thương hiệu ra mắt các phiên bản và tính năng mới


Ngoài các tính năng trên, trong hơn một thập kỷ qua, Tinder liên tục mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng tầm độ nhận diện với công chúng bằng cách “bắt tay” với nhiều thương hiệu, ứng dụng, hãng phim khác nhau. 


Năm 2021, thương hiệu đã bắt tay với nền tảng âm nhạc Spotify giới thiệu trải nghiệm “Music Mode”. Với tính năng này, người dùng có thể chọn một bài hát yêu thích trên Spotify và đặt làm bài hát đại diện. Ca khúc này sẽ xuất hiện trên hồ sơ trên Tinder của người dùng. Không những thế, người dùng có thể nghe trực tiếp bài hát yêu thích khi đang tìm kiếm đối tượng hẹn hò và đánh giá xem ai hợp “gu” âm nhạc với họ. 



Theo thống kê từ Tinder, khoảng 40% người dùng thuộc thế hệ Z trên toàn cầu đã thêm các bài hát đại diện vào hồ sơ của họ, giúp tổng số lượt ghép đôi tăng gần 10%.


Vào tháng 10/2023 vừa qua, Tinder lại tiếp tục kết hợp với hãng phim huyền thoại của thế hệ 8x và 9x “Mean Girls” (tạm dịch: Những cô nàng xấu tính). Chiến dịch hợp tác ra mắt vào Ngày Phòng chống Lừa đảo. Nếu là một người hâm mộ trung thành với loạt phim ăn khách “Mean Girls”, chắc hẳn khán giả đã quen thuộc với phân đoạn nổi tiếng giữa nhân vật Aaron Samuels (do Jonathan Bennett thủ vai) và nhân vật Cady Heron (do Lindsay Lohan thủ vai). Aaron Samuels quay sang hỏi Cady Heron rằng: “Hôm nay là ngày gì?” và cô nàng đã đáp lại rằng: “Hôm nay là ngày 3 tháng 10”, trùng khớp với Ngày Phòng chống Lừa đảo. 


Phân đoạn huyền thoại: “Hôm nay là ngày 3 tháng 10” là nguồn cảm hứng cho chiến dịch phòng chống những kẻ lừa đảo online của Tinder và nam diễn viên thủ vai Aaron Samuels


Theo thống kê của FBI, các vụ lừa đảo tiền điện tử xảy ra thường xuyên trên Tinder. Bên cạnh đó, thống kê còn chỉ ra đã có vụ việc “ăn tiền” hơn 3 tỷ USD chỉ qua một ứng dụng điện tử. Nhằm chấm dứt xu hướng ứng dụng hẹn hò độc hại và mang tính “săn mồi” này, nhân vật Aaron Samuels của “Mean Girls” đã phân loại những kẻ lừa đảo và cảnh báo nguy hiểm hàng đầu mà người dùng nên tránh: 


  1. Love bombers (Kẻ đánh bom tình yêu): Dấu hiệu nhận biết loại lừa đảo này nằm ở việc họ thường hay bày tỏ quá nhiều tình cảm và tặng nhiều quà. Đây thực chất cũng là một dấu hiệu “red flag” của những kẻ lừa đảo hòng chiếm dụng lòng tin của người dùng. 
  2. Money seekers (Những kẻ “đào mỏ”): Những người này thường lợi dụng sự thương cảm của người dùng Tinder để “thuyết phục” bạn hẹn chuyển tiền cho họ bằng các lý do như chú chó của họ cần ghép thận, họ quá nghèo để mua vé máy bay về thăm gia đình,... Tóm lại, Tinder khuyên rằng người dùng không nên chuyển tiền cho người chưa gặp ngoài đời bao giờ. 
  3. Postures (Những kẻ thích thể hiện): Họ thường thể hiện mình là người giàu có, nổi tiếng và người dùng có thể an tâm khi làm người hẹn với họ. Thế nhưng đây chỉ là “vỏ bọc” cho sự lợi dụng lòng tin và thao túng tâm lý người dùng.


Chiến dịch phòng chống lừa đảo trên mạng của ứng dụng Tinder và hãng phim Mean Girls 


3. Biến nền tảng “ảo” thành “thật” 


Không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận người dùng trên trực tuyến, Tinder nhiều lần “chơi lớn” đưa nền tảng “ảo” ra ngoài “đời thực”. Năm 2022, ứng dụng gây sốt vào Ngày lễ Tình nhân 14/2 khi khởi động “Love Destination” (tạm dịch: Điểm đến tình yêu) tại thủ đô Bangkok. 



Là một đất nước tin vào tín ngưỡng và tâm linh, Trimurti được người dân xem là ngôi đền cầu duyên nổi tiếng. Người dân địa phương và du khách nước ngoài tiết lộ rằng họ đã gặp được bạn đời sau khi đến đây cầu nguyện. Người Thái thường truyền tai nhau rằng, nếu cầu duyên tại đền thờ này vào đúng 21 giờ 30 phút thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, chuyện tình yêu của bạn nhất định sẽ viên mãn.


Để giúp người dùng gia tăng cơ hội tìm kiếm được người yêu đích thực, vào các ngày 10, 14, 17, 24 tháng 2, Tinder sẽ dành tặng 100 mâm lễ vật cho những ai may mắn nhất để dâng cúng lên các vị thần tại đền thờ Trimurti. Một mâm lễ thường bao gồm chín bông hoa hồng, chín nén hương, hai nến đỏ, một lon soda đỏ và chín trái cây màu đỏ. 


Vào mùa lễ Valentine năm đó, ứng dụng hẹn hò Tinder Thái Lan đã hợp tác với trung tâm thương mại nổi tiếng CentralWorld để thực hiện một chiến dịch truyền thông ngoài trời nhằm “cầu duyên” đến với các người dùng tại đất nước chùa vàng này. Trước đền thờ Trimurti cạnh CentralWorld, Tinder đã dán trên mặt đất các nhãn như “Hãy ghép đôi!”, “Cầu nguyện và vuốt sang phải” nhằm kêu gọi mọi người tải app để tìm “ý trung nhân”. Đặc biệt, các khoảng cách giữa các nhãn còn tuân thủ theo quy tắc phòng chống dịch vào thời điểm đó để người dùng yên tâm cầu duyên. Ngoài ra, Tinder và CentralWorld còn tạo ra ưu đãi hấp dẫn cho người dùng. Nếu mua sắm ở CentralWorld, người dùng sẽ được 1 tháng sử dụng Tinder Gold miễn phí. Ngoài ra nếu tải ứng dụng ngay tại sự kiện, người dùng còn được giảm giá 50% khi đăng ký Tinder Gold. 



Ông Nattakit Tangpoonsinthana - Giám đốc Tiếp thị của CentralWorld cho biết: “Với ý tưởng biến Trung tâm mua sắm CentralWorld trở thành nơi dành cho tất cả mọi người, bao gồm việc nắm bắt các xu hướng toàn cầu như Metaverse cũng như việc hợp tác với Tinder, đã cho phép chúng tôi tạo ra những trải nghiệm thú vị hướng đến thế hệ trẻ. Chiến dịch lần này chính là cầu nối để gắn kết tình yêu và thể hiện nỗ lực của chúng tôi trong việc đem lại niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người.”


Tiếp nối hành trình đưa “không gian hẹn hò ảo thành thật”, năm 2023, Tinder Nhật Bản đã khai trương cửa hàng tiện lợi SwipeMart nhằm tạo nên một nơi tụ tập hấp dẫn dành cho thanh niên trên 18 tuổi.. Đối với người Nhật, cửa hàng tiện lợi là một điểm đến không thể thiếu. Vì vậy, ứng dụng đã chọn vị trí các siêu thị bán nhỏ - lẻ để quảng bá ứng dụng của mình đến với người dân địa phương xứ sở hoa anh đào này. 


SwipeMart cung cấp đầy đủ các sản phẩm cơ bản của một cửa hàng tiện lợi như thức ăn, cơm, quần lót, tất, snack,... Thiết kế cửa hàng và tất cả sản phẩm đã hiển thị các chi tiết trong bộ nhận diện thương hiệu của Tinder (màu hồng đậm, dấu “X", hình trái tim,...). Chi tiết thú vị nhất tại SwipeMart là photo booth mô phỏng giao diện “lướt" profile trên mạng xã hội “ghép đôi" này. Cách hoạt động của photo booth tương tự như trên nền tảng: kéo về hình trái tim nghĩa là đồng ý lưu hình chụp, kéo về dấu “X" tức là xoá hình và chụp lại. 




Tú Như


Cập nhật các thông tin thú vị về brand qua Newsletter!