Google Remarketing là một công cụ quảng cáo hữu ích, cho phép bạn xác định và hướng tới đối tượng khách hàng tiềm năng nhằm gia tăng mức độ tương tác và thúc đẩy doanh số bán hàng. 


Công cụ quảng cáo này rất dễ để sử dụng và vô cùng hiệu quả để cải thiện tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) của doanh nghiệp. Remarketing (Tiếp thị lại), còn được gọi là Quảng cáo đeo bám, đề cập đến một phương pháp quảng cáo nhắm đối tượng trực tuyến (online targeted ads) cho phép các doanh nghiệp sử dụng phương pháp này để hiển thị quảng cáo đến những người dùng đã truy cập vào trang web của họ. 


Với Google Remarketing, người dùng sẽ bắt gặp những quảng cáo từ trang web mà họ đã truy cập trước đó mỗi khi họ hoạt động trên Internet, bất kể là đang đọc báo, xem phim hay cập nhật mạng xã hội . Điều này cho phép hình ảnh thương hiệu của bạn luôn “quanh quẩn” trong tâm trí của khách hàng. Ngoài ra, nó cũng nhắc nhở khách hàng biết rằng họ đang có một hành động nào đó dang dở cần được hoàn thành trên trang web của bạn. 


Google Remarketing hoạt động như thế nào? 


Sau khi đã hoàn thành việc chạy quảng cáo trên Google, điều tiếp theo bạn cần làm là thêm một đoạn mã (còn được gọi là tag hoặc pixel) của Google Remarketing vào trang web. Đoạn mã này cho phép bạn theo dõi những người dùng khác nhau đang truy cập vào trang web và thêm họ vào đối tượng remarketing thông qua việc sử dụng cookie của trình duyệt web. 


Google cũng cung cấp đến người dùng khả năng tùy chỉnh mã code cho các trang nhất định trên website của bạn, giúp quảng cáo mà bạn tạo trở nên cụ thể hơn và hướng nhiều hơn đến các đối tượng khách hàng mà bạn đã xác định

Mô hình hoạt động của Google Remarketing


Lấy ví dụ, bạn đang điều hành một cửa hàng online bán đồ dùng nhà bếp. Bạn có thể tạo một đối tượng remarketing với từ khóa “đồ dùng nhà bếp” dựa trên những người đã gõ từ khóa đó trên thanh tìm kiếm hoặc đã truy cập vào trang web của bạn. 


Bằng cách này, bạn có thể xác định được khách hàng tiềm năng đang quan tâm đến việc mua đồ dùng trên cửa hàng của bạn và hiển thị những quảng cáo có chủ đích giúp họ đưa ra được quyết định cuối cùng. Nếu khách hàng rời khỏi trang web của bạn mà không mua gì, bạn cũng có thể sử dụng Google Remarketing để thu hút họ quay trở lại với các ưu đãi như “giao hàng miễn phí” hoặc “giảm giá 10% cho lần mua hàng tiếp theo”. 


Ngoài ra, với công cụ Remarketing, bạn cũng có thể hiển thị quảng cáo Google có chủ đích đến các khách hàng trước đây đã truy cập vào website của bạn bất cứ khi nào họ truy cập vào các trang web trên Google Display Network (chẳng hạn như Google và Youtube). 


Nếu bạn đang lần đầu thử nghiệm Remarketing, bạn nên bắt đầu bằng cách hướng mục tiêu đến tất cả những người chỉ đơn thuần ghé xem trang chủ của bạn để hiểu được quy trình Remarketing thực sự hoạt động như thế nào. 


Một khi đã quen thuộc với quy trình hoạt động của Remarketing, bạn có thể thu hẹp phạm vi đối tượng khách hàng của mình thành những mục tiêu cụ thể hơn. Google Remarketing cũng đưa ra nhiều lựa chọn tùy biến trong trường hợp bạn lựa chọn những đặc điểm cụ thể của nhóm đối tượng khách hàng mà bạn muốn hướng đến. 


Ví dụ, với những người dùng đã mua hàng từ trang web của bạn sẽ thấy được những quảng cáo khác với những người chỉ click vào trang web rồi rời đi (chẳng hạn như giảm giá 10% cho khách hàng cũ ở lần mua thứ hai). 


Một khi đã quen thuộc với Google Remarketing, bạn có thể thu hẹp phạm vi đối tượng khách hàng của mình thành những mục tiêu cụ thể hơn


Lựa chọn khách hàng mục tiêu


Tương tự như Google Ads, bước đầu tiên để thực hiện Remarketing là phân tích dữ liệu và phát triển chiến lược mà bạn có thể sử dụng để xác định đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. May mắn là, Google Remarketing cung cấp rất nhiều tùy chọn trong việc quyết định xem đối tượng khách hàng mục tiêu là ai và làm thế nào để nhắm đến họ. Dưới đây là một số bộ lọc (filters) mà bạn có thể sử dụng để sắp xếp thông qua các khách hàng mục tiêu tiềm năng: 


  • Dựa trên trang sản phẩm đã truy cập (đồ dùng/ chảo/ hộp đựng) 
  • Dựa trên việc truy cập một trang nhất định trong quy trình thanh toán của bạn
  • Dựa trên việc không truy cập một trang nhất định (ví dụ như trang “Cảm ơn bạn đã mua món hàng này”) 
  • Thời gian dành cho trang web
  • Số lượng trang đã truy cập
  • Xác định mục tiêu dựa trên nhân khẩu học (ví dụ như Tuổi tác, v.v.)
  • Xác định mục tiêu dựa trên yếu tố địa lý


Lợi ích của việc có nhiều bộ lọc này là bạn có thể thu hẹp đối tượng mục tiêu cụ thể của mình một cách rất chi tiết.


Ví dụ: Nếu bạn muốn hướng mục tiêu đến những khách hàng tiềm năng, những người đã chọn sản phẩm vào giỏ hàng nhưng cuối cùng lại quyết định không mua, bạn có thể sử dụng bộ lọc “Dựa trên việc truy cập một trang nhất định” hoặc “Dựa trên việc không truy cập một trang nhất định”. Sau đó, tìm những khách hàng đã truy cập vào bước đầu tiên trong quy trình thanh toán nhưng không chuyển sang bước cuối cùng. 


Google Remarketing cung cấp rất nhiều tùy chọn để bạn quyết định đối tượng khách hàng mục tiêu của mình là ai


Vì sao nên sử dụng Google Remarketing? 


Google Remarketing là một trong những công cụ tiếp thị trực tuyến mạnh mẽ nhất hiện có vì nó cho phép bạn giữ liên lạc với đối tượng khách hàng mục tiêu của mình ngay cả khi họ điều hướng ra khỏi trang web của bạn. Điều này được thực hiện bằng cách những quảng cáo biểu ngữ (ad banners) của doanh nghiệp liên tục được hiển thị đến khách hàng khi họ truy cập vào các trang web khác, qua đó bạn đã đạt được rất nhiều lợi ích về mặt nhận diện thương hiệu nhờ công cụ này. 


Khi các khách hàng mục tiêu liên tục thấy hình ảnh thương hiệu của công ty từ các quảng cáo mà bạn tạo ra, thì lòng tin của họ đối với thương hiệu sẽ được gia tăng. Cùng với đó, khả năng mua hàng cũng được tăng theo.




Lòng tin của khách hàng sẽ được gia tăng nếu họ liên tục nhìn thấy hình ảnh thương hiệu của bạn trên các quảng cáo


Quảng cáo của Google Remarketing có tỷ lệ click chuột và tỷ lệ chuyển đổi cao hơn nhiều so với quảng cáo hiển thị hình ảnh thông thường. Khi bạn đã thiết lập được mối liên kết với khách hàng tiềm năng, cơ hội để họ mua sản phẩm sẽ tăng lên rất nhiều. Theo Wordstream, tỷ lệ nhấp vào quảng cáo của những khách hàng đã từng vào trang web của bạn cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba so với tỷ lệ của khách truy cập mới. 


Ngoài ra, quảng cáo của Google Remarketing giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn khi so sánh với các chiến dịch quảng cáo khác. Trên thực tế, các quảng cáo hiển thị trong các ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh cao có thể tốn vài đô la cho mỗi cú click chuột, trong khi quảng cáo của Google Remarketing chỉ tốn chưa tới một đô.  


Để tận dụng tối đa lợi thế này, hãy sử dụng Google Remarketing song song với các chiến lược quảng cáo khác như Nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh (Contextual Targeting - chỉ nhắm mục tiêu đến những khách hàng muốn mua một sản phẩm cụ thể), Google Ads (dịch vụ quảng cáo giá rẻ của Google) hay những chiến lược tiết kiệm chi phí khác. 


Một khi bạn thu hẹp được phạm vi khách hàng mục tiêu của mình, bạn sẽ tạo được các chiến dịch remarketing nhắm mục tiêu chính xác hơn và mức độ liên quan của quảng cáo đến với người dùng sẽ tăng lên. Điều này có nghĩa là phần lớn quảng cáo của bạn sẽ được hiển thị cho các khách hàng tiềm năng, những người có khả năng nhấp vào quảng cáo của bạn và hoàn tất việc mua hàng.  


Tạm kết


Google Remarketing có lẽ sẽ không hoạt động hiệu quả cho tất cả mọi người, nhưng điều quan trọng là bạn phải giữ những quảng cáo tiếp thị lại của mình tập trung vào thương hiệu. Một điều dễ nhận thấy đó là mọi người thường có xu hướng chú ý đến quảng cáo từ các công ty mà họ đã quen thuộc so với các quảng cáo từ những thương hiệu mà họ chưa từng biết tên. 


Nếu bạn giới thiệu một chương trình giảm giá hoặc một ưu đãi đặc biệt vào trong quảng cáo tiếp thị lại của mình, bạn cần phải thể hiện những thông tin đó ở trang đích (landing page) ngay từ lúc đầu. Nếu khách hàng tiềm năng click vào quảng cáo có nội dung về chương trình giảm giá nhưng không thấy bất kỳ một biểu thị nào cho biết chương trình đó đang thực sự diễn ra, họ thường sẽ rời khỏi trang web của bạn ngay lập tức. 


Google Remarketing là một phương pháp nhắm mục tiêu hiệu quả mà các doanh nghiệp nên sử dụng để tăng tỷ lệ chuyển đổi và giảm chi phí quảng cáo. Doanh số bán hàng và lợi nhuận sẽ được tăng lên rất nhiều nếu các công ty điều chỉnh những quảng cáo của họ sao cho phù hợp với đối tượng mục tiêu mà họ đã xác định từ trước. 


Đức Nguyễn / Advertising Vietnam

Theo Hive Life Magazine