Sau thời gian im ắng vì đại dịch, tiếp thị trải nghiệm (Experiential Marketing) đang dần phục hồi mạnh mẽ và tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ quan trọng cho các nhà tiếp thị trong cả lĩnh vực B2C và B2B, theo nhận định từ Báo cáo Dự báo Tiếp thị Trải nghiệm Toàn cầu 2024-2028 của PQ Media.


Sự đổi mới đang trở thành chìa khóa giúp các thương hiệu tìm ra những cách thức mới để kết nối ý nghĩa với người tiêu dùng trong một thế giới số hóa ngày càng mạnh mẽ. Theo nghiên cứu từ Gradient - một công ty chuyên về tiếp thị trải nghiệm, có đến 80% doanh nghiệp toàn cầu đã tăng ngân sách cho lĩnh vực này, hiện chiếm từ 10-30% tổng chi tiêu tiếp thị. Theo đó, mức đầu tư vào lĩnh vực này dự kiến ​​sẽ đạt 128,35 tỷ đô la trong năm 2024, tăng 10,5% so với năm ngoái. Điều này phản ánh sự phát triển vượt bậc của các chiến lược nhập vai.


Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi năm 2024 đã trở thành một cột mốc quan trọng đối với các chiến dịch tiếp thị trải nghiệm.


Những chiến dịch tiếp thị trải nghiệm đặc sắc của năm 2024


1. Airbnb và Mattel: Ngôi nhà Polly Pocket Slumber Party


Để kỷ niệm 35 năm búp bê được ra mắt toàn cầu, Airbnb và Mattel đã cùng hợp tác để xây dựng phiên bản thật của ngôi nhà Slumber Party Fun hai tầng, hoàn chỉnh với tủ quần áo chứa đầy các biểu tượng đặc trưng của Polly.




Macaela VanderMost, nhà sáng lập kiêm CEO của Newfangled Studios, nhận xét: "Họ đã biến một biểu tượng thời thơ ấu thành một ngôi nhà mơ ước mang phong cách thập niên 90, với nội thất cỡ lớn và nét hoài cổ độc đáo." Cô cũng nhấn mạnh: "Chiến dịch này nhằm tạo ra một trải nghiệm có thể chia sẻ. Airbnb đã khai thác điều đó một cách tuyệt vời, tạo nên tiếng vang lớn và cho thấy du lịch có thể là cầu nối để kết nối bạn bè và sống lại những ký ức tuổi thơ đầy niềm vui."


2. McDonald's: Trải nghiệm cửa hàng Pop-Up McDonnell


Dựa trên xu hướng văn hóa “dupe” (viết tắt của “duplicate” (bản sao), ám chỉ các sản phẩm thay thế được coi là phiên bản “bình dân” hoặc “bản sao” của những món đồ xa xỉ), McDonald’s đã ra mắt món Chicken Big Mac bằng cách biến một nhà hàng pop-up hư cấu mang tên “McDonnell's” ở Los Angeles thành tâm điểm chú ý.




Thương hiệu đã kết hợp cùng YouTuber kiêm streamer Twitch nổi tiếng Kai Cenat để khơi gợi tò mò với câu hỏi: “Chicken Big Mac có thực sự là Big Mac không?”


Chiến dịch không chỉ khơi mào các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội mà còn tiếp cận khán giả theo cách đa chiều. McDonald’s đã đầu tư vào hàng loạt hoạt động độc đáo như chiếu sáng Las Vegas Sphere, hợp tác với Zynga để phát triển một trò chơi điện tử, và tổ chức sự kiện “Big Mac Bash” tại buổi hòa nhạc En Vivo trong khuôn khổ Tuần lễ Âm nhạc Latin Billboard.


3. Nhà nghỉ Mountain Dew Borderlands


Người hâm mộ trò chơi đình đám Borderlands đã có cơ hội trải nghiệm một hành trình độc đáo khi Mountain Dew hợp tác cùng Regal Cinemas và Lionsgate để tái hiện thế giới của trò chơi tại một nhà nghỉ được cải tạo ở Albuquerque. Không gian này được thiết kế sống động với cocktail Dew độc quyền, các phòng ẩn lấy cảm hứng từ nhân vật trong trò chơi, và một chương trình tặng quà tương tác do robot animatronic Claptrap dẫn dắt. Hoạt động này không chỉ gia tăng sự hào hứng cho bộ phim "Borderlands" sắp ra mắt mà còn mang đến cơ hội sống lại những khoảnh khắc kinh điển từ trò chơi trong đời thực.




Trong thời đại mà việc phát trực tuyến dần thay thế trải nghiệm rạp chiếu phim truyền thống, Mountain Dew muốn khơi dậy sự hứng khởi dành cho điện ảnh bằng cách tạo nên một sự giao thoa độc đáo giữa trò chơi và phim ảnh. Việc biến một nhà nghỉ bình dân ở Albuquerque thành thế giới hỗn loạn, khắc nghiệt của Borderlands mang đến một trải nghiệm nhập vai đa giác quan, nơi người hâm mộ có thể bước chân vào Pandora và tương tác trực tiếp với những nhân vật và câu chuyện họ yêu thích.


4. P&G: Nhà trẻ tại làng Olympic Paris 2024


Năm nay, thể thao toàn cầu đã ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn bao giờ hết với Thế Vận Hội Olympic Paris 2024, và P&G rất nhạy bén khi nhận ra thách thức của các vận động viên đẳng cấp thế giới việc vừa thi đấu vừa chăm sóc gia đình. Tận dụng quyền tài trợ cho Làng Olympic Paris 2024, P&G đã hợp tác với huyền thoại điền kinh Hoa Kỳ Allyson Felix để tạo ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và không gian tiện nghi đặc biệt.




Các dịch vụ bao gồm phòng trẻ em mang thương hiệu Pampers, tiệm làm đẹp được tài trợ bởi Pantene và Mielle Organics, phòng khám nha khoa của Oral-B, cùng việc phân phối các sản phẩm vệ sinh phụ nữ Always và Tampax. Những tiện ích này không chỉ giúp các vận động viên cảm thấy được hỗ trợ mà còn tôn vinh vai trò làm cha mẹ của họ, vượt ra ngoài danh nghĩa của những người thi đấu.


Như một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa, P&G đã khẳng định rằng việc thi đấu ở đỉnh cao là một điều đáng kinh ngạc, nhưng được công nhận và hỗ trợ như một con người toàn diện – với gia đình và trách nhiệm ngoài sân đấu – lại là một giá trị còn lớn lao hơn.


Tại sao tiếp thị trải nghiệm được dự đoán sẽ thống trị năm 2025?


Nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán rằng tiếp thị trải nghiệm sẽ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng và hiệu quả vượt trội đến năm 2025. Họ cho rằng, những thương hiệu áp dụng các chiến lược được thiết kế cẩn thận, tập trung vào trải nghiệm khách hàng, không chỉ thu hút sự chú ý của đối tượng mục tiêu mà còn xây dựng lòng trung thành bền vững, từ đó tạo nên cộng đồng gắn kết xoay quanh thương hiệu.


1. Kết nối với người tiêu dùng ngoài màn hình


"Trong một thế giới ngập tràn quảng cáo kỹ thuật số, người tiêu dùng ngày càng khao khát những trải nghiệm thực tế và chân thật. Theo Ray Sheehan, người sáng lập Old City Media, "Người tiêu dùng hiện nay muốn cảm nhận thương hiệu bằng mọi giác quan, chứ không chỉ đơn thuần là qua màn hình."


Mỗi ngày, cộng đồng mạng tiếp xúc với hàng nghìn quảng cáo trực tuyến, nhưng chỉ một vài trong số đó để lại ấn tượng sâu sắc. Đó là lý do tại sao các hoạt động trực tiếp lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bằng cách tạo ra những trải nghiệm tương tác và đáng nhớ, các thương hiệu không chỉ thu hút sự chú ý mà còn xây dựng mối liên kết bền vững với khách hàng.


2. Tạo ra lợi nhuận thông qua việc tăng cường sự hiện diện bán lẻ


"Mặc dù tiếp thị kỹ thuật số đang lên ngôi, nhưng tiềm năng của môi trường bán lẻ truyền thống vẫn không hề mờ nhạt.” Scott Geisel, giám đốc khu vực của Quality First Home Improvements, đã khẳng định điều này qua kết quả kinh doanh ấn tượng sau khi triển khai các hoạt động kích hoạt tại một số cửa hàng Walmart. Điều này cho thấy rằng việc tương tác trực tiếp với khách hàng vẫn vô cùng hiệu quả, đặc biệt với những thế hệ lớn tuổi hơn.


Không chỉ dừng lại ở các hoạt động ngắn hạn, các quan hệ đối tác chiến lược giữa các thương hiệu cũng mang lại hiệu quả đáng kể. Sự hợp tác giữa Ulta và Target là một ví dụ điển hình. Bằng cách cùng nhau xuất hiện tại các điểm bán lẻ của đối tác, các thương hiệu không chỉ tiếp cận được khách hàng mới mà còn tăng cường độ nhận diện thương hiệu.


3. Nơi nghệ thuật gặp gỡ thương mại


"Tương lai của tiếp thị trải nghiệm đang hướng đến những trải nghiệm nhỏ gọn nhưng tinh tế hơn.” Theo Mike Morrow, nhà sáng lập Public XP, “Thay vì những sự kiện quy mô lớn, người tiêu dùng ngày nay, đặc biệt là thế hệ Gen X, đang tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, riêng tư.”


Những buổi tụ họp nhỏ tại các nhà hàng cao cấp, với âm nhạc và không gian được chăm chút tỉ mỉ, đang trở thành xu hướng mới. Đây là cơ hội vàng để các thương hiệu kết nối với đối tượng khách hàng cao cấp, những người luôn tìm kiếm những trải nghiệm chất lượng và độc đáo.


Sự kết hợp giữa nghệ thuật và thương mại trong các trải nghiệm này tạo nên một giá trị đặc biệt. Nó không chỉ giúp các thương hiệu tạo ấn tượng sâu sắc mà còn xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng. Như Morrow đã chia sẻ, "Ở độ tuổi 50, mọi người hòa đồng, có thu nhập khả dụng và đánh giá cao những trải nghiệm nâng cao."


4. Tích hợp công nghệ tăng cường kích hoạt


Trong khi con người ngày càng khao khát những tương tác chân thực, công nghệ lại đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm các hoạt nghiệm này. AI, chẳng hạn, có thể giúp tối ưu hóa thời gian và địa điểm thực hiện các hoạt động kích hoạt, đảm bảo chúng đạt hiệu quả cao nhất.


Bằng cách kết hợp hài hòa giữa công nghệ và các tương tác trực tiếp, các thương hiệu không chỉ mở rộng phạm vi tiếp cận mà còn tạo ra những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ. Ví dụ, chiến dịch selfie-mobile của Uber tại Tuần lễ thời trang New York 2024 đã cho thấy sức mạnh của việc kết hợp công nghệ với các sự kiện thực tế.


Năm 2024 đã chứng kiến sự hồi sinh của tiếp thị trải nghiệm, khi các thương hiệu nhận ra rằng những kết nối chân thành mới là chìa khóa để chinh phục trái tim khách hàng. Và năm 2025 dự kiến sẽ là thời điểm bùng nổ của chiến lược tiếp thị này. Bằng cách gặp gỡ khách hàng tại những nơi họ thường xuyên lui tới, các thương hiệu có thể tạo ra những ấn tượng khó quên mà không một quảng cáo kỹ thuật số nào có thể thay thế.


Diệu Anh (Theo Marketing Dive)


Đừng quên đăng ký newsletter của Advertising Vietnam để cập nhật những thông tin mới nhất về marketing, quảng cáo hàng tuần!