"Một số nhà tuyển dụng có định kiến về Career Break vì không nhận ra những lợi ích mà khoảng nghỉ này mang lại cho nhân sự"

“Career Break” (tạm dịch: Khoảng nghỉ cho sự nghiệp) là khoảng thời gian nhân sự chững lại và không có ý định tìm kiếm công việc mới. Khoảng nghỉ này có thể kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm, diễn ra ở bất kì nhóm lao động nào từ sinh viên mới tốt nghiệp đến nhân sự đã đi làm 1-2 năm. 


Trên thực tế, tình trạng Career Break đã diễn ra như thế nào trong môi trường agency? Hãy cùng các nhân sự từ SAM Communications, ZEE Agency, Chiic Digital PMAX phân tích về chủ đề này!



Tìm đến Career Break để… khám phá bản thân


Thông thường, “Career Break” xảy ra khi nhân sự rời khỏi thị trường lao động một khoảng thời gian. Vào tháng 2/2022, LinkedIn đã tiến hành khảo sát 23.000 nhân viên và 7.000 nhà quản lý tuyển dụng trên toàn thế giới về xu hướng Career Break. Kết quả cho thấy, gần 2/3 (62%) nhân sự từng trải qua khoảng nghỉ trong sự nghiệp và 35% nhân sự (chủ yếu là phụ nữ) muốn có khoảng nghỉ trong tương lai.


Đối với anh Duy Đức - Senior Account Manager tại SAM Communications, anh từng tạm break nửa năm để khám phá bản thân mình: “Thời điểm đó, guồng quay công việc khiến mình rơi vào trạng thái ‘burn out’ và hoàn toàn mất phương hướng. Hơn nữa, những chính sách ở công ty cũ cũng không còn phù hợp với mình, thế nên mình quyết định tạm nghỉ để tìm kiếm những cơ hội mới.”



Bản thân chị Anh Thư - Digital Copywriter tại PMAX cũng từng nghỉ ngơi suốt 6 tháng trong năm 2021. Lúc đó, dịch Covid bắt đầu bùng phát nghiêm trọng tại TP.HCM, giãn cách xã hội khiến tất cả công việc đều chuyển sang hình thức work from home (làm việc tại nhà). “Do ảnh hưởng từ dịch bệnh nên các nhân sự cần phải liên tục tìm ra giải pháp giúp tăng doanh số cho công ty, từ đó khối lượng công việc trở nên quá tải. Ở thời điểm đó, mình không xác định được mục tiêu trong sự nghiệp nên luôn trong trạng thái mơ hồ. Vì thế mà mình quyết định Career Break để nạp năng lượng và định hướng lại con đường sự nghiệp cho bản thân.”


Chị Rosalie Đinh - Account Manager tại Chiic Digital cũng chia sẻ câu chuyện của chính mình khi vừa đỗ đại học, chị đã bắt đầu tìm ngay một công việc để có thêm nguồn thu nhập cho bản thân. Lúc ấy, chị không có định hướng gì cả nên đã quyết định bắt đầu từ vị trí nhân viên phục vụ ở quán cà phê nhỏ. Sau gần hai năm vật lộn, chị lên được vị trí Staff Leader. Kết hợp với việc học ở trường, kỹ năng nào mình cũng có nhưng… không cái nào đủ thành thục. “Nhìn các bạn xung quanh mình có định hướng rõ ràng, đi theo ngành nghề bản thân mong muốn với mức lương ổn định, mình trở nên tự ti trước những người bạn đồng trang lứa, cảm thấy ‘peer pressure’ khi các bạn quá xuất sắc. Mình đã tự đặt ra câu hỏi rằng, liệu công việc này có là công việc thực sự mình mong muốn, liệu mình có phát triển tiếp được nữa không? Sau cùng, mình quyết định dừng công việc đó lại. Career Break của mình rơi vào thời điểm Covid bùng phát, do đó mình có thời gian để nhìn nhận lại bản thân, về những gì mình đã trải nghiệm, đã học và đã làm”, chị Rosalie Đinh kể lại


Nhìn chung, lý do khiến nhân sự agency quyết định có những khoảng nghỉ trong sự nghiệp rất đa dạng: do tính chất công việc không phù hợp, mệt mỏi với khối lượng công việc dày đặc, đãi ngộ/chính sách của công ty không phù hợp, công ty tái cấu trúc nên tiến hành sa thải,… Ngoài ra, chị Anh Thư cũng nêu thêm một lý do là các nhân sự muốn tập trung chăm sóc gia đình và con nhỏ nên cần thời gian ở nhà nhiều hơn.



“Career Break không có nghĩa là nhân sự ngừng phát triển”


Trong khi một số người cho rằng việc Career Break là thời gian để nhân sự nâng cao sức khỏe tinh thần cũng như kỹ năng chuyên môn, một số nhà tuyển dụng lại lo lắng về tình trạng tâm lý của ứng viên, lo sợ những kỹ năng của ứng viên đã bị mai một sau một thời gian không làm việc. Trên thực tế, cứ 5 nhà tuyển dụng thì sẽ có một người thẳng thừng từ chối những ứng viên nghỉ ngơi giữa chừng vì những lý do nói trên. Thế nhưng, Career Break không phải là bước lùi trong sự nghiệp của nhân sự.


Với cá nhân anh Mai Đạt - Senior Account Manager tại ZEE Agency, khoảng “break” trong công việc giúp anh nạp năng lượng, tạo đà và điểm bật trong sự nghiệp của mình. Do đó, bản thân anh không cho rằng việc tạm tách mình khỏi công việc sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn và kỹ năng của nhân sự. Anh nhận định Career Break không có nghĩa là nhân sự thất bại trong sự nghiệp, chỉ ở nhà ăn, ngủ hay xem TV mà có thể đây là một sự tính toán có chủ đích. Nếu có kế hoạch rõ ràng, cụ thể như đi học cao hơn, du lịch khám phá để mở mang kiến thức, thư giãn đầu óc,… thì nhân sự có thể học hỏi thêm những điều mới, mở rộng kết nối và sẵn sàng để quay lại công việc.



Trong khoảng thời gian nghỉ, nhân sự cũng nên xác định được mục tiêu cá nhân, sau đó lên kế hoạch kèm timeline cụ thể. “Tuân thủ theo to-do-list sẽ giúp nhân sự sống và làm việc có kế hoạch, đồng thời hạn chế sa đà vào thời gian nghỉ ngơi hoặc lãng phí thời gian trống”, chị Anh Thư nói. Từ đó, chị cho rằng nhân sự sẽ có khả năng chứng minh năng lực với nhà tuyển dụng về khoảng nghỉ trong sự nghiệp khi muốn quay lại công việc. Đầu tiên, ứng viên nên giải thích rõ lý do quyết định Career Break, sau đó bày tỏ bản thân đã làm thế nào để phát triển các kỹ năng chuyên môn trong thời gian đó. Nhân sự cũng cần thể hiện quyết tâm, sự sẵn sàng quay lại công việc bằng cách liệt kê bản thân đã chuẩn bị tinh thần và năng lượng để quay lại công việc ra sao.


Chị Rosalie Đinh cũng bày tỏ, đưa ra quyết định Career Break không phải là điều đơn giản đối với các nhân sự: “Một vài người bạn của mình có nhu cầu Career Break trong tương lai với lý do ‘khám phá bản thân, xác định những gì họ thực sự mong muốn’. Với mình, việc khám phá bản thân thực sự rất quan trọng vì khi biết mình là ai, bản thân cần gì và muốn gì thì nhân sự sẽ dễ xác định mục tiêu và kế hoạch tương lai hơn.”


Qua đó, chị Rosalie Đinh cho biết nhân sự có thể tận dụng khoảng thời gian Career Break để nâng cấp bản thân bằng cách:

  • Nghỉ ngơi sau khoảng thời gian dài bận rộn với deadline, tranh thủ thực hiện những điều mình chưa có dịp làm trước đây
  • Học hỏi những kỹ năng mới như viết lách, học vẽ, học đàn, học một ngoại ngữ mới,… để phát triển bản thân
  • Tranh thủ xây dựng lại các mối quan hệ trong gia đình, kết nối với những người bạn cũ, gặp gỡ bạn mới
  • Nâng cao sức khỏe tinh thần, cải thiện tâm trạng bằng cách tập thiền, yoga 
  • Tập thể dục thể thao, ăn những thực phẩm dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe để rèn luyện sức khỏe thể chất
  • Gia tăng trải nghiệm của bản thân bằng cách đi du lịch, tham gia các sự kiện cộng đồng,…



Các nhân sự cũng cho biết khoảng nghỉ sẽ có độ dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào mục đích của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, khoảng thời gian trung bình sẽ từ 3 tháng đến 2 năm. Chị Anh Thư chia sẻ rằng, có một số dấu hiệu cho thấy nhân sự sẵn sàng quay lại công việc như trải qua khoảng thời gian Career Break đủ lâu để nạp đầy năng lượng cho thể chất và tinh thần, giải quyết được các vấn đề cá nhân khiến nhân sự đưa ra quyết định Career Break trước đó, chuẩn bị sẵn sàng cho chặng đường công việc mới;...


Có thể thấy, Career Break là khoảng thời gian vừa để nhân sự nghỉ ngơi, thư giãn sau những áp lực công việc, đồng thời cũng là thời điểm nhân sự nâng cấp bản thân. Vậy nhìn chung, nhân sự ở giai đoạn nào sẽ có xu hướng Career Break nhiều hơn? Theo chị Anh Thư, những nhân sự có thâm niên, làm việc lâu sẽ có nhiều khả năng thực hiện Career Break hơn những nhân sự mới vào nghề: những nhân sự đã tham gia thị trường lao động lâu có thể sẽ muốn tái định hướng lộ trình nghề nghiệp để phát triển hơn nữa sau một thời gian gắn bó với công việc. “Ngoài ra, họ cũng có thể đã có tài chính ổn định hơn để thực hiện Career Break mà không bị ảnh hưởng bởi vấn đề tài chính. Còn nhân sự mới vào nghề thường bị ảnh hưởng bởi ‘cơm áo gạo tiền’ nên thường sẽ rất khó đưa ra quyết định Career Break. Tuy nhiên, việc quyết định có cần một khoảng nghỉ trong sự nghiệp hay không sẽ tùy thuộc vào mục tiêu, nhu cầu, tình trạng hiện tại của mỗi cá nhân”, chị Anh Thư nói.



Anh Minh Phạm - Business Development tại Chiic Digital cũng chia sẻ quan điểm khi cho rằng các nhân sự trong khoảng từ 3 đến 10 năm tuổi nghề sẽ có tỷ lệ Career Break cao nhất. Qua khoảng thời gian đó, nhân sự sẽ dần ổn định công việc và ít “break” hơn hẳn.


Các bước chuẩn bị để có khoảng nghỉ hiệu quả


Để đi đến quyết định Career Break, ắt hẳn nhân sự sẽ phải suy nghĩ rất nhiều. Anh Mai Đạt chia sẻ rằng anh từng break hai lần trong sự nghiệp: 1 là khi anh mới 20 tuổi - break do chuyển đổi ngành học; 2 là vào năm anh 34 tuổi - tự cho phép bản thân nghỉ ngơi một thời gian để nạp lại năng lượng và du lịch khám phá. “Lần đầu tiên mình break là vào giai đoạn còn đi học. Lúc này, mình được gia đình hỗ trợ rất nhiều, do đó tinh thần mình rất thoải mái, không phải lo lắng về mặt tài chính cũng như sự nghiệp (do còn quá trẻ). Tuy nhiên ở lần tiếp theo, mình đã có những suy nghĩ khác hoàn toàn.” Anh cho biết, vào giai đoạn break lần 2 trong sự nghiệp, anh đã thực hiện các bước sau:

  1. Lên kế hoạch cụ thể về khoảng thời gian và hình thức nghỉ ngơi để việc break được hiệu quả, có giá trị
  2. Chủ động sắp xếp tài chính, đảm bảo kế hoạch nghỉ ngơi lâu dài không bị ảnh hưởng dù không có thu nhập
  3. Tự tin về năng lực của chính mình, đảm bảo bản thân sẽ có lại được Job Offer (lời mời làm việc) thông qua network của bản thân trong ngành
  4. Hạn chế chia sẻ với mọi người về việc mình đang “thất nghiệp" để việc Career break được diễn ra thoải mái, không bị đặt nhiều câu hỏi không mong muốn và khiến gia đình lo lắng.


Bên cạnh đó, chị Rosalie Đinh cũng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân: “Tài chính là yếu tố rất quan trọng cần chuẩn bị trước khi nghĩ đến Career Break. Trong lúc nghỉ ngơi, nhân sự vẫn cần trang trải cuộc sống. Hơn nữa, nhân sự cũng cần có tài chính ổn định để phục vụ cho việc học thêm những điều mới mẻ hay đi du lịch tuỳ thuộc vào mong muốn của bản thân. Ngoài ra, nhân sự cũng cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt với nhiều câu hỏi từ bạn bè, người thân, họ hàng như tại sao không đi làm, có phải thất nghiệp không,...” 



“Trong thời gian Career Break thì mình dành rất nhiều thời gian để đi chơi ở giai đoạn đầu. Với mình, du lịch là cách để chữa lành bản thân nhanh nhất. Từ những chuyến đi ấy, mình sẽ tranh thủ tìm hiểu và học hỏi thêm những điều mới mẻ, khám phá những điều thú vị, bí ẩn ở những nơi thường xuyên đến. Ngoài ra, mình cũng dành khoảng 20 - 30 phút mỗi ngày để theo dõi những case/nhân sự trong ngành qua nhiều kênh khác nhau, cập nhật những kiến thức và tin tức về ngành để tránh bị lạc hậu khi quay trở lại. Cuối cùng là mình sẽ tìm hiểu về các công việc mà mình dự tính sẽ làm khi quay lại”, anh Minh Phạm nói.



Anh Duy Đức chia sẻ: “Trước đây, có một người thầy dặn dò mình là nếu làm nghề Truyền thông, hãy đặt mục tiêu làm việc 5 năm, sau đó nhìn lại xem mình đã trở thành ai. Vì thế, cứ mỗi 5 năm mình sẽ ngoảnh đầu nhìn lại xem bản thân đã tiến bao xa, phát triển được những gì, có yêu thích công việc hiện tại hay không. Nếu cảm thấy công việc không ổn, mình sẽ dành cho bản thân một khoảng lặng (break) để làm mới tinh thần và nạp năng lượng.”



"Một số nhà tuyển dụng có định kiến về Career Break vì không nhận ra những lợi ích mà khoảng nghỉ này mang lại cho nhân sự"

Kim Ngọc

Kim Ngọc

Content Writer | Advertising Vietnam

15 Thg 02 2023

Lưu

Cùng chuyên mục