Năm 2025 được dự báo là thời điểm AI thay thế nhiều công việc toàn thời gian, đặc biệt trong các ngành nghề đòi hỏi trí tuệ sáng tạo và thao tác máy tính. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm công việc truyền thống, trong khi nhu cầu về lao động tự do và hợp đồng sẽ gia tăng. Để thích ứng với sự chuyển đổi của thị trường, báo cáo "The Future of Jobs" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã mang đến thông tin tổng quan về những kỹ năng cần có đối với người lao động trong năm 2025.
Sau giai đoạn phát triển nhanh chóng và gây tranh cãi, AI không còn đơn thuần là mối lo ngại về việc thay thế con người. Đến năm 2023, sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động đã khiến AI trở thành tâm điểm chú ý, và vào năm 2024, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bắt đầu nhận ra tiềm năng thực sự của công nghệ này.
Các công việc liên quan đến thao tác máy tính và sáng tạo nội dung là những công việc dễ bị AI thay thế vào năm 2025
Theo các chuyên gia, AI không chỉ là công nghệ hỗ trợ mà còn yêu cầu một sự thay đổi về văn hóa làm việc. Thay vì lo sợ bị thay thế, người lao động có thể tận dụng AI để nâng cao hiệu quả công việc, mở ra cơ hội mới cho sáng tạo và đổi mới.
Công nghệ AI được dự đoán sẽ tối ưu hóa quy mô lực lượng lao động trong năm 2025
Tuy nhiên, không phải ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng theo cùng một cách. Các công việc có mức lương cao, liên quan đến thao tác máy tính và sáng tạo nội dung, được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Các vị trí dễ bị thay thế bao gồm: Thông dịch viên, biên dịch viên, nhà thơ, nhà văn, chuyên gia PR, nhà báo, kế toán, kiểm toán viên, kỹ sư blockchain và chuyên gia thuế.
Ngược lại, các ngành nghề lao động thủ công như sản xuất thực phẩm, khai thác gỗ hay công tác xã hội ít bị tác động bởi sự phát triển của AI. Đặc biệt, lĩnh vực tuyển dụng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ việc tích hợp AI vào quy trình đánh giá ứng viên, phát hiện gian lận và cải thiện hiệu quả quy trình tuyển dụng.
Ngành lập trình là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng sớm nhất. Ông Matt Garman, Giám đốc AWS của Amazon, dự đoán AI sẽ thay thế phần lớn công việc lập trình trong vòng 24 tháng tới. Ông cho rằng kỹ sư phần mềm vào năm 2025 sẽ có vai trò khác biệt so với năm 2020, khi AI dần đảm nhận các công việc lập trình truyền thống.
Báo cáo mới nhất của CompTIA cho thấy số lượng bài đăng tuyển dụng các nhân viên lập trình có kinh nghiệm đã giảm 56% so với 5 năm trước
Bên cạnh việc thay thế lao động, AI còn tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức tuyển dụng. Theo thống kê, 70% nhà tuyển dụng đang lên kế hoạch tích hợp AI vào quy trình của mình, giúp loại bỏ gian lận, tìm kiếm ứng viên tiềm năng và cải thiện trải nghiệm phỏng vấn. Điều này hứa hẹn sẽ mang lại sự công bằng và hiệu quả hơn trong quy trình tuyển dụng. Một khảo sát của Benzinga cho thấy, 37% công ty tại Mỹ đã sử dụng AI để thay thế nhân viên, và 44% dự đoán tình trạng sa thải sẽ gia tăng vào năm 2025.
Mặc dù vậy, các chuyên gia khẳng định AI không chỉ là mối đe dọa, mà còn là cơ hội để con người sáng tạo và đổi mới, định hình lại cách thức làm việc và hợp tác. Khi AI ngày càng trở nên phổ biến, việc nâng cao kỹ năng và thay đổi tư duy sẽ là yếu tố quyết định để người lao động và doanh nghiệp có thể thích nghi và phát triển trong kỷ nguyên công nghệ mới.
Các kỹ năng người lao động cần có trong năm 2025
Theo báo cáo “The Future of Jobs” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2025, khoảng 50% nhân viên sẽ cần được đào tạo lại do sự xuất hiện ngày càng nhiều công nghệ mới. Điều này có nghĩa là một nửa trong số người lao động sẽ phải học lại các kỹ năng nghề nghiệp trong vòng 3 năm tới. WEF cũng cảnh báo rằng, đến năm 2025, khoảng 85 triệu việc làm có thể bị thay thế do sự chuyển đổi phân công lao động giữa máy móc và con người. Mặc dù dự báo có tới hơn 97 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, nhóm lao động bị ảnh hưởng cần phải được hướng dẫn và đào tạo lại để nâng cao kỹ năng, theo kịp với sự phát triển của thời đại.
Top 10 kỹ năng được đánh giá cao nhất vào năm 2025
Tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề luôn là những yêu cầu quan trọng, được dự đoán từ báo cáo đầu tiên của WEF vào năm 2016. Tuy nhiên, phân tích mới nhất của WEF còn nhấn mạnh một điểm mới nổi rằng các kỹ năng quản lý bản thân, bao gồm học tập tích cực, khả năng phục hồi, kiểm soát căng thẳng và thích ứng linh hoạt, sẽ trở thành yếu tố quyết định trong việc duy trì và phát triển trong môi trường làm việc tương lai.
Dưới đây là 10 kỹ năng hàng đầu mà cá nhân và doanh nghiệp cần trau dồi để bắt kịp sự phát triển kinh tế vào năm 2025:
1. Tư duy phân tích và đổi mới.
2. Học tập tích cực và có chiến lược.
3. Giải quyết các vấn đề phức tạp.
4. Tư duy phản biện và phân tích.
5. Sáng tạo, kiến tạo và tính độc bản.
6. Lãnh đạo có tầm ảnh hưởng đến xã hội.
7. Sử dụng, giám sát và điều khiển công nghệ.
8. Thiết kế và lập trình công nghệ.
9. Sức bật tinh thần, bao gồm khả năng phục hồi tâm lý sau biến cố, chịu đựng căng thẳng và thích ứng linh hoạt.
10. Lập luận, lên ý tưởng và đưa ra giải pháp.
Tóm lại, những kỹ năng này có thể được nhóm lại thành 4 lĩnh vực cơ bản sau đây:
1. Giải quyết vấn đề
Giải quyết vấn đề là kỹ năng cốt lõi của năm 2025, bao gồm tư duy phân tích, đổi mới, tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng đưa ra giải pháp. Trong một thế giới ngày càng phức tạp, khả năng phân tích và áp dụng logic để hiểu và giải quyết vấn đề là yếu tố quan trọng giúp mỗi người đưa ra lựa chọn sáng suốt. Khi nắm bắt được bản chất của vấn đề, người lao động có thể tìm ra nguyên nhân thực sự và đưa ra giải pháp phù hợp.
Khả năng ứng biến thông minh trong tình huống khó khăn cũng được các nhà tuyển dụng ưu tiên, vì đây là yếu tố giúp đội ngũ lao động vượt qua thử thách và phát triển bền vững. Để giải quyết vấn đề hiệu quả, người lao động cần nhìn nhận từ nhiều góc độ, sử dụng tư duy phân tích và phản biện để đưa ra biện pháp thiết thực.
Mặc dù máy tính có thể xử lý các vấn đề cơ bản, nhưng vẫn cần đến sự suy luận và phân tích của con người để đi sâu vào cốt lõi của vấn đề. Máy móc có thể hỗ trợ sáng tạo, nhưng không thể hiểu hết được cảm xúc và yếu tố tâm lý trong những vấn đề liên quan đến thế giới nội tâm của con người.
WEF dự báo đến năm 2025, công việc gần như sẽ được phân chia đồng đều cho máy móc (47%) và con người (53%)
2. Tự quản lý
Học hỏi không chỉ giới hạn trong độ tuổi đi học mà còn là quá trình suốt đời. Khi công nghệ liên tục phát triển, việc học tập giúp con người bắt kịp xu hướng và nâng cao kỹ năng. Đây là một phần của kỹ năng tự quản lý, đòi hỏi sự chủ động tìm kiếm cơ hội học hỏi mới và duy trì hành trình tri thức cá nhân. Ngoài việc học từ những người xung quanh, người lao động cũng cần chủ động theo dõi các công nghệ và xu hướng nổi bật.
Bên cạnh đó, các kỹ năng quản lý tinh thần như phục hồi sau biến cố, chịu đựng căng thẳng và thích ứng linh hoạt cũng rất quan trọng. Những khả năng này giúp người lao động duy trì tâm lý tích cực, ngay cả khi đối mặt với khó khăn hoặc thay đổi bất ngờ, như trong các tình huống khủng hoảng toàn cầu (như Đại dịch COVID-19).
3. Làm việc nhóm hiệu quả
Thành công không thể đạt được chỉ bằng sức lực của một cá nhân, một tập thể đoàn kết, hiểu nhau sẽ tạo ra kết quả tích cực, giúp công ty phát triển bền vững. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng, vì mỗi người đều có cảm xúc, suy nghĩ và quan điểm khác nhau, khiến việc đi đến mục tiêu chung trở nên khó khăn. Vì vậy, rèn luyện các kỹ năng trí tuệ cảm xúc như đồng cảm, giao tiếp hiệu quả và giải quyết xung đột rất là quan trọng. Mặc dù AI và số hoá có thể thay thế một số tác vụ công việc, khả năng tương tác và làm việc nhóm của con người là điều không thể thay thế. Chính khả năng này sẽ giúp tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp và sự đồng thuận, từ đó dẫn đến những sản phẩm vượt trội.
4. Sử dụng và phát triển công nghệ
Hiểu biết về công nghệ là yếu tố không thể thiếu trong tương lai. Kỹ năng sử dụng, giám sát, điều khiển công nghệ, cũng như thiết kế và lập trình, sẽ đóng vai trò quan trọng trong mọi ngành công nghiệp. Các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), Machine Learning (Máy học) và Deep Learning (Học sâu) hiện nay đang góp phần tạo nên thành công cho nhiều doanh nghiệp lớn. Một đội ngũ am hiểu công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm đi đầu, phù hợp với xu thế.
Với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, một số kỹ năng có thể trở nên lỗi thời chỉ sau vài năm, đòi hỏi người lao động phải liên tục cập nhật và đào tạo lại. Nắm bắt xu hướng và phát triển bản thân là yếu tố then chốt để duy trì sự nghiệp lâu dài. Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc đào tạo nhân viên theo 10 kỹ năng trên, nhằm đáp ứng sự thay đổi và giữ vững sự cạnh tranh trong tương lai.
Như Quỳnh
Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.