Nghệ sĩ nhạc kịch Jay-Thiện Nguyễn: “Tiếp cận dòng chảy của mạng xã hội như một công cụ sáng tạo đưa nhạc kịch đến gần cộng đồng”

Với hơn 10 năm kinh nghiệm, Jay-Thiện Nguyễn đã chinh phục khán giả nhạc kịch trên khắp thế giới: Từ Hoa Kỳ, Việt Nam đến Thái Lan, Singapore,... Sân khấu chính là nơi anh tỏa sáng rực rỡ nhất, nơi mà anh có thể cống hiến cả tâm huyết và tài năng của mình. Hành trình nghệ thuật của Jay-Thiện Nguyễn được đánh dấu bởi học bổng danh giá Fulbright và tấm bằng Thạc sĩ Nghệ thuật về Nghiên cứu Nhạc kịch từ Đại học Temple (Philadelphia, Hoa Kỳ) vào năm 2022.


Năm 2023, Jay-Thiện Nguyễn đã thành lập Impact Theatre Saigon (ITS) với mục tiêu góp phần phát triển nền sân khấu nhạc kịch Việt Nam. ITS hoạt động như một tổ chức thực hiện những dự án trình diễn và giáo dục nhạc kịch, cung cấp cơ hội cho các tài năng trẻ yêu sân khấu trau dồi kỹ năng và theo đuổi đam mê. 




Cơ duyên nào giúp anh theo đuổi giấc mơ nhạc kịch cho đến tận bây giờ? 


Tôi tìm thấy tình yêu với nhạc kịch vào 15 năm trước khi nghe được ca khúc “I Dreamed a Dream" từ vở nhạc kịch Les Misérables (Những Người Khốn Khổ). Khi đó, tôi thắc mắc lúc nghe ca từ, rằng ca khúc này dường như có một câu chuyện sâu xa ở đằng sau nó chứ không đơn thuần là một bài hát bình thường. Từ đó tôi tìm hiểu và biết được về nhạc kịch và lập tức có một kết nối vô cùng mãnh liệt với cách các nghệ sĩ nhạc kịch dùng khả năng nghệ thuật của mình để kể chuyện.


Jay-Thiện Nguyễn trình diễn trong vở “The World According to Snoopy” tại Mỹ


Đến năm 2013, tôi có cơ may tham dự một dự án trao đổi văn hoá của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM là “Broadway in Vietnam". Đó là lần đầu tiên được trải nghiệm học tập trong một môi trường chuyên nghiệp, kỷ luật và thật nhiều niềm vui khi được hát, nhảy, diễn cả ngày với các bạn trẻ chia sẻ cùng đam mê. Đó cũng là khoảnh khắc tôi quyết định rằng đây là điều tôi muốn làm với cuộc đời tôi, và là bước đi đầu tiên của tôi trên con đường theo đuổi ước mơ nhạc kịch đến tận hôm nay. 


Jay-Thiện Nguyễn trình diễn trong vở “Head over Heels” tại Mỹ


Được biết, anh đã có cơ hội đứng trên các sân khấu nhạc kịch lớn của nước ngoài, cũng như có nhiều năm du học tại Mỹ. Vậy tại sao anh lại chọn trở về Việt Nam để theo đuổi và phát triển con đường làm nhạc kịch của mình?


Trong thời gian theo học nhạc kịch tại Mỹ, có nhiều người, thậm chí cả gia đình, cũng hỏi tôi rằng sao không ở lại Mỹ để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp, hay “tìm đường” ở lại luôn. Tôi chỉ cười nhẹ cho qua, vì từ ngày đầu sang Mỹ, tôi đã xác định tôi đi học là để quay về Việt Nam rồi. Mục tiêu của tôi từ đầu đã luôn hướng về nhà, nơi tôi sinh ra, lớn lên, và làm nên con người tôi. Tôi nghĩ đơn giản là, ở Mỹ họ đã quá phát triển rồi, tôi chưa nhìn thấy có vấn đề gì mà chỉ tôi mới có thể giải quyết khi theo đuổi con đường này ở Mỹ. Tôi tin sự đóng góp của mình cho nghệ thuật ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa lớn hơn là ở Mỹ. Khi nhìn về Việt Nam, tôi còn nhớ lại tôi của ngày trước, khao khát được làm nhạc kịch nhưng không có cơ hội hay môi trường nào để học và làm. 


Vậy nên tôi muốn làm những điều tôi mong muốn có ai đó làm cho mình ở những năm trước đây. Ngoài ra, tôi thấy Việt Nam cũng có rất nhiều câu chuyện, chất liệu cuộc sống chỉ chúng ta mới có. Những điều đó hoàn toàn có thể được mang lên sân khấu, để những thông điệp đương đại hơn, nguyên bản hơn, mới mẻ hơn được lắng nghe và cảm nhận, để rồi chúng được lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến cộng đồng thông qua ngôn ngữ của sân khấu và nghệ thuật. Nên tôi chọn về Việt Nam và thành lập Impact Theatre Saigon.


Đêm diễn đầu tiên của ITS với 180 khán giả 


Kinh nghiệm chinh chiến từ sân khấu quốc tế có “hữu ích” khi anh hoạt động nhạc kịch tại Việt Nam không? 


Có chứ. Khi hoạt động nhạc kịch tại đây, tôi áp dụng được rất nhiều thứ trong thời gian theo học và trình diễn từ các sân khấu quốc tế. Bên cạnh những khả năng, kinh nghiệm trình diễn và đào tạo, điều quan trọng nhất tôi học được khi ở trong những dự án nhạc kịch quốc tế, là tinh thần tập thể, sự tôn trọng lẫn nhau và kỷ luật. Đó là những điều cần thiết khi xây dựng một cộng đồng nhạc kịch. Tôi rất chú trọng việc tạo nên một môi trường mà từng thành viên được tiếp sức bởi năng lượng tương hỗ lẫn nhau, và vị trí của ai cũng đều có tầm quan trọng như nhau cả. 


Các thành viên trong một đoàn kịch, tôi hay ví von là những người đang cùng nhau khiêng một cái bàn, một người thả tay ra, thì những người còn lại sẽ chịu luôn phần sức nặng đó. Không quan trọng bạn đang ở vị trí đầu bàn hay cuối bàn, đóng góp của bạn đều quan trọng. Người chỉnh từng cái cúc áo cho diễn viên, với tôi, có tầm quan trọng và xứng đáng được tôn trọng không khác gì người chỉnh âm thanh ánh sáng, hay thậm chí là cả những diễn viên đứng trên sân khấu. Tất cả đều là sự cộng tác. 




Cơ duyên nào giúp anh và NSƯT Thành Lộc cộng tác trong các dự án nhạc kịch của ITS? 


Khi ITS mới thành lập, tôi và đồng đội trình diễn tại một sân khấu nhỏ và ấm cúng chỉ với khoảng 180 khán giả. Ngay trong đêm diễn đầu tiên, NSƯT Thành Lộc có tới xem, sau đó anh có chia sẻ rằng anh thấy được hai chữ hạnh phúc sáng ngời ngời trên gương mặt của từng thành viên khi được trình diễn nhạc kịch, cũng là một bộ môn anh yêu thích. 


ITS trình diễn tại ngày ra mắt Sân khấu Nghệ thuật Thiên Đăng


Vài tháng sau đó, khi anh Thành Lộc khai màn Sân khấu Nghệ thuật Thiên Đăng, anh có ngỏ lời với ITS về sân khấu Thiên Đăng trình diễn. Đó là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn với tôi và ITS, vì tôi cũng không ngờ chỉ mới thành lập chưa đầy nửa năm, mà đã có những nghệ sĩ tâm huyết và tầm vóc như anh Thành Lộc tin tưởng, và trao cơ hội để tiếp tục theo đuổi con đường mang nhạc kịch đến với khán giả. Ngày Thiên Đăng khai trương, ITS cũng được đến và trình diễn ra mắt công chúng. Việc được biểu diễn trước các nghệ sĩ đã cống hiến cuộc đời cho sân khấu và để lại nhiều dấu ấn trong nền kịch nghệ Việt Nam, với ITS là một phước lành đáng quý.



Anh có thể chia sẻ đôi chút về ý tưởng thực hiện cho “đứa con tinh thần” - “Lights, Camera, Broadway!”


“Lights, Camera, Broadway!” là dự án được thực hiện đúng 1 năm kể từ đêm diễn đầu tiên của ITS. Chương trình năm ngoái chỉ vỏn vẹn có 8 thành viên trên một sân khấu nhỏ, nên chúng tôi chỉ có đủ không gian để đứng hát các ca khúc nhạc kịch hoặc dàn dựng thật giản lược. Năm nay, trên sân khấu có đến 24 nghệ sĩ, bao gồm cả diễn viên, vũ công, ban nhạc, và cả anh Thành Lộc nữa. Trên một sân khấu kịch đúng nghĩa và có không gian hơn, ITS được thỏa sức bung hết khả năng và đam mê từ việc ca hát, nhảy, diễn xuất, và dàn dựng biên tập chương trình.


ITS và đêm diễn đầu tiên tại “Lights, Camera, Broadway!” 2024 cùng sự góp mặt của NSƯT Thành Lộc


Lần này, ITS thực hiện các trích đoạn đến từ những bộ phim nhạc kịch/phim âm nhạc nổi tiếng thế giới như The Sound of Music, West Side Story, Wicked, The Greatest Showman, cho đến những ca khúc nhạc phim bất hủ để lại nhiều dấu ấn trong nền điện ảnh thế giới. Chương trình còn là sự tổng hòa giữa âm nhạc sống từ HADA Band, kết hợp với âm thanh - ánh sáng được thiết kế chuẩn nhạc kịch từ Kỹ sư Âm thanh Tùng Nguyễn và Đạo diễn Sân khấu Dương Nam Long, vũ đạo của hai biên đạo Nghĩa Trần và MeA Minh Anh, và phần chỉ đạo thanh nhạc do Giám đốc Âm nhạc Timmy phụ trách. Các chương trình từ ITS vẫn chú trọng truyền thông qua mạng xã hội và các cộng đồng nhằm thu hút được đa dạng các nhóm khán giả. 


Một số hình ảnh tại dự án nhạc kịch “Lights, Camera, Broadway!” 2024


Những đêm diễn như “Lights, Camera, Broadway!” mang ý nghĩa như là những đêm diễn giới thiệu bộ môn nhạc kịch đến công chúng theo cách gần gũi và thú vị, để mở đường cho những dự án dài hơi hơn, Việt Nam hơn, và nguyên bản hơn của ITS. Tôi mong muốn qua việc chọn những chủ đề gần gũi, và bằng việc chia sẻ tài năng và đam mê của các thành viên, chúng tôi có thể có được một cộng đồng khán giả yêu nhạc kịch và sẵn sàng ủng hộ những dự án như thế này lẫn những dự án mới lạ hơn trong tương lai. 



Anh có đánh giá gì về tình hình nhạc kịch Việt Nam trong năm 2024? 


Trong những năm gần đây, tôi thấy nhạc kịch đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả từ phía công chúng lẫn những người làm nghệ thuật. Nói vui một chút là dạo này cứ sơ hở là thấy có người làm “nhạc kịch”. Từ những câu lạc bộ, đội nhóm ở các trường đại học, đến những bạn trẻ đam mê thành lập những nhóm nhạc kịch độc lập, đến những tổ chức lớn cũng thực hiện các dự án trình diễn và giáo dục về nhạc kịch.


Tôi cảm thấy vui vì đây là điều hiếm thấy ở những năm trước đây, và rõ ràng là bức tranh nhạc kịch đã trở nên sinh động hơn nhiều. Tuy nhiên, tôi cũng có những trăn trở nhất định về định nghĩa, về quan niệm, về tính bền vững của các dự án, và những chiếc khuôn người ta hay đặt ra cho bộ môn này, nhưng tôi cũng rất tò mò và muốn dành thêm thời gian quan sát xem đời sống nhạc kịch của Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian sắp tới. 



Với tôi, chúng ta vẫn còn thiếu những tác phẩm nhạc kịch Việt Nam đúng nghĩa, hội tụ đủ chất lượng nghệ thuật và có một đời sống lâu bền tại rạp hát. Chúng ta chưa có nhiều dự án nhạc kịch mà người trình diễn cảm thấy tự hào khi được diễn, khán giả cảm thấy xúc động khi được xem, có mong muốn tới xem đi xem lại và giới thiệu cho cộng đồng, và cả người nước ngoài hay người Việt đều ngưỡng mộ và xem đây là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật và văn hoá cao.


Trong những năm gần đây, vở diễn làm được điều đó tốt nhất với tôi chính là vở Tiên Nga Nhạc kịch của anh Thành Lộc. Ngay cả bản thân tôi và ITS cũng đang ấp ủ một dự án nhạc kịch Việt Nam, hy vọng sẽ sớm cho ra đời và góp một tiếng nói của tôi vào những nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của bộ môn này tại đây. 


Phân cảnh trong vở nhạc kịch "Tiên Nga" do NSƯT Thành Lộc làm đạo diễn và biên kịch.


Giữa hàng loạt các phương tiện giải trí khác, anh đã làm thế nào để mang nhạc kịch đến gần hơn với giới trẻ? 


Có người từng nói với tôi một quan điểm rằng, khi “khoảng tập trung" của chúng ta ngày càng ngắn lại, khi mọi người tìm kiếm những sự giải trí ngắn hạn hơn từ những nền tảng như TikTok, Facebook, Youtube,...thì những bộ môn nghệ thuật cần sự tập trung cao độ như nhạc kịch sẽ còn trở nên xa vời hơn với công chúng. Tôi nghĩ nó không hoàn toàn sai, nhưng cũng không đúng tuyệt đối. Khi tôi nhìn vào các đêm diễn tại các sân khấu kịch đúng nghĩa tại TP.HCM, vẫn có một lượng khán giả rất lớn đến xem kín rạp và ngồi lại đến cuối buổi diễn, dù buổi diễn có khi kéo dài hơn cả 3 tiếng đồng hồ. Tôi nghĩ đó là minh chứng mạnh mẽ cho việc thế giới sẽ luôn có chỗ và có những người ủng hộ cũng như kết nối với các công việc mà bạn làm, chỉ cần bạn làm tốt việc của mình, một cách có tâm. 


ITS biểu diễn tại Đại học Kinh tế TP.HCM trước 1000 sinh viên 


Bên cạnh đó, tôi cũng chịu khó lắng nghe và quan sát dòng chảy của các xu hướng trên mạng xã hội, và chọn lọc các cách thức để lan tỏa nhạc kịch đến giới trẻ. Bên cạnh những đêm diễn đảm bảo chất lượng nghệ thuật chỉn chu, tôi xây dựng hình ảnh ITS là một người bạn có chuyên môn nhưng sẵn sàng chịu chơi, chịu quậy tưng bừng và gần gũi với cộng đồng. Tôi và đội ngũ cũng sáng tạo những nội dung trẻ trung hơn, không quá gò bó mình vào các khuôn khổ hoặc quan niệm cũ, nhưng cũng luôn tự nhắc không nên chạy theo xu hướng mà đánh mất những giá trị cốt lõi của bộ môn nghệ thuật này. Việc chúng ta tin vào sức mạnh của cái mình đang theo đuổi là quan trọng lắm!


Những khó khăn nào anh gặp phải khi vận hành ITS nói riêng và hoạt động nhạc kịch của tôi nói chung? 


Kinh phí và con người. Nhạc kịch là một trong những bộ môn nghệ thuật hao người tốn của nhất. Đằng sau những đêm diễn của ITS là rất nhiều sự đầu tư về kinh phí, thời gian, nỗ lực, tâm sức, và rất nhiều sự cộng tác. ITS là một tổ chức mới thành lập chỉ được 1 năm tuổi, và đang ở những bước đi đầu tiên trên con đường nhạc kịch tại một nơi mà số đông khán giả vẫn cần thêm thời gian để tin, yêu, và ủng hộ bộ môn này. Suốt 1 năm qua, tất cả những chương trình của ITS đều được sản xuất từ chi phí bán vé. Tôi biết điều đó rất rủi ro, và tính bền vững chưa cao, tuy nhiên đó cũng là một thách thức chung của mọi start-up rồi. Tôi chỉ có thể đánh liều, ném lao và hy vọng chiếc lao đó bay xa, với niềm tin rằng nếu lao có rơi xuống thì sẽ có những đồng đội lại tiếp tục giúp tôi ném tiếp. 


Và rồi chỉ bằng việc cố gắng làm tốt và kỹ lưỡng việc tôi yêu thích một cách có chủ đích, sẽ có những mối duyên lành, những người nhìn thấy được tiềm năng của chúng tôi và tiếp sức cho chúng tôi đi tiếp. Nên nói thật là, một năm qua, tiền thì không có lời đồng nào đâu, nhưng chúng tôi gom được gần 14,000 khán giả, từ TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, và thực hiện được gần 30 dự án từ trình diễn - giáo dục - kết nối cộng đồng rồi. Tính ra cũng lời khá nhiều đó!


Như Quỳnh


Nghệ sĩ nhạc kịch Jay-Thiện Nguyễn: “Tiếp cận dòng chảy của mạng xã hội như một công cụ sáng tạo đưa nhạc kịch đến gần cộng đồng”

Như Quỳnh

Như Quỳnh

Content Writer | Advertising Vietnam

22 Thg 05 2024

Lưu

Cùng chuyên mục