Low-fidelity marketing (hay còn được gọi là low-fi marketing) đã trở thành một xu hướng nổi bật được các thương hiệu đặc biệt ưa chuộng trong những năm gần đây, đặc biệt là khi những mẩu quảng cáo được đánh giá là “hoàn hảo” từ nội dung đến hình ảnh đều đang dần trở nên nhạt nhoà trong mắt công chúng.


Theo Adweek, sự nổi lên của hình thức low-fi marketing trên thực tế đến từ xu hướng người tiêu dùng ngày nay đề cao nội dung mang tính “perfectly imperfect” (tạm dịch: không hoàn hảo tuyệt đối) kể từ sau đại dịch COVID-19. Đã qua rồi cái thời quảng cáo được tạo ra bởi một kịch bản lý tưởng và một thông điệp sáo rỗng khuyến khích người tiêu dùng “tô hồng” cuộc sống, việc các thương hiệu mạnh dạn bước ra khỏi sự hoàn hảo thường thấy để tiếp cận người tiêu dùng với những thông điệp chứa đầy tính thực tế và thậm chí có phần gai góc lại được đánh giá cao và mang đến hiệu quả truyền thông tốt hơn.


Liệu lo-fi marketing chỉ đơn thuần là một chiến dịch marketing đề cao khía cạnh “không hoàn hảo”? Các thương hiệu có thể hưởng lợi từ việc khai thác những mặt thiếu sót của mình như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau! 


Lo-fi marketing là gì?


Lo-fi marketing là một thuật ngữ được dùng để miêu tả một chiến lược marketing tập trung vào việc tạo ra các hình ảnh, video hoặc văn bản có chất lượng không hoàn hảo, hay thậm chí là chất lượng thấp. Đó có thể là những hình ảnh, video hoặc văn bản được tạo ra một cách tự nhiên bằng các thiết bị thông thường như điện thoại di động hoặc máy ảnh thông dụng thay vì sử dụng máy móc và kỹ thuật sản xuất chuyên nghiệp. Hay đơn giản chính là việc khai thác những thông điệp đa dạng và gần với thực tế đời sống con người thay vì “tô hồng” về một thế giới chỉ có những người thành đạt hay những hoàn cảnh truyền cảm hứng luôn biết cách vươn lên trong cuộc sống. 


Không cần thiết bị quay dựng chuẩn điện ảnh, chiến dịch "Shot on iPhone" tận dụng hình ảnh do người dùng chụp bằng sản phẩm của Apple vẫn thành công vang dội


Mục tiêu của lo-fi marketing thường hướng đến việc tạo ra cảm giác gần gũi, tự nhiên và thể hiện mọi khía cạnh chân thực của cuộc sống. Từ đó, giúp thương hiệu xây dựng kết nối về mặt cảm xúc đáng tin cậy hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý rằng lo-fi marketing không phải là sản xuất nội dung chất lượng thấp. Thay vào đó, đây là hình thức marketing đòi hỏi sự sáng tạo và chọn lọc để vừa tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng, vừa thoả mãn được hai yếu tố chân thật, tự nhiên. 


Tại sao marketing lo-fi marketing lại được đánh giá cao?


Dấu ấn của sự chân thật


Trong môi trường tiếp thị ngày nay, người tiêu dùng đang tìm kiếm sự gần gũi và chân thật. Chính vì thế, thay vì cố gắng gieo rắc vào đầu người tiêu dùng những thông điệp như “Cuộc sống của bạn phải hoàn hảo như những gì được miêu tả trong quảng cáo, nếu không, bạn đã thất bại", lofi-marketing lại tạo ra một dấu ấn đặc biệt bởi sự tự nhiên, không sửa chữa quá mức thể hiện cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng, kể cả những khía cạnh không hoàn hảo. 


Chiến dịch #RealSoaps của Dove gây xúc động với thông điệp tôn vinh những đặc điểm không hoàn hảo trên cơ thể người phụ nữ


Có thể nói, Dove là một trong những thương hiệu tiên phong và tiêu biểu nhất trên thị trường bởi cách marketing “đi ngược chiều gió”, thường xuyên khai thác những chủ đề thể hiện sự đồng cảm với khía cạnh không hoàn hảo của người dùng. Nổi bật trong chuỗi chiến dịch kinh điển “Real Beauty” được thương hiệu triển khai từ năm 2004 đến nay là chiến dịch #RealSoaps bán xà phòng “lỗi” để tôn vinh làn da thực của phụ nữ. Cụ thể, vào năm 2021, Dove Colombia đã cho ra mắt 4 sản phẩm xà phòng tắm chứa nhiều vết nứt và nốt sần - một “nước đi” đầy khác biệt với hầu hết các loại xà phòng có bề mặt láng mịn và hoàn hảo trên thị trường. Điều này tượng trưng cho sự “không hoàn hảo” trên làn da người phụ nữ, qua đó cổ vũ họ tự tin hơn vào bản thân và cảm thấy kết nối với sản phẩm chăm sóc cơ thể từ thương hiệu.


Kết nối với khách hàng bằng sự chân thành


Một báo cáo của Statista vào năm 2022 đã chỉ ra rằng, có đến 45% Gen Z thừa nhận sẽ dành sự quan tâm và tương tác nhiều hơn với các thương hiệu chân thật và đáng tin cậy. Chính vì thế, việc khai thác khía cạnh “không hoàn hảo” mang đến một cơ hội lớn để thương hiệu thể hiện tính chân thật của mình. Không phải mọi sản phẩm đều hoàn hảo từ đầu. Thay vào đó, việc thể hiện quá trình hoàn thiện và học hỏi từ những sai lầm làm cho thương hiệu trở nên thân thiện và dễ gần với khách hàng, đặc biệt là thế hệ người tiêu dùng đầy tiềm năng trong tương lai. 


Chiến dịch của Grab với thông điệp đầy thực tế: "Chọn tiết kiệm. Đừng bỏ bữa"


Trong chiến dịch quảng cáo triệu view “Đừng bỏ bữa", ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn Grab đã tái hiện cuộc sống hàng ngày của người Việt thông qua những hình ảnh và câu chuyện đầy thực tế. Có thể thấy, thay vì “tô vẽ” một thế giới màu hồng với toàn bộ là những người thành công, các vị khách hàng trong “Đừng bỏ bữa” lại có sự đa dạng trong tính cách, công việc, hoàn cảnh như chủ tiệm tạp hóa, nhân viên văn phòng, thanh niên tình nguyện, người vô gia cư… Bên cạnh đó, lý do đặt GrabFood cũng được thương hiệu khắc hoạ một cách vô cùng chân thật: vì quá bận rộn với công việc, vì bận chăm sóc người thân, vì thời tiết không chiều lòng người, hay đơn giản vì muốn đem lại bữa cơm đủ đầy cho một mảnh đời cơ nhỡ… Những hình ảnh và câu chuyện bình dị ấy đã giúp tạo nên sự gắn kết mạnh mẽ hơn với khách hàng và thể hiện tính chân thật của thương hiệu.


4 gợi ý để thương hiệu thành công với chiến lược marketing “không hoàn hảo"


1. Nâng cao sự gần gũi qua nội dung


Tạo ra nội dung có tính nhân văn, thể hiện cuộc sống hàng ngày và các khía cạnh cá nhân của người tiêu dùng chính là cách giúp thương hiệu truyền tải những thông điệp vừa ý nghĩa, vừa gần gũi với khán giả. Họ có thể chia sẻ câu chuyện về người sáng lập, quá trình phát triển sản phẩm, hoặc những thất bại và học hỏi. Điều này giúp tạo sự gắn kết với khách hàng và thể hiện thương hiệu là một phần của cuộc sống thực tế.


Chiến dịch sinh nhật 3 tuổi của BAEMIN cùng những thông điệp “thẳng”, “thật” và những dòng chữ viết tay đơn giản đã thành công chạm đến trái tim người dùng


Ngoài ra, thương hiệu cũng không cần một kịch bản hoàn hảo hay cố gắng “vẽ thêm" cho sản phẩm của mình những thứ hoàn hảo. Sản phẩm của thương hiệu không "biến" cuộc sống bình thường của khách hàng thành một cuộc sống phi thường, vì vậy, đừng cố gắng truyền tải những thông điệp hoàn hảo khó đạt được. Thay vào đó, hãy chỉ ra sản phẩm của mình có những tính năng, công dụng nổi bật nào có thể giúp người dùng giải quyết được những nhu cầu thực tế của họ. Từ đó, lan tỏa giá trị thương hiệu bằng cách tái hiện câu chuyện thương hiệu thương hiệu đằng sau quá trình phát triển sản phẩm ấy.


2. Sử dụng hình ảnh và video tự nhiên


Thay vì sử dụng hình ảnh và video được chỉnh sửa hoàn hảo, thương hiệu có thể tạo ra nội dung thể hiện sự tự nhiên, không chỉnh sửa quá mức. Điều này giúp tạo sự gần gũi và thân thiện hơn với khách hàng, vì họ có thể cảm nhận được tính chân thực trong câu chuyện của thương hiệu.


Loạt print-ad “McMistakes” của McDonald’s là ví dụ hoàn hảo cho thấy hình ảnh đơn giản cũng có thể gây ấn tượng với người dùng


3. Chia sẻ các câu chuyện thất bại và học hỏi


Đừng né tránh sự không hoàn hảo trong sản phẩm của mình. Hình dung sự không hoàn hảo như một cơ hội để phát triển sản phẩm và quảng bá nó, thừa nhận những bài học thất bại hoặc sai lầm và qua đó chứng minh thương hiệu đã cải thiện sản phẩm của mình như thế nào một cách chân thành nhất. 


Cách xử lý tài tình của KFC trước sự cố về chuỗi cung ứng năm 2018 đã trở thành một case study nổi bật về cách thương hiệu tận dụng thất bại để chinh phục khách hàng 


Việc kể câu chuyện về những lần thử thất bại và những bài học đã rút ra không chỉ giúp thương hiệu trở nên gần gũi hơn, mà còn thể hiện tính nhân văn và tôn trọng khách hàng.


4. Tạo không gian tương tác và thảo luận


Một trong những khía cạnh quan trọng của lo-fi marketing là khả năng tạo sự gắn kết với cộng đồng. Thương hiệu có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, gây quỹ từ thiện hoặc hỗ trợ các dự án cộng đồng, thể hiện rằng họ không chỉ là một doanh nghiệp mà còn là một người bạn đồng hành trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng.


Chiến dịch “Courage is Beautiful” thực hiện giữa bối cảnh COVID-19 với hình ảnh những vết hằn trên khuôn mặt của các y bác sĩ giúp Dove mang về loạt giải thưởng danh giá 


Việc tạo ra các cuộc thảo luận xung quanh các chủ đề liên quan đến thương hiệu, sản phẩm hoặc lĩnh vực liên quan không chỉ thể hiện tính gần gũi mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về ý kiến và mong muốn của khách hàng. 


Nội dung: Thảo Vy - Bội Ngọc