Hiện nay, việc các nhân sự Social Content chăm chỉ “nuôi” kênh công ty, đôi khi quên cả trang cá nhân là một thực tế không còn xa lạ. Mặc dù là người “cầm bút” đứng sau vô vàn nội dung nổi bật trên các nền tảng mạng xã hội, họ vẫn gặp phải không ít khó khăn trên hành trình “tăng view” cho bản thân.


Làm content “triệu reach” nhưng trang cá nhân thì “chìm nổi” 


Là người “lặng thầm” đứng sau hàng loạt content viral trên các nền tảng mạng xã hội, nhân sự creator tại nhiều công ty, agency lại phải ngậm ngùi chịu cảnh “flop” khi tự mình đăng bài ở trang cá nhân. Anh Nguyễn Anh Khoa - Social & PR Executive chia sẻ: “Mình có cơ hội sản xuất nội dung cho các thương hiệu về thời trang, làm đẹp,... trên các nền tảng mạng xã hội với hơn 100.000 followers (người theo dõi). Trộm vía là các nội dung mình sản xuất đều đạt tương tác tốt và tiếp cận được đến nhiều người. Còn tài khoản cá nhân của mình thì tiếc là không được viral như thế.


Mình cảm thấy buồn cười, vì mình đánh giá bản thân là một người khá ‘mặn’, có khả năng sáng tạo nội dung trendy. Nhưng khi xây dựng kênh TikTok cá nhân, các video của mình lại không có nhiều view và follower như thế. Nó khiến mình đôi khi phải tự hoài nghi về khả năng sáng tạo hay sự ‘mặn mòi’ của bản thân.”


Những content creator “triệu reach” đôi khi cũng phải hoài nghi bản thân vì đăng bài trang cá nhân "lèo tèo" vài like


Còn với anh Văn Cường - Content Writer Executive: “Mình đang quản lý 5 kênh TikTok của công ty, mỗi kênh có từ 150.000 - 250.000 follow. Trung bình mỗi tháng, số lượng view sẽ từ 40 - 100 triệu mỗi kênh, và mỗi tuần sẽ có ít nhất 5 clip triệu view. Thế nhưng, kênh TikTok cá nhân của mình thì clip gần nhất được 100 view. Có thể khi đặt lên so sánh thì nhiều người sẽ thấy nực cười, nhưng bản thân mình lại cảm thấy bình thường. Bởi lẽ, những content mình đăng lên kênh cá nhân chủ yếu là để lưu giữ kỉ niệm và giải trí, chứ không khao khát và mong chờ nó sẽ đạt được một lượng view khủng.”


Anh Văn Cường cho biết, bản thân cũng không dành nhiều thời gian, tâm huyết để xây dựng content cho kênh cá nhân, vì phần lớn thời gian và chất xám đã được dành ra để phát triển nội dung cho công ty. “Làm nội dung cho công ty thì kiếm được thu nhập. Đó là động lực để mình sáng tạo nhiều hơn cho công việc.”


“Chăm” được kênh công ty đạt triệu view hàng tháng, nhưng không phải lúc nào các nhân sự cũng có thời gian để tăng tương tác cho trang cá nhân. Chị Thúy Vy, hiện đang quản lý các fanpage lớn cung cấp nội dung về thông tin và kỹ năng, chia sẻ rằng: “Mình nghĩ ai cũng muốn có được lượng tương tác cao qua các content, nhưng nhiều khi đời không như mơ. Thoạt đầu mình cũng buồn nhẹ, nhưng riết rồi quen. Thú thật, nhiều nhân sự creator mong muốn xây dựng thương hiệu cá nhân, tuy nhiên mọi thứ khó có thể chu toàn. Với những người làm nghề ‘chăm lo cộng đồng’ như dân content tụi mình thì việc trang cá nhân có ‘hot’ hay không, quả thật rơi vào hai từ hên xui. Chăm page công ty xong đôi lúc cũng quên cả chăm page của mình”.


Nhiều nhân sự creator ngậm ngùi chịu cảnh tương tác cá nhân thấp vì “lo chăm page công ty, đôi khi quên cả chăm page của mình”


Nội dung cá nhân “flop” vì nhân sự thiếu thời gian đầu tư


Việc nhân sự creator sáng đi làm thì tạo content “triệu reach”, tối về đăng bài trên trang cá nhân chỉ lèo tèo vài like được cho là chuyện thường gặp trong nghề content. Anh Nguyễn Anh Khoa chia sẻ: Với mình, bí quyết để làm ra những content viral là nội dung phải thú vị, độc đáo và khơi gợi được sự thích thú của người đọc. Mình thường khảo sát những người xung quanh để xem nội dung mình sản xuất có hay không, thu hút không. Mình cũng áp dụng lý thuyết này vào việc xây dựng nội dung cá nhân, nhưng có vẻ như nó không ‘hot’ được. 


Thực chất, sự đối lập này cũng dễ hiểu. Vì khi mình xây dựng nội dung cho các nhãn hàng, họ đều có mục tiêu và các định hướng rõ ràng, cụ thể. Còn trong trường hợp xây dựng nội dung cá nhân, mình sẽ dễ bị lười, đôi khi cũng ngại thể hiện bản thân vì sợ thế này, thế kia.”


Bên cạnh đó, cũng có những nguyên do khác khiến cho việc sản xuất nội dung cá nhân của các nhân sự content khó đạt “triệu view” hơn khi làm việc với nhãn hàng. Chị Minh Anh - Brand Manager cho biết, bản thân cũng cảm thấy buồn khi mặc dù làm branding cho công ty tốt, nhưng đến lúc làm nội dung cho mình thì lại không đạt được kết quả như vậy: “Với chiến thuật ‘biết người biết ta trăm trận trăm thắng’, trong tất cả các sản phẩm content viral của mình, mình đều hiểu được khách hàng của mình là ai, mình cần nói gì với họ, tạo hành vi hay thái độ ra sao… vì đó là những yếu tố có thể tính toán dựa trên báo cáo số liệu. Nhưng kênh cá nhân thì khác, vấn đề không nằm ở việc tạo ra nội dung phù hợp nhu cầu của khách hàng, mà là bản thân mong muốn trao đi giá trị gì.


Khi làm nội dung cho bản thân thì mình không có tính kỷ luật, nghĩ gì nói đó, lúc vui thì làm content một đằng, lúc buồn thì làm một nẻo, nên chắc chắn sẽ bị ‘flop’. Muốn content hiệu quả thì phải thể hiện một tính cách nhất quán, vui hoặc buồn, hài hước hoặc nghiêm túc, chứ không có ranh giới ở giữa. Bên cạnh đó, kênh cá nhân cũng cần sự đồng bộ xuyên suốt về cả hình thể, màu sắc video… Các thương hiệu luôn có phong cách riêng, còn mình tự xây kênh thì đôi khi ‘lộn xộn’. Đó là lí do khiến trang cá nhân thường khó ‘viral’.”


Theo chị Minh Anh, để nội dung cá nhân cũng được "viral", các nhân sự cần đầu tư xây dựng một phong cách nhất quán cho trang cá nhân


Với những kinh nghiệm làm nội dung TikTok tích lũy được từ công việc, anh Văn Cường chia sẻ, bản thân vẫn biết cách để tạo ra một nội dung cá nhân có thể lên xu hướng, tăng sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu muốn làm vậy thì các nhân sự sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian để có một sản phẩm chỉn chu, tạo được sự khác biệt. “Các content creator triệu view trên TikTok đều là những người đã dồn hết tâm huyết cho nền tảng này. Họ không làm một công việc nào khác ngoại trừ việc đầu tư thời gian, chất xám, tiền bạc để xây kênh. Chăm chỉ như vậy thì mới viral và đạt được số lượng view nhất định. Còn với những người vừa phải đi làm và phát triển kênh công ty, vừa muốn tạo kênh riêng thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều.”


“Hào quang” của Content Creator


Nhiều người cho rằng, nếu muốn tìm cách chu toàn cả việc phát triển nội dung cá nhân lẫn tăng trưởng nền tảng mạng xã hội cho công ty thì nhân sự phải biết quản lý thời gian vô cùng chặt chẽ. Theo anh Văn Cường: “Mình đang dồn hết tâm sức cho công việc nên chưa có thời gian để tạo dựng dấu ấn riêng trên TikTok, đành phải ‘gác lại’ mong muốn xây dựng thương hiệu cá nhân. Kênh của mình hiện tại chủ yếu là để vui vẻ thôi chứ mình không đặt nhiều tâm huyết. Cái mình đặt tâm huyết ở đây chính là các kênh social của công ty. Chỉ cần công việc ổn, nội dung đạt được triệu view và tăng trưởng mỗi ngày là mình đã cảm thấy tự hào với chính bản thân, sếp và đồng nghiệp rồi.”


“Làm nội dung cho công ty thì kiếm được thu nhập. Đó là động lực để mình sáng tạo nhiều hơn cho công việc” - anh Văn Cường cho biết


Với đặc thù của nghề Social Content, các nhân sự thường được ví như những nghệ nhân đứng sau sân khấu, hiếm khi được hưởng “tiếng thơm” từ những nội dung viral do chính mình tạo ra. Chị Thúy Vy chia sẻ: “Nếu ai yêu thích cống hiến thì việc ‘núp sau sân khấu’ cũng không thành vấn đề. Sự đón nhận của những người tiếp cận sản phẩm chính là ‘hào quang’ của công việc creator, khiến bao nhiêu mệt mỏi được xua tan, tự hào vì bản thân đã làm nên một điều gì đó. Chung quy lại, đó là tính chất nghề nghiệp, ta sẽ cân bằng và chấp nhận được khi sống chung với nó.”


Đối với chị Minh Anh, tuy các content creator đôi lúc chẳng may bị “ăn cắp” nội dung, nhưng đó cũng là một sự công nhận: “Mình cảm thấy ổn với việc đứng đằng sau những tác phẩm thành công đó. Mình là ‘biên kịch’, đâu nhất thiết phải làm ‘diễn viên’. Chỉ cần biết mình đã làm ra sản phẩm tốt nhất là được, dù nó ở trên kênh của thương hiệu hay kênh của mình thì cũng chỉ khác ở cách thể hiện thôi. Kể cả content có bị ‘bế’ đi đâu, thì nó vẫn là của mình, và mình vẫn cảm thấy tự hào vì content được nhiều người quan tâm.”


Nội dung: Phương Anh

Minh hoạ: Huy Mai